Bóng mát tình cha
Với mỗi người, có lẽ không có tiếng gọi nào thiêng liêng hơn hai tiếng mẹ cha. Từ lúc bập bẹ biết nói, tiếng đầu đời của một đứa trẻ là 2 tiếng ấy. Rồi đến khi trưởng thành, thật hạnh phúc biết bao khi ta lại được gọi bằng mẹ, bằng cha. Nếu như người mẹ thường được ví với những gì êm ái, dịu dàng, ngọt ngào và ấm áp thì người cha là một hình tượng cao cả, vững chãi, một bóng mát, một bờ vai che chở, nâng bước cho đàn con. Câu ca dao đầu đời mà mỗi đứa trẻ được học và sẽ theo suốt cuộc đời mình là: Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Tôi luôn theo dõi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, một chương trình đoàn tụ người thân của đài truyền hình và không ít lần rơi nước mắt xúc động vì những tình cảm của người mẹ, người cha dành những đứa con cũng như những đứa con dành cho cha mẹ mình. Một người thất lạc gia đình từ nhỏ, không còn giữ được hình ảnh hay kỷ vật nào của cha mẹ, đã viết hai chữ “Cha; “Mẹ” đặt trang trọng trên bàn thờ. Sau này, nhờ chương trình, anh đã tìm lại được quê hương và hai bức hình cha mẹ để thay thế cho hai chữ anh đã đã viết lên bằng sự đau đáu cả đời về hai đấng sinh thành. Cũng trong chương trình này, tôi đã rất xót xa trước hình ảnh một người cha đã 45 năm vẫn không ngừng đi tìm đứa con trai 5 tuổi ngày nào thất lạc trong cuộc ly loạn trên đường 7. Bằng những phương tiện thô sơ và một tình yêu thương con vô bờ, ông đã đi khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để tìm dấu vết của đứa con thất lạc năm nào và giúp nhiều gia đình đoàn tụ. Thật buồn và đau xót là đứa con trai ông vẫn chưa có một manh mối nào.
Người ta thường dành những lời cao quý nhất cho tình mẫu tử, và hình ảnh người mẹ có vẻ được khai thác nhiều hơn trong văn chương, nghệ thuật như một biểu tượng của sự ấm áp, bao dung và đầy thương yêu. Chắc chắn không có gì thay thế được hình ảnh người mẹ trong lòng những đứa con. Trong khi đó, người cha thường cứng rắn, mạnh mẽ, khó có thể làm thay mẹ những việc như khâu chiếc áo rách cho con hay lau giọt nước mắt, dỗ dành con khi con buồn khổ. Có thể vì sự cứng rắn cần có của phái mạnh mà người cha thường được ví như cây cao bóng cả nhưng lại thiếu đi sự trìu mến, ấp iu. Có vẻ như tình cha không được đặt ngang bằng với tình mẹ. Và như vậy thì thật là bất công cho những người cha, những người mà tình cảm dành cho con có thể không hề thua kém người mẹ, dù cách thể hiện có thể khác nhau.
Nếu như bàn tay mẹ gắn với những tảo tần sớm hôm để chăm sóc cho con từng miếng ăn giấc ngủ thì bàn tay người cha lại gắn với những việc trong nhà cần đến bàn tay đàn ông. Sửa mái nhà dột, hàng rào hư hay ống nước bóng đèn hỏng. Sẽ là một sự thiếu thốn hụt hẫng trong gia đình nếu không có những đôi bàn tay ấy. Có biết bao câu chuyện cảm động về tình cha mà ta đã nghe, đã đọc. Và xung quanh ta, biết bao người cha bằng những việc làm bình dị hàng ngày đã để lại trong tim các con một tình yêu thương vô bờ bến.
Tôi đã có một người cha như thế. Cha tôi, một người nông dân ham học hỏi đã truyền cho tôi tình yêu với sách vở. Chính cái cách ba tỉ mỉ bao từng quyển vở rồi kẻ vẽ những chiếc nhãn đẹp, cắt dán vào vở cho mấy chị em tôi mỗi khi năm học mới đến đã làm cho chúng tôi thêm trân trọng những quyển vở của mình, từ đó cẩn thân từng nét chữ và không muốn có những điểm kém làm xấu đi quyển vở mà ba bao. Ba cùng má đã vất vả trên đồng lúa, vườn rau, nương rẫy, áo sờn vai thấm mồ hôi để chúng tôi có thể đến trường. Có những ngày tôi đau yếu không đạp xe nổi đến trường, ba đã chở tôi trên chiếc xe đạp vượt đoạn đường dốc gần 10 cây số đưa tôi đến trường rồi lại về nhà làm việc. Đến khi tôi sinh con, ba lại lo lắng sợ tôi gặp trở ngại khi sinh, rồi hết lòng lo lắng cho con cháu. Người cha tuyệt vời ấy đã ra đi gần 2 năm để lại trong tôi bao nhớ nhung, xót xa vì những điều mình chưa làm được. Cha tôi, một người cha bình dị, đã để lại trong lòng con cái một tình yêu lớn lao như vậy.
Các con tôi cũng đã lớn lên trong sự che chở của một người cha. Cha của các con tôi tuy không nhẹ nhàng chỉ dạy cho con từng nét chữ hay bao bọc cho con quyển vở để đến trường, nhưng tình thương và sự quan tâm dành cho con là không hề thua kém bất kỳ một người cha nào. Những ngày tôi phải đi học xa nhà, chính là người cha đã thay luôn vai trò người mẹ mà chăm sóc con từng miếng ăn giấc ngủ. Hai đứa con gái xa mẹ nhờ được sự thương yêu, ân cần chăm sóc của cha đã đi qua những ngày đầu của tuổi dậy thì khó khăn khi vắng mẹ. Ngày con đi học xa nhà, cha cũng là người đưa đi rồi về nhìn căn phòng trống mà rơi nước mắt thương con. Người cha dù còn những điều chưa làm được nhưng bằng những câu chuyện và tấm gương của chính cuộc đời mình đã khơi dậy ở các con một ý chí vươn lên. Tôi luôn cảm ơn người cha của các con vì những điều ấy.
Được sinh ra trên cuộc đời, được có mẹ có cha là hạnh phúc lớn của mỗi người. Tiếng hát ngọt ngào của ca sĩ Ngọc Sơn đã từng cất lên ca ngợi một tình cha tha thiết “Tình cha ấm áp như vầng Thái dương, ngọt ngào như dòng nước trôi…”. Bên cạnh sự dịu dàng, vỗ về, ấp iu như suối nguồn yêu thương từ mẹ, mỗi đứa trẻ lại cần một người cha cứng cáp như cây tùng, cây bách và đầy ắp tình thân tỏa bóng mát chở che. Cái bóng mát của tình cha cũng như cái mênh mông của tình mẹ có núi cao, nước nguồn nào sánh được.
Nguyễn Thị Thúy Ái