Top 7 Tản văn viết về Hồ Tây hay nhất
Nếu Hồ Hoàn Kiếm là trái tim của Hà Nội cổ, thì cũng có thể nói khung cảnh Hồ Tây là trái tim của một Hà Nội mới. Như một lẽ rất tự nhiên, vẻ đẹp mênh mang của ... xem thêm...Hồ Tây luôn chạm đến trái tim người nghệ sĩ, tạo nguồn cảm hứng bất tận cho thơ văn. Dưới đây là Tản văn viết về Hồ Tây hay nhất mà Toplist muốn giới thiệu đến bạn.
-
Tôi trở về Hà Nội sau bao nhiêu ngày xa cách, sau một chuyến đi dài. Máy bay hạ cánh xuống Nội Bài vào một buổi sáng mùa đông khi sương mù vẫn còn giăng đầy, đây đó bảng lảng mờ mờ sương khói...
Những mảng xanh sẫm của hoa màu, những mảng dài rộng trắng đục hút tầm mắt cũng dần dần hiện ra... Khẽ khàng uốn lượn quanh co, kia là Sông Hồng đã từng đổ vào ký ức và một thời lờ lững chảy qua tuổi thơ tôi...
Hà Nội khi tôi trở về đã vắng mưa ít nắng, Hà Nội đã bước vào những ngày cuối của năm. Bước chân tôi đi mà cứ như đắm chìm vào Hà Nội của những ngày xưa cũ... Xung quanh tôi những con người mê mải bước đi trong vội vã, như có ai giục giã đi nhanh trong gió cuốn...
Tôi thẩn thơ giữa ngã tư đường, lòng nhớ nhung những mùa ký ức cũ.
Hà Nội đã bước vào đông từ lâu khi tiết trời đã thực sự lạnh. Nhìn những rặng liễu rủ cô đơn âm thầm bên Tây Hồ mà nhen vào lòng một điều gì đó mang mác...
Không còn mùa thu để tôi được mơ màng, không còn mùa thu để tôi được nhìn thấy màu vàng ươm của lá, không còn mùa thu để tôi được nhìn thấy những chú chuồn chuồn cánh mỏng cõng nắng bay dập dìu từng đôi từng đôi vờn trên sóng biếc của Tây Hồ để tôi nghe lao xao nắng về hôn lên mặt nước... Không còn mùa thu để được nghe những lời ru của ngàn con sóng mỗi khi chiều về dưới ánh hoàng hôn.
Mùi hoa sữa ngào ngạt thơm từng cơn gió, mùi hoàng lan phảng phất khắp cả con phố dài mênh mang phả vào lòng hằng đêm mỗi tối...
Cho dù có lúc nắng lên thật nhiều, có lúc làm oi bức, cũng có khi có lúc làm thu đau, nhưng HOÀNG HÔN trong thu thì lại luôn là đẹp nhất, quyến rũ lòng người nhất.
Ai đã từng ngắm hoàng hôn Hồ Tây vào chiều thu thì không thể nào quên được. Không những được hít hà luồng không khí trong trẻo mà Hồ Tây còn là nơi điểm hẹn để người ta tìm đến, tìm về như là một quán tính. Hồ Tây đẹp bởi nó như là một trái tim ôm trọn trong mình những trạng thái buồn vui của người yêu nó, nó còn là “một lá phổi xanh” của Hà Nội như có ai đó đã từng nói.
Tôi luôn thích ngắm nhìn mặt trời lặn và khuất dần vào nơi cuối của phía chân trời. Lúc ấy cảnh vật sẫm lại trong bước chuyển nhẹ nhàng của thời gian...Từ sắc đỏ vàng cam... Chuyển sang đỏ lựng và cuối cùng là tím ngắt...
Đó là HOÀNG HÔN trong ráng chiều... Đó cũng chính là sự nỗ lực cuối cùng của mặt trời trước khi kết thúc một ngày.
Trong những giây phút cuối cùng của mặt trời trước khi lặn ấy thật là rực rỡ và quyến rũ, luôn làm say đắm lòng người...
Và chỉ có ở mặt hồ, hay mặt biển thì hoàng hôn lúc đấy mới có thể phô ra hết những gì mình có...Mặt Tây Hồ trong trẻo ấy như một tấm gương phản chiếu lên những sắc màu tuyệt vời và rực rỡ hơn bao giờ hết, sẽ ánh lên không gian xung quanh... Khi ấy mặt trời sẽ rực sáng lên một lần nữa trước khi khuất dần...
Có lẽ hai khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của Tây Hồ trong một ngày đó chính là bình minh và hoàng hôn.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, không gian nào ta vẫn cũng cảm nhận được vẻ đẹp của nó... Những cảm xúc cứ len lỏi tận sâu thẳm trong lòng, trong tâm hồn ta, khiến ta nhận ra được giá trị ở đời bởi một điều. Điều đẹp đẽ nhất không phải lúc nào cũng có thể cứ trải dài ra, hay kéo dài ra để ta có thể dửng dưng cảm nhận, mà có thể chỉ còn là trong khoảnh khắc...
Cái khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của mặt trời trong sự nỗ lực cuối cùng của một ngày càng khiến ta muốn được sống chậm hơn để cảm nhận.
HOÀNG HÔN chính là dấu hiệu của sự khép lại vĩnh viễn của một ngày sắp qua đi... Tuy là thật đẹp nhưng bao giờ cũng để lại nhiều cảm xúc...
Liệu còn có bao nhiêu ngày có hoàng hôn để ngắm nhìn?!
Bởi một ngày qua đi cuộc sống sẽ ít hơn một ngày... Dẫu vẫn biết rằng hoàng hôn ngày mai sẽ trở lại, nhưng thời gian của đời một con người thì không, hãy sống hết mình...Cảm nhận hết mình khi còn có thể!
Hôm nay trở về đây bên Tây Hồ trong một ngày thưa nắng, những ngôi nhà đậu quanh bờ bên làn sương mỏng, những chiếc thuyền trôi êm trôi...Những đám mây mờ ảo, những giấc mộng ngày nào đã đi vào miền cổ tích. Chỉ có mặt nước Tây Hồ là thật và hoàng hôn trên Tây Hồ là thật.
Tản văn: Lê Minh
-
Hà Nội quyến rũ du khách bốn phương có lẽ là vẻ đẹp của những gương hồ soi bóng nhân gian kim cổ gắn với bao truyền thuyết, huyền thoại hư ảo hàng ngàn năm lịch sử kinh thành Thăng Long xưa. Và Hồ Tây bãng lãng sương khói vào mùa sen nở giống như một cõi thần tiên lạc giới mê hoặc bất kỳ ai đến đây.
Bình minh phố, vào hạ, nắng đã tràn ngập phủ màu vàng mơ, cả không gian nhuộm sắc đỏ hoa phượng hoài niệm học trò, tím bằng lăng ký ức tình thơ…, bỗng chốc trở nên mờ nhòe, nhường cho ánh mắt dõi theo gánh hoa chung chiêng trên vai áo nâu…
Những đóa sen hồng e ấp lấp ló sau màu lá xanh mang theo hương thơm thanh khiết dịu dàng như một mời gọi mơ hồ cuốn theo bước chân…
Và sen, cả một hồ sen mênh mang huyền hoặc hình như không có giới hạn làm tôi ngây ngất, ngỡ mình đang trong cõi mộng xuyên không trở về mấy trăm năm trước, được cùng tao nhân mặc khách của Tao Đàn nhị thập bát tú vịnh thơ ngoạn cảnh sắc Hồ Tây.
Bềnh bồng trên con thuyền nhỏ giữa hồ, không dám khua mái chèo, chỉ sợ tiếng động sẽ làm vỡ mất giấc mộng như đang ở chốn thiên thai.
Những chiếc lá sen xanh biếc tròn như đĩa ngọc phỉ thúy khổng lồ càng tôn sắc hồng búp sen kiêu hãnh vươn cao, đang kín đáo tỏa hương thơm được trời đất tụ khí chưng cất thanh nhẹ tinh túy thoát tục. Có khoảnh khắc không biết có phải ảo giác, hình như thấp thoáng ẩn hiện giữa hồ sen, bóng dáng một thiếu nữ má hồng đang lúng liếng mắt nhìn, chúm chím môi hoa… Phải chăng Bà Chúa Liễu trong huyền tích Hồ Tây rời gót ngọc Phủ Chúa, đang thưởng sen cùng nhân gian hồng trần?Tôi có diễm phúc được gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng, người lưu giữ lịch sử Hà Nội bằng hình ảnh. Ông kể, ngót nủa thế kỷ nay, mùa sen Hồ Tây năm nào ông cũng đi chụp ảnh, đặc biệt ông có rất nhiều bộ ảnh hái sen ướp trà, một loại trà thượng hạng bậc nhất Thăng Long thành danh trà làm nên “trà đạo Việt Nam” độc quyền của sen Hồ Tây, và những công đoạn làm nên loại danh trà này cầu kỳ, tỉ mỉ, khéo léo, tinh tế, chính xác, không phải ai cũng có thể.
Sen được hái từ mờ sương, rồi thong thả ngắt từng cánh, để lộ ra phần nhụy vàng, khều thật nhẹ hạt gạo tròn nhỏ xíu trên đầu nhụy, đó là tinh chất sen thơm để ướp hương làm nên thứ danh trà Thăng Long thành của sen Hồ Tây…
Và đó mới chỉ là công đoạn đầu… Tôi cũng đã được uống loại danh trà này, để rồi nhớ mãi khó quên cảm giác lâng lâng thoát tục khi từng hớp trà ướp hương sen như thấm vào từng tế bào…Miên man nghĩ, ngày xưa Hồ Tây có sen vàng hay không mà ở nơi này tọa lạc ngôi chùa Kim Liên đẹp như trong cổ tích. Hay chính nơi này gắn với huyền thoại trâu vàng ngàn năm trước cùng huyền tích sư Không Lộ ngàn năm sau vẫn cho phàm trần ngưỡng mộ thành kính?
Mà cũng lạ, tất cả các ngôi chùa cổ ở Hồ Tây đều quay hướng về mặt hồ sen, và mỗi sáng mai tiếng chuông gõ nhịp vào thinh không nghe như tiếng xưa vọng về lời cổ nhân, cho một ngày mới không tạp niệm, nhiều lòng từ đến cõi nhân gian.Quay về phố, đi dưới hàng cây cổ thụ trầm mặc hòa nhịp cùng thời gian quá khứ hiện tại và tương lai, trên tay tôi là một ôm hoa sen, hương thơm vương vấn theo gió quẩn quanh trong bãng lãng sương chiếu tím nhạt…
Và một sự kỳ công hiếm có, cho dù phương Nam của tôi quanh năm có sen, nhưng tôi vẫn mang sen về, để rồi lúc này ngồi ngắm hoa, cảm nhận từng búp gió sen hồng Hồ Tây như khoảnh khắc tĩnh lặng, buông mọi tục lụy, thanh lọc sân si.Sen Hồ Tây hình như là một cõi thiền của riêng tôi.
Hoài Hương
-
Mãi rồi mà vẫn cứ với tâm trạng chộn rộn y như là một nghi lễ. Mỗi sáng tinh mơ, khi hồi hộp vén màn sương mỏng đánh thức Hồ Tây. Nhoài người với tay nắm xe đạp, nhập dòng xe đua như dòng nước xiết òa vào vùng thơm hương sen hồ và những làng hoa Quảng An, Quảng Bá... Không khí sạch, hương thơm quanh Hồ Tây, tác nhân gây nghiền cho “dân” đạp xe quanh hồ. Đến với Hồ Tây ai cũng với cảm xúc vừa hào sảng vừa mang mác nỗi niềm như gặp lại chính mình thời đang nhiều mơ mộng. Nhưng trước tiên là sung sướng hít một hơi thở căng tràn lồng ngực, khoan khoái tận hưởng không khí thoáng đãng riêng có của vùng hồ. Hãy đứng mặc cho gió nồm nam mát rười rượi thỏa thích mơn man trên cơ thể hay thích thú khi xuýt xoa hơi lạnh mùa đông bên hồ.
Và xin chào một sê ry thắng cảnh nằm trong thắng cảnh Hồ Tây vốn được mệnh danh là biển của Hà Nội. Đang ngột ngạt với những tòa nhà cao tầng xếp liền nhau như những chồng cao ru bích với miên man dàn điều hòa đang phả hơi nóng ra đường phố bụi mịn; hay san sát cửa hiệu liền kề nhau trong ba sáu phố phường thì bất ngờ mở ra một không gian bát ngát với trời – mây - nước mênh mang, mênh mang.
Đặc sắc và đặc trưng của Hồ Tây là sương mỏng mặt hồ bay lơ lửng, lãng đãng, nhàn tản. Làn sương mỏng mảnh như sương như khói và huyền ảo như mơ. Hồ Tây bao la, với sóng mắt võng dệt hình thoi trên mặt nước. Sóng lô nhô phản chiếu ánh mặt trời như đang nháy con mắt tinh nghịch. Những ngày gió mùa về Hồ Tây dềnh lên, nổi sóng. Con sóng không cuồn cuộn biển cả mà chỉ rướn hết mình đuổi nhau từ ngoài xa ập vào bờ, vỡ òa trò chơi đuổi bắt . Thích nhất là ngắm bình minh và hoàng hôn trên Hồ Tây. Mặt trời đỏ như chiếc mâm son nhô lên trên nóc tòa nhà cao tầng rồi cúi nhìn mặt nước những chiếc thuyền đua thể thao đang cắm cúi gò mình bơi, nhịp sống bừng ùa gấp gáp như nhịp tay chèo cho một ngày mới nhiều hứa hẹn, mơ ước. Hoàng hôn, mây ngũ sắc trong ráng vàng hắt ánh sáng đỏ xuống mặt hồ vẽ cảnh đời thong thả bình yên, gió hồ cũng đồng điệu chùng chình, giữ chậm. Ai bắt gặp cảnh bình minh hay hoàng hôn trên hồ cũng một cảm giác choáng ngợp, vội rút điện thoại thông minh ghi lại khoảng khắc thần tiên. Nhưng Hồ Tây thơ và mộng là những đêm trăng sáng. Mặt hồ được tãi vàng ròng. Ông trăng trên trời cao và ông trăng dưới nước cùng màu sáng xanh. Trăng Hồ Tây luôn là nguần cảm hứng bất tận của thơ ca. Nếu như Nguyễn Mộng Tuân tức cảnh: “ Một trời lấp lánh lưu ly/Chín tầng vàng ngọc đan thi mặt hồ” thì Phùng Khắc Hoan viết về ánh trăng Tây Hồ ma mị huyền ảo gây mê như một mối tình si: “Chuông sớm giục thanh lòng phật đó/Trăng tròn soi một bóng tiêu thôi”. Nguyễn Công Trứ với rượu trăng la đà: “Buồn nửa lá trăng thanh gió dịu/chiều đâu đây một tiếng chuông rơi”. Thi sỹ Tản Đà: “ Hắt hiu Hồ Tây chiều lá rơi/Đêm thu vằng vặc bóng theo người/Mảnh tình sẻ nửa ngây vì nước/Tri kỷ trông là đắng tận trời”.
Chầm chậm đạp xe trên đường Thanh niên. Con đường đẹp nhất Hà Nội đang nồng nàn hai tay khoác vai một bên là hồ Trúc Bạch, một bên là Hồ Tây. Đầu đường này, chùa Trấn Quốc dáng đẹp như một đài sen dập dềnh trên sóng nước in hình. Đầu đường kia, chùa Quán Thánh với những trụ cột cổng cao như cặp cây nến thờ và trầm tư bức tượng đồng đen nổi tiếng. Đi trên đường Thanh niên, bốn mùa thoang thoảng hương thơm hoa ngọc lan, hoàng lan thanh khiết, dịu dàng mà quý phái. Bên cạnh đường, Quán Gió điểm dừng bước của người đi dạo có bán bánh tôm. “ Bột chiên vàng ươm/Bọc nhân tôm đỏ/Hẹn chiều Quán Gió/Thơm giòn bánh tôm”. Con tôm Hồ Tây chỉ nhỉnh hơn chiếc đũa nhưng mình nó rắn đanh, đỏ như son uốn cong trong chiếc bánh chiên vàng ươm, sự phối màu bắt mắt. Cốc kem quả bốn màu, kem ốc quế…những món ăn nhẹ, đậm chất thanh lịch Hà Thành. Quán chỉ là cái cớ để người dạo chơi ngừng chân ngắm cảnh. Những con thiên nga đạp chân bơi trên mặt nước của nam thanh nữ tú ngồi sóng đôi. Bên kia là Phủ Tây Hồ sầm uất trong bóng mát của cây si, cây xanh già nua cổ thụ. Phủ Tây Hồ có món bún ốc ngon đặc sắc đã thành thương hiệu, ăn một lần nhớ, rồi thích mãi vị chua cay mặn ngọt béo dai giòn và thơm mùi dấm bỗng. “Con ốc giòn dai béo mọng/Đậu rán già lửa vàng ươm/Ngoài trời se se lành lạnh/Dậy mùi dấm bỗng thơm thơm”. Mùa hè ăn bún ốc mát lành, mùa đông lại ấm nóng trong tiết se se lạnh heo may. Ngày rằm, người về đây đông đúc, nhịp sống chậm lại trong nghi ngút khói hương. Ẩn mình trong các lùm cây ven hồ thấp thoáng những ngôi chùa mái ngói và cong cong đầu đao hình rồng phượng gợi nhớ đất cố đô.
Đến với Hồ Tây như người bạn tri âm tri kỷ, lòng ngân lên câu hát: “ Khi nào anh đau khổ, hãy tìm đến với em…”. Hồ Tây nghe và cảm được hết mọi tâm sự thổ lộ buồn vui và chia sẻ chân tình. Nhất là những chiều mùa hè khi nhìn những cành phượng thả cành buông lơi trên mặt nước hay đêm mùa thu thong thả bước dưới ánh đèn vàng. Chỉ cần đi dạo một đoạn đường thôi trên mép nước, bao nhiêu trăn trở, buồn bực sẽ tan biến và bình yên trở lại.
Lực Chung Tiến
-
Đó vàng đây cũng đồng đen
Đấy hoa thiên lý đây sen Tây Hồ
Vâng! Từ rất lâu rồi vẻ đẹp, sự nổi tiếng của sen Tây Hồ đã đi vào tục ngữ, ca dao và thơ ca. Bông hoa sen được trồng trong lớp đất bùn mầu mỡ của Hồ Tây huyền thoại rất to, nụ hoa, hương thơm cũng đượm, ngạt ngào hơn sen được trồng ở nơi khác. Nếu như Nam bộ có vùng sen nổi tiếng là Tháp Mười thì miền Bắc, nhắc tới sen người ta liên tưởng ngay tới Thủ đô Hà Nội - nơi có vùng Hồ Tây bạt ngàn hoa sen.
Nhà tôi ở sát bên hồ và chỉ cách mặt nước chỗ trồng sen chừng 15-20 mét. Chính vì thế mà cây sen và loài hoa thơm mọc lên từ bùn đất hôi tanh ấy đã trở nên rất đỗi thân quen và gần gũi. Ký ức tuổi thơ tôi cũng như những đứa trẻ sinh ra ở vùng này luôn thấm đượm mùi hương sen thơm ngát. Khi những bông hoa nở bói đầu vụ báo hiệu một mùa hè tới, là chúng tôi lại rủ nhau bơi tắm hồ vào buổi chiều tà để hái trộm hoa sen. Những mùa sen cứ nối tiếp những mùa hoa nở, lứa bọn trẻ chúng tôi lớn lên và không ai còn bơi hồ và hái hoa trộm nữa, nhưng thú ngồi dưới đêm trăng ở ven hồ để thưởng thức mùi hoa thơm ngát thì không ai bỏ được.
Các cụ già thì có cái thú thanh tao hơn lớp trẻ là vừa ngồi ngắm trăng thưởng hoa và uống trà hương sen được ướp bằng chính những bông hoa sen Tây Hồ. Hầu như nhà ai ở làng Quảng Bá, Tây Hồ cũng đều dự trữ ở nhà một vài lạng trà sen để đãi khách, bạn hiền vào các dịp lễ tết, cưới hỏi... Trà sen ở đây do chính các nghệ nhân của làng ướp rất công phu, cầu kỳ, vì thế nó quí lắm, mua cũng khó và cũng không biết ai bán mà mua vì người ta chỉ ướp để tặng, biếu nhau thôi. Nghe đâu lúc còn sống, nhạc sĩ họ Trịnh tài hoa đã nài nỉ người quen mua hộ bằng được 2kg trà sen Tây Hồ để mang vô Nam thiết đãi bạn bè dần. Vì nể tình và ngưỡng mộ nhạc sĩ, một nghệ nhân ở xóm Quảng Khánh, làng Tây Hồ đã bán cho ông nhưng với giá rẻ rồi mà vẫn còn tới 2 triệu đồng/kg. Nghe nói hai triệu đồng/kg trà sen hẳn ai đó giật mình, nhưng được nghe kể về quá trình, các công đoạn ướp thì đúng là còn rẻ thật. Nào là phải lựa các bông hoa sen to, mà hoa phải vừa mới nở miệng sáo, nào là hái sen phải trước lúc mặt trời lên thì hương mới không bị giảm... Theo tôi được biết thì cứ khoảng 1.000-1.500 bông sen thì người ta mới ướp đủ cho 1 kg trà. Rồi nữa qua 6-7 lần ướp ủ, sấy, rồi phụ nữ đến tháng... không được lại gần chỗ ướp trà cũng đủ thấy sự cầu kỳ của công việc ướp trà.
Năm tháng cứ dần trôi, đà đô thị hoá đến chóng mặt, cùng với những cơn sốt giá đất lên đến mấy cây vàng một mét vuông đã ít nhiều ảnh hưởng tới cây sen Hồ Tây. Những vạt sen ven hồ cứ bị gặm nhấm dần khi những hộ dân sống ở ven Hồ Tây lấp, cạp ra để mở rộng diện tích nhà mình. Cây sen vốn sinh sôi nhanh cũng không thể bì nổi với tốc độ lấn hồ. Rồi nữa, nền kinh tế thị trường cũng là một nguyên nhân chính để cây sen Tây Hồ có nguy cơ mai một khi các chủ nhân đấu thầu các ao, vũng ven hồ để qui hoạch nuôi thả cá, làm hồ câu... và người ta sợ cá sẽ không sống nổi vì thể mới phá sen. Đã có một vài bài báo nói về sự mai một của cây sen Tây Hồ, song dù có nói bao nhiêu đi chăng nữa thì cái gì đã mất đi khó lòng mà lấy lại được.
Tây Hồ mùa sen và diện tích dẫu chưa hết hẳn, nhưng hàng sáng, những bông sen được trồng ở đây vẫn được các bà, các chị hái lên ướp trà hay mang bán cho các thương lái ở chợ hoa sớm mai Quảng Bá. Có một thực tế buồn khó chấp nhận được, đó là: Sự nổi tiếng về một vùng sen sẽ chỉ còn là trong "cổ tích" khi những thế hệ sau này sẽ không còn được thấy vẻ đẹp của hoa sen Tây Hồ cùng hương thơm ngan ngát... của nó ở chốn đô thị phồn hoa....
Lê Thị Hoài Anh
-
Đang ngồi bên quán cóc liêu xiêu ở phố cổ, bất chợt nhớ câu thơ mới của Việt Phương “Một mảnh Hồ Tây bé tí teo/cũng mênh mông phiêu diêu ngút ngát/ một phố cổ tiêu điều xơ xác/ cũng nâng niu cây lạc cành xiêu...” Thích thú với câu thơ vì cảm thấy hình như câu thơ nói hộ mình cái gì vẫn muốn nói mà chưa nói được, vương vướng trong người, rồi thì như được thoát ra, người nhẹ bẫng. Ngồi lại và ngắm nghía thêm một lúc, chỉ thấy nườm nượp người và xe. Sự ồn ào phố xá xua đi cái buồn cô đơn này, cái buồn cô đơn khác lại ập đến. Mà lạ, phải trong cái hoàn cảnh đang ngồi ở phố cổ mới thấy thấm thía.
Hoá ra, mình yêu phố cổ cũng chỉ là yêu theo cái kiểu mình là cư dân sống ở đất Hà thành, hời hợt lắm, cứ như là phải yêu, chẳng lẽ không yêu, không yêu không thành được người Hà Nội. Có ông bạn ở phố Cầu Gỗ, ngày xưa, nhà có ba anh em trai đều có gia đình riêng, tất cả ở chung với một mẹ già. Mỗi hộ, nghĩa là mỗi gia đình ấy, có một chiếc giường với những rèm che mềm mại ngăn cách, bà mẹ già cũng có ngăn riêng. Không hiểu họ sống thế nào. Sau này được sửa chữa, cơi nới gì đó, mỗi gia đình có một phòng riêng. Nghe nói khoản thủ tục cho cái chuyện cơi nới cũng trần ai lắm. Sợ và bực mình, không muốn nghe tiếp. Nghe nói, cũng chỉ nghe nói thôi, còn vô khối gia đình như vậy. Thôi thì nếu yêu để mà oai, mình xin nhường cái oai đó, mình về sống ở ngoại thành cũ, vừa mới lên phố cách đây một năm, oách chán!
Đứng dậy bởi một vị khách, một thiếu phụ dắt tay một đứa bé chừng năm tuổi mới đến, ăn mặc rất diêm dúa và vẻ mặt rất sáng sủa, hương thơm son phấn ngào ngạt: “Cho một cà phê lóng nhé” và cúi xuống đứa bé đang ngậm trong mồm miếng xôi “Sao nâu thế, không luốt đi!”. Mất bao cái duyên, cái đẹp của phố Phái rồi!
Thì vậy đấy, cái lõi của phố cổ bây giờ là sự pha tạp và xuống cấp. Mình nói xuống cấp không hiểu có động chạm với ai và ở đâu không. Nhưng mà nghĩ thế thì nói thế. Những Hàng Bạc, Hàng Thiếc, Hàng Chiếu, Hàng Đồng... đâu đó vẫn có chút duyên xưa lởn vởn. Nó ẩn trong nét khuất thời gian, ở những ông bà già da mồi tóc bạc ngẫm nhiều hơn nói, ở những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làm nên các sản phẩm được đặt làm tặng phẩm cho cỡ nguyên thủ quốc gia. Và với mình, nhìn thấy các cụ với hình hài vóc dáng cổ xưa đó, mình mới thấy thật là “phố cổ”. Cái cổ nó thấm vào thời gian và đấy mới là lõi. Nét đơn sơ, mộc mạc trong sự cần mẫn và chí cốt với nghề thể hiện trên từng nếp nhăn vầng trán và con mắt. Tình yêu nghề cứ như thoảng đâu đó xa xăm. Bởi với sự phát triển của khoa học, của xã hội, mình thấy ở các cụ có điều tiếc nuối. Phải chấp nhận thôi! Tất cả rồi sẽ đi vào hoài niệm. Nhưng mình không thích sự diêm dúa, sao chép, đua đòi, trưởng giả. Phố cổ bây giờ cứ như là “giả cổ” ấy. Cả con người cũng vậy. Họ bảo họ ở phố cổ. Cứ như là những nét tinh hoa của ngàn năm văn hiến đã ngấm vào họ ấy. Có phải vậy mà nhìn phố cổ, mình không thấy nét đẹp, nét tinh hoa và cả cách cư xử tinh tế. Nhưng người ta vẫn khen. Thì bây giờ ai khen thì cứ khen, khen theo phong trào, nếu có lời nói lại đôi khi lại mang tiếng. Còn mấy ngôi nhà trăm năm hãy cứ cố giữ, và theo mình, đừng làm nó tiêu điều thêm. “Những ngôi nhà rêu phong cổ xưa ơi/ nét xù xì...mãi rồi hoá cũ/ cứ lẳng lặng đứng giữa đời như là hoang bỏ/ không được xây, nhà mái cứ xiêu dần/ nên trở thành cũ kĩ , chênh vênh...” Có phải vậy mà mình đồng cảm với Việt Phương.
Vậy là rời quán cóc liêu xiêu vài phút sau ra đến Hồ Tây. Cái hồ mà ông Việt Phương bảo là bé tí teo ấy. Ra đây thấy đầy gió. Những ngọn gió tươi rũ sạch cái ồn ào bụi bặm phố phường. Gió thổi và sóng trên hồ vỗ mạnh. Mênh mang tầm mắt đấy chứ, ngút ngát mây trời đấy chứ. Ra với thiên nhiên, thấy tự tin hơn, cái quê kiểng nơi mình không bị ai nhòm ngó. Bọn trẻ sánh vai nhau, chúng nó đẹp quá. Con đường ven hồ vắng tanh. Mong rằng cái vắng tanh tinh khôi hoang sơ thơm ngai ngái mùi cây cỏ và nước hồ tanh tanh này được duy trì đừng để các quán hàng liêu xiêu lấn chiếm. Những hàng cây con mới trồng chỉ vài năm nữa là chúng sẽ chìa tay cuốn lấy nhau, bóng sẽ lại phủ kín mặt đường che cái ánh nắng chói chang của tháng năm, của mùa hè. Rồi sẽ lại hình thành những lối đi của tình yêu, của ước mơ như ngày nào mình cầm tay người ấy của mình trên đường Cổ ngư và thầm thì ngỏ lời yêu đầu đời run rảy.
Ấn tượng nhất là những ông “Phùng Quán” thời hiện tại. Các ông vô tư hơn Phùng Quán ngày xưa. Cám ơn cái “mảnh hồ tí teo này” đã nâng và đỡ thêm phần nào vào cuộc sống vật chất những năm khó khăn của ông. Cả quãng dài ven hồ vài ba cây số, những chiếc cần câu vươn ra mặt nước. Tôi lại thấy cái an bình của Thăng Long cổ xưa. Hình như đâu đây vẫn thấy “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ lầu cũ lâu đài bóng tịch dương” hoà lẫn trong cái ồn ào đô thị ngày nay.Tôi thoáng thấy những cô gái trong trang phục “mớ bảy mớ ba” dịu dàng, kín đáo của làng dâu tằm, như thấy đầm sen quê mẹ đang làm dịu mầu nắng bởi dải mây xanh mướt màn của lá sen, tôi thấy làng quê của tôi với cánh đồng và con sông làng nho nhỏ... Chỉ mấy bước chân thôi mà mình đã sang một thế giới khác, thế giới của thủa xa xưa tinh khiết, tâm hồn thuần chất và đôn hậu. Khát vọng của con người gắn với tự nhiên thật mật thiết và bền chặt.
Rồi cái oi bức của phố cổ được giải toả bằng cơn mưa. Chắc người phố cổ và cả mấy quận nội thành nữa bớt ngột ngạt đi nhiều lắm. Gió trời quyện hơi nước tươi rói chẳng máy lạnh nào sánh nổi. Cả triệu con người được hưởng cái mát lành trong đó có Hồ Tây tạo ra. Đứng ngắm Hồ Tây trong mưa mà xuýt xoa cho ý tưởng con đường ngầm định xuyên qua đáy hồ. Ôi, Hồ Tây thiêng liêng như vậy thì mong rằng mỗi đụng chạm vào nó hãy coi như là đụng chạm vào lịch sử tổ tiên chúng ta, mọi động thái của chúng ta với hồ đều rất cần cẩn trọng.
Tôi trú mưa trong nhà bát giác, nghe thấy ồn ào tiếng chim non bên trường Chu Văn An. Ngôi trường được vinh dự mang tên ông thầy đã có một hành động đầy khí phách bất khuất của kẻ sĩ để người đời mãi mãi kính phục. Sĩ phu Thăng Long là như thế. Đất nước này sẽ vẫn còn những con người như Thầy khi nước nhà nguy biến.Vinh Anh
-
Lại trở về Hà Nội mỗi lúc một gần hơn và nhiều hơn nhưng lần nào cũng thấy xốn xang. Chỉ cần máy bay hạ cánh là trong lòng đã ngửi thấy cái mùi thương thương đến lạ, Hà Nội xưa tôi đi, Nồng nàn da diết, mùa hoa sữa những đêm khó ngủ cứ len nhẹ vào hồn tôi, cho tôi mơ một thuở thiếu thời, một thuở xanh ngời mắt biếc. Chiều thu muộn, hồ Tây lao xao con sóng, hàng cây xanh vút cao che bóng cả con đường tươi trẻ. Có những ngày trốn học trốn làm, thưởng cho mình một tý thảnh thơi nhìn ngắm sự bình yên của ngày trôi, lòng như lắng lại những bon chen vội vã hàng ngày. Hà Nội chậm trong bình thản. Những gánh hàng hoa trong nắng sớm lung linh như vũ điệu gọi mùa. Và kia tiếng rao đêm làm lòng tôi khắc khoải những nhọc nhằn vai mẹ, sự lớn khôn tôi, thấm đẫm giọt mồ hôi tảo tần khuya sớm, sự chịu đựng dẻo dai đến thần kỳ.
Cứ trăn trở cho cơm áo gạo tiền với muôn nẻo tha hương, bao nhiêu lần trở về là bấy nhiêu lần thêm da diết. Mỗi một lần gặp gỡ một cảm xúc đổi thay, một cảm nhận đặc biệt khác nhau, có lẽ bởi mùa.
Mùa xuân làm người tôi thấy xốn xang rạo rực, tràn đầy sức sống mới, với sự đâm nảy chồi non. Những cành đào hồng, đào phai đua nhau khoe sắc trong tiết trời se lạnh, làm Hà Nội dịu dàng như thiếu nữ xuân thì.
Mùa Hạ chói chang, lại để lại trong tôi một Hà Nội năng động và nhạy bén và làm cho hương vị ngọt ngào của kem tràng tiền còn đọng mãi không quên.
Mùa thu cho tôi cảm nhận Hà nội như một thiếu nữ mơ mộng chìm đắm trong sắc thu xao xác lá vàng, trời xanh gió mát, huyễn hoặc bước chân kẻ tha hương. Hương cốm mới len trong từng con phố, cho Hà Nôi thêm tinh khôi trong trẻo, Tất cả gợi lên trong lòng những nhớ nhung, những mất mát, những xót xa cho những gì còn dang dở.
Chớm đông rồi... cái lạnh đầu mùa làm cho tôi thèm một bờ vai, một hơi ấm bàn tay lan toả từ một trái tim khao khát yêu thương. Đêm đông, Hà Nội trầm mặc và bình lặng, tôi như nghe được cả tiếng thở của cỏ cây trong giấc ngủ mùa đông. Cái lạnh đầu đông làm cho những món ăn nóng hổi thêm khắc sâu vào lòng mặc khách những mỹ vị nhân gian, khó thể phai mờ.
Đi bên nhau những chiều thu muộn, một chút chớm đông cho lòng bao khát khao hoài vọng và cứ ước ao mãi thôi....
Tôi trở về Hà Nội vẫn điệu đà, vẫn cổ kính, vẫn kiêu sa, luôn mê hoặc lòng tôi những khoảng khắc giao mùa. Hà Nội cho tôi đắm say - Hà Nội tuổi thơ tôi với nồng nàn tình yêu và nỗi nhớ. Ra đi để cảm nhận lúc trở về.
Nguyen Thi Mai Diep
-
Phố đã lên màu trưa, mưa cũng vừa ngớt. Muồng hoàng yến vẫn bung lụa sắc vàng óng ả trong mưa, hàng phượng vỹ bên đường Cổ Ngư đang rũ nước, rì rào, thắp lửa, khi được hong khô bằng cơn gió và những tia nắng chiếu xiên qua lớp bụi mưa còn sót lại. Mặt hồ Tây bỗng xuất hiện một vệt dài, rộng, ngang mặt hồ, nửa hình tròn với rất nhiều màu sắc. Của cam, đỏ, vàng, lam, lục, chàm và tím. Cầu vồng...đúng rồi, là cầu vồng.
Ngồi trong quán cà phê đường Cổ Ngư, trông ra hồ Tây. Qua khung cửa kính, giữa trong và ngoài quán. Tách cà phê bên tôi vẫn đang rơi từng giọt từ từ, đều đặn trên thành cốc, giống như những giọt mưa khi nãy rớt trên mặt kính, hình thành, rồi lại vỡ tan. Đến, đi, không báo trước, không giã từ. Có những thứ chẳng gọi được ra tên, nhưng lại khiến cho con người ta có lúc vẫn nghĩ đến.
Mưa bao giờ cũng rất dễ gợi nỗi nhớ, có thể day dứt, nhưng chắc chắn không làm con người ta buồn đến bi lụy. Đâu đó, vẫn có người chọn cho mình cách cô đơn, yêu sự cô đơn, nhâm nhi cốc cà phê, thả hồn mình vào bản nhạc không lời nào đó. Phải chăng, như vậy sẽ cảm thấu được sự đắng đót trong hương vị cà phê, hay đôi khi đắm chìm vào sự độc hành, cùng với xúc cảm dâng trào trong nỗi cô đơn với chính bản thân? Càng sâu sắc bao nhiêu, hình như con người ta lại càng cô đơn hơn thì phải. Nhưng chắc chắn, có nỗi cô đơn, có nỗi buồn, lại khiến cho con người ta biết yêu và biết sống đẹp hơn.
Tôi đã từng nhìn thấy màu sắc cầu vồng sau cơn mưa. Ấy là lúc tôi còn là một cậu bé 6-7 tuổi, sống với ông bà ở dưới quê Hải Phòng, cạnh con sông Luộc. Lúc đấy, tôi chưa biết đó là cầu vồng, chỉ biết rằng một vệt dài, rộng giăng ngang chiều trong khoảng không vô định, với rất nhiều màu sắc, trên cánh đồng, khi tôi đang theo bà làm cỏ lúa. Chẳng thể gọi được hết tên các màu ấy, vì tôi còn nhỏ.
Bà nói, cầu vồng đấy con, tôi reo lên thích thú. Bà nói tiếp, nếu con gửi lên đó mong ước của mình, thì cầu vồng sẽ biến điều đó thành hiện thực, khi con trưởng thành. Tôi tin điều bà nói. Trong mong ước, tôi muốn xây cho bà một ngôi nhà thật đẹp trên cầu vồng. Bà nói, “Cha bố con, lúc con lớn rồi thì bà đâu còn sống nữa mà xây nhà cho bà...” bà mắng yêu tôi như thế, nhưng bà cười ngời hạnh phúc với câu nói ngô nghê của tôi. Tuổi thơ tôi ngập ngời ảo ảnh cầu vồng nhiều màu sắc và hình ảnh của bà, hoà mình bên từng gốc rạ, vấn vít nắng thơm, ngái nồng của rơm khi mưa về ngập nước.
Cầu vồng bắc qua giữa ước mơ và hiện tại. Cuộc sống này sẽ tẻ nhạt biết bao, khi con người ta không có mơ ước, không tin vào mơ ước. Tôi luôn nghĩ và tin như vậy suốt tuổi thơ của mình. Bởi cầu vồng rất đẹp và rực rỡ, nhưng lại không thể chạm vào. Vừa hư vô, nhưng lại có thật. Cầu vồng là chuyện của thiên nhiên, xuất hiện, rồi lại tan biến vào không gian. Để những trẻ thơ mải đong đưa giấc mơ nồng. Nửa hình cong vòng tròn cũng làm nên hạnh phúc.
Chiều nay, về đến đầu làng, vắng bà...con đường quê cũng như thưa dần. Tôi nhớ tới mùi cơi trầu của bà, nhớ mùi vôi bà têm vào lá trầu. Chiếc khăn đen mỏ quạ, chiếc áo nâu đã sờn nhiều năm, mà cứ mỗi dịp Xuân về, bà mang ra cầu ao ngồi nhuộm lại. Bao nhiêu năm rồi vẫn thế, bà dành dụm là để thương con, thương cháu, chẳng sắm sửa cho mình.Tôi nhớ lắm bà thường mắng yêu.”... cha bố mày, áo mặc có vừa không con...ăn có ngon không con...”
Tôi vẫn nhớ, dáng bà tôi liêu xiêu gánh mạ, gánh cả hồn vụ Xuân. Bà gánh cả chiều hôm trong nắng phai. Xuân về trên quê hương tôi, bao la trên cánh đồng, bên cánh võng của bà ru tôi năm xưa. Xuân gợi niềm thương, nỗi nhớ trong tôi. Tôi như nghe thấy Xuân bồi hồi đâu đó, gói bâng khuâng trong lòng, cùng với tiếng vỡ oà từ ngày xa xưa. Dạ bần thần, mắt khe khẽ cay, nhớ bà...vắng xa đã lâu ... Bà gánh cả nắng xuân tuổi thơ và ước mơ về cầu vồng của tôi đi...
Vài hôm nữa, tôi sẽ xa Hà Nội, biết bao giờ gặp lại. Tôi nhớ Hà Nội cả lúc trời mưa, nắng nhạt rơi thầm lặng, khi cơn mưa vừa dứt, cơn gió đi ngang chỉ còn bụi phố. Dường như con người ta càng trưởng thành, thì ít nhìn thấy cầu vồng hơn thì phải, bởi chẳng mơ mộng, viển vông giữa cuộc đời cười, khóc, gom suy tư từ xa, dù phiền muộn đến ngập lòng. Càng trưởng thành, truyện cổ tích ngày xưa càng trở nên nhạt nhẽo. Tự dưng ta thèm được hát giữa cuộc đời, không gieo điều ước nhỏ nhoi, bởi cũng chỉ giống như giọt nước đi tìm mặt trời. Cơn gió mạnh đi qua, bụi nước vỡ nhoà, long lanh, rực rỡ biến mất, chỉ còn lại khoảng không, trống rỗng, bâng khuâng...
Phía sau cơn mưa có thể là cầu vồng, rất đẹp, cho dù không thể chạm vào. Chiếc lá cuối mùa vẫn còn muốn rụng chậm, nặng trĩu, cố níu kéo thời gian trong cuộc viễn du tìm mặt đất của mình.
Vì thế, đừng bao giờ ngừng yêu cuộc sống này...bởi nếu không còn cầu vồng trên nhân gian, cổ tích sẽ chết trong ngày mưa, điều chưa đặt tên, đôi khi cũng đã là một phần trong cuộc sống. Ta thèm được cười giống trẻ thơ, thèm được vô tư, gởi gắm ước mơ giống chúng, những thiên thần cuộc sống đầy yêu thương...
Lê Minh