Bữa cơm gia đình
Trong rất nhiều mối quan tâm của mỗi người, gia đình đóng một vai trò rất quan trọng, có thể nói nó quyết định phần lớn niềm vui và hạnh phúc của chúng ta. Mỗi khi đi đâu xa, mỗi chúng ta thường có nỗi nhớ nhà. Và một trong những thứ làm nên nỗi nhớ ấy là những bữa cơm gia đình đầm ấm.
Người Việt, với nền văn minh lúa nước đã dùng cơm làm lương thực chính từ bao đời. Dù chỉ là những bữa ăn đơn sơ với tương cà mắm muối hay những bữa ăn thịnh soạn hơn trong những ngày lễ tết, cúng giỗ thì cơm là thứ không thể thiếu. “Nhà nào giàu ăn cơm ba bữa, nhà nào khó cũng đỏ lửa ba lần.” Xung quanh chuyện ăn uống và những bữa cơm, có những nề nếp, quy tắc được hình thành và bữa ăn, không đơn giản chỉ là ăn, mà nó còn là sự kết nối, gắn kết những thành viên, dạy con cái những bài học làm người và những thứ chỉ có được ở gia đình.
Người Việt chúng ta rất coi trọng lễ nghĩa, coi trọng gia đình. Những gia đình ngày xưa thường có nhiều thế hệ, ông bà thường được con cháu kính trọng, phụng dưỡng, con cháu cũng được ông bà dạy dỗ chăm lo. Là một đất nước nông nghiệp, mâm cơm của người Việt thường là những sản phẩm cây nhà lá vườn, được chế biến thành đa dạng các món ăn. Mâm cơm gia đình cơ bản gồm ba món: mặn, xào, canh; ngoài ra còn có mắm, dưa, cà muối, rau sống, rau luộc, thường được dọn chung lên mâm và cả nhà quây quần ăn uống. Bữa ăn là lúc những tôn ti trật tự trong gia đình được thể hiện. Chúng ta có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, con cháu mời ông bà, cha mẹ, ông bà cha mẹ gắp cho con nhỏ những món ngon trên mâm là điều thường thấy. Không phải chỉ có ăn, mà đây là lúc cả nhà vui vẻ chuyện trò, kể cho nhau nghe những chuyện của mình, cùng cười vui với nhau, tạo nên một khung cảnh gia đình ấm cúng. Tinh thần trong bữa ăn rất được đề cao, mâm cao cỗ đầy mà mạnh ai nấy ăn, không lời hỏi han chia sẻ thì bữa ăn rất nặng nề, “ăn vàng cũng không thấy ngon”. Ngược lại, nhiều gia đình chỉ có những món ăn đơn sơ để qua cơn đói, nhưng chồng nhường vợ, vợ nhường chồng, cha mẹ nhường con cái đã là một hình ảnh đẹp rất đáng trân quý. Dù chỉ là “râu tôm” nấu với “ruột bầu”, những thứ tưởng như bỏ đi thì “chồng chan vợ húp” cũng thật là ấm áp. Nếu có một thành viên nào đó không thể ăn cùng gia đình thì sẽ được dành phần. Phần để dành phải được lấy trước khi ăn, phải làm sao gọn gàng, tươm tất nhất có thể để người ăn sau có thể cảm nhận tình yêu thương được cả nhà dành cho. Ấm áp biết bao là những bữa ăn gia đình, nơi mỗi chúng ta đều đã trải qua và lưu vào ký ức những hình ảnh đẹp, ánh mắt hiền từ của cha, nụ cười âu yếm của mẹ, những món ngon cứ nhường nhau mãi để “nhiều thì không đủ mà ít thì dư”. Bữa ăn gia đình vì vậy không đơn thuần là ăn cho no, và khi không thể có những bữa ăn gia đình vì những lý do khách quan nào đó, người ta sẽ rất nhớ. Một người đã lớn, đã có gia đình riêng, sẽ nhớ hoài những bữa ăn với cha mẹ anh chị em thuở nhỏ. Những mâm cơm đơn sơ, được dọn trên một tấm chiếu trải giữa nhà hay ngoài hiên và hình ảnh cả nhà quây quần vui vẻ bên nhau luôn in hằn trong tâm thức.
Với nhịp sống công nghiệp ngày càng hối hả, nhất là ở những thị xã, thành phố, những bữa cơm đủ thành viên gia đình thường rất khó. Công việc bận rộn làm người ta khó chuẩn bị được những bữa cơm tươm tất, thường chỉ có bữa tối là có thể ăn cùng nhau ở nhà. Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Chồng có thể tiếp khách về trễ, con phải đi học thêm. Vậy nên những bữa cơm chậm rãi, thư thả với đầy ắp tiếng cười và những câu chuyện đã thay bằng những bữa ăn vội vàng, có khi mỗi ngươi bưng một tô vừa ăn vừa coi ti vi, điện thoại hay mải theo đuổi những công việc riêng của mình. Những gắn kết gia đình cùng với những bữa cơm không đầy đủ cũng trở nên lỏng lẻo hơn. Có gia đình còn rất hiếm khi nấu nướng tại nhà mà chỉ ăn ngoài, mỗi người một nơi cho tiện với việc làm việc học của mình.
Cùng với sự phát triển về mọi mặt của xã hội, sự chuyển đổi từ cuộc sống thuần nông truyền thống sang lối sống công nghiệp, những nếp sống gia đình cũng có những thay đổi. Sẽ là không dễ dàng để giữ những bữa cơm gia đình, đặc biệt những gia đình trẻ khi cha mẹ tất bật với công việc xã hội và việc chăm sóc con nhỏ. Tuy nhiên, với những ý nghĩa đặc biệt của mình, bữa cơm gia đình rất cần được duy trì. Tuổi thơ sẽ nhanh chóng đi qua, nhưng những ký ức của một thời trong trẻo âý luôn sống mãi với mỗi người.
Còn gì đáng quý hơn những hình ảnh về một gia đình ấm áp, những bữa ăn mà cha mẹ con cái vui vẻ, nhường nhịn cho nhau. Giữ những bữa cơm gia đình không chỉ nuôi dưỡng hạnh phúc của những thành viên mà còn góp phần bảo tồn một truyền thống văn hoá đẹp đẽ của dân tộc.
Ai Nguyen