Bữa cơm hạnh phúc gia đình
"Nhắn ai dù có đi xa
Đồng quê khói bếp vườn nhà đừng quên"
Làm sao tôi có thể quên nơi chôn rau cắt rốn, làm sao tôi có thể quên đồng bãi quê mình lúa hát lao xao. Nơi mỗi buổi mẹ nhóm bếp thả khói lam chiều nghi ngút. Càng nhớ khôn nguôi những bữa cơm gia đình ấm áp có bố mẹ và sáu chị em đông đủ quây quần. Dù bữa cơm ngày ấy đơn sơ lắm, chỉ tương cà dưa muối, nắm rau, quả bầu quả mướp hái trong vườn nhưng vẫn tròn vị thơm ngon. Để đến tận bây giờ tôi vẫn thương vẫn nhớ !
Hồi đó, nhà tôi còn ở ngôi nhà lá, tuy chật chội những lúc nào cũng ưu tiên bữa ăn ở gian trang trọng nhất trong nhà. Chiếc mâm nhôm cũ là thứ cả nhà đều trân quý vì đó là tài sản duy nhất ông bà nội tặng bố mẹ khi bố mẹ ra ở riêng. Ngày xưa chẳng có đồng hồ nên giờ nấu cơm và giờ ăn cơm đều canh theo bóng nắng. Cứ bóng nắng hắt gần thẳng với mái nhà là đến giờ ăn. Đứa lớn nhấc nồi cơm, đứa bê nồi canh, đứa múc ít tương mẹ ngả vàng trong chĩnh, dưa nén đầy vại mẹ đặt ở đầu hè, chỉ việc chạy ra bốc vào là đầy đủ một mâm cơm thịnh soạn.
Nhà tuy khó khăn nhưng rất nề nếp, bữa nào cũng phải đông đủ cả nhà mới bắt đầu ăn, nếu bố hoặc mẹ đi chợ xa không về kịp sẽ được cất một phần để riêng. Bố luôn dạy chúng tôi phải ăn trông nồi ngồi trông hướng, bố dạy chúng tôi biết" học ăn, học nói, học gói, học mở". Bữa ăn gia đình không chỉ là nơi nạp năng lượng mà còn trở thành nơi truyền nhận những bài học giáo dục sâu sắc về đạo đức lối sống, là cách đối nhân xử thế, trở thành nét văn hóa không thể thiếu của gia đình.
Tôi nhớ như in những buổi trưa vàng tơ nắng mật, mẹ đi chợ mua được ít thịt xóc với đậu phụ, mùi hành mỡ thơm phức bay lên ,chưa đến bữa mà chúng tôi cứ đi ra đi vào canh cửa bếp để hít hà mùi thơm ấy. Đến bữa, mẹ gắp thức ăn cho bố và chia cho chị em tôi nhưng chẳng gắp cho mình. Bố lại gắp phần của bố qua bát cơm của mẹ. Chị em tôi cũng thi nhau gắp cho bố mẹ. Cả nhà cùng ăn tràn ngập tiếng cười thật ấm áp và thân thương.
Có hôm dưa cà quá bữa bị chua quá độ, mẹ cho lên bếp xào với mỡ lợn. Miếng cà se xém lại ngả màu tối thẫm. Mẹ nói hôm nay nhà mình ăn thịt bò khô. Mấy đứa em tôi vỗ tay cười tít mắt. Niềm vui nhỏ nhoi đơn sơ là thế, mà sao nửa cuộc đời tôi chẳng thể tìm thấy ở nơi đâu?
Lâu lâu nhà có bạn đồng ngũ của bố đến chơi, Bố mời ở lại dùng bữa với gia đình. Mẹ khéo léo dọn thành hai mâm, mâm khách ngồi trên giường, mẹ và chúng tôi ăn dưới bếp. Cỗ đãi khách chỉ hơn đĩa trứng gà ốp, một đĩa lạc rang và rổ rau sống nhỏ. Hai đứa em tôi cứ muốn chèo lên đòi ngồi cùng bố. Mẹ phải nịnh nọt dỗ dành mãi mới thôi. Bố tôi thường quen với việc "nhịn miệng tiếp khách". Bởi thế mà mỗi lần dọn mâm, hình như bố chỉ dám ăn chút rau dưa. Thức ăn vẫn còn đó bố vẫn để dành để khi xong bữa các con của bố có miếng ngon miếng ngọt.
Có lần đến giờ cơm tối nhưng bố mẹ còn đang dở dang công việc. Mấy chị em tôi xúm xít ngồi vòng tròn quanh mâm so đũa trước đợi bố mẹ. Chị cả kéo mấy đứa lại khẽ dặn dò: "Mấy đứa ăn ít thôi, để dành cơm cho bố mẹ ăn mai còn có sức đi làm, nhà mình mai hết gạo rồi". Bố vô tình nghe được nhắc chị không được nói các em như thế kẻo phải tội. "Càng bé càng phải ăn nhiều cho mau lớn". Bố đã nói rồi, vậy mà bữa đó mấy chị em mỗi người chỉ ăn đúng một lưng, bố mẹ bắt ăn thêm đều bảo no rồi. Chẳng biết có phải bụi gió bay vào không mà sao tôi thấy mắt mẹ nhạt nhoà hoe đỏ. Đêm ấy ,bố cùng cái điếu cày thao thức suốt canh thâu...
Bây giờ cuộc sống đã tốt hơn, cả gia đình mình chẳng còn phải lo bữa no bữa đói. Nhưng nếp xưa nhà cũ con vẫn tạc dạ ghi lòng. Luôn trân trọng nâng niu từng khoảnh khắc xum họp của gia đình nhỏ. Con biết được rằng hạnh phúc chẳng cần kiếm tìm ở đâu xa bữa cơm gia đình chính là niềm hạnh phúc. Con đã hiểu những bữa cơm đơn sơ ngày ấy sao lại ngon và đậm đà đến vậy. Vì nó được nấu bằng sự quan tâm đến mỗi thành viên trong cả gia đình, và hơn tất cả nó được nêm bằng gia vị của yêu thương.
Lê Thị Ngọc Lan