Top 10 Tản văn viết về gia đình hay nhất

Phương Kem 804 0 Báo lỗi

“Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc”, đó là câu nói hay về gia đình mà nhiều người từng ... xem thêm...

  1. Những ngày thơ ấu.
    Khi đôi chân bé xíu muốn đứng lên khám phá xung quanh, mẹ đứng từ xa cổ vũ con chập chững từng bước. Chậm chạp. Bổ nhào. Con òa khóc hu hu. Mẹ mỉm cười an ủi. Thế giới của con khi đó muôn hình vạn trạng, đa sắc màu nhưng chỉ gói gọn trong hơi ấm tình yêu của mẹ. Chiếc ô tô đồ chơi con phá rời rạc, từng mảnh lăn lóc khắp nhà. Mẹ lặng lẽ thu dọn khi con đã yên giấc. Bức tranh vụng về con vẽ có ba mẹ, có con và anh hai. Những hình người không rõ, cao lênh khênh như chiếc que trông ngộ nghĩnh, khôi hài. Mẹ tô màu cùng con. Con tô mái tóc màu xanh, đôi chân không đi giày. Mẹ nhìn con xoa đầu “Con mẹ vẽ đẹp quá”.


    Năm tháng trôi đi.
    Bé con hôm nào giờ là cậu nhóc lớp một, đường hoàng trong bộ quần xanh áo trắng. Trường tiểu học gần nhà, mẹ dắt con đi học. Thầy giáo với mái tóc bạc đứng ngay trước cửa lớp, nở nụ cười hiền lành đón chào con đến với một thế giới khác. Ở đó, không có ba mẹ. Ở đó, không có hũ bi ve và con robot chạy pin. Ở đó chỉ có sách vở, bút viết và những người bạn đồng trang lứa. Mẹ ơi, thằng Tom xóm bên cạnh học chung lớp với con. Mẹ ơi, cái Lan con bác Chu ngồi bàn phía trước con. Rồi con quen trường lớp, những buổi ra về chiếc áo thấm đẫm mồ hôi sau trò đuổi bắt. Bài kiểm tra điểm mười, con hí hửng khoe ba mẹ không quên vòi vĩnh đi công viên ăn kem, mua cuốn truyện tranh mới. Những hôm con buồn, mặt ỉu xìu trông đến tội nghiệp. Mẹ biết con điểm kém và an ủi động viên. Con bảo “Thằng Quang còi nhìn bài con mà nó điểm cao hơn đó mẹ” rồi tức tưởi trốn vào phòng, bỏ bữa cơm trưa có món trứng cuộn con thích. Anh hai bảo mẹ “Cứ để nó khóc, mẹ đừng vào. Con trai con đứa gì mà mít ướt như con gái”. Con im lặng. Những suy nghĩ non nớt, những mảnh ghép vô hình, con chẳng hiểu được điều gì ngoài nỗi buồn nhanh chóng qua mau.


    Rồi tuổi ô mai đến. Con ẩm ương, hay cáu gắt vì những điều nhỏ nhặt. Bố mẹ thi thoảng cãi nhau, bất đồng quan điểm. Con thu mình vào chiếc tai nghe Ipod, sống với cảm xúc vỡ òa bất chợt trong giai điệu ngọt ngào. Cô bạn thân cùng lớp, hôm nào cũng sang chơi nhà mình. Anh hai trêu ghẹo con, bảo mới tí tuổi đã yêu đương nhăng nhít. Con không buồn nói lại, đạp xe tới lớp học thêm. Năm thi chuyển cấp, đêm nào con cũng thức khuya ôn bài đến hai, ba giờ sáng. Mẹ không ngủ được, nằm trằn trọc trong màn rồi trở dậy nấu mì tôm. Bát mì nóng hổi, mùi hành phi thơm phức tiếp sức cho con trên từng trang vở. Cuối tháng, con xin mẹ tiền đóng học phí lớp ôn thi. Mấy tờ giấy bạc xanh xanh hằn lên mùi mồ hôi quen thuộc. Con vô tình nghe được khi mẹ nói với ba, năm ấy làm ăn thất bát, anh hai đi học xa nhà mỗi tháng tốn gần chục triệu. Con không nói năng gì. Từ hôm ấy, chỉ biết miệt mài ôn luyện.


    Giấy báo đậu đại học.
    Bác đưa thư đứng ngay trước cửa nhà. Bưu phẩm gửi cho con. Ba đọc tin mừng cười to sảng khoái “Thằng này thế mà khá”. Mẹ chợt khóc. Nước mắt lặng lẽ nhưng hạnh phúc khi đứa con út đậu trường đại học gần nhà. Con chọn thi sư phạm. Con nói với ba mẹ rằng nghề giáo là ước mơ từ hồi bé. Nhưng sự thật là con không muốn tốn thêm tiền của khiến ba mẹ trằn trọc nghĩ suy, lo lắng vì con thêm một lần nào nữa. Bốn năm ở giảng đường, con vừa học vừa đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Gia sư, phục vụ bàn, phát tờ rơi cho đến pha chế cà phê con đều từng trải. Cuộc đời con dần tách ra khỏi tầm nhìn và vòng tay âu yếm của ba mẹ. Những đêm muộn, con trở về nhà khi ba mẹ đã ngủ từ lâu. Một mình con với nỗi ấm ức, khó chịu từ sự độc đoán, ép người quá đáng của lão chủ nơi quán cà phê. Con thiếp đi trong chốc lát, không hay biết rằng bóng mẹ từ khe cửa nhìn vào. Sợi tóc bạc phất phơ, nét buồn bã trong đôi mắt khi nhìn tấm lưng quen thuộc của con trai đang ngủ.


    Tháng này chậm lương.
    Email cụt ngủn của sếp khiến toàn thể nhân viên lắc đầu chán nản, ca trực tối phút chốc trở nên nặng nề, mệt mỏi lạ thường. Bao nhiêu năm phấn đấu, con không đạt được địa vị như người ta. Một nhân viên văn phòng tầm thường sáng đi chiều về, ngày làm tám tiếng như một con robot mà chẳng tích lũy được đồng nào. Chiếc xe máy mua từ thời mới ra trường đến bây giờ đã tám năm, tuần trước con dắt ra tiệm thay nhớt. Ông thợ sửa xe bảo nên mua xe mới, con Sirius này hư hại nặng lắm rồi, cố sửa cũng chỉ cầm cự được mấy bữa. Con gật đầu cười trừ. Bạn bè ai cũng lập gia đình, làm ông này bà kia. Thằng Tom học chung tiểu học giờ là giám đốc công ty xuất nhập khẩu bánh kẹo có tiếng ở Đà Nẵng. Những bữa cơm hàng cháo chợ, con đã quen từ rất lâu. Bát canh nhạt thếch, nổi bọt dầu mỡ không được như món canh cá mẹ vẫn nấu hồi ấy. Đậm đà, thanh vị măng chua và ngọt bùi của cá béo.


    Mùa đông, gió bấc thổi vù qua trước mái hiên phòng trọ. Con đặt vé tàu hoả về thăm nhà. Mẹ đứng chờ ở ngõ, đôi vai gầy guộc rung lên trong niềm hạnh phúc đoàn viên. Con nhìn mẹ hồi lâu, lòng mơ hồ nghĩ suy về những ngày thơ bé. Bao nhiêu nếp nhăn trên gương mặt của mẹ là bấy nhiêu âu lo suốt những năm tháng con xa nhà lập nghiệp. Con thương mẹ vô chừng. Mẹ hỏi chuyện làm ăn, con kể hết nỗi lòng. Gã đàn ông trước mặt mẹ vẫn là thằng bé con năm nào, ngốc nghếch và đáng thương. Mẹ ôm con, tựa đầu vào vai mẹ, nơi hơi ấm vẫn vẹn nguyên qua bao nhiêu năm tháng nhọc nhằn, bao nhiêu giông tố thời cuộc. Mẹ xoa đầu rồi bảo con không sao. Đời người mây trôi nước chảy, hư vinh lợi danh phút chốc cũng cuốn theo thời gian vô tình. Quan trọng là làm người không thẹn với trời đất, với lòng mình. Cuộc đời luôn công bằng, không lấy hết của ai cũng chẳng cho không ai thứ gì. Luôn tâm niệm nỗ lực và cố gắng hết mình, vậy là được con nhé.


    Mẹ xoa đầu con, mái tóc rối bám đầy bụi đường. Và, ô kìa, dưới góc tủ, con robot chạy pin ngày xưa lặng lẽ nằm đó.


    Tác giả: Kì Phong

    Ở bên mẹ bão giông hóa nắng vàng
    Ở bên mẹ bão giông hóa nắng vàng
    Ở bên mẹ bão giông hóa nắng vàng
    Ở bên mẹ bão giông hóa nắng vàng

  2. "Nhắn ai dù có đi xa
    Đồng quê khói bếp vườn nhà đừng quên"


    Làm sao tôi có thể quên nơi chôn rau cắt rốn, làm sao tôi có thể quên đồng bãi quê mình lúa hát lao xao. Nơi mỗi buổi mẹ nhóm bếp thả khói lam chiều nghi ngút. Càng nhớ khôn nguôi những bữa cơm gia đình ấm áp có bố mẹ và sáu chị em đông đủ quây quần. Dù bữa cơm ngày ấy đơn sơ lắm, chỉ tương cà dưa muối, nắm rau, quả bầu quả mướp hái trong vườn nhưng vẫn tròn vị thơm ngon. Để đến tận bây giờ tôi vẫn thương vẫn nhớ !


    Hồi đó, nhà tôi còn ở ngôi nhà lá, tuy chật chội những lúc nào cũng ưu tiên bữa ăn ở gian trang trọng nhất trong nhà. Chiếc mâm nhôm cũ là thứ cả nhà đều trân quý vì đó là tài sản duy nhất ông bà nội tặng bố mẹ khi bố mẹ ra ở riêng. Ngày xưa chẳng có đồng hồ nên giờ nấu cơm và giờ ăn cơm đều canh theo bóng nắng. Cứ bóng nắng hắt gần thẳng với mái nhà là đến giờ ăn. Đứa lớn nhấc nồi cơm, đứa bê nồi canh, đứa múc ít tương mẹ ngả vàng trong chĩnh, dưa nén đầy vại mẹ đặt ở đầu hè, chỉ việc chạy ra bốc vào là đầy đủ một mâm cơm thịnh soạn.


    Nhà tuy khó khăn nhưng rất nề nếp, bữa nào cũng phải đông đủ cả nhà mới bắt đầu ăn, nếu bố hoặc mẹ đi chợ xa không về kịp sẽ được cất một phần để riêng. Bố luôn dạy chúng tôi phải ăn trông nồi ngồi trông hướng, bố dạy chúng tôi biết" học ăn, học nói, học gói, học mở". Bữa ăn gia đình không chỉ là nơi nạp năng lượng mà còn trở thành nơi truyền nhận những bài học giáo dục sâu sắc về đạo đức lối sống, là cách đối nhân xử thế, trở thành nét văn hóa không thể thiếu của gia đình.


    Tôi nhớ như in những buổi trưa vàng tơ nắng mật, mẹ đi chợ mua được ít thịt xóc với đậu phụ, mùi hành mỡ thơm phức bay lên ,chưa đến bữa mà chúng tôi cứ đi ra đi vào canh cửa bếp để hít hà mùi thơm ấy. Đến bữa, mẹ gắp thức ăn cho bố và chia cho chị em tôi nhưng chẳng gắp cho mình. Bố lại gắp phần của bố qua bát cơm của mẹ. Chị em tôi cũng thi nhau gắp cho bố mẹ. Cả nhà cùng ăn tràn ngập tiếng cười thật ấm áp và thân thương.


    Có hôm dưa cà quá bữa bị chua quá độ, mẹ cho lên bếp xào với mỡ lợn. Miếng cà se xém lại ngả màu tối thẫm. Mẹ nói hôm nay nhà mình ăn thịt bò khô. Mấy đứa em tôi vỗ tay cười tít mắt. Niềm vui nhỏ nhoi đơn sơ là thế, mà sao nửa cuộc đời tôi chẳng thể tìm thấy ở nơi đâu?


    Lâu lâu nhà có bạn đồng ngũ của bố đến chơi, Bố mời ở lại dùng bữa với gia đình. Mẹ khéo léo dọn thành hai mâm, mâm khách ngồi trên giường, mẹ và chúng tôi ăn dưới bếp. Cỗ đãi khách chỉ hơn đĩa trứng gà ốp, một đĩa lạc rang và rổ rau sống nhỏ. Hai đứa em tôi cứ muốn chèo lên đòi ngồi cùng bố. Mẹ phải nịnh nọt dỗ dành mãi mới thôi. Bố tôi thường quen với việc "nhịn miệng tiếp khách". Bởi thế mà mỗi lần dọn mâm, hình như bố chỉ dám ăn chút rau dưa. Thức ăn vẫn còn đó bố vẫn để dành để khi xong bữa các con của bố có miếng ngon miếng ngọt.


    Có lần đến giờ cơm tối nhưng bố mẹ còn đang dở dang công việc. Mấy chị em tôi xúm xít ngồi vòng tròn quanh mâm so đũa trước đợi bố mẹ. Chị cả kéo mấy đứa lại khẽ dặn dò: "Mấy đứa ăn ít thôi, để dành cơm cho bố mẹ ăn mai còn có sức đi làm, nhà mình mai hết gạo rồi". Bố vô tình nghe được nhắc chị không được nói các em như thế kẻo phải tội. "Càng bé càng phải ăn nhiều cho mau lớn". Bố đã nói rồi, vậy mà bữa đó mấy chị em mỗi người chỉ ăn đúng một lưng, bố mẹ bắt ăn thêm đều bảo no rồi. Chẳng biết có phải bụi gió bay vào không mà sao tôi thấy mắt mẹ nhạt nhoà hoe đỏ. Đêm ấy ,bố cùng cái điếu cày thao thức suốt canh thâu...


    Bây giờ cuộc sống đã tốt hơn, cả gia đình mình chẳng còn phải lo bữa no bữa đói. Nhưng nếp xưa nhà cũ con vẫn tạc dạ ghi lòng. Luôn trân trọng nâng niu từng khoảnh khắc xum họp của gia đình nhỏ. Con biết được rằng hạnh phúc chẳng cần kiếm tìm ở đâu xa bữa cơm gia đình chính là niềm hạnh phúc. Con đã hiểu những bữa cơm đơn sơ ngày ấy sao lại ngon và đậm đà đến vậy. Vì nó được nấu bằng sự quan tâm đến mỗi thành viên trong cả gia đình, và hơn tất cả nó được nêm bằng gia vị của yêu thương.


    Lê Thị Ngọc Lan

    Bữa cơm hạnh phúc gia đình
    Bữa cơm hạnh phúc gia đình
    Bữa cơm hạnh phúc gia đình
    Bữa cơm hạnh phúc gia đình
  3. Cho đến bây giờ tôi mới ngẫm ra, thời gian chỉ có thể khiến tôi trở thành một người lớn sống cùng với thế giới to lớn ngoài kia nhưng trong vòng tay của bố mẹ thì tôi vẫn mãi là một đứa trẻ con.


    Bố mẹ chúng ta khổ như thế nào?


    “Mẹ ơi, hai hôm nữa là đến hạn nộp học phí của con rồi ạ.”

    “Ừ… ừ mẹ biết rồi, đợi mẹ đi hỏi thêm vài người nữa.”


    Vài câu hội thoại trong cuộc điện thoại với mẹ mà hầu như tháng nào tôi cũng nghe thấy, nó chỉ đơn giản là câu nói nhẹ nhàng nhưng lại đau đến thắt lòng. Tôi từng nghĩ cuộc sống này rất dễ dàng cho đến khi biết được bố mẹ phải làm tăng ca mới có đủ tiền để đóng học phí cho tôi.


    Ngày trước tôi luôn không hiểu bố mẹ vì sao một ngày làm việc nhiều đến thế nhưng khi về đến nhà thấy con cái là có thể mỉm cười. Vì đối với họ, tôi chính là nguồn năng lượng giúp họ có thể lấy lại tinh thần. Dù trong công việc bố mẹ có bất cứ khó khăn nào họ cũng không muốn truyền những năng lượng tiêu cực cho tôi. Đi học xa nhà rồi mới biết cho dù ở nhà bố mẹ ăn cơm canh đạm bạc, chi tiêu không đủ nhưng khi họ chưa bao giờ để tôi phải chịu thiệt. Mùa đông dù có lạnh đến mấy bố mẹ cũng chỉ mặc quanh đi quẩn lại vài ba bộ quần áo nhưng lại mua cho tôi rất nhiều đồ ấm vì sợ tôi phải chịu lạnh.


    Hiện tại mỗi lần gọi điện thoại khi nghe bố mẹ hỏi: “Thế bao giờ mới con mới về nhà được?” Tôi mới chợt nhận ra bố mẹ đã già rồi bây giờ điều họ mong muốn chính là đợi chúng ta về nhà mà thôi. Ngày bé ai cũng đều muốn nhanh chóng trưởng thành để có thể đi khắp nơi nhưng khi lớn lên rồi chúng ta mới biết nhà chính là nơi bình yên nhất.


    Đến một ngày nào đó, bố mẹ không thể cầm tay dẫn bạn đi nơi bạn muốn, ở bên cạnh bạn khi bạn buồn. Điều họ có thể làm chính là âm thầm đứng sau cổ vũ cho bạn, cho dù xã hội ngoài kia có đối xử hà khắc với bạn như thế nào thì bố mẹ vẫn không thay đổi thái độ với chúng ta. Hãy yêu thương và chia sẻ với họ - người không bao giờ bỏ rơi bạn.


    Có thể vì một vài lý do mà bạn ngại thể hiện tình cảm với bố mẹ thế nhưng sẽ thế nào nếu đến một ngày bạn không còn cơ hội để làm việc đó nữa. Với một số người cuộc sống của họ là những chuỗi ngày chìm đắm vào công việc vào các mối quan hệ bên ngoài. Cho đến một ngày, khi bố mẹ không còn trên đời này nữa họ mới bắt đầu hối hận vì sao mình không quan tâm bố mẹ sớm hơn. Nhưng hiện tại mới hối hận thì còn có ý nghĩa gì nữa không? Tiền bạc, danh vọng hay bất cứ thứ gì cũng không thể quý hơn tình cảm cao quý của gia đình. Cho nên dù là học tập hay công việc hiện tại của bạn có bận đến như thế nào cũng đừng quên dành thời gian ở bên cạnh bố mẹ, đừng để sau này khi không còn cơ hội ở cạnh họ nữa bạn mới bắt đầu hối hận thì lúc đó đã quá muộn rồi.


    Cuộc sống dù có khắc nghiệt đến mấy bố mẹ bạn còn trụ được thì bạn lấy lý do gì để không cố gắng đây?


    *Nếu mệt mỏi quá thì về nhà với bố mẹ con nhé!


    Cho đến bây giờ tôi mới ngẫm ra, thời gian chỉ có thể khiến tôi trở thành một người lớn sống cùng với thế giới to lớn ngoài kia nhưng trong vòng tay của bố mẹ thì tôi vẫn mãi là một đứa trẻ con.


    Hôm ấy đi làm về vừa mở điện thoại ra liền thấy hơn 10 cuộc gọi nhỡ của mẹ. Mặc dù đang rất buồn nhưng tôi cố lấy lại cảm xúc gọi cho mẹ.


    “Alo mẹ à, công việc của con có chút trục trặc thôi, không sao cả”

    “Ừ, làm gì thì làm nhớ phải giữ gìn sức khỏe nghe không?”

    “Con biết rồi mà.”

    “Nếu mệt mỏi quá thì về nhà với bố mẹ con nhé!”


    Tôi cố kìm nén nước mắt cho đến khi đầu dây bên kia ngắt máy tôi như vỡ òa, vốn chỉ định gọi một cuộc điện thoại để mẹ yên tâm hơn. Vậy mà chỉ nghe giọng mẹ an ủi thôi tôi không thể kìm nổi sự xúc động. Những lúc ở nhà mỗi ngày đều ăn cơm đầy đủ ba buổi chỉ có vài món rau dưa thịt cá, lúc đó cho rằng ăn ở nơi đâu thì cũng vậy thôi. Nhưng khi xuống Hà Nội đi học tôi ăn cơm ở rất nhiều hàng quán khác nhau nhưng không sao tìm được hương vị như bữa cơm mẹ nấu.


    Nếu không sống xa nhà thì làm sao hiểu được hương vị đặc biệt của bữa cơm gia đình. Nếu không sống xa nhà thì làm sao có được sự trưởng thành. Nếu không xa nhà thì làm sao biết được thế giới này rộng lớn đến thế. Chỉ khi trưởng thành rồi chúng ta mới hiểu giá trị của ngày Tết đó chính là khoảng thời gian để bạn dành thời gian ở bên cạnh gia đình nhiều hơn.


    Bố mẹ chưa từng thể hiện ở bên ngoài rằng họ yêu chúng ta như thế nào bởi tình yêu thương họ dành cho con cái chính là sự âm thầm. Âm thầm dành cả một cuộc đời vất vả cho con cái, âm thầm vui mừng khi con trưởng thành, âm thầm chịu đựng những khó khăn mà không lấy một câu than vãn.


    Xã hội ngoài kia có thể chỉ quan tâm đến vị trí đứng của bạn, họ có thể sẵn sàng quay lưng với bạn vì lợi ích của bản thân. Nhưng cho dù có bất cứ chuyện gì đi chăng nữa bố mẹ vẫn luôn ở bên cạnh bạn, dù bạn có thành công hay thất bại thì nhà vẫn luôn ở đó. Chỉ có tình yêu thương từ gia đình mới mang đến cho con người cảm giác an toàn.


    Hy vọng rằng sau khi đọc xong bài viết này bạn có thể về nhà và nói lời yêu thương với bố mẹ mình.


    Tác giả: Dương Hạnh

    Bố mẹ chúng ta khổ như thế nào?
    Bố mẹ chúng ta khổ như thế nào?
    Bố mẹ chúng ta khổ như thế nào?
    Bố mẹ chúng ta khổ như thế nào?
  4. Đối với mẹ tôi, Tết đồng nghĩa với những lo toan bất tận, chuẩn bị tất bật những món ăn cho cả nhà. Những ngày giáp Tết, mẹ tôi đi về như con thoi, tranh thủ đi mua sắm ngoài giờ đi làm hay vào Chủ nhật. Những khoản tiền dành dụm cả năm cho cái Tết của một gia đình có tám người được mẹ dốc ra tiêu dùng hết cho mấy ngày Tết. Tôi làm sao có thể quên được dáng mẹ đi tất tả đạp chiếc xe đạp cũ kỹ, với chiếc nón lá sờn rách bị gió thổi ra phía sau trên đầu mẹ tôi, trên xe chở đầy các loại hàng Tết mẹ mua về từ chợ Chuối.


    Có hôm mẹ tôi phải đi chợ đến hai ba lần mới mua đồ xong nhưng mẹ vẫn không quản ngại, cố đạp xe đi về nhiều lần để mua cho đủ. Một cái Tết tuy chưa thật đủ đầy như những nhà người khác nhưng mẹ cố gắng chuẩn bị thật tươm tất trong khả năng tiền bạc của gia đình. Cũng có năm nhà tôi cũng tát ao lấy cá ăn Tết. Có nhiều năm nhà tôi nhờ nhà cô ruột tôi gói và luộc bánh chưng luôn vì bố mẹ tôi đều bận đi làm đến tận chiều ngày 30 Tết. Chúng tôi cảm thấy thiếu vắng không khí chuẩn bị luộc bánh chưng, bận rộn nhưng lại vui trong những ngày giáp Tết mà chỉ hàng xóm mới có. Nào là, trải chiếu ra giữa sân, nào là rửa lá dong rừng và lá chuối, chẻ lạt buộc, làm khuôn lá dừa, vớt gạo nếp và đỗ xanh đã ngâm nước từ tối hôm trước để bánh chưng mau chín và dẻo ngon, chuẩn bị củi và nồi luộc bánh chưng, bố mẹ và con cái tíu tít gọi nhau, phân việc cho nhau làm, thật bận rộn. Chúng tôi đành sang hàng xóm để xem người ta làm để vui lây không khí nhộn nhịp đó.


    Nhà tôi có một cái chuồng gà khá to, bố tôi thuê người ta đóng bằng cây luồng trên rừng, nuôi khoảng 20 con, cả trống và mái để dành đến Tết để giết thịt. Có năm trước Tết, đàn gà nhà tôi do bị dịch khiến chết hết làm cho món thịt gà ưa thích của tôi không có trong thực đơn ngày Tết nữa. Tôi cảm thấy cái Tết đó chưa thật trọn vẹn chỉ vì không có món thịt gà khoái khẩu của tôi.


    Thời đó, gà nuôi chỉ để giết thịt khi có khách đến chơi nhà và giỗ, Tết mà thôi. Ngày thường, dù có thèm ăn cũng không có lý do gì để được ăn món thịt gà, vốn được xem là món để dành đãi khách thôi. Mỗi khi có khách hay họ hàng đến chơi, chúng tôi đều mừng thầm vì biết chắc sẽ được ăn món thịt gà mơ ước rồi.


    Có năm, gần Tết, bọn trộm chui vào chuồng bắt sạch đàn gà nhà tôi. Mẹ tôi tiếc ngẩn ngơ, ngồi lẩm bẩm chửi bọn ăn trộm không chừa lại một con nào để nhà mình ăn Tết, cướp công nuôi gà cả năm của mẹ. Thế là mẹ tôi phải ra chợ chỉ mua được vài con để cúng và ăn Tết. Chúng tôi xuýt xoa, căm giận bọn ăn trộm chỉ vì chúng đã cướp mất món ngon hằng mong chờ của trẻ con ngày Tết.


    Chỉ đến đêm Giao thừa thì mọi lo toan, mua sắm Tết của mẹ tôi mới hết. Cả chiều và tối 30, mẹ tôi lại lúi húi dọn dẹp bếp và nấu mấy món ăn cho cả nhà trong mấy ngày Tết. Gần đến Giao thừa, tôi thấy mẹ rất mệt mỏi vì phải làm quá nhiều việc nhưng mẹ tôi vẫn cố làm cho xong trước thềm năm mới.


    Rồi cũng đến một cái Tết, tôi không còn thấy dáng mẹ hối hả đạp xe ra chợ sắm Tết nữa, không còn thấy những giọt mồ hôi rịn trên trán mẹ mặc dù đang mùa đông vì mẹ phải gồng mình đạp vội xe đạp nặng trĩu hàng hóa, đi rồi lại quay về rồi đi tiếp, không còn thấy niềm vui trên khuôn mặt mẹ khi mẹ mua được món đồ giá rẻ hơn ở ngoài chợ, không còn thấy niềm hạnh phúc ánh lên trong mắt mẹ khi mẹ nhìn thấy mọi người quây quần bên mâm cỗ, ăn những món ngon do mẹ nấu. Đó là niềm vui thật bình dị của người vợ, người mẹ được chăm sóc, lo toan cho những người thân yêu của mình.


    Không ngờ rằng Tết năm trước đó là cái Tết cuối cùng chúng tôi còn bên mẹ, còn được ăn những món ăn ngon mẹ nấu mà dư vị bây giờ tôi vẫn còn nhớ, còn được nghe giọng mẹ hồ hởi kể chuyện vui buồn của cuộc sống mẹ nghe thấy ở ngoài chợ. Tất cả bây giờ chỉ còn là ký ức ngọt ngào, đầy ắp nhớ thương về mẹ thân yêu của tôi.


    Sưu tầm

    Những cái Tết của mẹ tôi
    Những cái Tết của mẹ tôi
    Những cái Tết của mẹ tôi
    Những cái Tết của mẹ tôi
  5. “ Chẳng cần được lớn lên trong nhung lụa, chỉ cần tuổi thơ của con được sống trong sự an ủi vỗ về của cả cha và mẹ”… Con đang được sống trong một gia đình hạnh phúc!


    Một buổi trưa hè đầu tháng 7 chợt nắng chợt mưa, bốn chị em tôi ngồi lại cùng nhau nói cười, kể vài mẩu chuyện vui và nhổ những sợi tóc sâu đã điểm bạc trên mái đầu của ba, của mẹ. Bỗng có một cô bán hàng rong đi qua mỉm cười rồi nhẹ nhàng nói: “Đây mới là một gia đình hạnh phúc!” Tôi nghe xong thấy lòng bâng khuâng đến lạ, chợt nghe những tiếng thì thầm trong lòng mình và thắc mắc về định nghĩa của sự bình yên, định nghĩa về một gia đình hạnh phúc.


    Gia đình hạnh phúc là gì? Làm như thế nào để chúng ta được sống trong một gia đình hạnh phúc? Đây quả thật là những câu hỏi mà chắc hẳn chúng ta ai cũng luôn trăn trở để có thể tìm ra câu trả lời xác đáng nhất. Nhưng bạn ạ, hành trình đó thật chẳng dễ dàng một chút nào cả. Bởi có người đã mất cả cuộc đời dài để mong mỏi kiếm tìm. Tuy nhiên, tình yêu thương ấy sẽ không khó để đạt được nếu như chúng ta có một trái tim chân thành, có đủ sự kiên nhẫn, tin tưởng để chờ đợi một cái kết thực sự viên mãn.


    Tình cảm gia đình luôn là sự cổ vũ mạnh mẽ nhất của mỗi người trong cuộc sống, ta vịn vào đó mỗi khi mỏi mệt để có thể đứng dậy mà bước tiếp.


    Tình cảm gia đình luôn là sự cổ vũ mạnh mẽ nhất của mỗi người trong cuộc sống, ta vịn vào đó mỗi khi mỏi mệt để có thể đứng dậy mà bước tiếp.


    Một gia đình hạnh phúc được hiểu là mỗi người đều được thoả mãn nhu cầu về vật chất, tinh thần và tình cảm. Mọi người đều thương yêu kính trọng lẫn nhau, có thể thoải mái cười đùa tâm sự dẫu cho bất cứ sự việc gì xảy ra trong cuộc sống. Mỗi một thành viên đều phải cố gắng rất nhiều để có thể vun đắp nên thứ tình cảm lớn lao, một sự gắn bó bền chặt thiêng liêng đến như thế.


    Một điều vô cùng quan trọng mà tôi tin rằng chính là kim chỉ nam để có được một gia đình hạnh phúc đó là tình cảm mà mọi người dành cho nhau. Tình cảm gia đình luôn là sự cổ vũ mạnh mẽ nhất của mỗi người trong cuộc sống, ta vịn vào đó mỗi khi mỏi mệt để có thể đứng dậy mà bước tiếp. Tình cảm ấy cũng chính là dòng suối nguồn mát lành len lỏi vào tâm hồn ta để khiến cho ta cảm thấy cuộc đời này đáng sống hơn, ta có thêm nhiều động lực để làm việc tốt và giúp ích cho cộng đồng. Khi một người hạnh phúc thì họ chắc chắn sẽ lan tỏa niềm hạnh phúc ấy đến với mọi người xung quanh.


    Để có thể giữ vững được ngọn lửa của tình yêu ấy chúng ta cần dành cho nhau đủ sự tin tưởng và tôn trọng để yên tâm vững bước trên mọi cung đường của cuộc sống lắm những phức tạp xô bồ. Chúng ta cần phải có trách nhiệm với nhau trong mọi trường hợp, cần tự ý thức được vai trò của mình quan trọng như thế nào trong hạt nhân gia đình để từ đó biết được điều gì là nên làm, điều gì là không nên làm để gia đình luôn được yên ấm.


    Dành thời gian trò chuyện sẻ chia những vấn đề trong cuộc sống là điều quan trọng để chúng ta hiểu nhau hơn. Từ đó, biết được đâu là khó khăn khúc mắc cần được giải quyết, đâu là niềm vui để có thể nói cười hoan hỉ. Nếu ta chú tâm hơn làm điều đó mỗi ngày thì chắc chắn rằng, không khí trong gia đình lúc nào cũng được thanh lọc để trở nên tươi tắn. Và mọi người được sống trong bầu không khí thoải mái ấy sẽ hạnh phúc thật nhiều. Đừng để sự vô tâm dù là nhỏ thôi, có cơ hội xuất hiện trong cuộc sống của chúng mình.

    Đặt mình vào vị trí của người khác cũng là một điều hết sức cần thiết để chúng ta có thể giữ vững được tình cảm chân thành mọi người dành cho nhau. Mỗi khi định làm gì hay nói gì, ta nên nghĩ đến cảm xúc của người ấy, xem rằng khi đó họ có tổn thương không. Họ có khó chịu hay không rồi từ đó ta điều chỉnh cho phù hợp để có thể giữ được sự hài hòa trong không khí gia đình. Sự ích kỉ hẹp hòi cá nhân sẽ giết chết lòng tự trọng của người khác, đưa họ đến sự ức chế và không còn muốn vun đắp thêm bất cứ một điều gì nữa. Đừng để một con sâu làm rầu nồi canh!


    Gia đình luôn là nơi bình yên nhất mà ta có thể quay về. Là bến bờ bình an luôn ôm ấp đôi chân ròng rã của ta trên đường đời, là chỗ dựa vững chắc nhất của ta mỗi khi yếu lòng. Bởi thế cho nên, hãy cố gắng thận trọng trong mọi tình huống để khiến cho gia đình luôn được hạnh phúc, dẫu ta khó có thể kiểm soát được hết những sự việc ngoài ý muốn. Việc lớn coi như việc nhỏ, việc nhỏ coi như không có, đó là điều mà mọi người nên biết để có thể khiến cho gia đình là nơi an toàn nhất trong mọi guồng quay của cuộc đời.


    Tôi rất thích câu nói của tác giả Phạm Lữ Ân trong cuốn sách nổi tiếng “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” và xin phép được trích ra để thay cho lời kết: “Sự bình yên là thứ phải được thiết lập và vì thế, có thể tái thiết lập… Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự yêu thương nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, bằng một cái nắm tay thấu hiểu, hay có thể bằng một giọt nước mắt. Dù thế nào, cũng không phải bằng sự buông xuôi. Để kéo những trái tim về gần với nhau. Để biến “nhà” thành một nơi ta phải luyến tiếc khi rời xa và luôn mong mỏi quay về.”


    Phương Hoa

    Định nghĩa về một gia đình hạnh phúc
    Định nghĩa về một gia đình hạnh phúc
    Định nghĩa về một gia đình hạnh phúc
    Định nghĩa về một gia đình hạnh phúc
  6. Thật nghịch lý nhỉ, khi còn bé ta lại muốn làm người lớn, thấy người lớn chỉ đi làm, rồi về nhà, không phải đi học, không phải học bài, thích nghỉ thì nghỉ, muốn mua gì thì mua.


    Ôi! sao làm người lớn sướng thế. Thời gian luôn chờ đợi bạn, chúng ta cũng sẽ làm người lớn, xách ba lô lên và đi, từ giã gia đình, quê hương, từ giã cái nơi có lưu dấu chân của tuổi thơ và chúng ta vĩnh biệt cái tôi khi còn là "người bé" để bắt đầu hành trình "làm người lớn" mà chúng ta mơ ước.


    Phố thị nhộn nhịp xa hoa, nhiều mối quan hệ được kết nối, một cuộc sống mới được mở ra, chúng ta cứ lao vào mà quên mất sự ngóng chờ của ba mẹ, những cuộc gọi về nhà thưa dần trong khi đó, ngày nào chúng ta cũng có thể gọi để tám với người yêu hàng giờ. Những kỳ nghỉ lễ, cuối tuần, bạn có thể vi vu khám phá mọi ngỏ ngách của trái đất này, vui vẻ hạnh phúc bên tình yêu bạn bè, có khi nào trong đầu các bạn thoáng nghĩ, ngày lễ về ăn bữa cơm cùng ba má hay lon ton theo quý phụ huynh đi ra vườn chăng. Đến một ngày khi mỏi gối chùn chân, đồng tiền chi phối tất cả, mọi thứ muốn có được phải có điều kiện kể cả tình yêu, công việc thì không như ý muốn. Bạn lại thèm cuộc sống ở quê hương, thèm mình là "người bé". Nhưng chắc rằng ai cam đảm quay lại quê hương khi nơi đó không có công việc, lúc ấy bạn sẽ nghĩ, khi về nhà, ba má sẽ nói: cho ăn học sài gòn mấy năm rồi lại xách túi về nhà.


    Ra đường Cô chú hàng xóm hỏi: dạo này con làm gì? không làm nữa sao lại về nhà? câu hỏi đó như sát muối vào nỗi buồn, bảo con thất nghiệp, mọi người lại cười bạn, cười gia đình mình, bạn lo nghĩ, bạn sợ mọi thứ...bạn cố gắng chống chọi với thời gian cố tạo vỏ bọc nhem nhuốc cho mình.


    Hãy về nhà khi còn có thể bạn ạ, thời gian sẽ làm người ta dần quên những chuyện nhỏ nhặt đó. Thà về quê hương phụ giúp gia đình bạn còn thấy mình vẫn có chút giá trị bạn ạ.


    Hãy về thăm nhà khi bạn biết rằng, thời gian không chờ đợi ông bà, ba mẹ chúng ta. Bạn thử nghĩ xem, một năm chúng ta về thăm gia đình được hai lần đi, vậy mười năm nữa chúng ta sẽ gặp được mọi người mấy lần. Bạn đổ lỗi cho đường xa, nhưng bạn vẫn với lũ bạn đi mấy trăm cây để đặt chân đến cái biển xanh cát trắng ấy, bạn đổ lỗi cho tiền bạc eo hẹp, thế nhưng bạn vẫn bỏ ra cả triệu để mua cho được cái váy yêu thích hay trả tiền chầu nhậu với bạn bè gần nửa tháng lương. Bạn đổ lỗi cho công việc bận rộn, nhưng công việc có thể sắp xếp mà.


    Hãy về nhà khi còn có thể bạn ạ, đừng để sau này mình sống trong sự nuối tiếc, hãy về nhà vì nơi đó có kí ức khi bạn chưa là người lớn, có những người cho bạn không điều kiện mà ở xã hội khác có điều kiện bạn mới có được.


    Chanh Muối

    Hãy về nhà khi còn có thể
    Hãy về nhà khi còn có thể
    Hãy về nhà khi còn có thể
    Hãy về nhà khi còn có thể
  7. Giá trị đích thực cuộc sống là gì ?


    Có đôi khi ta lúng túng trước câu hỏi đại loại có nội dung như vậy. Ta tự trả lời (giá trị đích thưc cuộc sống là gia đình chứ là gì nữa)...


    Từ xa xưa vượn người đã tổ chức thành bầy đàn, có hình thức như một gia đình từng thành viên tự giác săn bắt hái lượm kiếm ăn bảo đảm sự tồn tại của quần cư, dần dần hình thành những nhóm nhỏ cùng nhau kiếm ăn, cùng sinh hoạt lâu dần vuon người có ý thức hơn...đó là nguồn gốc của việc ra đời những gia đình.


    Ngày nay xã hội đã phát triển gấp ngàn vạn lần có thể nói tỷ lần...Nhưng gia đình vẫn có hình thức như vậy. Mỗi người đều xem gia đình là mái ấm chở che trong những lúc vui buồn. Nếu có ai đó muốn đổi cho tôi một gia đình đầy đủ bố mẹ giàu có về vật chất, tôi vẫn cứ chọn gia đình nghèo thân thuộc của tôi mà thôi. Gia đình là điều không gì thay thế được. Tôi thầm thương những người vô gia cư họ không biết nương tựa vào đâu kể cả vật chất và tinh thần.


    Sự thịnh vượng của một gia đình không phải chỉ có tiền bạc, mà nó chỉ được xây dựng trên những mối quan hệ mật thiết của các thành viên trong một gia đình và các mối quan hệ tốt trong gia đình lan tỏa ra ngoài xã hội làm cho xa hội ngày càng tốt đẹp. Gia đình giáo dục con cái có sức khỏe tốt và nhận thức đúng đắn về nhận thức xã hội, ứng xử có văn hóa đó là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Những sự vô cảm lạnh nhạt, mặt trái của con người trong gia đình đều phản ánh rộng rải ra ngoài xã hội. Và sự yêu thương sẻ chia của mọi người với nhau ngoài xã hội cũng xuất phát từ trong mỗi gia đình mà ra. Gia đình và xã hội quan hệ rất biện chứng.


    Xã hội phát triển con người mệt nhoài lăn lóc cực khổ theo khối lượng công việc mà xã hội phân công, đôi lúc mông lung mơ hồi và tự hỏi ta đang sống vì cái gì (?). Riêng tôi đang sống vì một gia đình, một tế bào nhỏ trong xã hội vô cùng rộng lớn này, có rất nhiều gia đình, đủ các kích cở lớn nhỏ, giàu sang và nghèo hèn... Mỗi gia đình ai nấy đều đang cố tiến liên cho kịp với phát triển xã hội và gia đình tôi không ngoài quy luật phát triển ấy.


    Tôi chỉ mong muốn các con hiền ngoan, có lòng trắc ẩn vị tha, lớn lên kiếm được nhiều tiền cũng được ít tiền cũng chẳng sao, nhưng nhất thiết phải có một nhân cách tốt, trái tim đôn hậu sống tự tôn tự trọng và ứng xử linh hoạt trong xã hội.


    Nhà nước đã có quyết định công nhận ngày 28 tháng 8 hằng năm là ngày gia đình nhằm tôn vinh giá trị gia đình trong xã hội ngày nay. Tôi không có ý định sẽ tổ chức hội hè linh đình mâm cao cổ đầy sơn hào hải vị để thiết đãi vợ con tôi trong ngày này, tôi chỉ muốn trong ngày kỷ niệm mỗi thành viên gia đình có dịp nghĩ đến nhau.


    Gia đình tôi lúc tôi chưa lấy vợ gồm có mẹ và hai em gái với tôi, có bốn người. Đó là gia đình nhỏ sống chung một mái nhà. Nhưng lúc đó tôi có các cậu các dì bên mẹ tôi và các o các chú các bác bên nội. Có bà nội ... có ông ngoại. Vì bà ngoại tôi mất sớm mẹ tôi mồ côi mẹ từ nhỏ. Ba tôi cũng vậy ông nội hy sinh vì chiến tranh nên bà nội đi thêm bước nữa. Ba tôi về ở với bà cô và chịu cảnh mồ côi. Ba mẹ lấy nhau như duyên trời định cũng cảnh đời côi cút thiếu cha vắng mẹ, về với nhau có ba đứa con mà rất ít khi ở bên nhau vì bận đường công tác, mẹ tôi lặng lẽ nuôi con, giúp chồng yên tâm công tác cống hiến cho xã hội. Cha tôi làm cán bộ liêm khiết nhận rất nhiều bằng khen giấy khen chứ chẳng đỡ đần về vật chất gì cho mẹ, gia đình là gánh nặng trên đôi vai gầy yếu của mẹ, chúng tôi từ nhỏ đã chịu khổ và biết cách để vượt qua những khó khăn. Cuộc sống nghèo mà chứa chan tình thương yêu che chở của mẹ.


    Rồi ba tôi qua đời sớm. Vậy là chúng tôi lại cái cảnh thiếu bố. Một bàn tay mẹ gánh vác đỡ đần. Trước đây đã khổ nay càng tủi buồn hơn. Chúng tôi chí thú học hành và đều trở thành những người khá thành đạt trong thôn xóm. Tôi lập gia đình các con tôi có ông bà ngoại, có bà nội mà không thấy mặt ông nội. Vì ông đã qua đời khi chúng nó chưa có hình hài. Con của em gái tôi cũng vậy chẳng có ông ngoại. Vậy là tôi làm người anh cả trong gia đình. Tự xác định mình là trụ cột của gia đình là trung tâm của mẹ, của em gái và con cháu. Nghĩ như vậy nên tôi chăm chút cho mẹ từng li từng tí thay cả phần ba tôi, tôi chăm con cháu như một người ông. Lo cho con thêm phần của ông nội vừa dạy dỗ và cả cưng chiều vì chúng nó thiếu một người ông.


    May mắn cho tôi, vợ tôi rất tháo vát đảm đang lo toàn vẹn cho gia đình nhỏ của tôi. Vì thế tôi có thêm điều kiện chăm cho con và cháu. Chăm tỉ mỉ từng đứa từ lúc mới lọt lòng. Bé cháu gái của tôi nó yêu quý cậu biết nhường nào. Năm nó học lớp bốn đề bài văn tả về người thân yêu nhất nó đã tả về cậu. Lời văn chân thật của trẻ con làm tôi rơi nước mắt. Bài văn chỉ đạt điểm tám nhưng với tôi món quà quý giá đó xứng đáng điểm mười.


    Rồi cũng vào năm học lớp 4 cậu con trai của tôi lại gặp phải đề văn tả người thân. Cả lớp chỉ tả ông bà và mẹ. Con trai tôi độc nhất vô nhị trong lớp tả về ba. Tôi đọc đi đọc lại bài văn không thấy chán bởi lời văn xuất phát từ trái tim của con mang cả bầu tâm sự chân tình yêu thương gần gũi chẳng có gì sánh nỗi. Hạnh phúc đối với tôi đơn giản như thế đấy. Gia đình tôi như thế đấy. Tràn ngập hạnh phúc, đông đầy thương yêu.


    Đến ngày của những ông bố, cháu gái tôi viết cho tôi một đoạn thế này: (cậu ạ cháu nghĩ cháu có hai người bố. Ba của cháu là người bố sinh ra cháu dưỡng nuôi cháu. Còn cậu là người lo lắng công việc sự nghiệp cho cháu. Cháu thấy mình thật may mắn khi có một người cậu tuyệt vời như thế. Cho cháu gọi cậu là bố nhé. Con chúc bố sức khỏe hạnh phúc và mãi yêu thương).


    Con trai cũng nhắn thế này (con ít nói và không tình cảm như con gái, nhưng con cảm nhận được tình yêu thương của ba con muốn tâm sự thật nhiều. Ngày của bố con chúc ba khỏe mạnh yêu đời và là chổ dựa vững chắc cho mẹ với các con.).


    Như thế đấy cả cháu và con chúng nó đã hiểu biết trưởng thành, trở thành cô giáo cấp ba, chàng trai kia cũng sắp ra trường nay mai trở thành kỷ sư của những công trình khoa học. Tôi chỉ muốn gửi gắm qua bài viết này. Đối với một con người ai cũng vậy. Luôn đặt mình trong gia đình để quan tâm lo lắng cho những người xung quanh, rộng lượng bao dung và nhân ái. Được quan tâm lẫn nhau chính là mang lại cho nhau nguồn năng lượng vô biên không có gì to lớn và hạnh phúc hơn.


    Mình có yêu người thân trong gia đình mình trước rồi mình mới có lòng trắc ẩn đối với người cơ nhở ngoài xã hội. Mình mới có tình yêu thương rộng lớn. Nếu một người không biết yêu thương quý trọng tình cảm gia đình thì sẽ khó trở thành người độ lượng bên ngoài(!).


    Và với tôi hạnh phúc gia đình rất giản đơn. Đó chỉ là sự quan tâm lo lắng cho nhau trong một mối tổng hoà. Con và cháu đoàn kết. Anh em sum vầy chia sẻ. Không tính toán giàu nghèo mà tôn trọng tình cảm. Bố mẹ làm gương cho con noi theo. Để rồi trong mỗi gia đình nhiều thế hệ cứ nối tiếp nhau tự các thành viên học lẫn nhau về nhân cách đạo đức lối sống. Cha mẹ là tấm gương phản chiếu cho con soi vào. Gia đình lành mạnh thì xã hội sẽ không có tệ nạn. Và cuộc sống nhẹ nhàng hơn rất nhiều.


    Sưu tầm

    Gia đình
    Gia đình
    Gia đình
    Gia đình
  8. Con yêu thương!


    Con yêu, cuộc sống này sẽ dễ chịu và công bằng với con về nhiều phương diện, để con được vui vẻ, hạnh phúc, kéo dài tuổi Xuân của đời mình, con hãy nghe và làm theo lời bố dặn, con gái nhé!


    Con yêu, phụ nữ từ khi sinh ra vốn đã phải chịu nhiều đau khổ, phải mang sẵn thiên chức làm mẹ, làm vợ ngay từ khi bắt đầu lập gia đình. Sự công bằng giữa phụ nữ và đàn ông là không bao giờ có, trừ khi người đàn ông ấy biết sinh con. Bởi vậy, con đừng bao giờ lấy chồng sớm. Hãy sống bằng cả tuổi trẻ của mình thật vui vẻ, thật tốt nghe con. Bởi thời gian của tuổi trẻ, nếu trôi qua rồi sẽ không bao giờ con lấy lại được. Trên thế giới có biết bao nhiêu phụ nữ thành đạt ở tuổi 60. Nhưng nếu hỏi tất cả bọn họ, có hài lòng với cuộc sống của mình không? Câu trả lời phần lớn là KHÔNG. Thống kê cho thấy, phần đông họ đều hối hận khi tuổi trẻ ít được yêu đương, ít đi chơi, ít tụ tập bạn bè, ít đi du lịch và làm những điều mình mong muốn. Chưa được sống một cuộc sống đích thực của tuổi trẻ.


    Con yêu thương! Dù dấu chân con có bao xa, lòng con có bao rộng, có vui vẻ rộng rãi, sách vở sẽ mở rộng tầm nhìn cho con. Sách vở sẽ đưa con đi bằng tầm nhìn của tri thức. Đừng mải mê công việc, đừng lấy chồng và sinh con sớm. Yêu, biết yêu, được yêu và yêu thương những gì mình muốn nghe con. Con yêu, hãy biết cách đối đãi bản thân của mình cho thật tốt. Phải biết tự mình nấu cơm ăn, bởi những người yêu thương con không phải lúc nào cũng ở bên cạnh. Điều quan trọng nhất là con phải có một việc làm phù hợp với mình. Chủ động trong công việc, như vậy con sẽ chủ động được thời gian của mình. Cho dù thế nào đi nữa con cũng sẽ sống được độc lập, độc lập sinh tồn. Con yêu, khi con đi du lịch hay đi đâu xa nhớ mang theo điện thoại, máy ảnh, giấy bút để ghi chép. Những gì đẹp đẽ con gặp được, có thể ghi, có thể chép hoặc chụp ảnh lại được. Bởi ký ức, hình ảnh, cảm xúc, không bao giờ trùng lặp đâu con.


    Con yêu, nhà con ở, không nhất thiết phải thật rộng, thật sang nếu như mình không giàu có. Nhưng nhất định con phải có một một phòng riêng, dù là rất nhỏ cho mình. Sẽ là nơi giúp con có thể bình tâm lại nếu có sóng gió. Cãi cọ, giận dỗi với ai. Sẽ tránh được lúc con nông nổi đi ra ngoài bị kẻ xấu hãm hại, hay lợi dụng. Là nơi cho con được bình yên trong tâm hồn, có thể giấu đi, bỏ đi cảm xúc tiêu cực trong con. Con yêu, nhất định con phải học cho tốt, phải có kiến thức, cuộc sống của con sẽ tốt đẹp, vui vẻ và hạnh phúc được. Kiến thức sẽ giúp con sống từng trải không phải chỉ nhờ ở bản thân, mà có thể học, nhờ đọc được từ sự từng trải của người khác. Con yêu, nhất định con phải biết lái xe, dù là xe đạp, xe máy, hay xe ô tô nếu có. Con sẽ không phải nhờ vả một ai, dù là chồng con hay một người thân nào khác. Điều này sẽ giúp con thoải mái, chủ động được mọi nơi, mọi lúc. Giúp con đi đến bất cứ nơi nào con muốn, khi không phải nhờ vả một ai. Giúp con tiết kiệm được thời gian cho bản thân của mình.


    Con yêu thương! Cho dù cuộc sống của con không được như ý muốn của mình. Tuyệt đối không được gục ngã, đừng đổ lỗi cho số phận. Đừng oán trách, đừng khóc lóc cho dù trời có sập. Như vậy sẽ không khiến người yêu thương con đau lòng. Hãy bình tĩnh chấp nhận và làm quen. Bởi chỉ có lý trí bản thân mới giúp mình đứng dậy được. Dù thế nào đi nữa, con hãy là một người hiền lành, lương thiện. Chỉ có như vậy, con mới được trời cao xanh chiếu cố bằng thứ tình yêu thương của Thượng Đế. Bởi ở hiền gặp lành là có thật.


    Con yêu thương! Và sau cùng bố muốn dặn con một điều thật quan trọng. Hãy nhớ giữ gìn sức khoẻ của mình cho thật tốt, hãy yêu thương bản thân và đối đãi thật tử tế với mình. Uống nhiều nước mỗi ngày, rèn luyện sức khỏe mỗi ngày, ăn uống điều độ. Có sức khoẻ là có tất cả. Bởi trên thế gian này, con người ta thường kiếm được nhiều tiền hơn là những gì họ cần cho sinh hoạt trong cuộc sống. Đừng để đến lúc về già mang tiền đi chữa bệnh. Ngậm ngùi, tiếc nuối tuổi thanh xuân của mình đã trôi qua...Ai cũng chỉ có 24 tiếng một ngày thôi. Ngày hôm nay không bao giờ lấy lại được thời gian và những thứ quý báu của ngày hôm qua đâu con. Con yêu thương! Hãy nhớ những gì bố dặn con, cũng như luôn yêu thương bố mẹ, người đã sinh ra con, con gái nhé..!


    Bố mẹ luôn yêu thương con! Hãy là đứa con gái sống luôn vui vẻ, hạnh phúc, có ích cho xã hội, có lợi cho gia đình, con nhé! Cuộc sống này sẽ dễ chịu và luôn công bằng với con.

    Lê Minh

    Thư gửi con gái
    Thư gửi con gái
    Thư gửi con gái
    Thư gửi con gái
  9. Tôi sống xa quê, một vài năm mới về thăm nhà, tôi thường về vào dịp Tết cổ truyền để cùng ăn Tết với gia đình. Mỗi cái Tết qua đi, mái tóc bố lại thêm nhiều sợi bạc. Bao lần tôi về là bấy nhiêu lần bố tiễn tôi ra sân bay. Bố giơ tay chào kiều nhà binh “đi mạnh giỏi nhé con gái”. Lần gần đây nhất bố không tiễn tôi ra sân bay vì không còn được khỏe như trước nữa!


    Từ khi còn nhỏ, mấy chị em tôi ít được ở gần bố, vì bố tôi trong quân đội. Một năm bố chỉ về qua nhà mấy lần, vài năm bố mới về ăn Tết một lần. Năm nào bố được về ăn Tết là năm ấy cả nhà nhộn nhịp vui hơn hẳn, bánh chưng gói nhiều hơn, cái giò cũng to hơn, rồi nồi thịt kho đông của bà cũng đầy hơn. Các bác các chú, các anh đến chúc Tết ngồi câu chuyện, câu trò lâu hơn, mấy ngày tết nhà lúc nào cũng có họ hàng làng xóm tới chơi. Mẹ tôi dù bận rộn bếp núc, cơm nước suốt trong cả mấy ngày Tết, nhưng nét mặt thì rạng ngời hạnh phúc. Tôi vui sướng vì được lấy xe đạp của bố để tập đi, cái xe đạp phượng hoàng nam màu cánh chả quá nặng với sức vóc gầy gò của tôi, vậy mà trong mấy ngày Tết tôi cũng thành thạo biết đi kiểu luồn chân chó, tôi hãnh diện khoe thành tích của mình với bạn bè khắp xóm.


    Lớn lên tôi đi xa, lập nghiệp tận trời Âu, lấy chồng rồi sinh con. Tôi về phép, bố chở tôi bằng xe máy đi vòng quanh Hà Nội, lên mãi đường Thanh Niên, Hồ Tây. Bố chở tôi đi thăm các bác các chú bạn bè của bố. Tôi vui sướng hạnh phúc ngồi sau xe máy của bố như đứa con gái bé bỏng được ngồi sau gác ba ga xe đạp bố chở ngày nào, mặc cho những ánh mắt của bao người trên đường đang nhìn mình một cách khác thường.


    Gia đình chồng tôi cũng đông anh chị em nhưng đều ra ở riêng, nhà chỉ còn lại bố mẹ chồng tôi. Trước Tết mấy ngày nếu thấy tôi còn quấn quýt ở nhà, như sợ tôi mải vui mà chểnh mảng phận dâu con, bố lại nhắc “ Về lo chuẩn bị Tết nhất cùng ông bà bên nhà đi con”. Mái đầu tôi đã điểm bạc, mái tóc bố chẳng còn lấy một sợi xanh. Bao lần về ăn Tết mà năm nào cũng vậy, qua ba ngày Tết tôi mới về với bố.


    Bố chồng tôi mất đã vài năm nay. Năm ngoái tôi về ăn Tết, sau khi cùng vợ chồng chú em út chuẩn bị Tết nhất xong. Chiều ba mươi, tôi xin phép mẹ chồng cho tôi được về bên ngoại đón giao thừa, một điều mà tôi mong mỏi bấy lâu trong lòng. Tối đó tôi cùng cậu em trai đi từ Bắc Ninh về Hà Nội để đón giao thừa cùng bố.


    Tôi nhìn thấy niềm hạnh phúc trong ánh mắt của bố! Gần đến Giao thừa trời đổ mưa như trút nước, sấm chớp ầm ầm, một hiện tượng thời tiết đầy bất thường. Tôi nói "tại năm nay con về đón giao thừa với bố nên trời mưa”. Bố cốc lên trán tôi âu yếm "không chỉ bố vui mừng xúc động, mà cả đất trời cũng xúc động đấy con gái!”.

    Trời tạnh ráo trở lại, tôi đi bên bố giữa phố phường Hà Nội đón giao thừa, người người đổ ra đường xem bán pháo hoa, trong lòng tôi dâng trào cảm xúc, một thứ cảm xúc ấm áp hạnh phúc không thể tả thành lời! Bố không nói gì, nhưng tôi biết trong lòng bố cũng như tôi, bố đang rất vui. Tôi khoác tay bố, bước chậm rãi trên hè phố, chào đón giây phút đầu tiên của năm mới đang về. Bên ngã tư đường, hai vợ chồng bác bán mía đang cần mẫn phục vụ khách, chắc hẳn trong lòng hai bác mong muốn, năm mới mọi người sẽ có cuộc sống ngọt ngào như những cây mía kia. Mấy đôi bạn trẻ chụm đầu ngả vào vai nhau giơ smaphon quay bắn pháo hoa. Các em nhỏ nhẩy chân sáo, vỗ tay thích thú, reo vang pháo hoa đẹp quá, đẹp quá! Phía trước có chị hàng hoa, mấy bà mấy cô, có cả mấy chú đang lựa hoa, rồi trả tiền, người bán không nói thách, người mua cũng không trả giá, mặc cả, người bán người mua cùng trao gửi cho nhau lời chúc sức khỏe, bình an, may mắn hạnh phúc trong năm mới, chân tình gần gũi như thân thiết tự thủa nào.


    Bố thường đi trên đường Hà Nội vào những đêm giao thừa như thế. Bố, một người lính đã đi qua chiến tranh chống Pháp, rồi chống Mỹ, chứng kiến sự khốc liệt của trận Điện Biên Phủ trên không mười hai ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, một người trọn đời binh nghiệp,thì những khoảnh khắc này đối với bố là vô cùng quý giá và thiêng liêng. Bố nói“ một giao thừa thật đặc biệt phải không con gái!”. Tôi ngả đầu tựa vào cánh tay bố, ấm áp và bình yên.


    Sáng sớm mùng một tôi ngồi sau xe máy cậu em chở về Bắc Ninh. Đường phố Hà Nội thoáng đãng, bình yên, bắt đầu ngày mới của năm mới, trong lòng tôi vang lên lời ca rộn ràng “ chưa có bao giờ đẹp như hôm nay...”


    Trong cuộc sống, có những điều rất đỗi bình dị nhưng lại mang đến cho ta giá trị vô cùng lớn lao quý giá, nó sẽ là ký ức đẹp trong lòng ta mãi mãi!


    Suốt năm nay cả thế giới đang gồng mình chống chọi với đại dịch Covid 19. Quê nhà thì bão lũ hành hoành, một năm đầy mất mát, khó khăn vất vả. Một số nước châu Âu đã ban bố lệnh phong tỏa trên toàn quốc, như Đức, Hà Lan cùng một số thành phố của Ý, Anh... Trong thiên tai dịch bệnh biết bao tấm lòng đã cùng chung tay chia sẻ khó khăn, tất cả chúng ta đang nỗ lực cùng nhau trên mọi phương diện để chiến thắng thiên tai, dịch bệnh, đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp phía trước, mọi chuyện rồi sẽ qua, bình yên sẽ trở lại khi tất cả chúng ta có lòng tin vững vàng.


    Không còn mấy ngày nữa là lễ Giáng sinh, năm mới đang đến gần, khắp nơi từ quảng trường, đường phố, cửa hàng cửa hiệu, trung tâm mua bán, đến các khu vườn nhà, trên các ô cửa sổ nhà cao tầng, đâu đâu cũng rực rỡ ánh đèn trang trí đủ sắc màu để mừng Giáng Sinh. Cầu mong cho người người nhà nhà đón Giáng Sinh an lành, đầm ấm, năm mới nhiều sức khỏe, an khang và mọi điều may mắn!


    Ngoài thành phố, phía xa kia là bạt ngàn xanh thẳm rừng thông, những cây thông vẫn mạnh mẽ vươn mình thẳng ngọn trong băng giá. Tuyết rơi ngập trời, những bông tuyết trắng bay như ngàn vạn cánh hoa, tựa như những cánh hoa đào, những cánh én mùa xuân quê mẹ...


    Bố ơi giao thừa con sẽ về!


    Sưu tầm

    Bố ơi giao thừa con sẽ về
    Bố ơi giao thừa con sẽ về
    Bố ơi giao thừa con sẽ về
    Bố ơi giao thừa con sẽ về
  10. Vắng bà, nắng chẳng buồn dỗ dành hoa, bầu trời trong leo lẻo, giàn trầu xanh mướt ngày nào của bà, giờ đã úa vàng, gắng gượng bên bờ tường, men theo vách thời gian thảng thốt, như thầm gọi, bà ơi…! Tôi ngờ nghệch tựa mình vào cổng, nơi từng ngóng bà đi làm đồng trở về cuối buổi chiều hôm. Giờ đây rêu phong thoả sức xanh rì, cùng bóng thời gian sẫm màu in lên đó.


    Ngày ấy, nắng trưa chang chang mỉm cười cùng cánh chuồn chuồn chấp chới. Hàng cây im lìm chẳng buồn rung rinh, xào xạc. Đất dưới chân cong mình trong nắng. Đến cả đàn sẻ cũng ẩn mình không buồn ríu rít gọi nhau. Ngọn gió Hạ uốn cong lẩn trốn vào bóng râm kể lể…Dưới ruộng, bà nội vẫn mải mê làm cỏ lúa. Con cá cờ, con rô thôi không lượn lờ bơi lui bơi tới, con cua, con ốc chui sâu trong khe, trong hốc đất, khép mình lại im lìm trốn nắng.


    Nắng ngả thật thấp, nắng len qua lúa, nắng gẫy rụng theo dấu chân bà, bỏng rát mái đầu, lả cả đôi vai. Mùi bùn từ ruộng ngầu lên như thầm than thở, mong mùa màng năm nay được vụ. Rồi bà lại tất tả ngồi nghỉ tạm dưới rặng tre đầu làng, ẩn mình rũ nắng vào cây. Thênh thang nắng, mênh mang mây…Bà tôi giống như bao bà mẹ làng quê luôn tảo tần sớm tối, vun vén, chịu khó, chịu thương. Nhờ vậy cuộc sống của những người con, đứa cháu được như ngày hôm nay, phần lớn cũng là do công bà chăm sóc, dạy dỗ.


    Tuổi thơ tôi không may mắn được ở bên bố mẹ như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Ngay từ lúc lên bốn tuổi, tôi đã phải sống xa bố mẹ của mình. Dường như ông trời cũng thấu hiểu điều đó, nên đã bù đắp thiệt thòi ấy bằng cách cho tôi được sống vui vẻ, hạnh phúc bên ông bà nội trong những năm tháng tuổi thơ. Hình ảnh bà nội in sâu đậm trong trí nhớ, trong lòng tôi. Có đôi lúc nhớ bà, thảng thốt, tôi vẫn muốn mình được gọi bà ơi..!


    Nhớ những buổi trưa hè thiu thiu trong giấc ngủ, mùi trầu cay nồng của bà còn phảng phất bên cánh võng ru tôi. Làn gió mát từ chiếc quạt mo cau bà phe phẩy xen lẫn tiếng ru lời hát. Ầu ơ…Có con vạc ngu ngơ, có con cò trắng trong câu ca dao, thuở lộn xuống ao vì đậu phải cành mềm…


    Vọng theo lời ru tôi lớn dần lên trong tiếng ầu ơ của bà. Nhớ dáng bà khom lưng vào mỗi sáng mùa đông bên bếp ấm, nơi tro tàn trấu ủ, củ khoai khoanh sắn bà vùi nướng cho tôi. Tiếng bà văng vẳng gọi tôi từ căn bếp, vang lên từng bậc cầu thang ấm áp, khẽ len qua khe liếp hẹp, men vào căn buồng, nơi tôi đang cuộn tròn người trong chăn ấm. Tôi như chú mèo con vươn mình đứng dậy, chạy đến bên bà.


    Lần tôi theo bà đi làm cỏ lúa ngoài đồng. Trong bụi mưa chiều bà chỉ tay lên không trung nói” cầu vồng kìa con, con nói ước mơ của mình đi, lớn lên nó sẽ thành hiện thực đấy con ạ!” Tôi khẽ đáp lời bà. Con muốn xây cho bà ngôi nhà thật to thật đẹp trên đó khi con lớn.”


    Bà cười nói "cha bố con, lúc con lớn rồi thì bà đâu còn sống nữa mà xây nhà cho bà…” Bà mắng yêu tôi như thế, rồi cười ngời hạnh phúc với câu nói ngô nghê của tôi. Có lần bà đi làm đồng về vào buổi trưa mùa hạ. Trời nắng nóng, chiếc khăn mặt vắt hờ trên cổ bà ướt đầm mồ hôi. Tôi chạy theo bà ra cầu ao, nhìn làn nước mát trong tay bà khoả dưới tán lá dừa, khuôn mặt bà vẫn còn đỏ lựng vì nắng nóng. Thương bà, tôi thầm nghĩ, giá mà con sóng lăn tăn kia từ tay bà, biết lôi cái nắng trở lại để bà bớt mệt.


    Chiều nay, về đến đầu làng, vắng bà…con đường quê cũng như thưa dần. Tôi nhớ tới mùi cơi trầu của bà, nhớ mùi vôi bà têm vào lá. Chiếc khăn đen mỏ quạ, chiếc áo nâu đã sờn nhiều năm, mà cứ mỗi dịp Xuân về, bà mang ra cầu ao ngồi nhuộm lại. Bao nhiêu năm rồi vẫn thế, bà dành dụm để thương con, thương cháu, chẳng sắm sửa gì cho mình. Tôi nhớ lắm, bà thường mắng yêu.”Cha bố mày, áo mặc có vừa không con…ăn có ngon không con..?” Tôi vẫn nhớ, dáng bà liêu xiêu gánh mạ, gánh cả hồn vụ Xuân trong chiều hôm bên nắng phai.


    Hạ về trên quê hương tôi, bao la trên cánh đồng vàng, bên cánh võng của bà ru tôi năm xưa…Tôi thấy hạ bồi hồi đâu đó, gói bâng khuâng trong lòng, cùng với tiếng vỡ oà từ ngày xa xưa…Dạ bần thần, mắt khe khẽ cay, nhớ bà…vắng xa đã lâu. Tôi chạy ào lên triền đê con sông Luộc, nơi bà thường dắt tôi xem thả diều những chiều mùa hạ. Con sông vẫn nằm đó trôi xuôi.


    Sông nhớ ai mà nghẹn ngào đỏ mắt…rười rượi phù sa…Tôi vội chạy trở về ngôi nhà xưa của bà. Bể nước mưa còn đó, nhưng tìm đâu ra ngọt ngào mát lạnh trưa hè. Vắng bà, hai cây cau cọ bẹ vào thân loà xoà đung đưa trong gió cũng lười ra hoa kết trái. Giàn trầu xanh mướt ngày nào của bà, giờ đã úa vàng gắng gượng bên bờ tường, men theo vách thời gian thảng thốt, như thầm gọi, bà ơi…!


    Tôi ngờ nghệch tựa mình vào cổng, nơi từng ngóng bà đi làm đồng về cuối buổi chiều hôm. Giờ đây rêu phong thoả sức xanh rì, cùng bóng thời gian sẫm màu in lên đó. Cuộc đời cho tôi người bà và mùa Hạ yêu thương như thế. Chúng tôi đã cùng nhau đi suốt quãng đường dài. Sao không đi được cùng nhau đến đoạn đường cuối…Lúc “nghĩa tử là nghĩa tận” lại thiếu vắng nhau… Bà ơi..!


    Tôi cầm trên tay mình mùa hạ của bà…Bà đã cõng mùa hạ tuổi thơ của tôi đi…giờ chỉ còn yêu thương… ở lại…


    Lê Minh

    Bà ơi
    Bà ơi
    Bà ơi
    Bà ơi

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy