Top 10 Tản văn viết về lễ vu lan hay nhất
Đại lễ Vu Lan trong Rằm tháng 7 là một ngày quan trọng của đạo Phật luôn nhắc nhở mỗi người con báo hiếu cha mẹ của mình. Nhân dịp lễ Vu Lan sắp đến Toplist ... xem thêm...xin gửi đến bạn một số bài tản văn viết về lễ vu lan hay nhất qua bài viết dưới đây.
-
Bông hồng cài áo
Để dâng mẹ và để làm quà Vu Lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ.
Medford, Hoa Kỳ, tháng tám, 1962,
Nhất HạnhÝ niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi, héo mòn.
Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: Tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ, cũng hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ.
Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu.... sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chưa chắc chắn phải đến:
Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời !Ðể dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi…Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức:
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.Ngon biết bao ! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lên ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay ? hay là tơ trời đâu la miên ?) trên trán nóng ta và than thở “khổ chưa, con tôi “, ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một, và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận.
Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra.
Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi được biết tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý thương yêu của tôn giáo vốn dạy về tình thương.
Đạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước.Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.
Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.
Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!". Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất mình có cảm nghĩ: "Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!"
Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: " Mẹ ơi, mẹ có biết không ?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi người cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.
Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận.
Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: "Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?" Tôi trả lời: "Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi". Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi "làm thế nào" nữa!
Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt hại cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Để mai này anh chị đừng có than thở rằng: Đời ta không còn gì cả. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.
Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng nhẽ chị tôi không đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi.
Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác". Chị tôi gục đầu xuống mâm khóc. Chị nói: "Thôi con không lấy chồng nữa". Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. "Cắt ái từ sở thân" là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào mà không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng qúi báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.
Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: "Không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ!". Tôi đã nói là tôi không khuyên răn gì hết -- tôi không giảng luân lý đạo đức -- rồi mà! Tôi chỉ nhắc anh: "Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương". Để chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi.
Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ.
Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.
Nhất Hạnh (1962)
-
Tháng 7 - Vu Lan, con xin cất lời biết ơn mẹ!
Tháng 7, Ngưu Lang- Chức Nữ ngóng đợi nhau, mòn mỏi cả năm ròng nên nhớ thương chất ngất. Đợi một năm. Đợi một đời. Đợi muôn kiếp. Đợi đến thắt ruột gan mà sinh ra mưa ngâu chăng? Mưa dầm dề. Mưa ảo não. Mưa đan cài vào nhau như những ngón tay muốn nắm lại mãi cho khỏi lỡ nhịp, khỏi chới với. Mưa rả rích, mưa nỉ non, mưa như nhân lên muôn nỗi đợi chờ da diết của cặp tình nhân bị cắt chia dai dẳng, bị hình phạt hà khắc triền miên.
Tháng 7 - mùa Vu lan báo hiếu, mùa xá tội vong nhân. Biết bao tâm tư cũng khiến lòng người ẩm ương, bứt rứt. Mưa chiều lòng người cho ướt sũng mới thôi. Ai ngăn được dòng nước mắt cảm thương. Ai cắt được ân tình máu mủ. Ai không đau đáu tình mẫu tử mới nhẹ nhõm, mới ngó lơ những yêu thương bao la và sức chịu đựng phi thường của những người mẹ.
Tôi có hai bà mẹ vĩ đại trong cuộc đời, một người sinh ra tôi và một người sinh ra chồng tôi. Họ ở hai miền quê, hai phương ngữ, hai tính tình, hai vóc dáng, .. vô vàn những cái hai khiến ta tưởng như họ là những đường thẳng song song đang lao vun vút, đang băng băng trên con đường định mệnh. Nhưng không, trên giao lộ cuộc đời thênh thang và nghiệt ngã, tôi thấy họ có nhiều điểm gặp gỡ quá. Nhiều niềm thương mà ngôn từ cũng dường như bất lực.
Buổi sớm mai, khi ông mặt trời còn ngái ngủ và chưa kịp kéo hết màn sương trắng, chú gà trống cất cao tiếng gáy rồi lén ngáp dài vờ mỏi mệt không gáy nữa thì hai bà mẹ, ở hai căn phòng của hai ngôi nhà khác nhau đều đã thức. Các mẹ dậy làm gì? Vệ sinh cá nhân? Thong thả tập dưỡng sinh? Đâu có nhàn nhã, an yên đến thế! Các mẹ bắt đầu hành trình "thân cò lặn lội". Bắt đầu nhiệm vụ như đã được mặc định sẵn cho cả cuộc đời. Đôi chân của mẹ thoăn thoắt, nhanh nhẹn khi còn trẻ hay đã nặng nề, chậm rãi, từ tốn hơn ở cái tuổi trên dưới " thất thập". Đôi chân đã đi bao nhiêu bước trong cuộc đời? Đôi chân bao ngày chưa ngơi nghỉ? Đôi chân bao mùa mưa nắng. Đôi chân đã được lần nào người chồng nâng niu, nón bóp, xót xa? Cuộc đời cứ dài ra theo quãng đường hai mẹ đã bước nhưng nhọc nhằn cơm áo vẫn nặng trĩu trên vai. Đôi chân của các mẹ chưa dừng lại khi vẫn phải gánh gồng nuôi chồng, thương con.
Các mẹ có đôi bàn tay mà có lẽ nhiều người đàn bà nhà quê đều có. Thô kệch, chai sần, sạm màu như vết tạc của thời gian dành cho hi sinh của cuộc đời mẹ. Những đôi tay, mỗi lần chạm vào con lại muốn rơi nước mắt. Giá có thể khiến chúng mềm mại hơn, giá có thể khiến chúng không phải cứng cáp đến thế. Nhưng nhìn những đôi tay ấy làm bánh, soạn sửa mâm cơm đạm bạc mà nồng nàn đến tận tim thì không ai nhớ tới vẻ chưa hoàn hảo, chỉ nỗi thèm thuồng, cồn cào của dạ đang nhảy nhót vui mừng nhận ra mùi vị thân thuộc là biết: không gì có thể hoàn hảo hơn bàn tay của mẹ! Những đôi tay mà cả đời chúng con muốn nâng niu, kính trọng.
Mẹ cũng có những phút suy tư. Đôi mắt mẹ đang nhìn vào mênh mông trời đất mà chúng con không hiểu nổi. Mẹ đang nhớ ông bà, nhớ quê hương? Mẹ có đang day dứt về những đứa con mình đứt ruột sinh ra đã lớn khôn nhưng vẫn chưa được vẹn toàn? Mẹ có đang nhìn về phía bên kia con dốc, nơi sẽ dẫn mẹ đến với những người thân yêu khác, nơi biết đâu sẽ giúp mẹ đặt xuống gánh nặng đang mang? Con không biết chắc câu trả lời. Con chỉ thấy tim mình nhói lên bất lực. Đôi mắt của mẹ bao la mà cũng lạ lẫm quá. Con thấy mình như rơi tõm vào hoang mang. Nhưng lại có tiếng thầm thì tự nhủ: Hãy để cho mẹ khoảnh khắc riêng tư, rồi mẹ sẽ lại trở về là mẹ thường ngày thôi. Bình tĩnh nào!
Mẹ vui lắm khi thấy con cháu tranh thủ trở về sum vầy. Ngôi nhà chật hơn. Tiếng nói cười vồn vã. Mẹ ôm đứa cháu này vào lòng. Mẹ dặn đứa cháu kia chăm ngoan. Mẹ bảo các con ăn món này món nọ. Khóe cười có những vết nhăn nheo của mẹ như giãn ra, như tươi hơn tuổi thật. Con cháu đếm những sợi tóc bạc trên đầu bà. Lâu ngày không muốn đếm nữa vì màu muối đã át cả màu tiêu. Chỉ dáng vẻ mong manh, mềm mại như nói với lũ trẻ rằng bà của chúng đã từng có mái tóc óng ả và duyên dáng biết bao! Năm tháng đi qua cuộc đời của các mẹ ngày vui có lẽ không nhiều lắm nhưng được hi sinh vì chồng con; gia đình được sum vầy đông đủ như thế này là mọi nhọc nhằn tan biến, là buồn tủi hóa hư không.
Ngưu Lang - Chức Nữ vì yêu nhau mà bị đọa đày, vì xa cách nhớ nhung mà hóa mưa ngâu. Các mẹ vì món nợ ba sinh mà một đời dầm sương dãi nắng, một đời đợi chờ người bạn đồng hành biết thương cảm, trân trọng bằng những yêu thương thường nhật. Một đời chồng con cứ ngập ngừng, nấn ná mãi vẫn chưa thốt lên lời biết ơn chân thành để xoa dịu những chịu đựng, hi sinh của mẹ. Mẹ có còn sức để đợi chờ hay mẹ luôn cam tâm tình nguyện? Mưa vẫn giăng trắng trước hiên nhà. Ngưu Lang - Chức Nữ đang nôn nóng phút giây gặp gỡ. Hành trình cuộc đời của các mẹ đang ngắn lại. Chúng con xin được kính lạy mẹ giữa nhân gian và ghi khắc hình ảnh mẹ trong trái tim nghìn năm không đổi. Ôi, mẹ của con!
VŨ HÀ (BUÔN HỒ- ĐẮC LẮC)
-
Tháng bảy
Tháng Bảy, nắng đã thôi không còn gay gắt trên những vòm cây ngọn cỏ. Một chút gió heo may, một chút sương đêm nhè nhẹ khiến vạn vật bỗng dưng dịu dàng hơn. Cành bằng lăng cuối vụ, vội vàng khoe sắc tím yêu thương trước khi khép mình ngủ đông…
Tháng Bảy, những cơn mưa rào bất chợt khiến con người ta vội vã hối hả. Trú mình trong quán cóc vệ đường, tránh trận mưa đang ầm ầm như thác đổ, đưa mắt ngắm nhìn những hạt mưa rơi nhạt nhòa trên phố. Tâm hồn ta, lại được thảnh thơi mà thả trôi dòng suy nghĩ, về những được mất trên con đường ta đang bước đi.
Mưa tháng Bảy, lúc lại rả rích, rì rầm và dai dẳng, khiến ngày u ám não nề hơn,và đêm cứ kéo dài như vô tận. Tháng Bảy, một cái với tay là chạm tới mùa thu, mà xoay người đã là mùa hạ. Con người ta, không chờ đợi nắng tháng Bảy như những vệt nắng ngày đông u ám của tháng chạp, cũng không mong mưa như những cơn mưa dập tắt cái nắng quái ngày hè tháng sáu. Tháng Bảy, chênh vênh đến lạ…
Tháng Bảy bâng khuâng khi mùa Vu lan tới. Cái không khí se lạnh của trời đêm tháng Bảy như đắp thêm nỗi buồn cho những đứa con không còn cha mẹ, những đứa con luôn cài bông hồng màu trắng bên ngực áo vào những mùa Vu lan báo hiếu hàng năm. Kỉ niệm, kí ức, và yêu thương lại dội về trong lòng họ, cứ cồn cào, da diết những nhớ thương…
Ta nhớ những ngày ấu thơ, mẹ quảy đôi quang gánh nặng trĩu vai gầy cho kịp phiên chợ sáng. Một bên là những mớ rau xếp chồng lên nhau cao ngất ngưởng, một bên là ta ngồi cuộn tròn trong lòng thúng, véo von đủ câu chuyện. Đôi khi, vì hứng chí mà nhún nhảy, khiến bước chân mẹ lại loạng choạng, liêu xiêu. Mẹ oằn vai gánh cả một bầu trời tuổi thơ cho ta khôn lớn.
Ta chợt nhận ra hình ảnh cha ngồi tỉ mẩn vót cho ta từng que tính, từng cái chong chóng tre, bện cho ta những con cào cào từ lá dừa non hay nhưng cọng rơm còn xanh mướt. Cha kiên nhẫn chạy theo ta khi ta đang chon von trên chiếc xe đạp, chân chưa kịp chạm tới đất mà vẫn cố rướn mình bắt cho kịp chiếc bàn đạp xe…
Rằm tháng Bảy, người ta muốn gác lại mọi bon chen của cuộc sống, để dành thời gian cho những gì mình yêu thương nhất. Lễ chùa cầu an. Những “đứa trẻ” mồ côi, cầu cho cha mẹ đã khuất luôn an lòng nơi chín suối. Còn những đứa con đang may mắn cài trên ngực áo bông hồng màu đỏ, cầu cho đấng sinh thành mãi mạnh khỏe an yên…
Đời đông đúc mà lòng người thì chật hẹp, chỉ có cha mẹ dành mọi yêu thương cho ta vô điều kiện. Có khi nào, giữa những bộn bề công việc, giữa những hối hả chạy đua, ta chợt nghĩ, mẹ có đang trông chờ bữa cơm gia đình mà đôi khi, mẹ chỉ ngồi nhìn ta ăn đã cảm thấy lòng ngập tràn hạnh phúc? Đôi bàn tay thô ráp của mẹ, không cần khoác lên những món đồ trang sức quý giá, mà chỉ cần cái nắm tay của ta thôi, nó đã ấm áp và đẹp đẽ đến lạ kì!
Vu Lan báo hiếu, đâu phải là của ngon vật lạ, đâu phải bạc vàng châu báu dâng lên đấng sinh thành. Với cha mẹ, ta mãi là đứa trẻ. Hạnh phúc và bình yên của ta, là món quà ý nghĩa nhất dành tặng cha mẹ. Hãy yêu thương khi còn có thể. Hãy để bông hồng trên ngực áo ta luôn thắm mãi một màu đỏ yêu thương.
Hạnh Nguyễn
-
Ngày lễ Vu lan nghĩ về Cha Mẹ
Đức Phật đã nói về sự trân quý của kiếp người qua so sánh:“Một con rùa mù chìm dưới đáy biển, ngàn năm nổi lên một lần. Trong biển mênh mông có cây gỗ bị gió thổi trôi lênh đênh. Được sinh ra trong thân người cũng khó như việc con rùa mù nổi lên chui đầu trúng vào bọng cây khô”.
Một nhà khoa học nhìn vào lượng nước trong đại dương so với kích cỡ của cành cây khô, ông kết luận: xác suất để con rùa trồi lên mặt nước ngay trong lòng cây khô là 1 trên 700 triệu tỷ, nghĩa là gần như bằng 0. Nhờ có bố mẹ, số 0 của con đã # 0, con đã được tới với thế giới này, được hiện hữu trong một cái tôi – dù nhỏ bé, vô danh, nhưng vẫn là hiện hữu.
Từ lâu con đã hiểu: trong tất cả các mối quan hệ, sự kính trọng hay tình yêu thương của bất kỳ ai đối với mình hoàn toàn phụ thuộc vào nhân cách, trí tuệ, văn hóa ứng xử… của chúng ta, trên đời chỉ có bố mẹ là những người trao cho chúng ta tình yêu thương vô điều kiện, bất luận ta có thể xấu xí, kém cỏi, bất hạnh, nghèo đói, thậm chí bạc bẽo, tồi tệ! Bố mẹ mất, cũng có nghĩa chúng ta tuyệt đối trơ trọi giữa một thế giới vận hành theo đúng luật: “Không có bữa ăn trưa nào miễn phí” (There is no such thing as a free lunch)!
Bố thực sự là điểm tựa tinh thần cho suốt 32 năm đầu của cuộc đời con, khoảng thời gian quan trọng nhất với thiên hướng, tính cách, tâm hồn, khí chất mỗi con người. Hầu hết các tác phẩm kinh điển của Việt Nam và thế giới còn nhớ tới bây giờ đều do được nghe bố kể hàng đêm từ khi chưa biết chữ; tới khi biết đọc biết viết, cũng chính khoảng trời mênh mông mở ra từ tủ sách của bố lại giúp con gái nhỏ nhận ra có một thế giới hoặc đẹp đẽ hơn, hoặc đau khổ hơn so với cuộc sống hàng ngày tẻ nhạt của nó!
Một trong những niềm vui của tôi ngày thơ ấu chính là những buổi tối được theo chân bố tới các câu lạc bộ văn học, nghe bố nói về Nguyễn Du và Truyện Kiều, về Xuân Diệu với những bài thơ đắm đuối si mê, về Nguyễn Bính với những vần thơ chân quê tình tứ cùng các giai thoại bếp núc cực kì thú vị, những giai thoại mà rất lâu sau này, bố mới tập hợp lại trong cuốn “Giai thoại Nguyễn Bính” in tại Nhà xuất bản Lao động – tôi vẫn nhớ cảm giác tự hào vô cùng khi ngồi chon von ở hàng ghế trên cùng trong không gian thênh thang, trang trọng của Nhà hát nhân dân thành phố Nam định, mỗi khi cử tọa vỗ tay, hai bàn tay bé nhỏ của tôi sung sướng vỗ tới nóng rát; và niềm vui nhất lại không liên quan tới văn chương, đó là khi kết thúc buổi nói chuyện, bố đưa tôi số tiền thù lao vừa nhận từ Ban tổ chức để tôi được “cướp công” đưa về tận tay cho mẹ.
Một việc làm thêm nữa của bố cũng khiến tôi yêu thích vô cùng khi được đi xem phim không mất vé trong những buổi tối bố thuyết minh tại hai rạp chiếu lớn nhất trong thành phố. Tôi không quên được cảm giác hẫng hụt khi hết phim, đèn bật sáng, các dãy ghế kéo lên, khán giả với những gương mặt bình dị, cười nói và chen chúc…, ánh đèn đã hất tôi trở về thực tại, làm biến mất thế giới thần tiên lí tưởng, để rồi đêm ấy, và có khi nhiều đêm sau nữa, cô bé chưa đến tuổi quàng khăn đỏ phải thao thức với những trải nghiệm và thất vọng bởi độ chênh của cái đẹp và cái thực, thao thức với bao cảnh đời hoặc lấp lánh lung linh, hoặc đau khổ bất hạnh từ những bộ phim hay tới phát khóc, qua giọng thuyết minh truyền cảm của bố!
Nhưng bố không chỉ dạy văn, viết sách, bình thơ, không chỉ mê đắm với Văn Cao hay Hoàng Cầm mà còn ngày đêm lăn lóc với mưu sinh, từ đi mắc điện, chữa điện; làm bánh quy gai xốp cho tới chụp ảnh, dậy thêm…, cân bằng giữa đạo và đời để cuộc sống vợ con đỡ cực trong thời bao cấp.
Bao nhiêu lần con nằm viện là bấy nhiêu lần bố ở trong viện trông nom, nâng giấc; con bị nhổ cái răng số 7, bố khóc, nói với mẹ: mất răng này, hàm nhai của con bé sẽ yếu cả đời! Con lãng mạn dở hơi không muốn nối nghiệp bố mẹ vì sợ nghề giáo nhàm chán, bố đã giúp con trở về mặt đất, tìm đúng nơi duy nhất trên trái đất dành cho con.
Khi bản thảo tập “Giai thoại Nguyễn Bính” của bố được Nxb Lao động duyệt vào danh sách chờ in, bố hạnh phúc vô cùng, bố viết thư chia sẻ với đứa con gái đang bận tâm về mưu sinh hơn cả văn chương… Nhưng đợi lâu quá, tới khi sách được in, bố đã mệt nhiều, con gái về thăm báo tin, bố thờ ơ: “Thế à”, khi ấy, con ngạc nhiên mà không hiểu: dù còn nằm đó, nhưng có lẽ bố đã bắt đầu chạm chân trên con đường lạnh lẽo và đơn độc, lãng quên ngay chính niềm say mê từng làm nên con người tràn đầy nhiệt huyết, lãng mạn mà mạnh mẽ, kiên cường trước đó! Nghe em kể lại khi về quá muộn: những ngày cuối, bố cứ ngước nhìn ra cổng, tới khi bố đi rồi, cả nhà mới đoán chắc bố cố chờ hai con gái từ HN về, mà không kịp!
…Nhiều khi vẫn tự an ủi: trong 51 năm có mẹ trên đời, con chưa một lần dám bực bội hay lạnh lùng trước mẹ – mọi buồn khổ riêng tư con đều để lại ngoài cửa trước khi bước vào nhà mẹ! Nhưng nghĩ lại từng chuyện, thật kỹ, vẫn thấy thương mẹ và giận mình nhiều quá. Chỉ một chuyện vặt vãnh – mẹ ghét tất cả những gì liên quan tới Tàu, thấy con hay xem các phim Trung Quốc hiện đại, mẹ giễu: “xem phim “thai rồng”! – ý mẹ nhắc tới dạng phim Trung Quốc cổ trang hay có các âm mưu xung quanh cái ngai vàng của quân vương…!
Thấy con gái không dám cãi nhưng một hai giải thích: “Đây là hai dòng phim khác nhau, con xem phim Trung Quốc hiện đại”, mẹ cười: “Ừ tại với mẹ thì đều là Tàu cả”! Giờ, cứ nhớ tới vẻ cười cười như xoa dịu của mẹ lại tự giận mình tới đau đớn: Khôn ngoan để làm gì, không biết, sao cứ phải bày đặt rạch ròi để ăn thua với mẹ một cái khái niệm ngớ ngẩn đâu đâu?
Rồi hàng ngày, đi dậy chính, dậy thêm, vất vả mệt nhọc, vài ngày mới vào thăm mẹ, vừa bước chân lên cầu thang, đã thấy tiếng mẹ như reo vui khi giục cháu: “Bi ra mở cửa đi, bác Tuyết đấy”. Vào, mẹ khi hớn hở nói vòng cho cháu: “Cứ hôm nào nhà bác Tuyết vào là Bi vui như hội” (cháu vui đâu chưa biết, chỉ thấy mẹ đang vui, nhìn mẹ cười tươi mà lòng con khóc); khi đôi hồi: “Ngày nào mẹ cũng pha chè tươi phần con, đi làm về uống cho mát ruột, nhưng mấy hôm đều bỏ thừa”, thấy con gái nói lời lễ phép mà không giấu sự mệt mỏi: “Thì con bận liên miên…”, mẹ lại xót con mà cười cười:“Ừ là mẹ nói thế”, rồi mẹ đứng lên rót cho con cốc chè tươi xanh óng, khoả lấp đi cái bực bội con cố giấu, để sau này, khi mẹ đi xa rồi, nghĩ lại, day dứt ân hận vì hiểu cái tủi buồn mẹ còn giấu kín hơn – khi cả ngày dài, làm món nọ món kia, món nào cũng nấu theo sở thích của con, cuối ngày lại đau đáu chờ tiếng bước chân con lên cầu thang, quá 9 giờ không thấy con về, chắc mới thất vọng ra khóa cửa; vậy mà nếu con có về qua, lại mệt mỏi, lại miễn cưỡng khi mẹ đưa bát nước xương hầm hay cốc chè tươi! Mong ngóng đợi con vào, nhưng nhìn con phờ phạc cuối ngày, mẹ giục ăn, giục uống, rồi lại xót xa giục: Thôi con về sớm còn tắm giặt, nghỉ ngơi…!
Mấy năm cuối, mẹ ốm nặng, và cứ yếu dần, mỗi lần vào, con lại lo sợ, đau đớn khi thấy mẹ hao vơi, gầy guộc, vậy mà ánh mắt mẹ vẫn tươi,vẫn ấm lại khi thấy con, mẹ vẫn khó nhọc đi lấy bát thức ăn làm sẵn cho con; những ngày sinh nhật con, cháu…, mẹ vẫn lo chợ búa, nấu nướng, để tới bữa lại kiệt sức không thể ăn được… Tết cuối cùng, chỉ còn một tháng trước khi ra đi, đã hứa để con cháu đặt đồ, mẹ vẫn cố làm những món quen thuộc cho ngày tết, cái giò xào mẹ gói bị lỏng tay, cái bánh chưng mẹ gói không còn vuông thành sắc cạnh… Con cùng cả nhà lo lắng thuốc thang, nhưng con vẫn phải đi làm, vẫn dậy chính, dậy thêm, vẫn chỉ về được với mẹ ít phút cuối ngày…
Sau ngày mẹ đi, con nhận được lá thư của một học trò chuyên văn lớp bên cạnh, chỉ học thêm nhưng rất yêu quý con gái mẹ, cứ thỉnh thoảng lại tranh thủ thời gian rỗi, biết chắc chắn lúc đó cô giáo đi dậy, tới ngồi chuyện trò với mẹ, đọc thư trò, nghe bé kể: bà thương cô lắm, chỉ lo cô mệt, cô ốm, cô buồn, nói cô vất vả lắm, rồi bà kể chuyện ngày cô còn bé, chuyện cô đi học…, con khóc đau đớn vì thương mẹ, vì giận mình, vì biết ơn và xấu hổ với trò, cô bé ấy đã hiểu và chia sẻ phần nào nỗi cô đơn của mẹ, lắng nghe những câu chuyện mẹ kể để vơi nỗi trống trải cuối đời – điều con đã không thể làm! Con không hình dung nổi những ngày dài của mẹ khi các con đi làm vắng, mẹ một mình cô đơn, buồn nhớ, yêu thương, nước mắt cứ chảy xuôi, không cần biết cuộc đời đảo điên xuôi ngược…
Con hay bị coi là lạnh lùng, các khóa học trò con chủ nhiệm, phải tới khi ra trường mới hiểu hóa ra cô giáo chúng không giống như vẻ ngoài; nhưng còn mẹ, khi đã rời xa con, có lẽ mẹ cũng không biết con yêu mẹ, cần mẹ tới mức nào, khi ba ngày cuối, con ôm mẹ mà nói bao lần câu “con yêu mẹ” nhưng mẹ đã chẳng thể nghe được nữa. Lời yêu với bất kì ai cũng có thể trở thành nhàm chán, hoặc áp lực…, chỉ trừ với mẹ, giá như con nói yêu mẹ khi còn có thể, để không bao giờ phải nuối tiếc “giá như…”. Vậy mà con đã bao lần nói với học trò lời bất tử trong Love story: “Yêu là không bao giờ để mình phải nói lời nuối tiếc” (Love means never having to say you’re sorry)!
Con dạy học trò về tình yêu, nói tình yêu không có quy luật, không cần lý lẽ, không có đúng sai… Nhưng con quên chưa dạy cho trò của con một điều: tình yêu lứa đôi có thể không theo quy luật đời thường để dừng lại ở một gương mặt đẹp, một tài sản lớn…, nhưng vẫn tuân theo quy luật riêng của tình yêu, vẫn luôn tựa trên một nguyên cớ dù nhiều khi phi lý, kỳ lạ của trực cảm với cái óng ánh của tâm hồn, cái sâu thẳm của trí tuệ, hay một chút ngờ nghệch của thiện lương… Vậy là thực ra, tình yêu lứa đôi vẫn cần lý do, dẫu là lý do đặc biệt, dường như phi lý, và vì vậy, tình yêu vẫn không ngoại lệ với sự nhàm chán, lụi tàn – khái niệm “tình yêu vĩnh hằng” chỉ có trong niềm tin ngây thơ của các chàng trai cô gái mới lớn, trong những câu chuyện cổ tích hoặc trong lời thề nguyền vốn chỉ có giá trị trong đúng khoảnh khắc thề nguyền của tình yêu!
Còn tình yêu của cha mẹ dành cho con, không cần thề nguyền, không đợi lý do, không bao giờ vơi cạn…, nhất là khi già yếu, cha mẹ vừa cần tình yêu của con, vừa bị mặc cảm làm phiền con, nên, cứ níu giữ mong một chút ấm áp, lại vội buông ra cho con khỏi bận lòng…!
Ngày lễ Vu lan, nhớ về cha mẹ, hai người cho con sự sống và luôn yêu con vô hạn, vô điều kiện, người luôn sẵn sàng nhượng bộ mọi lý sự vô nghĩa, khờ dại của con…, biết mọi ân hận trên đời thực ra cũng vô nghĩa như sự vô tâm, chỉ nghĩ một điều muộn màng: Trước khi là một “con người”, chúng ta đều là một “người con” của cha mẹ, có thể kiêu hãnh chiến thắng cả thế giới, trừ với cha mẹ, khi để cha mẹ phải cười xoa dịu, nhượng bộ, người con ấy đã thua thảm hại!
Tất cả những mỹ từ gắn với phẩm chất thường khiến con người tự hào, hãy để lại bên ngoài cánh cửa ngôi nhà của cha mẹ, dù là trí tuệ, bản lĩnh hay lòng tự trọng…, chỉ ở bên cha mẹ với trọn vẹn tấm lòng hiếu thảo, vì dù chúng ta như thế nào, cha mẹ vẫn yêu thương, và cha mẹ sẽ luôn vì yêu thương mà nhượng bộ, dẫu biết ta vô tâm, bướng bỉnh, dại khờ…!
Trịnh Thu Tuyết
-
Màu nắng, vị mưa mùa Vu Lan
Thấm thoắt, mùa Vu Lan báo hiếu đã tới. Tiết trời tháng bảy âm lịch thật đặc biệt với sự đan xen của thoắt nắng thoắt mưa. Dường như, trong màu nắng vị mưa ẩn chứa giọt nhớ giọt thương của những người con dành cho đấng sinh thành.
Màu nắng mùa Vu Lan thật đặc biệt, tuy dịu hơn nắng hạ nhưng không mỏng nhẹ như nắng xuân. Nắng mùa này cũng không ngọt ngào như nắng thu hay mang thoáng chút hanh hao của nắng đông. Đến cữ này, mưa không ào ạt, mãnh liệt như mùa hạ, chỉ chợt mưa chợt tạnh mà dường như thấm vị mằn mặn của những giọt nước mắt mùa Vu Lan.
Với ai đó, tháng bảy là tháng cô hồn, nhưng với nhiều người, đây là tháng có đại lễ Vu lan báo hiếu. Lễ Vu Lan được gắn với sự tích Ngài Tôn giả Mục Kiền Liên dùng đức đại hiếu của mình tổ chức đại lễ trai tăng trang trọng vào ngày lễ Tự tứ mãn hạ của chư tăng để cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Chính vì vậy, khi mùa Vu Lan tới, mọi người thường tới chùa dâng hương tưởng nhớ công đức của bậc sinh thành. Có những mùa Vu Lan, tôi lặng ngồi dưới mái chùa, không gian như lắng lại với tiếng chuông chầm chậm buông. Khi cùng đại chúng đọc lên những dòng kinh Vu Lan và nghe các quý Thầy giảng về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, bất giác, tôi nấc nghẹn, nước mắt cứ thế trào ra… Bao kỷ niệm vui buồn với cha mẹ chợt ùa về trong tâm trí.
Mẹ luôn dành cho tôi tình yêu dịu ngọt, mát lành. Bữa cơm có gì ngon mẹ cũng đều phần cho các con với câu muôn thuở: “Mẹ không thích ăn”. Nhớ dáng mẹ hao gầy liêu xiêu trong nắng đi tìm mua thuốc khi tôi ốm. Đêm mùa hạ mất điện, mẹ ngồi tựa lưng cuối giường quạt mát cho mấy anh em ngủ ngon. Những năm tháng bố công tác xa, đêm gió bão giật tung mái nhà, mẹ nhường anh em tôi chỗ khô để chịu ngồi chỗ ướt. Và sáng hôm sau, mẹ loay hoay trèo lên dặm lại mái nhà. Nhiều khi, tôi thầm hỏi: “Không biết mẹ lấy đâu ra nhiều sức lực như vậy để nuôi chúng tôi qua những ngày khốn khó?”.
Tình yêu của bố dành cho tôi tuy lặng thầm nhưng tràn đầy yêu thương sâu sắc. Nhớ những ngày thơ bé, mải theo chúng bạn đi chơi không xin phép, bị bố đánh một roi vào chân mà tôi khóc lóc cả buổi. Đêm khuya tỉnh giấc, chợt thấy bố đang lấy dầu thoa vào chỗ chân tôi hằn vết roi. Lúc ấy, dù cố làm như đã ngủ mà nước mắt tôi cứ chảy tràn trên gối.
Sau này, trong dòng đời mưu sinh đầy áp lực, tôi luôn tìm thấy cảm giác an yên khi trở về nhà với bố mẹ. Đôi khi, về nhà chỉ để ăn những món quen thuộc mẹ nấu, nghe những câu chuyện nho nhỏ của bố mẹ cũng khiến lòng dịu lại. Tôi đã từng gặp biến cố trên đường đời và định buông xuôi tất cả. Thời điểm đó, mẹ rất xót xa, lo lắng cho sự an nguy của tôi. Bố bình tĩnh động viên tôi mạnh mẽ, tiếp tục đối mặt với thử thách của cuộc sống.
Hàng năm, trong ngày Lễ Vu Lan, các ngôi chùa thường có nghi thức “Bông hồng cài áo” để thể hiện lòng biết ơn đối với các đấng sinh thành. Trong nghi thức đó, các em phật tử sẽ đưa những giỏ hoa hồng các màu khác nhau để mọi người cài hoa lên áo.
Những người còn cha mẹ thật vui sướng khi cài lên áo bông hồng màu đỏ. Ai đó ngậm ngùi khi cài bông hoa màu hồng lên ngực, điều đó có nghĩa họ chỉ còn cha hoặc mẹ. Có người mắt lệ nhạt nhòa khi cài lên áo bông hồng màu trắng khi song thân đã qua đời. Với các tu sĩ, họ luôn được cài lên ngực bông hồng màu vàng để ghi nhớ công ơn cha mẹ rộng lớn là tất cả chúng sinh. Giây phút đó, tất cả mọi người đều nhòa lệ khi những ca từ bài hát “Bông hồng cài áo” dìu dặt vang lên: “Một bông hồng cho em/Một bông hồng cho anh/Và một bông hồng cho những ai/Cho những ai đang còn mẹ/Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn…”
Một mùa Vu Lan nữa lại về với màu nắng rưng rưng, vị mưa mằn mặn. Này bạn, chúng ta hãy cùng nói lời yêu thương với cha mẹ của mình khi chưa quá muộn.
VY ANH
-
Vu lan với những người con xa xứ
Tháng bảy chiều thu mưa buồn lất phất
Chợt nhớ chợt thương áo mẹ vai gầy
Bao năm xuôi ngược chốn trời mây
Con xa mẹ, nhớ mùa thu tháng bảy....
Sài Gòn không có mùa thu để nhuộm thêm sắc vàng cho những chiếc lá còn lay lắt trên cành. Sài Gòn cũng đâu có bầu trời thu trong và mát để cho thi nhân thả hồn mơ mộng mà tức cảnh sanh tình. Ở đây chỉ có cái nắng mưa bất chợt như lòng người vui buồn bất chợt, đến đi bất chợt. Tuy vậy, nơi mảnh đất có chiều dài lịch sử hơn ba trăm năm này, đã từng sản sinh ra nhiều cái độc đáo…vừa chung mà lại vừa riêng. Đây cũng là nơi sẵn sàng quy tụ và phát huy mọi điều hay đẹp, kể cả những cái dung dị nhất, bình thường nhất. Từ đó đã tạo nên một dáng dấp Sài Gòn - không giống ai mà cũng chẳng khác ai.
Tôi muốn lướt qua đôi nét về tính cách đa dạng của một thành phố vốn nổi tiếng muôn sắc lắm màu này, để nói đến những cơn mưa tháng bảy, dù không dai dẵng mà vẫn dìu dặt một điệu buồn phương nam. Trăng rằm tháng bảy làm ta liên đến một ngày lễ hội mang ý nghĩa Phật Giáo. Ngày lễ Vu Lan, mà ai đó thường gọi một cách trìu mến là ngày của mẹ. Một ngày lễ được mọi người mặc nhiên công nhận. Dù có đạo hay không có đạo. Nó tồn tại và trở thành bất biến với thời gian.
Đến với ngày lễ Vu Lan, bạn có nghe lòng mình bâng khuâng xao xuyến? Đi giữa thành phố Sài Gòn trong mùa báo hiếu, bạn sẽ thấy người ta đi lễ các đình chùa. Bạn dễ dàng nhận ra họ qua những bó hương dài cầm trên tay, hay mấy cánh hoa hồng đỏ trắng được cài lên ngực áo. Màu hoa đặc trưng của ngày lễ vu Lan và của tình mẹ. Màu hoa ấy đã đi vào thi ca, đi vào lòng người và làm đẹp thêm cho cuộc sống.
Nếu màu hoa đỏ được biểu hiện cho tình mẹ thiêng liêng vẫn còn hiện hữu; thì màu hoa trắng cũng ngầm nói lên những mất mát lớn nhất trong đời người. Thế nhưng dù bạn đang hạnh phúc hay khổ đau, dù bạn may mắn được cài hoa hồng đỏ, hay phải cài hoa hồng trắng, thì ngày lễ Vu Lan đến như một sự trở về. Một ngày để tưởng nhớ hoài niệm ân thâm phụ mẫu.
Những cơn mưa tháng bảy lại về. Những giọt mưa thu như đắp thêm nỗi buồn cho kẻ tha hương. Có biết biết bao bà mẹ đang ngày đêm mong đợi đứa con xa. Có biết bao những đứa con lưu lạc, cứ mỗi độ vu lan về, lòng cứ hoài tưởng thiết tha về một thời đã xa. Cái thời còn trắng trong như trang giấy học trò. Nào biết muộn phiền. Nào biết lo toan. Những ngày xa xưa ấy mẹ luôn ở bên ta. Mẹ xuất hiện như một bà tiên mỗi khi ta cảm lạnh gió sương hay gặp điều bất như ý. Ôi ! Tình mẹ. Cuộc hành trình không bao giờ hết. Sự hy sinh thầm lặng của mẹ biết có sông nước nào đong cho hết được.
Thế giới đã bước vào thiên niên kỷ thứ Ba. Nền văn minh cơ khí đã làm thay đổi hoàn toàn đời sống của nhân loại. Trong chừng mực nào đó, bạn cảm thấy hài lòng và tự mãn với những đồng tiền mang về cho cha mẹ. Nhưng bạn có biết không? Tiền bạc nào phải đâu là tất cả. Trên thế gian này, con người thường đánh mất nhiều thứ mà tiền bạc không thể nào bù đắp lại được. Vậy mà nhiều người lại quan niệm rằng có thể đem vật chất ra để trả hiếu mẹ cha. Họ đâu cần biết gì đến câu ấm lạnh quạt nồng. Họ cũng quên đi những lời han hỏi, một cử chỉ thân tình để gọi là làm vui lòng… đấng sanh thành. Phải chăng vì đời sống quá bận rộn. Vì điều kiện vật chất đã choán hết thời gian và tâm trí người ta. Đến nổi khiến cho lòng người trở nên lạnh nhạt hết trước mọi thâm tình cốt nhục.
Tôi đang nghĩ về bạn. Những người con xa quê, xa cả vòng tay dìu dắt của mẹ hiền. Sau những ngày vất vả đem mồ hôi đổi lấy bát cơm đầy. Đêm về bên căn gác trọ đìu hiu, bạn chắc hẳn sẽ bồi hồi nhớ cảnh quê xa. Nơi ấy có người mẹ hiền đang nóng lòng chờ đợi. Ngày Vu Lan báo hiếu đã đến, bạn hãy hướng lòng mình về với mẹ, thầm nói với mẹ những điều mà bạn chưa nói, hay chưa kịp nói. Người mẹ ấy dù ở cách xa, hay không còn nơi trần thế, thì mẹ vẫn có nghe được tâm tình của đứa con thơ. Những lời nói qua tâm tưởng ấy vẫn luôn được lắng nghe bởi một thứ thinh âm vô hình mà người ta gọi là” thần giao cách cảm”. Bạn hãy tin đi rồi bạn sẽ thấy nó mầu nhiệm diệu kỳ lắm thay!
Ngạn ngữ có câu: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Dòng sông của đời tôi và đời bạn cũng không thể do hai người mẹ cùng rứt ruột tạo ra. Đạo Phật thường nói lễ Vu Lan là ngày báo hiếu ân thâm cha mẹ trong bảy đời. Còn hiện đời này, tôi và bạn chỉ duy nhất một người mẹ. Vậy sao ta không báo ân mẹ trong lúc này đây. Ngay khi mẹ còn đó và ta đang được sống cạnh người. Nào phải đợi khi mẹ mất rồi ta mới quờ quạng đi tìm. Ta đau đớn khóc than. Ta lo sửa soạn nào mâm cao cổ đầy để dâng cúng cho người đã khuất. Đành rằng như vậy cũng là thể hiện chút lòng hiếu trọng thâm ân. Nhưng lòng hiếu dưỡng khi cha mẹ sanh tiền vẫn là một điều đáng trân trọng, đáng tôn quí hơn, bạn à!
Tôi cũng muốn nói với bạn. Những người đã vĩnh viễn mất đi hình bóng người mẹ thân yêu. Những người mãi mãi phải cài lên ngực áo mình khi mùa Vu lan đến, một màu hoa trắng đơn điệu tẻ buồn. Sự sanh diệt vô thường đã chia xa tình mẫu tử, nhưng tình mẹ là một dư âm không bao giờ đánh mất trong lòng bạn. Tình mẹ là một thiên chức muôn đời không gì có thể thay thế được. Bạn đang đau đớn vì sự mất mát? Vậy bạn hãy hướng lòng mình đến bao kẻ khác đi. Bạn báo đáp ân mẹ bằng sự kính yêu con người, bằng sự trang trải với tha nhân, và bằng đời sống hướng thiện trong sáng như mẹ bạn thầm mong ước. Cuộc đời rồi sẽ cho bạn niềm tin, một ý chí để tồn tại, để vươn lên. Không có mẹ, bạn vẫn sống. Vẫn ngẩng cao đầu để yêu thương và để tìm cho mình một tương lai trọn vẹn. Một hướng đi đầy ắp tình người luôn rộng mở./.
Sưu tầm
-
Mùa vu lan...
Người xưa luôn có câu "Của một đồng nhưng công đến một lượng", câu nói này luôn luôn đúng ít nhất với bản thân.
Từ khi sinh ra đến giờ được chính bàn tay của Ngoại nuôi dưỡng và công sinh thành của Mẹ. Con lớn lên mà không biết mặt ba cũng như ông bà nội, con lớn trong vòng tay yêu thương của Ngoại, tuy vất vả nhưng Ngoại chưa bao giờ để cho con thiếu thốn bất cứ điều gì. Ngoại nuôi con lớn bằng bàn máy may với những bộ quần áo cho người khác, ngày nào Ngoại cũng tảo tần với cái bàn máy may mà lo cho con từ bộ quần áo đến sách vở đến những năm con xa nhà học tại Đà Nẵng cũng chính bàn tay Ngoại. Lúc còn nhỏ con lỳ và ngang luôn bị những trận đòn roi của Ngoại đến nỗi có những vết hằn trên tay, chân và ngay cả mông nữa những lúc ấy con khóc mà Ngoại vẫn cứ đánh vậy mà sau đó chính Ngoại lại là người xót cho con, lấy dầu xức vào những chỗ bị đánh ấy và lúc con khóc thì Ngoại cũng khóc theo con nhưng khóc trong lòng.
Con không hề biết, những lúc bị đánh con ghét Ngoại ghê gớm muốn bỏ ra khỏi nhà thôi bây giờ lớn lên thì mới hiểu rằng Ngoại thương nên mới đánh cho nên người. Lúc nào con cũng có Ngoại bên cạnh chăm sóc và lo lắng cho nên khi con học xa nhà mà lần đầu tiên con thấy nước mắt Ngoại rơi khi tiễn con đi. Con đi xa nhà nhưng con vẫn có Ngoại ở bên, ngày nào cũng điện thoại nói chuyện với con, hỏi han con và lo lắng cho con đủ điều. Chỉ cần nghe giọng con khác là biết con bệnh những lúc đó Ngoại như ngồi trên đống lửa cứ sợ con không thể chăm lo cho bản thân mình, con biết cả đêm Ngoại cũng không ngủ vì lo cho con.
Đến giờ khi con đi làm, con chưa làm được những gì cho Ngoại vui mà ngược lại con lại làm cho nước mắt Ngoại rơi nhiều hơn. Nhiều khi áp lực công việc mà con với Ngoại cãi nhau, có những lúc cãi nhau to đến nỗi mà ném cái điện thoại trước mặt Ngoại, con biết Ngoại giận con ghê gớm vậy mà đến tối vẫn đợi con về ăn cơm cùng. Ngoại thương con ít khi Ngoại nói ra nhưng với sự quan tâm lo lắng cho con thì con biết Ngoại thương con vô bờ bến. Giờ Ngoại đã già rồi, mắt Ngoại cũng mờ đi trong đó có phần lỗi của con đã làm nước mắt Ngoại rơi và giờ đây con phải cố gắng để Ngoại cười nhiều hơn, con nơi đất khách con mong Ngoại ở nhà luôn bình an là con mừng.
Mẹ thì khác với Ngoại. Mỗi năm con gặp Mẹ chỉ được vài lần, Mẹ cũng chưa hề đánh con một lần. Con muốn gì thì Mẹ cưng chiều con không thiếu bất cứ thứ gì. Mẹ là người cho con sự sống trên đời này, Mẹ cho con tất cả những yêu thương mà Mẹ có. Khi nhỏ mỗi năm con chỉ được ra Mẹ chơi có 1 lần vào dịp hè nhưng đó là những ngày con hạnh phúc, được Mẹ cho đi chơi và được Mẹ cho ăn những món ăn mà Ngoại luôn kiêng cử cho con không được ăn. Mỗi lần Mẹ về nhà là con có quà, Mẹ sắm cho con gái những bộ quần áo đẹp hay mua cho những gấu bông mà con thích.
Con có lỳ, có ngang bướng thì Mẹ cũng chỉ la chứ chưa bao giờ lấy cây roi đánh con. Bạn bè có đầy đủ cả cha lẫn mẹ, cha mẹ giàu có nhiều lúc con cũng ghanh tỵ lắm vì sao mẹ không giàu có để mua cho con thứ này thứ nọ mà con ao ước hay mẹ là bà làm quan to chức lớn nhưng đến giờ đây con tự hào rằng con vui và hãnh diện vì con là con của Mẹ. Con chẳng cần Mẹ làm bà quan to chức lớn, cũng chẳng cần Mẹ giàu có mà con chỉ cần biết con có sự yêu thương của Mẹ là con vui hơn bất kì ai trên thế gian này.
Bao tháng năm dài con chưa có về nhà có Ngoại và Mẹ đang chờ mong, chờ con xa xứ nơi đất khách quê người lo lắng cho con. Hàng ngày đi làm, đi học về con chưa kịp gọi về nhà là đã có Ngoại và Mẹ điện thoại con rồi. Trong mắt Ngoại và Mẹ thì con luôn là một đứa con nít không bao giờ lớn, được Ngoại và Mẹ chăm lo từng tí một. Tháng 7 này là tháng Vu Lan - báo hiếu con luôn cầu nguyện cho Ngoại và Mẹ suốt đời bình an, con vui khi vào dịp Vu Lan báo hiếu con cài bông hồng đỏ trên áo.
Nguyễn Yến Linh
-
Tản mạn mùa Vu lan
"Đêm đêm con thắp đèn trời/Cầu cho cha mẹ sống đời với con...". Không hiểu sao cứ mỗi lần nghe câu hát ấy, trong tôi lại dâng lên những cảm xúc khó tả. Đặc biệt, vào những ngày tháng Bảy âm lịch này, câu hát như muốn nhắc nhở mỗi người luôn khắc ghi công ơn của các đấng sinh thành ra mình mà trong nhịp sống hối hả, gấp gáp với bao bộn bề lo toan, khiến tôi không ít lần sao nhãng, lãng quên.
Những cơn mưa ngâu rả rích rơi báo hiệu một mùa Vu lan nữa lại về. Trên khắp các đường phố, thôn xóm, mọi người đều tạm gác lại sau lưng những lo toan, vất vả của cuộc sống để đi chùa cầu bình an, trường thọ cho đấng sinh thành. Bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi ra đường bắt gặp hình ảnh ai đó đi dự lễ Vu lan và trang trọng cài lên ngực áo một bông hồng màu đỏ thắm hoặc màu trắng. Đó chính là cách để nhắc nhở mỗi người con luôn nhớ về tình cha bao la tựa núi cao ngang trời và nghĩa mẹ rộng lớn như biển cả mênh mông.
Vào đêm rằm tháng Bảy, dù bận rộn đến mấy thì mẹ và chị tôi cũng đều sắm sửa các lễ vật lên chùa cầu an. Lễ xong đâu đấy, mẹ tôi cài bông hồng trắng lên áo của mình. Còn chị tôi thì cài bông hồng đỏ thắm. Tôi tò mò hỏi mẹ vì sao lại có sự khác biệt đó. Mẹ cười hiền hậu bảo rằng: "Bông hồng tượng trưng cho tình yêu, cài bông hồng lên ngực áo vào ngày Vu lan có ý nghĩa dành cho các bậc sinh thành những tình cảm tốt đẹp nhất, là cách để con người ghi nhớ và khắc sâu chữ hiếu, đạo làm con. Những ai còn cha mẹ thì cài bông hồng đỏ, những ai mất mẹ thì cài bông hồng trắng". Nghe mẹ nói vậy, tôi cũng cài lên ngực áo mình một bông hồng đỏ thắm và cảm thấy tự hào vì mình còn cha mẹ để được yêu thương, chở che.
Bạn cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc, tự hào như tôi khi được cài lên ngực áo bông hồng đỏ thắm. Nhưng có bao giờ bạn suy ngẫm về những hành động của mình, dù rằng vô tình đã làm cho ông bà, cha mẹ lo lắng, buồn phiền hay không? Hôm đi chùa, tôi đã bắt gặp nhiều tiếng nấc, những giọt nước mắt nghẹn ngào, đầy xúc động của những người con khi cài trên ngực mình bông hồng trắng. Có lẽ, họ đang lục lọi trong ký ức những tháng ngày đã làm cho cha mẹ phiền lòng, giờ có ăn năn, hối hận cũng không còn kịp nữa. Bởi vậy, những ai đang còn ông bà, cha mẹ thì hãy nên quý trọng, thương yêu và chăm sóc ân cần, chu đáo. Để sau này, khi phải cài trên ngực mình bông hồng trắng thì sẽ không thấy hối hận, xót xa.
Hãy hiếu lễ với ông bà, cha mẹ mỗi ngày chứ không riêng gì ngày Vu lan. Hãy sống chậm, biết yêu thương, chia sẻ với những cuộc đời, những số phận kém may mắn hơn mình… Đó chính là thông điệp, là ý nghĩa nhân bản mà chúng ta học được sau mỗi mùa Vu lan.
Tản văn: Lê Văn Xuân -
Tản mạn mùa Vu lan báo hiếu
Ngoài kia, mưa ngâu rả rích, những cơn mưa được người ta ví như “trời mưa sụt sùi” báo hiệu mùa Vu Lan đến, mùa báo hiếu về. Bỏ lại những bộn bề, bon chen của cuộc sống, tháng 7(âm lịch) này, hãy cùng các Fasters lắng đọng với những cung bậc cảm xúc của Mùa báo hiếu.
Tháng 7 trời mưa, mưa ướt nhèm đôi mắt, Vu Lan này con vắng nhà mẹ ơi!
Khi ai đó nhắc về Vu Lan chúng ta lại bồi hồi nhớ về cha mẹ, Người đã khuất, Người đang còn.
Trong tim mỗi người, mẹ luôn là hình ảnh cao đẹp nhất. Mẹ là quê hương, là bóng mát, là hi sinh, là chở che, mẹ là tất cả, suốt cuộc đời chỉ sống vì con. Những tháng ngày mang nặng đẻ đau, trải qua biết bao nhọc nhằn vất vả chưa một lần kể than. Mẹ – Người phụ nữ mạnh mẽ nhất của cuộc đời con, phong ba bão táp ngoài kia sao có thể làm Người gục ngã. Người có thể làm tất cả mọi thứ chỉ mong cho con có được cuộc sống ấm êm và nụ cười hạnh phúc.
“Mẹ thương con mẹ nói, Cha thương con cha làm”. Cha không quãng nắng dầm mưa hay đường mòn hẹp lối, cha làm tất cả chỉ mong nụ cười con trọn vẹn. Bao đêm thức trắng, bao đêm vượt biển to, sóng lớn không run sợ, chỉ sợ rằng con chẳng được ấm no như bạn bè cùng trang lứa.
Lúc nhỏ sống trong vòng tay chở che của cha mẹ con nào biết trân quý, cứ nghĩ rằng đó là bổn phận, là trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ mà quên đi ơn nghĩa sâu dày. Đến khi trưởng thành, con mãi chạy theo những thú vui ngoài kia, con ích kỷ chỉ biết sống cho bản thân mình mà quên đi cha mẹ đã già yếu. Những lúc con bướng bỉnh, không ngoan thì cha mẹ cũng chỉ mỉm cười, nhưng mấy ai biết phía sau nụ cười ấy là những giọt nước mắt xót xa. Mẹ cùng con bước qua bao vui buồn của cuộc sống, cha dìu con qua những khó khăn của cuộc đời. Mẹ xót xa mỗi khi con mình vấp ngã, cha mừng khi thấy con mình đã vững bước trên đường đời lắm phong ba.
Trong mắt mẹ cha, con mãi là đứa bé ngây ngô như những ngày thơ dại, dù rằng con có là ai, trưởng thành đến đâu đi chăng nữa thì với mẹ con vẫn mãi là như thế, vẫn luôn cần sự che chở bảo bọc của gia đình. Người ta vẫn hay nói: “Trái tim người mẹ là vực sâu muôn trượng mà ở đáy ta sẽ tìm được lòng yêu thương và sự tha thứ vô bờ”, thế đấy, cả đời cha mẹ chỉ biết sống vì con cái. Hãy yêu thương họ khi họ vẫn còn đang hiện hữu vì khi mất đi rồi ta biết tìm kiếm nơi đâu. Có thể mua được tất cả nhưng hỡi ơi, sao có thể mua được tấm lòng mẹ cha.
“Thời gian thấm thoát thoi đưaMẹ con nay đã già đi đôi phần
Con ước con mãi thời thơ trẻ
Để mẹ con còn mãi tuổi đôi mươi”
Tháng bảy mùa báo hiếu, nhìn hoa trắng mẹ cài trên áo, con biết mẹ không thể mãi mãi bên con. Hôm nay, ngoài kia ai khóc mẹ, sợ giọt nước mắt ấy bao giờ đến phiên con. Vu Lan mây vương nắng nhạt chiều tà, con bồi hồi xúc động nhớ công ơn sinh thành, thầm nghĩ mình còn nhiều thiếu sót, lúc nào cũng để cho mẹ lo lắng chăm sóc mặc dù đã trưởng thành. Công đức sinh thành, dưỡng dục ấy làm sao con có thể nói hết. Mẹ đã ban tặng cho con cuộc sống này, ban tặng cho con đôi chân vững chãi để bước đi qua giông tố của cuộc đời…
Hạnh phúc cho những ai đang còn cha còn mẹ, còn được cài lên ngực áo mình hoa hồng đỏ thắm. Mỗi chúng ta hãy làm tròn bổn phận chữ hiếu của đạo làm con, để mai kia cha mẹ đi rồi cũng không phải hối tiếc muộn màng.
Sưu tầm -
Tản mạn mùa Vu Lan: Hiếu nghĩa từ tâm
“Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Rằm tháng 7 âm lịch, lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo là một dịp để nhắc nhở người con về đạo hiếu với cha mẹ như câu ca dao lớp vỡ lòng đã được học.
Có dịp trò chuyện với người quen đang làm việc trong ngành văn hóa khi đi dự một sự kiện văn nghệ buổi tối, anh chia sẻ về việc hôm nay cuối tuần anh chưa thể sắp xếp về thăm nhà ở huyện do bận việc và anh vừa gọi điện thoại về hỏi thăm mẹ để mẹ yên tâm. Anh vui vẻ nói: “Gọi điện thoại nói chuyện chút vậy thôi chứ bà vui lắm, không gọi về là bà trông”. Câu chuyện đơn giản nhưng gợi cho tôi nhiều điều về chữ hiếu, khi tình cảm thương yêu hiếu kính có ở trong lòng thì người con sẽ luôn nghĩ về cha mẹ, không có lý do và không hoàn cảnh.
“Đối với xã hội hiện nay tuy nhiều sự bận rộn, nhưng nếu người con biết nghĩ đến cha mẹ thì vẫn có thể thu xếp một khoảng thời gian nhất định để về thăm hỏi, trò chuyện gần gũi với cha mẹ, ông bà, hoặc chí ít cũng liên lạc thăm hỏi. Vì sao chúng ta có thể trao tặng những món quà cho bạn bè, người quen mà không thể tặng quà cho ông bà, cha mẹ, đó không hẳn là những loại vật chất đắt tiền mà có thể là những món đồ trong đời sống nhưng thể hiện được sự quan tâm của người con với cha mẹ, ông bà. Nếu cha mẹ, ông bà đã quá cố thì thành tâm hương quả bày tỏ lòng thành kính của mình. Đó là là đạo nghĩa của người làm con. Nếu một người không hiếu kính cha mẹ, ông bà thì dù có học thức đến đâu cũng không thể xem là người có đạo nghĩa. Mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, mọi giai cấp, ai ai cũng đều có thể thực hiện chữ hiếu của mình theo nhiều cách khác nhau, quan trọng là xuất phát từ tấm lòng thực sự của người con dành cho cha mẹ, ông bà” - Hòa thượng Thích Trí Thọ - Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh chia sẻ.
Đặc biệt, chữ hiếu ngày nay được hiểu rộng hơn như lời Hòa thượng Thích Trí Thọ đã nói: “Yêu quê hương, trung thành với đất mẹ - Tổ quốc mình, sống có ích cho cộng đồng xã hội là một chữ hiếu mà làm người phải có”.
Để quê hương thanh bình không còn chiến tranh với bao cam khổ, nhiều lớp người đi trước đã phải hy sinh. Do đó, chúng ta phải tri ân nguồn cội, tổ tiên, các vị anh hùng, những người hy sinh vì nước để thế hệ kế thừa có được tự do hạnh phúc. Và chữ hiếu với quê hương, đất nước cũng không phải điều gì quá lớn lao, xa vời mà ngay chính trong công việc, cuộc sống của mỗi người. Đó là sống tích cực, luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, làm tốt công việc hằng ngày, công dân có ích cho xã hội. Và nếu có thể, hướng về hoạt động cộng đồng, làm những việc có ích cho cộng đồng và xã hội.
Thật không khó để tìm ra những con người đang sống hữu ích như thế, họ là tấm gương sáng về chữ hiếu với quê hương như: ông Trịnh Văn Y đã vận động làm hàng ngàn cây cầu giao thông nông thôn, ông Huỳnh Văn Cam (Lê Huỳnh) đã vận động giúp trên một ngàn trẻ em được phẫu thuật tim bẩm sinh, ông Trần Quốc Việt vận động hàng trăm căn nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho các cựu chiến binh… Rồi đến rất nhiều lớp bạn trẻ tham gia các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng như: ra quân bảo vệ môi trường, góp sức chăm lo cho các gia đình chính sách, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, hay các hoạt động hiến máu tình nguyện, cùng nhau giữ gìn trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự…
“Chúng ta được sinh ra và trưởng thành từ quê hương, đất nước của mình, chúng ta phải trân trọng và biết ơn, quan trọng hơn nữa là hành động để thể hiện lòng biết ơn ấy, hành động đúng là không làm điều gì tổn hại đến quê hương, đất nước mình, cùng chung tay, góp sức để gìn giữ và vun đắp, xây dựng cho quê hương, đất nước của mình ngày càng phát triển tốt đẹp hơn” - Hòa thượng Thích Trí Thọ nói.
Chữ hiếu là bổn phận, trách nhiệm của người làm con, bởi đó là sự báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục to lớn của cha mẹ, ông bà, là sự dung dưỡng lớn lao của quê hương đất mẹ đối với mỗi con người. Đó là điều cần phải có đầu tiên để làm người trước khi làm người thành đạt.
Ánh Nguyệt