Top 10 Tản văn viết về bữa cơm gia đình ý nghĩa nhất

Phương Kem 1092 0 Báo lỗi

Cuộc sống của mỗi người lúc nào cũng bộn bề những lo toan, nhưng khi nhắc về gia đình không ai không khỏi bùi ngùi, xúc động và có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất với ... xem thêm...

  1. Top 1

    Về làng ăn bữa cơm quê

    Đã sinh ra và lớn lên từ nông thôn, thì sao mà không thương, không nhớ quê hương cho được. Thương quê qua từng món ăn mẹ nấu, qua mâm cơm đạm bạc; tưởng chừng mộc mạc, giản dị lắm, nhưng xa quê rồi lại mong mỏi được về bên mẹ, mà thèm thuồng ăn bữa cơm quê.


    Cả một mâm cơm quê, thứ khiến những đứa con của làng như tôi nhung nhớ mãi vẫn là nồi cơm bếp củi. Trời gom nắng đổ về tây, mặt trời rải những tia nắng yếu ớt cuối ngày xuống góc bếp sân nhà, mẹ nhóm lửa từ củi, từ rơm để nấu cơm chiều. Làn khói lam tỏa lên trên mái tranh nghèo khi trời chập choạng tối, quấn quýt từng tầng, từng lớp. Bãng lãng bay mà chẳng muốn rời xa chái bếp nhỏ, ngọn khói phả vào tàu lá chuối heo héo phủ đầu tro mịn. Đã bao buổi chiều, qua bao nồi cơm mà những tàu lá chuối trong vườn, sau bếp đều áo nhẹ một lớp tro tàn. Qua mấy cái cay xè của khói, làm bức phên tre cũng giăng đầy “mồ hóng”.


    Tụi trẻ con chúng tôi sành ăn lắm, nhà ai đang thổi cơm chiều là nhận ra ngay. Đặc biệt là nồi cơm gạo mới, đi qua đầu ngõ thôi đã nghe ra mùi. Cơm gạo mới thơm lắm! ngon lắm! Thơm nhất là khi nồi cơm đang sôi sùng sục, tuôn trào trên bếp, mở cái nắp nồi là một làn hương trong trẻo như mùi sữa ngọt lành, thoang thoảng rồi loang dần, quấn chặt mà đơm lên sống mũi. Nồi cơm đầu mùa với những hạt cơm trắng ngần, mây mẩy đều nhau. Thứ ngon nhất trong nồi vẫn là cơm cháy đáy xoong, nó giòn, thơm nồng mùi gạo quê, quyện nhè nhẹ mùi khói với cái vị đăng đắng ở đôi chỗ.


    Mâm cơm quê của mẹ chẳng có gì cao lương, mỹ vị. Chỉ là dĩa rau trong vườn luộc chấm nước ruốc, vậy mà ngon, mà lành vị. Nước ruốc ngon nhất khi được kho cùng với tóp mỡ, ít hành lá và ớt xắt. Nước ruốc phải thật cay, có một lớp màng đỏ và ăn vào thì hít hà, như vậy mới đúng cái vị của người miền Trung. Mâm cơm quê ngày hè thì không thể thiếu tô canh rau, canh bầu, canh bí nấu với cá lóc đồng, vị canh ngọt sớt từ cá đồng tiết ra, khéo đưa cơm giữa những trưa hè oi bức. Đồng ruộng vào mùa mưa lụt, tụi trẻ chúng tôi lại ra đồng bắt cá. Bắt được con cá rô to là mừng khôn xiết. Háo hức mà đem về cho mẹ. Mẹ kho nồi cá rô đồng với tiêu, mùi thơm ngào ngạt, ăn vào cái vị the the, tê đầu lưỡi thì hao cơm lắm những ngày đông lạnh, mưa dầm dề. Mâm cơm quê chỉ đôi ba món bình dị, cây nhà lá vườn, chứ ăn rồi, đi xa thì nhớ lắm.


    Bữa cơm chiều bình yên trước sân nhà khi mặt trời đã khuất sau rặng tre, trải chiếc chiếu là cả nhà ngồi lại ăn. Bao buồn vui đồng áng, chuyện đời, chuyện người cứ thế mà rôm rả. Tiếng nói, tiếng cười nồng hậu bên những món ăn đồng quê. Tự dưng những kỉ niệm đó cứ chôn chặt một cách tự nhiên vào lòng, để khi xa quê thì nổi nhớ niềm thương cứ vương vấn.


    Thương nhất, nhớ nhất là bữa cơm trưa mùa gặt. Sáng ra đồng, mẹ nấu cơm mà mang theo để trưa ăn. Cơm trắng được mẹ gói trong mo cau dày dặn, ủ nóng đến trưa vẫn còn hơi. Khi muối đậu, khi muối mè được gói cẩn thận trong lá chuối. Nghỉ tay ăn cơm dưới những gốc cây bóng mát râm ran, gió đồng mát rượi thổi vi vu, mơn man lên da thịt. Bữa cơm mùa gặt ngoài đồng, giữa trưa nắng hạ chang chang chỉ cơm trắng muối đậu, mà ngon, mà vui hơn những món ăn xa hoa.


    Giữa nhịp sống hối hả, tấp nập, để tìm lại mâm cơm quê thì không khó, nhưng khó tìm là bữa cơm bên gia đình. Cũng là những món vườn nhà như vậy, cơm trắng nóng hổi trong nồi đất nung như thế, mà sao khác quá. Chắc bởi lẽ mâm cơm quê được nấu từ cái kiềng cũ, cái nồi đất đen và từ chái bếp loang lổ phên tre của mẹ. Và hơn nữa, những món ăn nhà quê ấy được nấu từ đôi bàn tay gân guốc của mẹ, vun vắn trong từng món là lòng vị tha, sự hy sinh; lòng ngóng trông cha làm đồng về ăn cơm chiều của những đứa con trẻ như tôi.


    Bữa cơm quê nhà đâu chỉ để gói ghém tình thân, mà còn để khắng khít tình làng nghĩa xóm. Hôm nay nhà có nấu món ngon, lạ miệng là sẽ được múc một ít bưng qua nhà bên. Tụi trẻ như chúng tôi luôn được giao nhiệm vụ bưng sang. Cứ cho nhau qua lại tô canh, con cá mà tình nghĩa làng xóm cứ mãi thắt chặt. Đó cũng là cái nghĩa, cái tình đặc trưng của người nhà quê nồng hậu, chất phác và thật thà.


    Sinh ra từ những luống rau thửa ruộng chất chứa đầy giọt mồ hôi mặn mòi của cha, lớn lên từ những mâm cơm nhà quê của mẹ, vậy nên cái mùi vị quê mùa cứ quyện trong từng hơi thở, thớ thịt...Người ta có tài đến mấy, “nghe tiếng cơm sôi” lòng cũng nao nao nhớ mẹ, nhớ quê.


    Nguyễn Đức Anh

    Về làng ăn bữa cơm quê
    Về làng ăn bữa cơm quê
    Về làng ăn bữa cơm quê
    Về làng ăn bữa cơm quê

  2. Top 2

    Nhớ bữa cơm chiều

    Bữa ăn gia đình thì có gì mà nói khi dân Việt ta có thói quen ăn uống ngày ba bữa tại nhà. Nhưng thời gian gần đây, áp lực công việc và muôn ngàn lý do khác nhau mà nhiều người phải ăn quán, ít ăn cơm nhà. Vì vậy, bữa cơm chiều trong gia đình thường đông đủ người hơn các bữa cơm khác, khi sự bận rộn trong ngày đã vơi. Ấm lòng hơn khi mâm cơm đạm bạc do má hoặc vợ nấu từ những món ăn quen thuộc.


    Khi còn nhỏ, tôi cũng như bao đứa trẻ khác ham chơi, sa đà quên cả việc phải về nhà. Nhiều bữa cơm chiều má phải cầm roi đi tìm tôi hoặc ngồi đợi đến trời tối mịt mặc cho thức ăn nguội ngắt nguội ngơ. Bây giờ, nghĩ đến lại thương má vô cùng! Chiếc roi má cầm kia không đánh vào mông tôi mà vút vào những buội cây ven đường, lại tội cho cây vì tôi mà chịu đau. Má chưa đánh tôi lần nào nhưng mỗi lần đi tìm tôi đều cầm theo roi; sau này lớn lên, má cho biết cầm theo roi vì đường quê nhiều rắn, má sợ! Lại càng thương má hơn. Càng thương hơn nữa, má không muốn ai trong gia đình thiếu mặt trong mỗi bữa cơm. Từng món ăn má nấu, đạm bạc, giản dị nhưng đậm chất quê khiến mỗi khi đi xa ăn những món lạ lại nhớ bữa cơm chiều ở quê da diết. Hồi ấy, nấu cơm, kho mắm vẫn là bếp củi. Khi trời mang hết nắng về hướng tây, chỉ còn vài tia yếu ớt cuối ngày xiên qua chái bếp, má lại nhóm lửa nấu cơm chiều. Làn khói vấn vít trên mái tranh khi trời chập choạng tối, tầng tầng lớp lớp; bãng lãng bay mà như chẳng muốn rời xa. Đã bao buổi chiều như vậy để giàn bếp của má ám đấy khói và bồ hóng đen sì. Nơi góc nhỏ ấy, mùi thơm gạo lúa mới trong trẻo như mùi sữa ngọt lành theo gió ra tận đầu ngõ. Bọn trẻ lại háo hức nhìn vào nồi cơm sôi sùng sục, tuôn trào mà hít hà và giành nhau miếng bợn mỏng tang dính quanh mép nồi. Nhưng thứ ngon nhất phải là miếng cơm cháy dưới đáy nồi; giòn rụm, thơm ngát mùi gạo quê, đăng đắng vị gạo cháy.


    Mâm cơm má nấu chẳng có gì cao sang. Chỉ là rau vườn luộc chấm nước mắm; con cá đồng kho mặn; tô canh rau hoặc bầu bí hái trong vườn… vậy mà ngon, mà lành. Đôi khi má kho nồi cá rô đồng vừa mặn muối vừa cay tiêu; khi ăn không khỏi hít hà vì cay xé và mặn chát đầu lưỡi nhưng có món này thì rất tốn cơm, nhất là những ngày đông lạnh, mưa dầm. Ngày hè thì trên mâm cơm không thể thiếu tô canh. Có thể là nắm lá giang góc vườn với vài con cá cơm nhỏ hoặc lọn rau bồ ngót với ít đậu phộng cũng trở thành món ăn giải nhiệt giữa những trưa hè oi bức. Hiếm lắm mới có món ăn cao sang từ chợ; chỉ đôi ba món bình dị, cây nhà lá vườn nhưng khi đã là má nấu thì nhớ lắm, nhất là khi ăn bữa cơm chiều ở một nơi xa.


    Bữa cơm chiều thường bắt đầu khi mặt trời đã khuất sau rặng cây. Chiếc chiếu cà tàng được trải ra trước sân, cả nhà xúm xít quanh mâm cơm và bao chuyện đời, chuyện người, chuyện buồn vui thường ngày lại rôm rã; để một mai xa quê thì những kỷ niệm đó cứ vấn vương một cách tự nhiên. Ngồi bên mâm cơm chiều mới thương bữa cơm trưa, nhất là bữa cơm trưa trên đồng. Dưới bóng cây giở gói cơm được nén chặt trong mo cau cùng với chút muối mè giữa trưa nắng chang chang, gió thênh thang cho mát rượi mà ngon. Lại vội vàng úp nón lên mặt cho đỡ nắng, nghỉ ngơi cũng vội vàng để kịp làm công việc buổi chiều.


    Bây giờ, tôi tìm lại mâm cơm toàn món quê không khó, nhưng khó tìm không khí đầm ấm bên mâm cơm gia đình. Cuộc sống hối hả, bận rộn, tấp nập khiến thiếu làn khói bếp lờ lửng từ chái bếp, cái kiềng cũ kỹ, cái nồi đầy lọ đen, cái miếng cơm cháy trong đáy nồi. Những món ăn vợ tôi nấu từ thiết bị hiện đại, bắt mắt nhưng khác với bữa cơm mẹ nấu ngày xưa quá. Cũng có thể là do món ăn nhanh cất trong tủ lạnh và nồi cơm được nấu sẵn bằng điện từ bữa ăn trước thiếu đi sự chăm chút thể hiện lòng vị tha, sự hy sinh, mơ ước được đoàn tụ mà thiếu không khí đầm ấm. Điều này cũng rất quan trọng, bữa cơm quê đâu chỉ gói ghém tình thân gia đình mà còn để khăng khít tình làng nghĩa xóm. Nhà nào có miếng ngon, miếng lạ thì sẽ mang sang nhà bên cạnh một ít lấy thảo. Cứ chia sẻ ngọt bùi như vậy mà tình nghĩa xòm làng cứ mãi thắt chặt. Giờ khó tìm thấy!


    Tôi sinh ra từ làng nên mặn mòi giọt mồ hôi của ba, ngọt lành món ăn của má; thấm đẫm mùi vị quê mùa nên tất cả quyện vào đời tôi mọi lúc mọi nơi. Tôi chưa gặp cảm giác như nhà thơ Phạm Hữu Quang “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà”; nhưng khi ở một nơi xa quê, ngửi mùi cơm lúa mới ngan ngát thì “lòng quê dợn dợn với con nước/Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” (Huy Cận). Và, ai chẳng một lần như vậy?


    Ngô Văn Cư

    (Bài đã đăng trên báo Bình Phước)

    Nhớ bữa cơm chiều
    Nhớ bữa cơm chiều
    Nhớ bữa cơm chiều
    Nhớ bữa cơm chiều
  3. Top 3

    Gia đình và bữa cơm

    Cuộc sống hiện đại thời thị trường kinh tế quá bận rộn, chẳng kể ở nông thôn hay thành thị, nhiều gia đình từ lâu đã không còn giữ được sự đông vui đủ đầy, sự nồng ấm của những bữa cơm.


    Bữa sáng hầu như ăn nhẹ ngoài hàng quán theo sở thích từng người bởi ai làm ca đêm thì còn ngủ thêm lấy sức chứ không thể dậy sớm cùng giờ.


    Trưa - Con trẻ học bán trú ăn ngủ tại trường, bố mẹ ăn giữa ca ở công sở nơi làm việc.


    Chiều - Có mấy khi cả nhà quấy quần bên mâm cơm vì điều kiện của mối người, con cháu đang độ tuổi đến trường còn học thêm ôn thi, người đi làm ở các khu công nghiệp còn theo ca kíp, bố mẹ có chức quyền cũng rất nhiều lý do tế nhị không thể ở nhà dùng cơm cùng gia đình đúng bữa...


    Do sự lôi cuốn của công việc, do nhịp sống công nghiệp thời thị trường, do nghề nghiệp của mỗi người trong gia đình, dần thành thói quen, người ta không còn coi trọng bữa ăn nữa.


    Ăn ngày nay chỉ đơn giản là no bụng, đủ nhu cầu, đồ ăn nhanh, đồ ăn nguội, có người còn ăn theo chế độ ăn kiêng, tìm những món ăn thích hợp với thể trạng như một bài thuốc dân gian để duy trì sức khỏe, phòng chữa bệnh theo tư vấn qua các trung tâm bảo vệ sức khỏe hay các phương tiện thông tin...


    Thực ra, bữa cơm gia đình rất quan trọng. Các thành viên trong gia đình tụ họp đầy đủ, mâm cơm dù đạm bạc vẫn ấm cúng và hạnh phúc biết nhường nào. Mỗi người có điều kiện tâm sự tỏ bày, những câu chuyện cần nói, những lời chia sẻ, chuyện ngoài đường, chuyện trong lớp học, chuyện về bè bạn hoặc thầy cô giáo, con trẻ cần được hướng đạo, khuyên răn...Sự sum họp của gia đình trong mỗi bữa cơm nó quan trọng, nó thể hiện hạnh phúc, đầm ấm, quan tâm đến nhau, trách nhiệm của mỗi người với gia đình mình nữa đấy.


    Chẳng thiếu những ông vui sân tenit, gặp bè bạn nơi tiệc rượu, quán bia gọi là ngoại giao, tiếp khách hoặc giao lưu sau mỗi giờ làm việc buổi chiều, cả tuần không ăn cơm cùng gia dình ...


    Đừng vin vào công việc bộn bề, đừng nghĩ là phải mở rộng quan hệ, đừng mải vui bạn bè, đừng lơ đễnh, đừng ngụy biện không quan trọng cái ăn thời nay...


    Hình ảnh ông bà già ngồi đợi con cháu cùng ăn cơm khi đêm đã khuya và thức ăn đã nguội lạnh, người vợ cặm cụi cả chiều nấu canh cua sau giờ tan tầm, đón con về không kịp thay quần áo chỉ khoác vội cái tạp dề vào bếp, vui vì mua được mẻ cua đồng...Đợi mãi, chồng về thì đã say mèm không cần ăn cơm nữa do gặp đối tác chiêu đãi...


    Bữa cơm gia đình không đơn giản chỉ là việc ăn uống đâu nhé, không còn ba bữa như năm xưa, chỉ còn bữa cơm tối là có điều kiện quây quần, hãy nhớ trở về với tổ ấm gia đình khi đến giờ ăn cơm, hãy nhớ lời tiền nhân đã nhắc - Cơm có bữa, chợ có chiều...!


    Hà Trọng Đạm


    Gia đình và bữa cơm
    Gia đình và bữa cơm
    Gia đình và bữa cơm
    Gia đình và bữa cơm
  4. Top 4

    Nhớ lắm… một bữa cơm nhà

    Trong giới trẻ hiện nay, đã rất quen thuộc với cụm từ “chuẩn cơm mẹ nấu” dùng để khen một món ăn ngon nào đó, chất lượng một nội dung nào đó trên mạng xã hội. Vậy là đã rõ “mẹ nấu” đã trở thành một chuẩn mực để đo lường độ ngon, độ xịn của một thứ gì đó. Lý do là gì? Câu trả lời xác đáng nhất chính là hầu như ai cũng có gần 1/3 cuộc đời gắn bó với ba, với mẹ, với gia đình từ thuở nhỏ. Nơi đã nuôi dạy mỗi người từ cái buổi “học ăn, học nói, học gói, học mở”.


    Ngon là vậy, gắn bó là vậy đó! Nhưng năm nay, trước đợt sóng bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, với nhiều biến thể nguy hiểm hơn, diễn ra trên diện rộng hơn, kẻ thù vô hình này đã làm cho khoảng cách không gian và thời gian của mỗi người với “bữa cơm mẹ nấu” trở nên xa hơn, khó khăn hơn. Chính trong những ngày giãn cách, cách ly, những ngày lễ đáng lẽ sum họp cùng người thân, cùng gia đình,…. đã làm cho nỗi nhớ nhà, nhớ “cơm mẹ nấu” như da diết, sâu lắng hơn.


    Trong ký ức hoài niệm tôi, “cơm mẹ nấu” là cả một bầu trời tình mẫu tử, chất chứa lòng tự hào hòa quyện cùng ước mơ mong hạnh phúc gia đình mãi ấm êm, tất cả được chắt chiu trong từng hạt gạo, món ăn và cả muỗng canh đậm đà yêu thương. Bữa cơm nhà có thể cầu kỳ hay giản đơn tùy thuộc vào khẩu vị của từng người trong gia đình. Nhưng đó chính thứ keo dính gắn kết giữa con cái với ba mẹ, ông bà, giữa anh chị em trong gia đình,… Đó là cái vòng tay ấm áp thay cho ngàn lời dịu ngọt, yêu thương.


    Những hôm công việc đồng áng của ba mẹ thư thả, là cả nhà được bữa “thịnh soạn” nhất ký ức tuổi thơ tôi. Nói thịnh soạn là đối với tiêu chuẩn của tôi lúc đó thôi, chứ bữa cơm nhà tôi thì có gì đâu, chỉ có tô canh rau tập tàng hái ngoài vườn, thoảng mùi cá đồng mắm kho và ấm áp ánh nhìn của ba, của mẹ. Mẹ tôi làm mắm kho thì chắc ngon nhất cái xóm nhà tôi. Cá đồng thì tôi theo chân ba đi gỡ cắm câu ở cái kinh kế bên ruộng nhà. Mùa nước nổi là thu hoạch được đủ các loại cả: Cá trê, cá lóc, cá rô và cả rắn nữa…. Hồi đó, tôi thích con cá trê trắng, thịt dai và ngọt gì đâu luôn! Có bữa cắm được nhiều cá đến nỗi đem cả ra chợ bán. Vậy đó, bữa cơm không chỉ ngon, bổ dưỡng bởi toàn những thứ rất “organic”, rất tự nhiên mà còn ngon bởi tiếng cười, sự sẻ chia và mùi vị của tình thân. Bữa cơm đó ngon hơn bất kỳ bữa ăn nhà hàng 4-5 sao nào mà sau này tôi đã có dịp thưởng thức.


    Tôi cũng nhớ ngày cả những ngày của một thằng bé nhà nghèo có ba mẹ đã đi cấy lúa từ sáng sớm. Đó là những ngày, tôi biết đến cái bữa cơm mà chỉ có cơm trắng chan với nước dừa trái, thêm muỗng nước mắm ớt hay bữa cơm với trái chuối chín, chấm nước tương. Rồi phải ăn cho thiệt lẹ để còn kịp giờ đi học, do phải đi bộ gần 3 cây số để đến trường học. Đơn sơ vậy chứ mà giờ gặp lại vẫn ăn ngon lìm lịm. Tôi cũng không quên những buổi chiều ba mẹ đi làm đồng về thấy mấy anh chị em ăn uống như vậy, mẹ lại rầy chị hai: “Rồi mẹ đưa tiền hồi sáng sao hông chạy ra nhà dì Bảy mua mấy con khô về chiên cho em nó ăn đi học?” Tôi lại hồn nhiên mà trả lời thay chị: “Con thích ăn vậy, ngon hơn mà mẹ”. Mẹ xoa đầu tôi mà tôi thấy mắt mẹ đỏ hoe. Sau này, mới hiểu mỗi lần nhà cơm không đủ đầy là ba mẹ tôi xót lắm, thương con nhà mình hông bằng nhà người ta. Đời ba mẹ thiếu thốn đã đành nên ba mẹ tôi bao giờ cũng muốn đủ đầy nhất cho mấy anh chị em nhà tôi. Bữa cơm nhà, ai đã từng trải qua trong suốt hành trình trưởng thành của mình đều nghĩ rằng nó bình thường. Nhưng để làm nên bữa cơm và duy trì bữa cơm ấy qua từng năm không chỉ là sự chịu khó của ba, sự cần mẫn, tỉ mỉ của mẹ mà đó còn là sự hy sinh, là tình yêu của ba mẹ dành cho con cái.


    Thế mới thấy, những ai lớn lên trong sự yêu thương vô bờ bến của ba mẹ thì bữa cơm nhà có thiếu thốn đến đâu cũng luôn đầy ắp tiếng cười.


    Thoát ra vùng hoài niệm, trở về với thực tại, trong điều kiện khi chưa có thuốc đặc trị virus Covid-19 thì không có biện pháp nào kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn việc: Giãn cách, phong toả, cách ly, giữ vững “vùng xanh, xoá vùng đỏ”, nhanh chóng thích ứng linh hoạt trong tình hình mới…. Xa cách nhau đã không còn là câu chuyện của riêng một gia đình, một cá nhân ai! Bữa cơm mẹ nấu tưởng chừng thân thuộc nhưng lại trở thành một ước mơ “xa xỉ” của nhiều người, nhất là với những người xa quê.


    Có lẽ cái thứ thôi miên con người ta trong suốt những năm tháng sau này không phải là cái ngon cảm nhận bằng vị giác của bữa cơm mà đó chính là tình yêu thương vô bờ bến của ba, của mẹ. Để rồi, phút chốc nào đó, chợt bồi hồi khi nghe giọng nói thỏ thẻ ở đầu dây bên kia điện thoại: “Tết này, có về ăn Tết với ba mẹ hông con? Coi ráng giữ gìn sức khoẻ, hết dịch về nghen con...!”.


    Võ Thành Nhân

    Nhớ lắm… một bữa cơm nhà
    Nhớ lắm… một bữa cơm nhà
    Nhớ lắm… một bữa cơm nhà
    Nhớ lắm… một bữa cơm nhà
  5. Top 5

    Bữa cơm nhà có khách

    Thời bao cấp, nhà đông anh em, việc chạy ăn để no cái bụng cho đàn con đã là sự cố gắng lớn của bố mẹ tôi. Như bao gia đình khác, thời ấy, bữa ăn chủ yếu là cơm với rau. Còn thịt cá thì theo tiêu chuẩn tem phiếu, thi thoảng mới có một bữa, nhà 5 con trai đều ở tuổi sàn sàn "bẻ gẫy sừng trâu", không gắp nhanh thì hết… Vâỵ nên, mỗi khi nhà có khách từ quê ra, tôi rất vui vì chắc mẩm sẽ có những bữa ăn tươm tất hơn trong thời gian khách ở chơi.


    Bố mẹ tôi trước khi ra Hà Nội là người nhà quê, ở cùng một xã. Họ hàng hai đường nội, ngoại khá đông. Gốc quê, bố mẹ tôi sống quý người, chân thật, giản dị nên kể cả là họ hàng xa, khi có việc lên Hà Nội cũng ghé qua nhà tôi chơi. Mà đã đến chơi thì bằng được, bố mẹ tôi sẽ mời họ ở ăn cơm. Có người thì chỉ đến chơi, ăn bữa cơm rồi ra tàu về ngay. Có người ra chữa bệnh, hoặc đưa con đi nhập học thì ở lại vài ba hôm. Dĩ nhiên, người quê cũng có ý, bao giờ cũng mang theo lương thực để "làm quà".


    Người Hà Nội ăn uống thanh cảnh, nhưng nhà tôi thì khác, "mỗi ông mãnh" phải xơi từ 3 đến 5 bát cơm một bữa nên nồi cơm nhà tôi thời ấy phải to bằng nồi thổi cơm quán bình dân bây giờ. Thấy nhà tôi thổi nồi cơm to, chúng tôi ăn khỏe, nên khách quê cũng thấy thoải mái, ăn không phải làm khách; nếu ai ăn một hai bát, bố mẹ tôi lại ép ăn thêm, vì biết họ ăn như thế là chưa "đủ đô". Có người khách nói với bố mẹ tôi:


    - Ra nhà bác thích thật, không phải giữ ý…


    Đổi lại, khi theo bố mẹ tôi về quê chơi, gia đình tôi cũng được đón tiếp rất nhiệt tình.


    Thường thì, khi về quê, bố mẹ tôi sẽ chọn ăn nghỉ tại nhà anh em ruột, hoặc cháu ruột trong đại gia đình ở quê.


    Quê hương tôi là một miền quê nghèo, bữa ăn có khi trộn ngô, sắn. Nhưng khi có khách quý từ Hà Nội vào, ai cũng tìm bố mẹ tôi bằng được để mời cơm. Kể cả những người họ hàng xa, biết tin bố mẹ tôi về chơi, cũng đạp xe gần chục cây số đến gặp, "đăng ký" mời bố mẹ tôi sang nhà chơi ăn cơm… Nhiều người mời, mà thời gian ở lại chỉ dăm ba ngày. Bố tôi vì nể nên cứ nhận lời nhưng không đến ăn được. Thế là họ trách móc:


    - Nhà em đã thịt gà, làm cơm rồi mà bác không đến, hay bác chê nhà em nghèo, không đãi bác được bữa cơm thịnh soạn…


    Bố mẹ tôi chẳng biết thanh minh thế nào, chỉ viện lý do ở ít ngày quá, không có thời gian đi hết thăm họ hàng.


    Đối với tôi, bữa cơm đãi khách ở quê thật ngon, gà chạy bộ, rau dưa trong vườn, nếu có mua thịt cá ở ngoài chợ thì cũng là đồ sạch, tươi ngon. Thêm không khí đầm ấm, trân quý khách phương xa lâu ngày gặp nhau hàn huyên vui vẻ nên bữa cơm rất đầm ấm.


    *


    Thời gian trôi đi đã hơn 1/3 thế kỷ, đời sống nông thôn đã đổi thay theo chiều hướng tích cực. Tôi sinh ra ở thành phố; khi có việc họ hàng vẫn đều đặn về quê cha, đất tổ. Những người bà con ở quê bây giờ, chủ yếu là thế hệ thứ hai như tôi. Lớp thế hệ với bố mẹ tôi đều đã già yếu, người còn, người mất; anh em ruột thịt với bố, mẹ tôi thì không còn. Nếu đi việc họ, phải giới thiệu mới biết vai vế để tiện xưng hô. Theo đó, tình thân cũng không còn mặn mà như trước.


    Về quê bây giờ, tôi chủ động vào ăn nghỉ ở khách sạn cho thoải mái. Mới đầu, còn sợ những người bà con trong quê quở trách: Tại sao về quê lại nghỉ ở khách sạn? Tại sao lại ăn quán mà không vào nhà bà con ăn cơm cho tình cảm? Nhưng hình như tôi quá lo xa, vì cũng chẳng có ai để ý tôi về bao giờ, ăn nghỉ ở đâu nữa… Nói vậy, không phải để trách họ, vì cả gia đình tôi 4-5 người về, ở khách sạn thoải mái hơn, nếu vào nhà ai đó cũng thấy phiền phức, sợ làm xáo trộn sinh hoạt gia đình họ. Ngược lại, nhiều người ở quê, khi ra Hà Nội cũng không vào nhà chúng tôi chơi nữa. Khoảng cách cứ thế gia tăng dần.


    Song, ký ức về bữa cơm nhà có khách thì luôn gắn với tuổi thơ của tôi, bữa cơm ngày ấy hơn hẳn mâm cao cỗ đầy bây giờ... Nó rất ngon, bởi có hương sắc của tình thân ái!


    Trần Minh

    Bữa cơm nhà có khách
    Bữa cơm nhà có khách
    Bữa cơm nhà có khách
    Bữa cơm nhà có khách
  6. Top 6

    Bữa cơm chiều quê

    Sinh ra và lớn lên từ làng quê, dù đi đâu về đâu chất quê mặn mà, tình quê tha thiết vẫn còn hoài trong tâm hồn những đứa con ra đi từ đồng quê. Mãi trôi theo dòng đời vì ước mơ của tuổi trẻ và vì áo cơm. Chiều nay về thăm quê mới nhận ra mình vẫn là đứa con làng quê với tất cả ân tình nồng ấm đã có tự ngày xưa.


    Đường làng nay đã rải nhựa, chỗ bê tông hóa, rộng rãi quang đãng hẳn ra. Mắt nhìn thấy lạ sao chân đi nghe thân quen như ngày xưa đi về. Không gian làng quê trong lành, yên tĩnh khiến đứa con xa quê lâu ngày trở lại nhắm mắt tận hưởng không khí đồng làng, mặc cho bước chân trôi đi giữa thênh thang đường quê. Cảnh quê thay đổi nhiều nhưng hồn quê vẫn còn đó, vẫn hai hàng chè tàu, dâm bụt hai bên đường được cắt gọn gàng, vẫn những lối vào nhà có hàng hoa nhỏ và hầu như không nhà nào có cánh cổng để khóa. Người quê chân chất, thật thà tình quê chân thành mộc mạc thể hiện ở cuộc sống không rào, không khóa. Đó cũng là điều mà những đứa con ra đi từ làng quê luôn nhớ về và tự hào. Tình quê nồng hậu thiết tha ở tiếng cười, câu chào hỏi khi vừa đặt chân đến làng quê cũ. Dường như con người đồng quê được nuôi dưỡng bằng ân tình của mọi người nên ai cũng cởi mở chân tình.


    Về mái nhà xưa nơi quê nghèo thấy lòng mình ấm lạ không như đời ngoài kia bon chen cơm áo nên những lành lạnh cứ bủa vây. Căn nhà nhỏ đong đầy kỉ niệm tuổi thơ, nơi tôi được nuôi dưỡng bằng tình thương và vòng tay của ba mẹ, nhận được rất nhiều những ân cần, lo lắng của anh chị để có được hôm nay. Mẹ vẫn chăm sóc như ngày tôi còn bé, bước chân chậm chạp, lưng còng tóc bạc mẹ vẫn ra vườn hái nắm rau lang vào luộc chấm mắm cáy giã nhiều ớt như ngày xưa tôi thích ăn. Anh tôi chạy vội ra đồng kiếm ít cá con, tôm tép cho bữa cơm chiều. Quê tôi vào mùa gieo sạ, gọi là mùa xuống đồng, nước lũ rút nên tôm cá nhiều, chỉ cần đặt vài cái đụt hoặc hom tre giữa các bờ ruộng là có cá tôm ăn. Không khí gia đình đầm ấm, mùi thơm từ nồi cơm đang sôi, khói bếp chờn vờn nửa như muốn tan vào không gian chiều nửa như muốn ở lại làm cho làng quê tim tím màu chiều, phía chân trời chợt vàng lên ráng chiều như muốn ngày qua chậm lại. Tất cả tạo nên bức tranh chiều quê đẹp đến nao lòng.


    Đợi anh chị về đông đủ cùng ăn bữa cơm chiều, tôi nhặt vài con tôm nướng trên bếp than hồng. Mùi tôm cá nướng vội trên bếp lửa khiến tôi chợt nhận ra cái mà mình luôn cảm thấy thiếu trong những ngày xa quê. Mùi cá tôm nướng đưa tôi về với tuổi thơ đồng quê mò cua bắt ốc, đặt hom bắt cá, bắt tôm. Khi nghỉ giải lao cũng là lúc nướng tôm nướng cá lót dạ, trong mùi thơm thơm beo béo của cá tôm có vị hăng hăng nồng nồng của bùn đất, có vị chua của phèn và vị ngọt của phù sa sông nước quê nhà. Đó là hương vị tuổi thơ đã đi vào tâm hồn những đứa con xa quê như tôi. Trong tháng ngày đã qua không ít lần ăn tôm ăn cá nhưng lần nào tôi cũng cảm giác các món ăn đó thiếu một chút gì đó. Bây giờ thì tôi hiểu đó là hương vị tuổi thơ đồng quê nghèo khó mà ngọt lịm ân tình.


    Bữa cơm chiều quê trả tôi về với yêu thương đầm ấm như ngày xưa tôi từng được sống. Người dân quê tôi coi bữa cơm chiều, thật ra là cơm tối, có khi tối mịt mới ăn, là quan trọng nhất. Bữa cơm sáng không đông đủ vì thường có người do công việc đồng áng mà đi thật sớm, bữa trưa thì người lớn đi làm ăn ngoài đồng, trẻ nhỏ ăn ở nhà chỉ có bữa cơm chiều là có thể chờ nhau về sum họp. Nhớ những bữa cơm chiều xưa ba tôi thường hỏi han công việc, học hành của từng đứa con. Ba không la mắng mà chỉ giảng giải những đúng sai, nên chăng, dạy anh em tôi bằng nụ cười hiền trong những bữa cơm chiều đạm bạc. Tình thương của ba mang cả yêu thương làng quê đi vào tâm hồn tôi từ thuở ấu thơ.


    Hôm nay được về quê, được ăn bữa cơm chiều ngập tràn thương yêu, được một lần tận hưởng hương vị tuổi thơ đồng quê lấm lem bùn đất mà thơm tho kỉ niệm nặng nghĩa làng quê. Bữa cơm chiều quê đạm bạc mà nặng trĩu ân tình.


    Lê Quang Thọ

    Bữa cơm chiều quê
    Bữa cơm chiều quê
    Bữa cơm chiều quê
    Bữa cơm chiều quê
  7. Top 7

    Bữa cơm hạnh phúc gia đình

    "Nhắn ai dù có đi xa
    Đồng quê khói bếp vườn nhà đừng quên"


    *


    Làm sao tôi có thể quên nơi chôn rau cắt rốn, làm sao tôi có thể quên đồng bãi quê mình lúa hát lao xao. Nơi mỗi buổi mẹ nhóm bếp thả khói lam chiều nghi ngút. Càng nhớ khôn nguôi những bữa cơm gia đình ấm áp có bố mẹ và sáu chị em đông đủ quây quần. Dù bữa cơm ngày ấy đơn sơ lắm, chỉ tương cà dưa muối, nắm rau, quả bầu quả mướp hái trong vườn nhưng vẫn tròn vị thơm ngon. Để đến tận bây giờ tôi vẫn thương vẫn nhớ !


    Hồi đó, nhà tôi còn ở ngôi nhà lá, tuy chật chội những lúc nào cũng ưu tiên bữa ăn ở gian trang trọng nhất trong nhà. Chiếc mâm nhôm cũ là thứ cả nhà đều trân quý vì đó là tài sản duy nhất ông bà nội tặng bố mẹ khi bố mẹ ra ở riêng. Ngày xưa chẳng có đồng hồ nên giờ nấu cơm và giờ ăn cơm đều canh theo bóng nắng. Cứ bóng nắng hắt gần thẳng với mái nhà là đến giờ ăn. Đứa lớn nhấc nồi cơm, đứa bê nồi canh, đứa múc ít tương mẹ ngả vàng trong chĩnh, dưa nén đầy vại mẹ đặt ở đầu hè, chỉ việc chạy ra bốc vào là đầy đủ một mâm cơm thịnh soạn.


    Nhà tuy khó khăn nhưng rất nề nếp, bữa nào cũng phải đông đủ cả nhà mới bắt đầu ăn, nếu bố hoặc mẹ đi chợ xa không về kịp sẽ được cất một phần để riêng. Bố luôn dạy chúng tôi phải ăn trông nồi ngồi trông hướng, bố dạy chúng tôi biết" học ăn, học nói, học gói, học mở". Bữa ăn gia đình không chỉ là nơi nạp năng lượng mà còn trở thành nơi truyền nhận những bài học giáo dục sâu sắc về đạo đức lối sống, là cách đối nhân xử thế, trở thành nét văn hóa không thể thiếu của gia đình.


    Tôi nhớ như in những buổi trưa vàng tơ nắng mật, mẹ đi chợ mua được ít thịt xóc với đậu phụ, mùi hành mỡ thơm phức bay lên, chưa đến bữa mà chúng tôi cứ đi ra đi vào canh cửa bếp để hít hà mùi thơm ấy. Đến bữa, mẹ gắp thức ăn cho bố và chia cho chị em tôi nhưng chẳng gắp cho mình. Bố lại gắp phần của bố qua bát cơm của mẹ. Chị em tôi cũng thi nhau gắp cho bố mẹ. Cả nhà cùng ăn tràn ngập tiếng cười thật ấm áp và thân thương.


    Có hôm dưa cà quá bữa bị chua quá độ, mẹ cho lên bếp xào với mỡ lợn. Miếng cà se xém lại ngả màu tối thẫm. Mẹ nói hôm nay nhà mình ăn thịt bò khô. Mấy đứa em tôi vỗ tay cười tít mắt. Niềm vui nhỏ nhoi đơn sơ là thế, mà sao nửa cuộc đời tôi chẳng thể tìm thấy ở nơi đâu?


    Lâu lâu nhà có bạn đồng ngũ của bố đến chơi, Bố mời ở lại dùng bữa với gia đình. Mẹ khéo léo dọn thành hai mâm, mâm khách ngồi trên giường, mẹ và chúng tôi ăn dưới bếp. Cỗ đãi khách chỉ hơn đĩa trứng gà ốp, một đĩa lạc rang và rổ rau sống nhỏ. Hai đứa em tôi cứ muốn chèo lên đòi ngồi cùng bố. Mẹ phải nịnh nọt dỗ dành mãi mới thôi. Bố tôi thường quen với việc "nhịn miệng tiếp khách" Bởi thế mà mỗi lần dọn mâm, hình như bố chỉ dám ăn chút rau dưa. Thức ăn vẫn còn đó bố vẫn để dành để khi xong bữa các con của bố có miếng ngon miếng ngọt.


    Có lần đến giờ cơm tối nhưng bố mẹ còn đang dở dang công việc. Mấy chị em tôi xúm xít ngồi vòng tròn quanh mâm so đũa trước đợi bố mẹ. Chị cả kéo mấy đứa lại khẽ dặn dò: "Mấy đứa ăn ít thôi, để dành cơm cho bố mẹ ăn mai còn có sức đi làm, nhà mình mai hết gạo rồi". Bố vô tình nghe được nhắc chị không được nói các em như thế kẻo phải tội. "Càng bé càng phải ăn nhiều cho mau lớn". Bố đã nói rồi, vậy mà bữa đó mấy chị em mỗi người chỉ ăn đúng một lưng, bố mẹ bắt ăn thêm đều bảo no rồi. Chẳng biết có phải bụi gió bay vào không mà sao tôi thấy mắt mẹ nhạt nhoà hoe đỏ. Đêm ấy, bố cùng cái điếu cày thao thức suốt canh thâu...


    Bây giờ cuộc sống đã tốt hơn, cả gia đình mình chẳng còn phải lo bữa no bữa đói. Nhưng nếp xưa nhà cũ con vẫn tạc dạ ghi lòng. Luôn trân trọng nâng niu từng khoảnh khắc xum họp của gia đình nhỏ. Con biết được rằng hạnh phúc chẳng cần kiếm tìm ở đâu xa bữa cơm gia đình chính là niềm hạnh phúc. Con đã hiểu những bữa cơm đơn sơ ngày ấy sao lại ngon và đậm đà đến vậy. Vì nó được nấu bằng sự quan tâm đến mỗi thành viên trong cả gia đình, và hơn tất cả nó được nêm bằng gia vị của yêu thương.

    * Hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Hồng Minh


    Lê Thị Ngọc Lan

    Bữa cơm hạnh phúc gia đình
    Bữa cơm hạnh phúc gia đình
    Bữa cơm hạnh phúc gia đình
    Bữa cơm hạnh phúc gia đình
  8. Top 8

    Bữa cơm gia đình

    Trong rất nhiều mối quan tâm của mỗi người, gia đình đóng một vai trò rất quan trọng, có thể nói nó quyết định phần lớn niềm vui và hạnh phúc của chúng ta. Mỗi khi đi đâu xa, mỗi chúng ta thường có nỗi nhớ nhà. Và một trong những thứ làm nên nỗi nhớ ấy là những bữa cơm gia đình đầm ấm.


    Người Việt, với nền văn minh lúa nước đã dùng cơm làm lương thực chính từ bao đời. Dù chỉ là những bữa ăn đơn sơ với tương cà mắm muối hay những bữa ăn thịnh soạn hơn trong những ngày lễ tết, cúng giỗ thì cơm là thứ không thể thiếu. “Nhà nào giàu ăn cơm ba bữa, nhà nào khó cũng đỏ lửa ba lần.” Xung quanh chuyện ăn uống và những bữa cơm, có những nề nếp, quy tắc được hình thành và bữa ăn, không đơn giản chỉ là ăn, mà nó còn là sự kết nối, gắn kết những thành viên, dạy con cái những bài học làm người và những thứ chỉ có được ở gia đình.


    Người Việt chúng ta rất coi trọng lễ nghĩa, coi trọng gia đình. Những gia đình ngày xưa thường có nhiều thế hệ, ông bà thường được con cháu kính trọng, phụng dưỡng, con cháu cũng được ông bà dạy dỗ chăm lo. Là một đất nước nông nghiệp, mâm cơm của người Việt thường là những sản phẩm cây nhà lá vườn, được chế biến thành đa dạng các món ăn. Mâm cơm gia đình cơ bản gồm ba món: mặn, xào, canh; ngoài ra còn có mắm, dưa, cà muối, rau sống, rau luộc, thường được dọn chung lên mâm và cả nhà quây quần ăn uống. Bữa ăn là lúc những tôn ti trật tự trong gia đình được thể hiện. Chúng ta có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, con cháu mời ông bà, cha mẹ, ông bà cha mẹ gắp cho con nhỏ những món ngon trên mâm là điều thường thấy. Không phải chỉ có ăn, mà đây là lúc cả nhà vui vẻ chuyện trò, kể cho nhau nghe những chuyện của mình, cùng cười vui với nhau, tạo nên một khung cảnh gia đình ấm cúng. Tinh thần trong bữa ăn rất được đề cao, mâm cao cỗ đầy mà mạnh ai nấy ăn, không lời hỏi han chia sẻ thì bữa ăn rất nặng nề, “ăn vàng cũng không thấy ngon”. Ngược lại, nhiều gia đình chỉ có những món ăn đơn sơ để qua cơn đói, nhưng chồng nhường vợ, vợ nhường chồng, cha mẹ nhường con cái đã là một hình ảnh đẹp rất đáng trân quý. Dù chỉ là “râu tôm” nấu với “ruột bầu”, những thứ tưởng như bỏ đi thì “chồng chan vợ húp” cũng thật là ấm áp. Nếu có một thành viên nào đó không thể ăn cùng gia đình thì sẽ được dành phần. Phần để dành phải được lấy trước khi ăn, phải làm sao gọn gàng, tươm tất nhất có thể để người ăn sau có thể cảm nhận tình yêu thương được cả nhà dành cho. Ấm áp biết bao là những bữa ăn gia đình, nơi mỗi chúng ta đều đã trải qua và lưu vào ký ức những hình ảnh đẹp, ánh mắt hiền từ của cha, nụ cười âu yếm của mẹ, những món ngon cứ nhường nhau mãi để “nhiều thì không đủ mà ít thì dư”. Bữa ăn gia đình vì vậy không đơn thuần là ăn cho no, và khi không thể có những bữa ăn gia đình vì những lý do khách quan nào đó, người ta sẽ rất nhớ. Một người đã lớn, đã có gia đình riêng, sẽ nhớ hoài những bữa ăn với cha mẹ anh chị em thuở nhỏ. Những mâm cơm đơn sơ, được dọn trên một tấm chiếu trải giữa nhà hay ngoài hiên và hình ảnh cả nhà quây quần vui vẻ bên nhau luôn in hằn trong tâm thức.


    Với nhịp sống công nghiệp ngày càng hối hả, nhất là ở những thị xã, thành phố, những bữa cơm đủ thành viên gia đình thường rất khó. Công việc bận rộn làm người ta khó chuẩn bị được những bữa cơm tươm tất, thường chỉ có bữa tối là có thể ăn cùng nhau ở nhà. Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Chồng có thể tiếp khách về trễ, con phải đi học thêm. Vậy nên những bữa cơm chậm rãi, thư thả với đầy ắp tiếng cười và những câu chuyện đã thay bằng những bữa ăn vội vàng, có khi mỗi ngươi bưng một tô vừa ăn vừa coi ti vi, điện thoại hay mải theo đuổi những công việc riêng của mình. Những gắn kết gia đình cùng với những bữa cơm không đầy đủ cũng trở nên lỏng lẻo hơn. Có gia đình còn rất hiếm khi nấu nướng tại nhà mà chỉ ăn ngoài, mỗi người một nơi cho tiện với việc làm việc học của mình.


    Cùng với sự phát triển về mọi mặt của xã hội, sự chuyển đổi từ cuộc sống thuần nông truyền thống sang lối sống công nghiệp, những nếp sống gia đình cũng có những thay đổi. Sẽ là không dễ dàng để giữ những bữa cơm gia đình, đặc biệt những gia đình trẻ khi cha mẹ tất bật với công việc xã hội và việc chăm sóc con nhỏ. Tuy nhiên, với những ý nghĩa đặc biệt của mình, bữa cơm gia đình rất cần được duy trì. Tuổi thơ sẽ nhanh chóng đi qua, nhưng những ký ức của một thời trong trẻo âý luôn sống mãi với mỗi người.


    Còn gì đáng quý hơn những hình ảnh về một gia đình ấm áp, những bữa ăn mà cha mẹ con cái vui vẻ, nhường nhịn cho nhau. Giữ những bữa cơm gia đình không chỉ nuôi dưỡng hạnh phúc của những thành viên mà còn góp phần bảo tồn một truyền thống văn hoá đẹp đẽ của dân tộc.


    Ai Nguyen

    Bữa cơm gia đình
    Bữa cơm gia đình
    Bữa cơm gia đình
    Bữa cơm gia đình
  9. Top 9

    Cơm nhà quê

    Sinh ra ở dải đất có hai mùa mưa nắng, nắng ong cả đầu, mưa "thúi trời thúi đất". Nhà nghèo, con đông, chỉ đợi rỗi tay là các bà, các dì lo làm món tương để dự trữ khi mưa đến.


    Kệ mưa gió, kệ bão bùng, có gạo đầy bồ có tương trong thạp, mưa gió có sá chi.


    Tương được làm từ bánh dầu, nghĩa là đậu phộng đã ép lấy dầu còn lại xác, ép thành bánh. Bánh dầu được mang ra nong, phơi nắng đến khô giòn. Mùa rảnh rỗi các má, các dì dùng dao cắt ra rồi giã nhỏ, cho lên rây, lấy phần mịn.


    Chọn nếp ngon, nấu thành xôi, khi xôi còn âm ấp, phần bánh dầu đã được chế biến xong sẽ được trộn cùng với chút muối hầm, xíu đường.


    Tất cả được cho vào cối để giã, làm ít thì giã vào cối nhỏ, làm nhiều thì cho vào cối gỗ giã bằng chày to (gọi là quết). Công đoạn sau cùng, là cho thành phẩm vào thạp đậy kín nắp, ủ vài hôm, vậy là đã có món tương màu vàng cánh gián, thơm nức, dự trữ cho ngày đông giá rét.

    Mưa dầm, nấu nồi cơm to. Ra sau vườn vơ mớ rau muống rửa sạch, cắt khúc. Nấu nồi nước sôi, thả rau vào. Tương được làm sẵn, hòa vào nước để nêm canh. (tùy người ăn mặn nhạt mà thêm tí muối).


    Cà pháo muối chua mà chấm tương thì chỉ có xuýt xoa, đưa cơm vô kể.

    Hôm nào bán được giồng khoai. Bữa cơm được cải thiện hơn, miếng thịt mỡ cắt thành những đoạn nhỏ như đầu mút đũa (con đông đỡ hao). Cho chút tương hòa tí nước vào, kho riu riu lửa. Đến khi tương và thịt keo lại. Nghe mùi đã nức mũi.


    Cơm nhà quê chỉ vậy mà chan chứa tình. Mâm cơm tối có đủ anh em cha mẹ, con cái, có câu những chuyện không đầu không cuối. Có tiếng cười giòn tan của cậu em út, có nếp nhăn khắc khổ của Má, có lẫn tiếng thở dài của Ba. Có những chiếc bóng của cả nhà, đổ loang lổ trên vách tường đất.


    Có bếp lửa đầy khói vì củi mót từ thân mía đốt, không kịp khô.


    Vị khói bếp, vị tương má làm, vị chua chua từ quả cà muối, vị ngọt từ mớ rau Ba trồng theo ta suốt kiếp.


    Không nhớ quê được sao?
    Không yêu quê được sao?

    Đi khắp các thị thành, đâu đâu cũng có hàng quán 'CƠM MẸ NẤU'. Dẫu vậy, không đâu bằng cơm nhà mình.


    Ai đi xa xứ, ai lâu rồi chưa có dịp về quê. Hãy sắp xếp cho mình chuyến hồi hương cùng bữa cơm quê, kẻo muộn!


    Ta đi, ta nhớ quê nhà
    Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương!


    Tâm Phạm

    Cơm nhà quê
    Cơm nhà quê
    Cơm nhà quê
    Cơm nhà quê
  10. Top 10

    Về ăn cơm mẹ…

    Những năm tháng phiêu bạt xứ người, thổn thức trong tôi là nỗi nhớ da diết bữa cơm quê dân dã, chân chất vị nắng mưa mà mẹ đã trọn lòng gửi vào đó tình yêu thương đậm đà.


    Còn gì ấm áp hơn khi được ngồi bên mâm cơm đủ đầy các thành viên gia đình, quây quần trên chiếc chiếu hoa đậm hồn quê xứ, khói tỏa bàng bạc quấn quýt giữa những khuôn mặt ánh lên niềm hạnh phúc, bình yên.


    Cha vừa nhấp thêm ngụm rượu đế, vừa khề khà chuyện xóm làng, chuyện đồng áng một nắng hai sương, mẹ tảo tần xới cơm thật đầy vào chén đất bình dị cho bầy con đang tuổi ăn tuổi lớn. Cha và mẹ cùng cười hiền hậu khi nghe bầy con nhỏ xôn xao kể chuyện trường lớp, bè bạn, tiếng bát đũa lanh canh lẫn vào tiếng củi trong lò lục bục, tí tách.


    Nỗi nhớ quê xứ nồng hậu cũng bắt đầu từ những điều giản dị, chân phương như thế, tựa dòng sông nặng nghĩa phù sa vỗ về lòng tôi qua năm tháng ngọt bùi. Để rồi len lỏi trong những nhọc nhoài phố thị, đôi lúc lòng xao xác thèm một mùi vị đồng quê chỉ còn lại nơi miền thơ ấu.


    Khi bước chân bùi ngùi bước giữa chốn viễn xứ xa xôi, mới biết “nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương” trong khắc khoải hoài vọng ngày trở về. Và dáng mẹ lặng thầm bên bếp lửa tỏa khói rơm, nồng thơm vương vấn mùi đồng chua nước mặn, vẫn đau đáu trong khắc khoải tiềm thức, níu tâm hồn với nguồn cội nguyên sơ…


    Bao mùa nắng mưa tá túc giữa thị thành chật nỗi nhiêu khê, vội vã những bữa cơm lạ xa nơi hàng quán, tôi chạnh lòng thương bát cơm chắt chiu mùi gạo mới, thèm được xì xụp húp chén canh chua mát lòng của mẹ. Ước được về trải chiếu trước hàng hiên, ngồi nghe tiếng bìm bịp kêu từ bụi tre kẽo kẹt sương gió, nếm vị cá rô nướng chấm cùng nước mắm tỏi ớt nghe thấm đượm vị đồng quê, thêm đĩa ngọn bí đỏ xào chung với tép khô, tô canh mướp lành ngọt chứa chan tấm lòng thảo thơm của mẹ.


    Chỉ cần mùa nào thức nấy với vườn rau tập tàng mướt xanh yên ả, cái ao nhỏ nuôi bầy cá rô, cá lóc đớp bọt nắng trong veo, từ đọt bông súng, ngọn khoai quanh năm chân chất đượm nét quê mùa, mẹ sẽ khéo léo vun vén nên bữa cơm đậm tình dân dã, ngọt lòng mát dạ cho đứa con xa xứ lâu ngày trở về ru lại giấc mơ quê. Có dưa ăn dưa, có cá ăn cá, chỉ cần được ngồi cùng mẹ nghe bình yên râm ran sưởi ấm lồng ngực, vỗ về bao dầu dãi gió bụi đường đời.


    Chao ôi, nhớ se sắt lòng xôn xao tiếng nồi niêu, bát đũa, mỗi người một tay phụ mẹ dọn cơm ra manh chiếu cũ; nhớ những mùa mưa thơ ấu, chị em tôi lụi cụi vùi tro nướng hạt mít, hạt điều; nhớ bát chè đỗ đen nghe ngọt mát lắng dịu những trưa hè oi bức… Vị của nỗi nhớ thành ra cũng đậm đà như chén mắm cơm thêm vài lát gừng cay xè đầu lưỡi, cũng mặn mòi tựa nồi cá bống kho tiêu ăn với rau muống luộc, cũng quyện hòa chua ngọt như bát canh ếch lá giang thơm nồng…


    Chỉ được về nhà ăn một bữa cơm đạm bạc mẹ nấu cũng đủ khiến lòng mình xoa dịu những chông chênh, va vấp, mà nương níu trong vành nôi quê xứ êm giấc ca dao. Không dưng, mọi bức bối, hẫng hụt nơi phố xá gói trọn trong hai chữ: Yên bình.


    Hạnh phúc của mẹ là lúc được tảo tần nấu bữa cơm quê ngọt bùi thơm thảo, cho bầy con mãi còn bé bỏng trong mắt người. Hạnh phúc của mẹ là khi được nhìn các con ăn ngon trong vòng tay chở che ấm áp, của mảnh đất quê nhà nghĩa tình muối mặn gừng cay. Ai cũng có những khao khát vẫy vùng như cánh diều giấy vươn mình lên xa thẳm, đừng để một ngày cánh diều ấy đứt dây mà lòng quên mất lối về nguồn cội, quên mất bóng hình mẹ vò võ đợi chờ bên mâm cơm trống vắng.


    “Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình. Nhớ lũy tre xanh, dạo quanh khung trời kỷ niệm. Chợt thèm… rau đắng nấu canh…”


    (*). Câu hát ai buông sao mà bùi ngùi, da diết thế!

    (*) Bài hát “Còn thương rau đắng mọc sau hè” của nhạc sỹ Bắc Sơn.


    Trần Văn Thiên

    Về ăn cơm mẹ…
    Về ăn cơm mẹ…
    Về ăn cơm mẹ…
    Về ăn cơm mẹ…



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy