Top 10 Tản văn viết về Huế hay nhất

Phương Kem 1030 0 Báo lỗi

Nhắc đến xứ Huế là ta lại liên tưởng đến nhiều công trình kiến trúc cổ cùng những cảnh sắc thiên nhiên mang nét thơ mộng, hữu tình trong không gian thư thái, ... xem thêm...

  1. Có một điều gì đặc biệt ở Huế khiến tôi cứ vương vấn trong lòng, để rồi tôi chọn cho mình một chuyến đi để thỏa nỗi niềm thương nhớ. Đoàn tàu mang số hiệu SE4 đưa tôi đến sân ga Huế trong một chiều nắng đẹp. Sông Hương lững lờ trôi. Mây chầm chậm bay qua kinh đô nhuốm màu thời gian, màu của thăng trầm lịch sử…


    Cái nóng của miền Trung những ngày giữa năm không thể làm vơi bớt vẻ mộng mơ vốn đã thành cố hữu của Huế. Trong trái tim của chàng trai phương Nam vẫn dành cho Huế một tình cảm đặc biệt, hay chính Huế đã khơi dậy những xúc cảm mãnh liệt trong trái tim chàng trai”. Một buổi chiều dạo mát trên con đường Lê Lợi, cung đường đẹp nhất của Huế nằm bên bờ sông Hương, ngắm lá vàng rơi lác đác, vào thăm ngôi trường Quốc học hay đi dạo dưới chân cầu Trường Tiền, tôi thấy Huế đẹp một cách riêng mà không một thành phố hiện đại nào có được. Dù là mùa xuân bờ bắc sông Hương tím biếc màu hoa xoan hay mùa hè rực hồng sắc phượng ở bên bờ Trường Tiền, ở chân đồi Thiên Mụ… Huế cũng đẹp như một bức tranh.

    Những ngày ở lại Huế, tôi tranh thủ tận hưởng từng vẻ đẹp, thăm từng di tích, từng làng nghề được cất giữ hai bên bờ con sông Hương. Tôi nhớ mình đã thức dậy thật sớm, hít một hơi thật sâu rồi đạp xe lên Chùa Thiên Mụ chỉ để nghe tiếng chuông ngân trong thanh yên tĩnh lặng, một mình lên đồi Vọng Cảnh để ngắm dòng Hương uốn lượn mượt mà; một trưa lần theo tấm bản đồ tìm đến những lăng tẩm, đền đài, nơi lưu giữ vết tích của một triều đại trong lịch sử của dân tộc Việt; hay khoảnh khắc hoàng hôn buông trên mặt nước sông Hương, tôi lang thang trên cầu Đập Đá ngắm mặt trời lặn đỏ rực trời tây, ngắm những thuyền chài lênh đênh trở về neo đậu trên bến sông Cồn Hến mịt mờ sương khói…


    Tôi thường dựa theo “bản đồ văn học” trong những chuyến đi dọc dài đất nước. Văn chương viết về Huế, về dòng Hương thì nhiều vô kể. Xứ sở ấy, nói như Hoàng Phủ Ngọc Tường, chẳng bao giờ lặp lại mình trong văn, thơ, nhạc, họa. Tôi yêu Huế bắt đầu từ những bài học thuở thiếu thời, từ những vần thơ, áng văn, những bài ca dành riêng cho Huế. Bằng một tâm hồn yêu văn chương đến đắm say, mỗi lần đến Huế tôi thường lang thang đi tìm những địa danh, những hình ảnh được nhắc đến trong văn chương. Tôi đi tìm những đoạn sông Hương được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường miêu tả trong bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” nổi tiếng như đoạn con sông chảy giữa hai ngọn đồi sừng sững, đoạn sông chảy qua vùng đất Kim Long, đoạn sông đi giữa lòng đô thị cổ và đoạn sông chảy ngang qua thị trấn Bao Vinh đẹp như một Hội An thu nhỏ ở ngoại ô thành phố Huế… Mới hay dòng sông ở ngoài đời hay trong văn chương cũng trác tuyệt như nhau. Tôi đi tìm thôn Vỹ Dạ, tìm rất lâu, rất lâu mới thấy bóng hàng cau lùa nắng, thấy khu vườn vẫn giữ nguyên dạng truyền thống trong nhịp sống hiện đại hối hả. Khu vườn ấy, thế kỷ trước đã từng được Hàn Mặc Tử đưa vào thơ ca, với một “Đây thôn Vỹ Dạ” bất hủ nắm níu lòng người. Tôi nhớ buổi trưa nắng mồ hôi nhễ nhại tôi đã lang thang đi tìm cây ngô đồng từng là cảnh quay trong phim “Mắt biếc”. Sau trận bão lũ năm nào, cây ngô đồng đã hồi sinh, tán lá xanh mơn mởn là điểm nghỉ chân lý tưởng cho những người nông dân làm đồng. Giữa cánh đồng vắng vẻ mênh mông, “cây mắt biếc” trở thành một hình ảnh để thương để nhớ, thành đối tượng để người lữ khách phương Nam lận đận kiếm tìm…

    Mỗi người có một cách khác nhau để tận hưởng vẻ đẹp của Huế hay bất kỳ thành phố và vùng đất nào khác. Tôi đã tận hưởng Huế như vậy để thấy rằng Huế bình dị, Huế cổ kính, Huế đẹp mơ mộng hữu tình. Ở cái xứ sở của “dòng Thơm” ấy, giữa cái nơi từng là vương triều cao sang ấy, có nhiều thứ bình dị và mộc mạc biết bao. Nét bình dị có trong những món ăn như bánh nậm, bánh lọc, cơm hến, mì hến đậm đà hương vị vùng miền mà giá cả vô cùng phải chăng; có ở gánh chè của các o, các mệ từ những con ngõ nhỏ đi trong nắng Huế ban chiều; có ở nụ cười của o Vui bán bún bò Huế trước Chợ Đông Ba khi đôi bờ Hương Giang đã lên đèn sáng rực… Chính những điều đó cứ vương vấn mãi trong tôi, trở thành niềm thương nỗi nhớ. Huế đã thực sự sống lại sau đại dịch, dòng Hương vẫn xanh biếc in bóng Huế sau cơn bão lũ năm nào. Người Huế đã và đang làm nhiệm vụ giữ dạng truyền thống, giữ cho Huế một sắc màu riêng, rất Huế!

    Ai đó đã từng nói với tôi rằng: khi chưa đến Huế sẽ không muốn đến Huế, khi đến Huế rồi sẽ luôn muốn đến Huế! Quả thế, bởi chính cái sự yên tĩnh, trầm mặc của đất cố đô đã níu giữ trái tim người để một ngày nào đó những kỷ niệm và nỗi nhớ Huế chợt sống dậy trong lòng. Khoảnh khắc đó, sự xa xôi của miền Trung chẳng còn nghĩa lý gì so với chiều dài của nỗi nhớ…

    Tản văn HOÀNG KHÁNH DUY

    Nỗi nhớ Huế thương
    Nỗi nhớ Huế thương
    Nỗi nhớ Huế thương
    Nỗi nhớ Huế thương

  2. Người ta cứ nói Huế buồn, Huế chán, có gì đâu mà đi. Nhưng với những ai đã lỡ vấn vương nét trầm buồn, lãng đãng và mộng mơ xứ Huế, thì sẽ thương Huế lắm!


    Khi tôi nói rằng Huế là một trong những điểm đến của Việt Nam mà tôi cực kỳ yêu thích, một số người đã ngạc nhiên và phản đối: Huế có gì đâu mà chơi, thành phố trầm tư, buồn chán, ngoài kinh thành, lăng tẩm ra, chẳng có gì hấp dẫn hết!


    Ấy là vì họ chỉ biết đến một Huế qua sách báo, tài liệu du lịch nói về những điểm đến phổ biến của cố đô. Ấy là vì họ có phong cách du lịch hoàn toàn khác với tôi, rằng chỉ thích những điểm đến sôi động, được nghỉ dưỡng, được ăn uống thỏa thê, được chụp hình “sống ảo”, được tham gia các hoạt động vui chơi ồn ào, bung xõa hết mình trong chuyến đi.


    Còn với người hay đau đáu những hoài niệm, một khi đã vấn vương nét trầm buồn, lãng đãng và mộng mơ của xứ Huế, thì sẽ nhận ra mình lỡ thương Huế tự lúc nào…


    Tôi nhớ Huế có đường Lê Lợi. Báo chí ưu ái áp lên bao mỹ từ cho con đường này, chẳng hạn là “con đường bảo tàng”, vì có đề án trục không gian văn hóa nghệ thuật với chuỗi các bảo tàng, trung tâm nghệ thuật đặc sắc; hay gọi là “con đường lễ hội” vì một loạt các hoạt động lễ hội tưng bừng và náo nhiệt được diễn ra mỗi khi vào mùa Festival Huế.

    Nhưng tôi ngầm đồng ý với các nhà báo rằng, đường Lê Lợi chính là con đường đẹp nhất xứ Huế mộng mơ, là con đường mà nếu một lần đặt chân tới Huế, du khách nên dành thời gian bách bộ để tận hưởng khoảng không gian xanh rì của hai hàng me, phượng cổ thụ dọc đường, để dừng chân ngắm cầu Trường Tiền – chứng nhân lịch sử bao đời nay bên dòng sông Hương xanh mơ màng, hay chụp ảnh lưu niệm cùng trường Quốc Học – ngôi trường được thành lập vào năm 1896, là trường trung học phổ thông lâu đời thứ ba tại Việt Nam,…


    Tôi nhớ Huế ở nét lê thê nhưng dịu dàng, lòng chợt chùng xuống khi bỗng dưng trời cố đô đổ mưa. Mưa Huế không như nơi khác - đổ một lúc rồi tạnh ngay. Mưa Huế sầm sập như trút nước, dai dẳng và dữ dội, nhìn đâu cũng toàn những ẩm ướt, lạnh teo. Nhưng đó không là nét buồn bi ai, mà có điều gì đó dễ chịu, an yên len lỏi trong tận sâu đáy lòng.

    "Nhớ mãi trong lòng xứ Huế ơi!

    Mưa giăng núi Ngự trắng khung trời

    Tôi còn đứng đợi cho mưa dứt

    Em cũng ngồi chờ để gió thôi!"

    ("Huế! Một ngày mưa" - Từ Đức Khoát)

    Mến thương một nơi nào đó, không thể không nhắc đến những món đặc sản làm say lòng bao thực khách. Tôi cũng chỉ là “người trần mắt thịt”, từng nhớ nhung Huế vì một tô bún bò cay xé miệng, từng si mê Huế vì một tô cơm Hến thanh đạm, thích Huế vì một dĩa bánh nậm tròn vị, hay yêu Huế vì hàng chục món chè thi vị của chốn kinh kỳ xưa.


    Đến Huế mà không tham quan kinh thành thì xem như chưa biết gì về Huế. Kinh thành Huế là nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong suốt 143 năm trị vì từ năm 1802 đến khi thoái vị vào năm 1945. Đây là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.

    Đến kinh thành Huế không chỉ để ngắm nghía, tham quan, mà còn là một cách học lịch sử trực quan nhất, để biết được xưa kia ông cha ta đã sinh sống, dựng xây và quản lý đất nước này như thế nào, để mà rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong đời sống.


    Các lăng tẩm nhà Nguyễn với tôi cũng là những điểm du lịch đáng ghé thăm. Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) có kiến trúc cầu kỳ cùng phong cảnh sơn thủy hữu tình, lăng Dục Đức (An Lăng) được thiết kế đơn giản và khiêm tốn, còn lăng Khải Định (Ứng Lăng) là sự kết hợp của những cái mới, cái lạ, cái độc đáo, cái ngông nghênh, lạc lõng và thường bị đặt ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn,…


    Tôi chẳng bao giờ quên cảm giác bình yên và thanh thản khi đứng trong khuôn viên chùa Thiên Mụ - mái chùa cổ kính nằm trên đồi Hà Khê, xung quanh là rừng thông xanh rì rào, còn bên dưới là dòng sông Hương bàng bạc lững lờ trôi.

    "Trở lại Huế yêu lần theo ân tình câu hát/ Tìm người con gái áo tím mộng mơ/ Sông Hương tấp nập tìm răng được chừ...", câu hát trong bài "Huế thương" của nhạc sỹ An Thuyên chợt văng vẳng trong tôi. Phải chăng tôi vừa nhận ra rằng chẳng cần kiếm tìm những thứ vật chất hay danh lợi phù du, mà chỉ cần được sống một cuộc đời bình bình an an cho hết ngày tháng, vậy là đủ rồi.


    Huế còn đó nhiều địa danh mà tôi muốn tham quan, như thôn Vĩ Dạ, phố cổ Bao Vinh, làng hương Thủy Xuân, chùa Huyền Không Sơn Thượng,… Thôi đành hẹn một ngày thật gần sẽ lại đến thăm, vì đã lỡ thương rồi, Huế ơi!


    Nguyễn Thị Bình An

    Lỡ thương rồi, Huế ơi!
    Lỡ thương rồi, Huế ơi!
    Lỡ thương rồi, Huế ơi!
    Lỡ thương rồi, Huế ơi!
  3. Buổi sáng mai trời mù trong sương, sông núi cỏ cây nhoè đi trong hơi nước huyền hoặc lãng đãng đến từ dãy núi Kim Phụng, tưởng như từ đây màu nắng sẽ vĩnh viễn phai dần, báo hiệu mùa thu đã về, nhưng xế trưa trời bỗng hửng lên một vài sợi nắng le lói trên từng không, chói chang đến nỗi làm cho trái bưởi nám hồng cả đôi má tròn.


    Thăm Núi Ngự, Sông Hương, Cầu Gia Hội

    Viếng Nội Thành, bến Thừa Phủ, Kim Long

    Ngẩn ngơ nhìn trong một chuyến về thăm

    Thấy Huế đẹp, Huế thơ nên quyến luyến

    Qua Đồng Khánh nhìn sân trường xao xuyến

    Huế muôn đời ưa cám dỗ thi nhân

    Bóng dáng nào hò hẹn khách dừng chân

    Hay là tại nón bài thơ ai đội


    Có những ngày nghe hơi lạnh rùng mình trên da thịt thoáng sần lên một chút gai ốc "đổi trời", tưởng như từ đây mưa thu sẽ ray rức không ngừng trên mái ngói, bỗng nhiên cơn nóng ở đâu về bất chợt, như một nỗi nhung nhớ mùa hè, nồng nàn hâm hấp những giọt mồ hôi thấm bết tóc mai.

    Ngỡ ngàng, lưỡng lự là những ngày đầu thu của Huế, như một nỗi bấp bênh! Ðang mưa bỗng nắng, đang buồn bỗng vui ! Có chắc chắn chi một cơn gió heo may, để cứ đinh ninh mùa thu mãi hoài chìm trong màu tím! Có bền bỉ chi những cơn mưa đuổi nhau trên đầu sóng, để cứ mãi tin từ đây bốn bề hiu hắt "lòng rộng không che"! Huế đang say đắm rực rỡ với chiều vàng trên sông Hương, bỗng nhiên não nùng rũ rượi trong màu xanh thủy mặc trên những con đường cây lá giao nhau trong Ðại Nội. Huế suốt một ngày mây xám vần vũ xao xuyến cả bầu trời tháng tám, tưởng "trăng lạnh đầu non" không bao giờ "trở lại", bỗng đâu nửa khuya trên gối đầy ắp ánh trăng liêu trai, vằng vặc, quyến rũ và mê hoặc như một tình nhân bí mật không hẹn mà về.

    Trải vạt áo dài thi ca muôn thuở

    Xỏa mái tóc huyền thi nhạc giao duyên

    Môi ai cười vành nón lá che nghiêng

    Nghe vướng vấp bước chân người khách lạ.

    Hãy đừng tin chi vào chút nắng trên hàng cau nơi thôn Vỹ ! Một buổi sáng trời trong như ngọc, trái tim chưa kịp reo vui với nỗi mong đợi một ngày đầy nắng ở nơi đây nhất là cho những kẻ đã quen sống theo "thời khoá biểu" thường hằng ở phương Tây, chưa chi đã nghe đâu đó trong thoáng gió bay về hơi nước của cơn mưa đang ào ạt nơi cầu Bến Ngự. Cũng đừng vui hay buồn chi với cơn mưa buổi sáng nơi đường Ngự Viên, tưởng như cầm chân được ai đang dứt áo ra đi thành người ở lại nơi đây vĩnh viễn. Chỉ chưa đầy một chút quay lưng ra áo, nắng đã lên, lấp lánh ngoài sân, quí giá như vàng ngọc, mời gọi ra ngõ, rủ nhau đem áo ra phơi ngoài dậu, thúc dục kẻ hành nhân rảo bước…

    Và cứ thế những ngày qua đi, không vội mà như có tiếng dục giã của thời gian đang nhuộm lần sắc nhớ…

    Tôi đã về Huế hơn một lần mang theo ý niệm trung thành tuyệt đối với những bóng hình ngày cũ, với Huế ngày xưa, với nỗi nhớ nhung mùa thu cũ và với tôi hôm nay như những gì "xưa và nay" không thể lay chuyển, đổi thay.


    Tôi đã muốn đi tìm một vầng trăng Trung Thu thật tròn thật sáng thật trong nơi đồi Vọng Cảnh, như một "vầng trăng từ độ"…mãi hoài là một vầng trăng "đêm đêm bến cũ", nhưng thường được những cơn mưa tháng tám bất chợt làm ướt áo đợi chờ. Trăng thường không lên như nắng gió trong ngày đã hẹn, cứ để cho người háo hức những mong ước thần tiên của thời thơ ấu, để rồi đùng đùng sấm chớp, cơn mưa từ sầm sập đến, rửa sạch mọi ảo ảnh chờ mong, dồn nén nỗi thất vọng vào trong giấc ngủ. Thế nhưng có những khoảnh khắc không chờ không đợi trăng lại về…trong ngần và sâu thẳm như đôi mắt người xưa!

    Tôi đã muốn tìm lại "Thu vàng" khi trở về nơi đây để "nhặt lá vàng rơi" như một thời đã hát, nhưng ngỡ ngàng nhận ra mùa thu nơi đây không vàng mà xanh mướt lá cây như màu ngọc thạch nằm trong giếng nước sâu của Trọng Thủy. Ðể nhận chân hơn một lần "tiếng thu xào xạc" với "nai vàng", với "lá vàng khô“ âm thời trước chỉ là âm vang, màu thời gian điểm xuyết cho mùa thu xanh của Huế thêm một chút bâng quơ huyền thoại, thêm một lần vu vơ cho những tâm hồn nhạy cảm thuộc lứa tuổi hai mươi. Ai có về Huế trong buổi giao muà mới thấy được màu thu xanh của Huế nơi những cây bàng, cây khế, cây me, cây phượng, cây chuối, cây muối, cây sầu đông, lá cứ xanh mãi một màu hồ thủy, lá không vàng lá không rụng, lá lại thêm xanh…ấy là mùa thu mới về…


    Tôi đã muốn tìm về giòng sông Hương với "chiều tím" thẳm sâu, ghi khắc mối tình sông núi thủy chung, khi đứng từ cầu Trường Tiền nhìn lên nẻo sông xa vắng in bóng núi im lìm. Con sông mênh mang lưu luyến ánh mặt trời đang chìm dần sau bóng núi bỗng trở thành lỡ làng nước đục bụi trong, hắt hiu bến Tầm Dương…đưa khách, vội vàng phấn son, rộn ràng ca kỷ…Màu tím của sông, chút lòng trung kiên vĩnh viễn của Huế, phôi pha như một giấc mộng cố nhân, mỏng manh như một thoáng hơi sương thu, chỉ còn lãng đãng trong hoài niệm và đợi chờ…

    Hôm nay Huế nằm nghe mưa tầm tã

    Mưa suốt ngày mưa Huế lạ lùng chưa

    Những khi nắng lên, những khi mưa về bất chợt, Huế vào thu đã không dành cho tôi một ý niệm, một hình ảnh cố định nào đề con tim chiều theo một nhịp. Buổi giao mùa của Huế cứ giăng mắc những mảng trời vô định, vần vũ những đám mây lang thang như một thứ thiên la địa võng bao phủ lấy tâm hồn, nhận chìm con tim xuống một vùng vực thẳm mơ hồ nào đó, mất hút nẻo đi về, và lũ giác quan như những kẻ mù, sờ soạng trong không gian vô bờ của gió, của nắng, của mưa, của trăng, của sương, của mây, bỗng trở thành nhạy cảm đến mức tinh vi trong sự lắng nghe âm vang của tiếng mùa nơi từng giọt mưa rơi, nơi từng rung động của lá, nơi từng câm nín của ánh trăng…nơi từng bước chuyển trong muôn ngàn nẻo vô thường của Huế đầu thu.

    Ai muốn biết vô thường của cuộc đời là chi, hãy đến Huế khi gió mùa đang chuyển…

    Một lần về thăm Huế

    Thăm Núi Ngự, Sông Hương, Cầu Gia Hội

    Viếng Nội Thành, bến Thừa Phủ, Kim Long

    Ngẩn ngơ nhìn trong một chuyến về thăm

    Thấy Huế đẹp, Huế thơ nên quyến luyến

    Qua Đồng Khánh nhìn sân trường xao xuyến

    Huế muôn đời ưa cám dỗ thi nhân

    Bóng dáng nào hò hẹn khách dừng chân

    Hay là tại nón bài thơ ai đội

    Trải vạt áo dài thi ca muôn thuở

    Xỏa mái tóc huyền thi nhạc giao duyên

    Môi ai cười vành nón lá che nghiêng

    Nghe vướng vấp bước chân người khách lạ

    Hôm nay Huế nằm nghe mưa tầm tã

    Mưa suốt ngày mưa Huế lạ lùng chưa.


    Yên Sơn

    Một lần về thăm Huế
    Một lần về thăm Huế
    Một lần về thăm Huế
    Một lần về thăm Huế
  4. Về với làng quê xứ Huế tháng 4, ngoài được hóng gió đồng mát rượi, được hít hà hương lúa non căng tràn vị sữa ngọt lành; thì ta lại còn được say sưa trong vị chan chát của trái vả đầu mùa.


    Miền Trung mưa nắng thất thường, người đời có câu mà than: “Nắng cháy đầu, mưa thối đất”. Mấy cây chi, trái gì mà sinh trưởng tốt ở đất Huế. Nhưng lạ thay, cây vả trồng dễ như chơi, nhưng lại chỉ sống tốt ở vùng đất hẹp miền Trung khắc nghiệt này. Chắc bởi lẽ đất lành, cây vả yêu mảnh đất mẹ Thừa Thiên bao đời cơ cực mà ban tặng cho con người nơi đây một thức quà tự nhiên, lành vị.


    Ở nông thôn xứ Huế, vườn nhà ai hầu như cũng đều có vài ba cây vả. Nhưng được trồng nhiều nhất là ở làng cổ Phước Tích. Ngôi làng nhỏ ghi dấu bao thăng trầm lịch sử khép nép bên dòng Ô Lâu hiền hòa, dòng nước mát lành tưới tắm những khu vườn để xanh mơn mởn từng gốc vả. Vả được trồng nhiều trên đất cổ, vậy nên loại cây nông thôn này đã từ lâu đi vào nếp sinh hoạt của người dân quê nơi đây.


    Trời gom nắng đổ về đông, nắng chiều tháng 4 đã bắt đầu gắt gỏng, oi ả hơn. Trên những con đường làng Phước Tích lót gạch tổ ong, những đôi quang gánh nặng trịch nhịp nhàng gánh nước về vườn. Khi mặt trời xuống chùng chình khuất sau rạng tre; những o, những mệ ra bến sông mà gánh nước về tưới cây. Đòn gánh cong cong oằn trên vai, hai đầu là hai thúng nước nặng trĩu. Để khi đi nước không bị sánh ra khỏi thúng, trên miệng thúng luôn có một lá vả đậy lại. Đường làng, ngõ xóm, bến nước rôm rả tiếng nói tiếng cười; rộn rã bước chân nhịp nhàng gánh nước. Nắng gió xứ Huế có nóng đến đâu mà thấy khung cảnh gánh nước về vườn, lòng cũng mát rười rượi theo làn nước ngọt Ô Lâu, theo đòn gánh cong cong và người dân quê nồng hậu.


    Tháng 4 xứ Huế không còn những cơn mưa rây rắc, không còn những đợt gió lành lạnh sót lại của năm cũ; nắng ấm rót mật lên từng khu vườn Phước Tích, cây vả được mùa mà bắt đầu ra trái. Vào mùa vả, trái chi chít ra khắp gốc cây, từng chùm vả kết san sát nhau. Trái vả Phước Tích to đều, tròn dẹt, ruột đỏ nhìn như những sợi lông tơ mềm mịn, hồng hào đẹp mắt. Cây vả mọc thấp nhưng gốc lại to lạ, lá xè xè như lá môn. Bóng cây tỏa im lìm cả một khoảng vườn, mát râm ran giữa những trưa hè nực nội. Nhìn mùa vả đến, từng chùm, từng trái đu bám thỏa thích cả gốc cây mà mát mắt, thật khéo chiều thị giác người nhìn.


    Đến Phước Tích mùa này, mấy ai mà bỏ qua được bao món ngon từ vả. Huế nổi tiếng với ba dòng ẩm thực, vả là một trong những nguyên liệu đặc trưng cho những món ăn của dòng ẩm thực dân gian. Vả hái từ vườn được luộc sơ qua để bỏ bớt vị chát rồi xắt lát thật mỏng, bóp cùng với tai heo, rau răm. Thế là có món vả trộn. Cái sừng sực của tai heo, giòn giòn của vả cứ thế mà níu giữ bao tâm hồn khi thử qua vả trộn Phước Tích. Huế nổi tiếng là vùng đất Phật, ngày rằm hay mồng 1, mâm cơm chay luôn có món vả trộn đậu phộng. Một thức ăn giản đơn nhưng mát lành, đậm chất Huế.


    Những ngày hè nóng như rang, món ăn nhanh mà mát vẫn là vả sống chấm ruốc Huế. Chỉ dĩa vả sống, chén ruốc mà chấm rồi hít hà với cơm. Ruốc mặn, ớt cay xè làm lấn át đi cả cái vị chát vốn có của vả. Nhưng có lẽ với người Huế ăn quen, cũng chẳng thấy vả đắng, chát là mấy. Người phụ nữ cố đô bao đời nay nổi tiếng với sự sáng tạo trong ẩm thực, vậy nên ngoài vả trộn, vả chấm đặc trưng mà quen thuộc, còn có vả kho, vả hầm giò heo, vả rim,...


    Với đặc tính sáng tạo, tài hoa và khéo léo của những o, những mệ người Huế; vả không chỉ để ăn mà còn để uống. Vả hơi non được hái từ vườn, trải qua các công đoạn thái sợi, phơi nắng, “sao” là đã có thể dùng để chế trà. Tách trà vả đỏ nhẹ, trong sóng sánh, mùi thơm đặc trưng đến khó tả. Trà có vị chát nhẹ, ngọt ở hậu vị. Sớm mơi xứ Huế, sương ban mai đỏng đảnh giăng mắc, nhấp một ngụm trà vả bên dĩa mè xửng; đậm chất cố đô mà chẳng nơi mô có được.


    Ngày nhỏ, cứ đi học về là tụi trẻ con chúng tôi lại rủ nhau lên chùa hái vả. Vả ở chùa trồng nhiều, để đến khi có cúng thì khỏi phải mua. Lén lút mà vặt vả chùa, ăn vội trong lo sợ. Chấm muối ớt được gói cẩn thận trong lá chuối, hít hà mà tấm tắc khen ngon. Ăn luôn cả mủ vả, đắng nghét, chát ngầm là thế mà đứa nào đứa nấy ngồm ngoàm từ trái này sang trái khác, khen lấy khen để.


    Cây vả đi cùng năm tháng với làng quê xứ Huế, dần trở thành “nếp ăn” của người dân quê nơi đây. Cúng kị, mâm cỗ dù có dọn bao món ngon thì vẫn không thể thiếu đi món vả trộn. Bởi lẽ thiếu đi vả trộn lại không thành cỗ của người Huế.


    Trở lại Phước Tích một chiều tháng 3 ngót nghét rót cạn, tháng 4 chùng chình sang. Tôi được người o ở làng mời ăn chiều với mâm cơm “đậm đà vị làng” từ những món quê dân giả. O nồng hậu nói: “Con ăn thử vả trộn, về Phước Tích mùa ni thì răng mà không ăn vả trộn cho được”. Một miếng vả, tôi nghe được cả tình quê thổn thức.


    Nguyễn Đức Anh

    Mùa vả xứ Huế
    Mùa vả xứ Huế
    Mùa vả xứ Huế
    Mùa vả xứ Huế
  5. Tôi bước vào cổng chùa đúng lúc tiếng chuông gióng lên, tôi dừng lại đứng im, tiếng chuông ngân nga, ngân nga, lan tỏa trong không gian, vọng đến xa vời và lắng lại trong tôi.


    Không hiểu sao, mỗi lần nghe tiếng chuông ngân, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến lạ!


    Tôi không bỏ Huế mà đi nhưng cũng như bỏ Huế mà đi! Tôi từng hẹn sẽ trở về với Huế nhưng rồi công việc, chuyện này, chuyện nọ cứ kéo tôi đi mãi. Tôi như bơi mãi trong dòng đời nhấp nhô, cuộn chảy và sau lưng Huế càng xa!


    Tôi nhớ Huế, nhớ cái xứ nắng chan, mưa chảy, lặng trầm, u uẩn luôn gieo vào lòng một nỗi ai hoài, luyến nhớ. Tôi nhớ những ngôi nhà cổ kính rêu phong, nhớ những con đường mòn, hoa phai trong nắng, nhớ giọng ai hò và cả tiếng chuông chùa văng vẳng canh khuya.


    Có những đêm, nghe tiếng chuông từ đâu vọng lại, lòng bồi hồi nhớ, nhớ một điều gì xa vắng, mênh mông.


    Lại nhớ bước chân mình từng lên chùa Báo Quốc, chùa Từ Đàm năm xưa.


    Chùa Báo Quốc yên ắng trong cái nắng tháng Năm, hương hoa thơm ngát, tôi lên thăm thầy giáo tôi tu học ở nơi đây và cũng để mượn những cuốn sách cổ thấm vị nhang trầm để làm tư liệu cho mùa thi. Có lúc đang say trong những trang sách, tôi bỗng giật mình bởi tiếng chuông ngân, mới biết chiều đã muộn, lại vội vã giã thầy để quay về và tiếng chuông như theo tôi mãi.


    Tôi lại nhớ chùa, nhớ tiếng chuông chùa ở làng tôi. Cứ mỗi ngày, tiếng chuông lại vang lên, tiếng chuông lan trong không gian làm cho làng quê đã vắng lặng lại càng thanh bình, yên ả. Chợt nhớ câu ca xưa:


    “Chùa làng dựng ở xóm côi
    Sớm hôm hai buổi nghe hồi chuông ngân”


    Tôi nhớ, cứ ba, bốn giờ sáng, khi trời còn tối đen, chuông mai đã vang lên. Tiếng chuông phá hôn trầm đêm dài, thức tỉnh con người qua giấc mộng say, trở dậy cho kịp một ngày mới, thúc giục kẻ khuất mặt trở về cõi âm trước khi trời sáng. Khi nghe tiếng chuông, các thầy đều thức dậy châm hương, công phu hay tụng niệm, những chú tiểu đã nấu nước, quét chùa. Có lẽ, họ đã thuộc bài kệ:


    “Văn chung ngọa bất khởi
    Hộ pháp thiện thần sân
    Hiện tiền giảm phước huệ
    Lai báo đọa xà thân”


    (Tạm nghĩa: nghe tiếng chuông mà nằm không dậy. Các vị hộ pháp, thiện thần đều nổi giận. Hiện tại thì giảm phước huệ. Kiếp sau sẽ đọa thành loài bò sát)


    Sau hồi chuông, hầu như mọi người đều thức dậy, nó như một âm thanh định giờ, để chuẩn bị cho một ngày mới, người lo hàng để ra chợ, người chuẩn bị ra đồng, lên nương, học trò ôn bài để đi đến lớp. Tiếng chuông mai như khởi đầu cho một ngày mới, hồi chuông vừa dứt, sương cũng tan dần để đón bình minh lên, tôi cũng theo tiếng chuông mà thức dậy để học hành.


    Nhưng có lẽ, thương nhớ trong tôi là tiếng chuông chiều. Khi chiều tà, nắng phai, những tia nắng mong manh khuất dần sau rặng tre, sương bắt đầu xuống, từng tiếng chuông chùa xa, hòa trong tiếng sáo diều, tiếng côn trùng bắt đầu hòa âm tạo một khúc nhạc chiều thanh bình, yên ả. Tôi, nhiều khi mơ hồ, không nhận rõ là tiếng chuông hay tiếng chiều ngân. Từng tiếng, từng tiếng chuông thong thả, lan qua màn sương mỏng, vang khắp không gian rồi lắng lại trong lòng người. Một ngày vất vả, gian nan đã hết. Tiếng chuông như xua đi nỗi khổ chốn u minh, nhường lại cho đêm dài yên tĩnh.


    Những đêm rằm, trong bóng trăng soi lặng lẽ, tiếng chuông vọng từ xa mong manh như hòa quyện cùng ánh trăngtạo một không gian êm ái, dịu dàng.


    Tiếng chuông còn lay động lòng người, hồi hướng con người. Tôi như còn nghe câu chuyện ai đó kể: ”Nghe tiếng chuông ngân người mổ heo, thịt trâu, ăn trộm cũng tỉnh lại để quay về”. Tiếng chuông vang vào tâm thức, thức tỉnh người nhầm đường và lôi kéo họ ra khỏi bờ mê, bến lú để trở về bờ giác. Con người không lạc trong sáu nẻo luân hồi.


    Tiếng chuông, chỉ là thanh âm rồi tan loãng trong không gian nhưng khi nghe tiếng chuông thong thả vang lên, lòng ta bỗng nhiên thanh thản nhẹ nhàng, tâm như tĩnh lại, trí tuệ như sáng ra, tiếng chuông như hướng con người về cõi thiện lành và sống từ bi hơn.


    Tôi đi xa lâu ngày, trong chiều, nghe tiếng chuông mơ hồ xa vắng lại nhớ câu thơ của cố thi sỹ Huyền Không, Thích Mãn Giác xưa:


    “Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
    Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
    Mái chùa che chở hồn dân tộc
    Nếp sống muôn đời của tổ tông


    (Nhớ chùa)


    Lê Phượng

    Tiếng chuông chùa
    Tiếng chuông chùa
    Tiếng chuông chùa
    Tiếng chuông chùa
  6. Mảnh đất kinh đô với những tinh hoa nghệ thuật đa sắc màu đã mang lại cho Huế một dáng dấp vừa cổ kính lại vừa luôn mới mẻ trong lòng những du khách đã từng ghé chân đến nơi đây. Đặc biệt nghệ thuật ẩm thực được chắt chiu từ những đôi bàn tay khéo léo và đảm đang của người phụ nữ Huế thì khó ai có thể cưỡng lòng mình khi nghe câu mời chào ngọt lịm: “Về Huế ăn hàng đi anh”! (Người Huế không nói ăn quà mà ăn hàng).


    Đã sẵn sàng chưa nào, bây giờ bạn hãy cùng tôi dạo một vòng những con đường để điểm danh xem xứ Huế có những hàng quà gì đặc sắc nhé:


    Đầu tiên, hãy cùng điểm tâm với những món ăn đặc sắc và dân dã đã được cụ Ưng Bình – một thi nhân xứ Huế ca ngợi qua những câu lý Giao duyên thi vị: “Bánh khoái Đông Ba bún bò Gia Hội, cơm Hến bên Cồn quen lối tìm nhau…”. Những nồi bún bò nước trong thanh đậm đà ngọt vị thịt, thơm mùi sả và của những viên chả cua, chả quết nổi sóng sánh trên mặt chiếc nồi có hình dáng trên to dưới om nhỏ lại, dĩa rau sống với các loại rau thơm sẽ làm bạn nhớ mãi. Hoặc nếu thưởng thức món cơm hến thì bạn sẽ thấy một tô cơm hến giá chỉ bằng một nửa tô bún bò thôi, nhưng với tất cả trên mười ba thứ gia vị để hình thành và gói gọn trong một tô cơm hến thì có lẽ bạn đã hiểu tại sao nhà thơ Võ Quê đã có cảm xúc để viết nên mấy câu thơ đến nay nhiều người Huế vẫn hay nhắc đến mỗi khi nói về món ăn này: “Đã mê ớt đỏ cay nồng/ Tìm trong vị Huế một dòng Hương xanh/ Ruốc thơm cơm nguội rau lành/ Mời em một chén chân thành món quê.”


    Điểm tâm đã xong, giờ hãy cùng tôi lân la sang chợ Đông Ba và nếu đã chọn xong cho mình cũng như ngắm nghía no mắt những mặt hàng phong phú, đôi chân có lẽ cũng đã khá mỏi rồi vậy tại sao mình không dừng lại để ăn một ly chè nhie. Chè ở đây chắc chắn bạn sẽ hoa cả mắt vì quá nhiều món mà bao tử thì có giới hạn. Tôi sẽ điểm danh sơ qua những món chè đặc trưng ở đây nhé: đậu ngự, hạt sen, đậu đỏ, đậu ván, bột lọc bọc thịt quay, í mà có lẽ bạn phải lưu ý món chè bột lọc bọc thịt quay này đó nhé vì hình như món chè này riêng xứ Huế mới làm đúng điệu và hương vị đặc biệt của nó sẽ làm bạn có một ấn tượng không thể nào quên. Ngoài ra bạn đừng bỏ qua ly thạch xoa mát mẻ cùng nụ cười duyên ơi là duyên của chị bán chè nhé. Chả thế mà đã từng có câu thơ nổi tiếng trong dân gian hay sao: “Thạch xoa một vốn bốn lời, anh về bỏ vợ lấy người thạch xoa!” Nói vui thôi mà, chứ người Huế nặng tình lắm. Cái tình cái nghĩa ăn đời ở kiếp với nhau đôi khi chỉ bắt đầu từ những chiếc bánh bèo, bánh ướt tôm chấy thanh cảnh. Tình yêu bắt đầu từ đôi bàn tay uyển chuyển nhồi bột bắt bánh, từ những đảm đang dịu dàng.


    Giờ có lẽ đã bớt mỏi mệt rồi, lát nữa chúng ta sẽ ghé cơm Âm Phủ ăn cơm trưa hoặc nếu muốn bạn có thể theo hai câu thơ này mà lên “Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi”. Dáng huyền trong một giai thoại của vua Thành Thái ngày ấy chắc chắn bạn sẽ dễ dàng bắt gặp đâu đó trong những mái tóc, nụ cười, tà áo dài thướt tha e ấp của những nàng con gái xứ thơ nhưng tôi tin chắc rằng bạn sẽ tấm tắc khen ngon và muốn ăn thêm nữa đó là bánh ướt thịt nướng Kim Long. Tôi thích nhất quán Huyền Anh với thịt nướng mùi thơm nương theo làn gió sông Hương khuyến dụ cái bao tử mỗi chiều nhớ bữa lỡ. Từ chén nước mắm ớt tỏi thanh thanh cũng được chắt chiu từ những bí quyết gia truyền đã hình thành nên thương hiệu món bánh cuốn thịt nướng Huyền Anh.


    Và đã nhắc đến bữa lỡ thì có lẽ lời giới thiệu của tôi sẽ dông dài thêm nếu liệt kê ra những món ăn thích hợp trong thời điểm ấy nhưng tôi cũng xin lược trích ra những món ăn điển hình để bạn có thể tham khảo, này nhé: bánh bèo nậm lọc Cung An Định, bún mắm nêm đường Bà Triệu, bánh canh Hàn Thuyên, bún xào nghệ đường nào cũng có. Hoặc bạn có thể rủ nhau rồng rắn kéo lên Trường An ăn ốc hoặc về vùng Vĩ Dạ để ăn chén bánh canh Nam Phổ ấm lòng, để thương câu thơ nửa như hờn dỗi, nửa nhắc nhở kín đáo và tinh tế của nàng thơ xứ Huế trong câu “Sao anh không về chơi thôn Vỹ, nhìn nắng hàng cau nắng mới lên!” của Hàn Mặc Tử. Để nghe cái tình chi da diết trong ly cà phê trời chiều nắng nhạt, hẹn em một đêm trăng thả hồn xuôi theo dòng Hương, cùng em bên nhịp phách tiếng đàn lời ca buông lơi, hư ảo. Sương đêm buông dần và men tình cũng thêm nồng đượm, dìu nhau qua phố khuya chợt thèm một chút ấm lòng cho nhau và bánh mì cầu Trường Tiền dù bình dân nhưng cũng đã làm nên một hình ảnh quà rong cho Huế.


    Và có một xứ Huế luôn luôn mới khi ngày nay ngoài những món ăn thuần Huế thì để hoà mình vào nhịp sống văn hoá quà rong Huế ngày nay, những món ăn của các vùng miền khắp nơi trên đất nước cũng như nước ngoài cũng làm cho Huế có một sự chuyển hoá nhiều không kém. Những món ăn như phở, bánh cuốn nem rán Hà Nội, hủ tiếu Nam Vang hay cơm tấm Sài Gòn… cũng đã dần hình thành nên những món ăn quen thuộc của người Huế. Qua đó mới thấy một Huế không bảo thủ, khư giữ quá khứ vàng son mà quên mất hội nhập và phát triển. Huế trong mắt bạn bè năm châu và trong mắt những người yêu Huế thậm chí những người chưa từng đặt chân đến Huế luôn đẹp và thơ như thể tất cả tinh hoa nghệ thuật trong đó nghệ thuật ẩm thực là một nét đặc sắc của Huế từ bao đời đã được định hình từ những món ăn cầu kì trong cung đình như nem công chả phụng đến tô cơm hến bình dân vỉa hè.


    Khép lại những chuyến khám phá Huế với đền đài lăng tẩm chùa chiền, vẫn còn nhiều lắm những món ăn hàng mà trong một qua một chừng mực nào đó của bài viết tôi không thể mách với bạn và cũng do một phần là khi viết đến ngang đây bụng tôi có một cảm giác cồn cào thật là khó chịu. Đành nhắn nhủ cùng nhau qua câu kết của làn điệu lý Huê tình :”Mai mốt ra về, chút nữa ra về có lưu luyến chi không?”


    TRANG THÙY

    Về Huế ăn hàng
    Về Huế ăn hàng
    Về Huế ăn hàng
    Về Huế ăn hàng
  7. Ngõ Huế! Như một thanh âm huyền bí. Như vùng đất kỳ ảo nơi người khách phương xa luôn muốn hướng về. Bạn đi du lịch ư? Thật khó để bạn nghĩ ra nơi chốn chật hẹp này là nơi để khám phá.


    Tường vàng, tường đen, nhìn qua toàn rêu phong. Đến gần nữa, bức tường như người bạn vong niên mời gọi. Không hiểu sao tôi liên tưởng đến hình ảnh cánh hải âu giữa đại dương gọi nhau cùng đến chân trời nào đó.


    Huế trong tôi như phương Nam trong tâm tưởng bao đời của loài chim ấy. Những thứ cũ xưa bỗng thật lung linh. Đơn giản vì mình thích. Thế là đủ, Dù là kẻ lạc lõng với giọng Bắc đặc sệt. Dù là kẻ mang cái mác lãng du chỉ để cảm nhận thứ cảm xúc vị kỉ. Cũng phải thôi, đâu cũng thế, người lạ được chào đón trong con ngõ xa xôi. Tôi lạ lẫm, tôi cười, tôi nói, đáp lại là thanh âm vang vọng.


    Cái kiệt quá nhỏ. Đủ để người đứng từ cuối biết hết những việc tôi làm. Đôi mắt tròn xoe, ngước lên nhìn lạ lẫm. Miệng xinh xẻo thốt lên tiếng bập bẹ mà tôi phải nghe kỹ mấy lần mới rõ. Sau bức tường rêu phong là một gia đình nhỏ.


    Cửa nhỏ, bàn xinh, chỉ có tấm lòng là bao la, rộng lớn. Cô bé kia nhìn chán, chạy chơi với đám bạn. Vài gia đình là đủ để tạo nên một cộng đồng nhỏ. Hớn hỏ và vui tươi. Chẳng mong gì hơn thế.


    Ngõ vấn vương cảm xúc diệu kỳ. Cuộc sống vốn chỉ bình dị thế thôi nhưng cho ta khám phá, trải nghiệm. Mỗi nơi có một cộng đồng, một cuộc sống. Thế chưa đủ để đi, đế đến? Tôi chỉ là một người đi qua, không cách nào cảm thụ hết nếu không hòa váo nơi ấy.


    Kiệt Huế. Đơn giản thế thôi. Nhà nhỏ, quán cũng nhỏ. Gánh bún bò trong ngõ cũng ngon chẳng kém gì quán hàng ngoài đường lớn. Ăn xong, ngồi chiếc ghế nhựa, nghe nhạc Trịnh trong lòng Huế, cảm giác đó có lẽ là duy nhất, là độc nhất trong cuộc đời. Nhạc Trịnh là đủ sâu sắc để đếm dần từng tiếng tích tắc của thời gian. Nhạc do một thiên tài viết nên, đủ để cảm hòa tâm tưởng cùng bước chân mệt mỏi.


    Kiệt quen, ngõ lạ. Nhỏ mà chứa dựng thứ gì đó còn to lớn hơn nhiều. Tôi không thể cảm nhận hết độ sâu ấy. Chỉ có thể ngồi viết ra những dòng tượng trưng cho thương nhớ. Đâu cũng thế. Đâu cũng vậy. Cuộc sống bình lặng, nó bình thường nhất cho cảm xúc một con người. Huế là thành phố nổi tiếng ở miền Trung, cũng vì để lại thứ xúc cảm tuyệt vời như vậy.


    Bỗng chốc, thanh âm trong trẻo kia biến mất, chỉ còn lại nỗi sợ hãi mông lung. Trời mây xám, ngõ xầm xì. Rêu phong như muốn phô trương màu đen chiến thắng. Ghi, xám rồi đen, ánh vàng vọt nhạt dần theo năm tháng. Đâu có, chỉ là một buổi thế thôi. Huế mưa. Người đi vào nhà hết, không quên đánh lại một hai tiếng mời tôi vào trú mưa.


    Người Huế đó. Người Huế không ngại. Nhà có mấy góc xưa. Tháng năm trôi qua chỉ làm con người già đi. Xưa và nay vẫn thế, tình cảm là thứ có thể tạm lánh đi trong thoáng chốc nhưng đời đời vĩnh cửu. Chiếc radio cũ kỹ tỏa ra âm thanh quen thuộc. Đúng nhỉ, người Huế mê nhạc Trịnh, ca từ huyền bí y như Huế. Mười năm xưa đứng, mười năm xa Huế. Rồi gặp lại nhau trong ảo mộng giữa cuộc đời.


    Ngõ sâu hun hút, để lại một vệt gợn dài nếu ta ghi lại và mở ra xem sau vài năm. Lúc đó ta lớn hơn, cảm giác cũng chẳng giống bây giờ. Khi ta trưởng thành, ta có nhiều thứ phải lo. Nhưng trưởng thành về thăm Huế, lại thấy tiếc nuối tuổi trẻ. Liệu ta có thể làm tốt hơn không nếu thời gian quay lại? Liệu ta có sống bình lặng như không khí ở đây, hay cuồng quay trong bánh xe hoa lệ như cuộc sống Sài Gòn?


    Tôi không có câu trả lời, bởi ngược thời gian là điều không thể. Chỉ biết rằng, các cụ ở trong ngõ nhỏ này sống từng ngày như họ muốn sống. Cách sống của họ quá đỗi bình dị và an yên, như cái cuộc sống tách bạch với bên ngoài đường lớn. Không thay đổi dẫu trầm luân. Cứ đều đều như năm tháng.


    Trong con kiệt, nhiều người đến rồi đi. Nụ cười tiễn biệt. Nụ cười chào đón.


    Sưu tầm

    Trong ngõ Huế
    Trong ngõ Huế
    Trong ngõ Huế
    Trong ngõ Huế
  8. Huế – mảnh đất lãng mạn, mộng mơ, đậm chất thơ, một miền di sản có một không hai về vẻ đẹp rất riêng, rất ngọt ngào. Khi chưa đặt chân đến Huế, tôi không mường tượng được một cố đô đầy chất thơ sẽ ra sao giữa thời hiện đại. Nhìn cuộc sống sôi động, ồn ào, náo nhiệt không ngừng ở Thủ đô Hà Nội và tp Hồ Chí Minh, tôi bất chợt lo lắng cho thành phố nhỏ, thơ mộng ấy dường như chỉ xuất hiện trong thơ ca, nhạc họa và nhiếp ảnh…


    Thế rồi, tôi cũng đến Huế. Huế đón chào tôi giống như khi tôi ngắm Huế qua những bức ảnh, thơ ca… Thật bình yên, thơ mộng đến lạ kỳ, Huế bình lặng từ cảnh vật đến con người. Từ nụ cười dịu dàng, kín đáo sau vành nón lá của các cô gái Huế đạp xe trên phố cho đến nét đôn hậu vô tư của bà chủ quán hàng ăn, tay thoăn thoắt xếp bánh bèo cho khách đang nôn nóng chờ đợi…


    Huế có sông Hương hiền hòa thơ mộng, có núi Ngự thông reo vi vu giữa trời xanh. Huế có Kinh thành, nơi chứng kiến biết bao sự đổi thay quyền cai trị đất nước, lúc thịnh lúc suy. Huế có lăng tẩm đền đài lưu dấu ngàn thu của các bậc Vua chúa. Huế có Từ Đàm, ngôi Phạm Vũ đã chứng tri biết bao biến động thăng trầm hào hùng của lịch sử nước nhà. Huế có Thiên Mụ, ngôi cổ tự hùng thiêng trải qua bao thế hệ. Những hồi chuông Thiên Mụ còn mãi ngân vang từ ngàn xưa cho tới tận ngàn đời sau. Tháp Phước Duyên vời vợi giữa chốn Kinh kỳ, như thâu gọn hồn thiêng của Tổ quốc.


    Huế khiến ai đặt chân đến bỗng nhiên bước chầm chậm hẳn lại, nói năng trò chuyện nhỏ nhẹ hơn, ngắm nhìn và suy ngẫm nhiều hơn… Sông Hương, lặng lẽ, bao dung, hiền hòa êm ả là thế, cứ như một tiểu thư khuê các không vướng bụi trần. Và người dân xứ Huế cũng hiền hòa, cởi mở. Dưới ánh nắng rực rỡ, vàng óng như mật của những ngày vào Hè, tôi ngắm nhìn dòng sông từ những bậc đá của Chùa Thiên Mụ, sông Hương đẹp đến mê hồn bởi màu xanh trong như ngọc bích, bởi ôm trọn bóng của sự sống dọc hai bên bờ.


    Huế nổi tiếng với vẻ đẹp đượm buồn và ấn tượng. Điều đó càng sâu lắng khi bạn đón hoàng hôn trên Phá Tam Giang, cách thành phố Huế khoảng 15 km. Cái cảm giác thật nhỏ bé, vui sướng khi ngồi thuyền dạo chơi giữa sóng nước mênh mông, thỉnh thoảng đón những cơn gió mát lạnh ào tới. Để rồi theo ánh nắng chiều buông dần phía chân trời, bạn sẽ choáng ngợp trước cảnh đầm phủ một màu tím xẫm. Chính màu tím chiều hoàng hôn hiếm hoi ấy đã khơi nguồn cảm hứng cho những sáng tác thơ, ca, nhạc, họa, nhiếp ảnh và để lại trong lòng du khách một nỗi nhớ da diết, khôn nguôi.


    Kinh thành Huế ngày nay ngoài những nét đẹp nên thơ vẫn nổi bật với tiềm năng phát triển du lịch không hề thua kém bất cứ địa danh nổi tiếng nào khác. Tạo hóa đã ban tặng cho Thừa Thiên Huế một địa hình khá độc đáo: toàn tỉnh có kiến trúc giống như một công viên lớn, phong phú, đa dạng. Nơi đây hội tụ núi đồi và đồng bằng, là chỗ gặp nhau của sông, đầm phá và biển. Từ hệ thống đầm Phá Tam Giang – Cầu Hai đến sông Hương, núi Ngự, Vườn quốc gia Bạch Mã, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Ðiền, tất cả đều cho thấy đây là vùng đất của sự cộng sinh và hội tụ. Chính vì vậy, thế mạnh du lịch của Huế không chỉ là sức hấp dẫn của một cố đô cổ kính, lắng đọng mà còn nổi bật như một thành phố xanh của Việt Nam.


    Giữa thành phố cổ kính, bạn vẫn bắt gặp những bãi cỏ xanh trải dài hai bên bờ sông Hương. Thói quen sống với môi trường tự nhiên, gắn bó với cỏ cây, sông nước, coi thiên nhiên là một phần của cuộc sống đã in sâu trong tâm thức người dân Huế cho đến tận ngày nay. Huế còn được mệnh danh là “Kinh đô vườn” chẳng hề sai. Đâu đâu cũng thấy một màu xanh êm đềm của cỏ cây, hoa lá, của đồi núi, sông hồ, mà nhà vườn là mảng xanh lớn nhất do con người tạo ra suốt hàng trăm năm nay. Những khu nhà vườn nổi tiếng, yên bình và quyến rũ của Huế nằm tập trung ở Long Hồ, Hương Long, Nguyệt Biểu, Lương Quán, Vĩ Dạ, Bao Vinh,… Nhà vườn Huế như một cây cầu nối giữa con người với thiên nhiên.


    Nói đến Huế, ít ai không nhắc đến sông An Cựu. Tách ra từ sông Hương, nhưng An Cựu lại có dòng chảy độc lập của chính mình. Được nghe những người dân nơi đây kể, tôi như trôi theo câu chuyện ngược trở về 200 năm trước. Khi Vua Gia Long lên ngôi, ông cho xây dựng Kinh thành và lập kế hoạch phát triển vùng ven Huế. Chiểu theo ý nguyện thần dân, Nhà Vua cho đào sông An Cựu. Tương truyền, An Cựu trong khi khơi dòng đã đào vào hang động của Thuồng Luồng khổng lồ. Từ rất lâu đời rồi Thuồng Luồng khổng lồ đã là thủy quái trấn giữ cả khúc sông sâu. Cửa sông An Cựu được khai mở khiến hang động của Thuồng Luồng khổng lồ bị lộ thiên. Mỗi khi trời nắng nóng, oi bức, Thuồng Luồng khổng lồ khó chịu, vẫy vùng, làm cả dòng sông An Cựu đục ngàu bùn đen. Mưa xuống, tiết trời mát mẻ, dễ chịu, Thuồng Luồng khổng lồ ngủ yên, dòng sông phẳng lặng, êm ả trôi. Những lúc như vậy, nước sông An Cựu trở lại trong xanh. Dòng An Cựu vẫn nắng đục mưa trong ấy, gắn liền với dấu tích lịch sử, những câu chuyện đời, chuyện người tích tụ theo dòng chảy cùng năm tháng.


    Tuy không ồn ào, náo nhiệt như Thủ đô Hà Nội hay tp Hồ Chí Minh nhưng Huế vẫn đang dần khẳng định sự phát triển của một thành phố năng động, giàu tiềm năng du lịch. Theo đà phát triển của xã hội, Huế vẫn lung linh, huyền ảo nhưng đã có phần nhộn nhịp hơn xưa. Những tòa nhà hiện đại mọc lên ngày càng nhiều với những ánh đèn rực rỡ sắc màu trong đêm. Các tuyến phố lớn như Hùng Vương, Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ, Bến Nghé… đang trở thành những địa điểm vui chơi, giải trí, mua sắm của người dân Huế và du khách sau bữa tối. Giờ đây, nếu bạn đến Huế và dạo chơi ngoài đường vào ban đêm, bạn sẽ thấy thành phố sôi động hơn rất nhiều, không còn tĩnh lặng, êm đềm như những năm 1980 trở về trước. Tối đến, hàng trăm cụ già, thanh thiếu nhi đến vui chơi, giải trí, tập thể dục trước cổng Đại nội. Những ngọn đèn vàng chiếu sáng mặt đường xen lẫn ánh đèn từ các phương tiện đi lại, hối hả ngược xuôi. Chẳng mấy ai còn để ý đến những lời thủ thỉ tâm tình của thành quách rêu phong cổ kính.


    Đêm ở Huế yên tĩnh và bình lặng đến lạ kỳ. Chúng tôi ngồi trên xích lô chạy lòng vòng qua các đường phố rợp bóng cây xanh. Gần cầu Tràng Tiền, gặp những đôi trai gái ngồi bên bờ sông Hương nhâm nhi tách cà phê, cốc nước ngọt trò chuyện rôm rả; nhóm khác ăn chè thập cẩm, cười nói vui vẻ, rất thoải mái, an nhàn tự tại. Vài đôi trai gái đứng ngắm nhìn dòng sông Hương lung linh, vời vợi, huyền ảo. Tất cả cảnh trí đó tạo nên một bức tranh sống động, nhộn nhịp, sao mà đẹp mà nên thơ đến thế! Đêm ở Huế trôi đi chậm chạp khiến tôi thấy lòng mình thanh thản, thư thái….


    Đến với Huế, lòng bâng khuâng xao xuyến khi nghe ca Huế trên dòng sông Hương. Những lời ca tao nhã vang vọng, nửa như muốn ôm trọn cố đô mộng mơ, nửa như níu kéo ta chẳng muốn rời xa Huế. Sao nỡ xa Huế cho được… Tôi còn chưa được đi hết khu di tích Tử cấm thành, chưa được tận mắt ngắm nhìn những lầu son gác tía trong Đại nội, chưa được nghe hết những lịch sử huyền bí, chưa được ngắm hết những lăng tẩm, đền đài vốn có một thời xa hoa lộng lẫy, chưa hiểu hết những tài hoa khéo tay của người dân đất Huế… Đúng vậy, Huế thanh bình, yên ả, không vội vã mà sâu lắng đi vào lòng người. Chia tay với Huế, lòng tôi tự nhủ và ước ao: nhất định sẽ có ngày tôi trở lại Huế thân yêu – một nơi bình yên, quyến rũ, đẹp như mộng như mơ.


    Quả thật, ai đã từng đến Huế, đều đọng lại trong tim vẻ đẹp trầm mặc của Huế, giọng nói sâu lắng đến lạ kỳ của người dân Huế. Huế nhẹ nhàng, duyên dáng nên thơ, không ồn ào xô bồ, vội vã tấp nập như những nơi tôi đã từng được đi qua. Huế đối với tôi luôn luôn huyền bí, hấp dẫn và cuốn hút… Biết bao thi nhân đã miêu tả Huế bằng ngòi bút ngọc ngà và những lời văn yêu kiều, diễm lệ… Tôi không phải nhà thơ mà cũng chẳng phải nhà văn. Tôi chỉ muốn nói lên cảm xúc của lòng mình về Huế, nơi tôi có nhiều tình cảm sâu lắng, yêu thương.


    Trở đi trở lại Huế đã nhiều lần, tôi không còn nỗi háo hức của buổi ban đầu. Mỗi chuyến đi, tôi càng thấy Huế thân yêu hơn, gắn bó hơn. Lần này, tôi trở lại Huế đúng độ Thu về. Có lẽ Thu là mùa đẹp nhất trong năm, không có cái nắng rát bỏng của mùa Hạ, không có nỗi man mát buồn, ngao ngán, của những cơn mưa dài, dai dẳng, rả rích không ngớt của Huế, cũng không có buốt giá của mùa Đông… Phố xá như rộn ràng hơn, tưng bưng hơn, náo nhiệt hơn cùng dấu mốc son kỷ niệm 69 năm Quốc khánh 2/9/1945 – 2/9/2014.


    Tôi đến Huế không chỉ để tham dự lễ khai mạc Liên hoan Giao lưu ảnh nghệ thuật 3 thành phố: Hà Nội – Huế – tp Hồ Chí Minh mà còn được Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế tổ chức cho đi sáng tác một ngày ở Thừa Thiên Huế cùng các nghệ sĩ nhiếp ảnh của 3 thành phố. Lần đầu tôi được đi sáng tác tại tỉnh Thừa Thiên Huế, một cảm giác thật khó tả, rạo rực trong tôi khi tận mắt chiêm ngưỡng cảnh và người dân Huế dễ thương, gần gũi, nhiệt tình. Rất đúng là Huế mộng Huế mơ trong tâm trí tôi từ thuở nào…


    Chúng tôi bấm máy liên hồi mà không muốn ngừng. Ông mặt trời đã lên giữa đỉnh đầu mà tiếng bấm máy vẫn nổ ròn như rang ngô. Thế rồi, NSNA Xuân Lê – Ủy viên BCH Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế, trưởng đoàn yêu cầu chúng tôi dừng tay máy, đi ăn trưa để chiều còn tiếp tục chụp tại bãi biển Vinh Thanh. Chúng tôi lên đường mà vẫn còn lưu luyến chưa muốn dời. Chỉ một ngày thôi, chị Xuân Lê đã đưa chúng tôi đi chụp ảnh khá nhiều nơi như: Đầm Cồn Tộ – Phá Tam Giang, Làng nghề Mây tre đan Bao La, Lăng Tự Đức, bãi biển Vinh Thanh… Một ngày làm việc cật lực, vất vả, song ai nấy đều vui mừng, hoan hỉ. Vâng, một chuyến đi đầy ý nghĩa và hiệu quả. Xin chân thành cảm ơn BCH Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế, cảm ơn toàn thể anh chị em hội viên Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế, cảm ơn nhân dân Huế, đặc biệt cảm ơn NSNA Phạm Văn Tý – Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế và NSNA Xuân Lê đã tiếp đón chúng tôi rất nhiệt tình, nồng hậu và thân mật.


    Trở về Hà Nội, tôi thầm mong sẽ sớm trở lại Huế một lần nữa để đi đến tận cùng dòng nắng đục mưa trong… Hơn nữa, sức cuốn hút của Huế vẫn luôn huyền bí và quyến rũ, như một cuốn sách hay còn dang dở… khiến Huế vừa quen vừa mới lạ. Huế dù phảng phất buồn nhưng luôn thân thiện, cởi mở để yêu thương, để say đắm lòng người. Xin tạm biệt Huế thân thương, đầy hấp dẫn./.

    Sưu tầm

    Cảm xúc về Huế thân thương
    Cảm xúc về Huế thân thương
    Cảm xúc về Huế thân thương
    Cảm xúc về Huế thân thương
  9. Cũng dễ hiểu thôi khi trong tâm tưởng của mỗi người đều có một vùng thương nhớ, bởi “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên); và mảnh đất Cố đô nơi xứ Huế mộng mơ mà đầy khắc nghiệt ấy luôn đau đáu trong nỗi niềm của kẻ đi xa.


    Huế của hai mươi năm về trước mang một nhịp sống chậm rãi, lặng buồn; đặc biệt là sau trận lũ lịch sử năm 1999 càng khiến Huế trở nên u tịch. Ta nhớ những năm tháng sinh viên của mình gắn liền với xứ Huế như một duyên nợ cho dù có nhiều mảnh đất để lựa chọn. Ngay từ khi chân ướt chân ráo vào thi, ta đã nghe đến câu ca dao mà các anh lứa trước đã chế tác: “Học trò xứ Nghệ vô thi/ Thấy cô gái Huế bước đi không đành”; đã đắm mình trong giọng thơ của Thu Bồn: “Nhịp cầu cong con đường thì thẳng/ Một đời anh tìm mãi Huế nơi mô”; rồi đặc biệt mấy đứa con trai cùng lớp, cùng quê đã lập ra nhóm thơ văn “Ông đồ xứ Nghệ”, nhớ đến cậu bạn đến từ huyện Nam Đàn quê Bác với câu thơ đầy liên tưởng “Trời xứ này sao mà giống tính em/ Mưa trút xuống giận hờn không hẹn trước”… Huế cứ thao thiết và thấm đẫm trong ta từ những điều như thế.


    Ta nhớ một giọng nói ngọt ngào mô, tê của o Tôn nữ mà ngỡ mình như một chàng sĩ tử đang ngồi trên Phu Văn Lâu để chờ ngày được xướng tên bảng vàng. Ta nhớ một chiều nào cả lớp dã ngoại trên đồi Thiên An lộng gió, có cậu bạn nào lấy hết can đảm đọc bài thơ tình để tỏ tình với cô bạn cùng quê trong vi vút tiếng lá thông reo. Ta nhớ những lúc hăm hở mấy đứa rủ nhau đi về Vỹ Dạ mà chẳng còn thấy khuôn mặt chữ điền nào nên thất thểu ra về đọc lại thơ Hàn. Ta cũng nhớ những chiều rãnh rỗi, cả bọn con trai văn khoa dù ít ỏi cũng rủ nhau lên Đàn tế Nam Giao đá bóng cùng các nhà sư, chú tiểu ở chùa Từ Đàm và các chùa khác gần quanh. Có cô bạn từ Nha Trang xa xôi ra học, lãng mạn thường mặc áo dài tím, đi trên những con đường rợp bóng cây xanh: đường Lý Thường Kiệt tím ngắt bằng lăng, đường Đoàn Thị Điểm rực vàng hoa điệp, đường Lê Duẩn đỏ rực màu phượng vỹ… Nhớ hôm sinh nhật ai, cả dãy trọ kéo nhau lên đường Điện Biên Phủ trập trùng những dốc để ăn một tô ốc xào cay xè đầu lưỡi trong buổi tối mùa đông. Có năm, cả lớp bàn bạc góp tiền để thuê một chiếc thuyền rồng ngược dòng Hương để nghe ca Huế, để thăm thú những chùa chiền hay lăng tẩm của Tự Đức, Minh Mạng… Ta nhớ cậu bạn cùng quê, một chiếc vali qua 4 năm Đại học, ở trọ hầu khắp các con đường mà rút ra một cảm nhận, người Huế ở nơi nào cũng thật thà và thương người…


    Huế vốn là chốn kinh đô của 9 đời Chúa và 13 đời vua nhà Nguyễn, triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Chính về thế, dẫu ở thời hiện đại vẫn còn những nét phong kiến ngày xưa không dễ phai trong lòng người dân Cố đô. Những mái nhà rêu phong cổ kính cùng với Đại nội trang nghiêm càng làm cho Huế thêm xưa cũ. Lúc ở trọ đường Nguyễn Công Trứ, ta đã gặp vị chủ nhà vườn rộng với mấy dãy phòng nhưng đặc biệt không bao giờ cho sinh viên nữ thuê. Hay khi ta đưa bạn nữ cùng lớp đến nấu ăn chung cho vui khi ở đường Bà Triệu, đã bị “mệ” chủ nhà đuổi cho lên bờ xuống ruộng bởi mệ quan niệm: Nam nữ thụ thụ bất thân… Nhớ khi mới chung lớp, bao đứa buồn cười vì tên của cô bạn dài dằng dặc trong sổ điểm danh “Công Tằng Tôn Nữ…”, rồi sau đó mới biết nguồn gốc thế tộc để khi thấy ai mang họ: Công Tằng, Tôn Thất, Bửu… lại nhìn đầy ngưỡng mộ những danh gia vọng tộc. Còn đó biết bao khuôn viên đầy mê hoặc cho thấy xưa là nơi ở của các quý tộc hay các bậc đại thần.


    Cũng vì là kinh kỳ đàng trong suốt mấy trăm năm nên Huế cũng hội tụ những món ngon ẩm thực mà du khách khó cưỡng lại. Là sinh viên, thuở ấy, dẫu chẳng được nếm những cao lương mĩ vị hay sơn hào hải vị nhưng những món ăn dân dã, hè phố cũng khiến lòng nhớ Huế khôn nguôi. Những buổi sang mai thường nhật, ở góc đường nào cũng thấy những đôi quang gánh nghi ngút khói, người người sà vào để thưởng thức món bún bò chính hiệu là linh hồn của ẩm thực Huế. Mỗi tô bún đều có một miếng chân giò, vài viên mọc, ít lát tiết heo và mấy miếng thịt bò xắt mỏng. sau nay, dù đi đến vùng miền nào cũng có biển hiệu bún bò Huế mà sao hương vị lại chẳng thể bằng. Khi ấy nếu túi tiền không cho phép, thì mấy đứa lại rủ nhau ăn cơm hến trước cổng kí túc xá Đội Cung, chỉ một nghìn một bát mà sao ngon đến thế. Cái mềm của cơm nguội, dai của con hến, giòn tan của tóp mỡ cộng với rau sống (chủ yếu là bắp chuối, thân khoai môn trắng thái nhỏ cùng giá đỗ) hòa quyện trong mắm ruốc và ớt cay khiến người ta cứ ăn một muốn hai. Xế trưa hoặc xế chiều, trời nóng bức, mấy đứa bạn lại rủ nhau đến quán chè Hẻm gần bên trường ĐHSP hoặc lên quán chè Tý trên đường Phan Chu Trinh với đủ thể loại chè. Nếu nói Hà Nội có kem Tràng Tiền thì ở Huế chính vương quốc của chè thập cẩm. Tối đến, những lúc học khuya đói bụng, ta có thể đi ra đường Lê Lợi dọc bờ sông Hương, có thể sà vào bất kì bếp lửa nào đang cháy để thưởng thức một dĩa bánh bèo, bánh nậm, bánh khoái… còn nếu chán mùi dầu mỡ thì có thể lên lối bưu điện trung tâm để thưởng thức một tô bánh canh nóng hổi… Những tháng mùa thi, những lúc hết tiền, mấy đứa lại rủ nhau đạp xe lên chùa Thiên Mụ, Từ Đàm… để được các nhà sư mời một bữa cơm chay… Còn bao món ngon ta chưa được nếm hết, bao dư âm đã quá xa xôi để trong mỗi người khi xa Huế đều khao khát ngày trở lại.


    Huế cũng là mảnh đất nhiều tín ngưỡng. Phật giáo chiếm đại đa số với những ngôi chùa nổi danh từ lâu đời như Thiên Mụ, Từ Đàm, Báo Quốc, Từ Hiếu… Những ngày lễ Phật đản, Huế trở nên nhộn nhịp lạ thường. Với Thiên Chúa giáo thì nhà thờ Phủ Cam lại trở thành một biểu tượng, một ấn tượng khó phai không chỉ với con chiên mà cả những người ngoại đạo. Chúng ta cũng dễ thấy cả một thành phố Huế trầm tư trong ngày lễ chung “ngày thất thủ kinh đô”…


    Hai mươi năm xa cách, đã bao dịp đi ngang qua mà chưa một lần ghé Huế. Thành phố mở rộng hơn, khách sạn nhà hàng nhiều hơn, đường sá quy hoạch rộng rãi hơn, nhịp sống sôi nổi, hiện đại hơn. Cuộc sống tất yếu phải thế. Thế nhưng có những thứ thuộc về văn hóa, thuộc về văn hiến thì chẳng bao giờ thay đổi hay mất đi như câu thơ Bùi Giáng từng viết: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”. Ta nhớ một tiếng dạ thưa ngọt lịm xứ Huế, nhớ một cơn mưa nhạt nhòa cả Thành nội và ta mong một ngày được trở lại Huế thương.


    Đinh Hạ

    Tản mạn Huế
    Tản mạn Huế
    Tản mạn Huế
    Tản mạn Huế
  10. Ba năm hơn tôi rời xa vùng đất kinh kỳ, nhưng cứ độ thu về lại mơn man những ngày thu của Huế. Ngày đó, một mình kéo va li ra nhập học, con gió đầu thu làm tôi thấy lạc lõng giữa phố thị đông người. Tôi bơ vơ như chính mấy đứa nhỏ đang lẽo đẽo van nài mua hộ viên kẹo cao su.


    May mắn, tôi nhanh thích nghi, dần quen với những điều đã từng rất lạ. Tôi bắt đầu thích những giờ giải lao đứng ở tầng ba dãy nhà C của trường để ngắm nhìn nàng thơ xứ Huế đang êm đềm xuôi dòng về cồn Hến; ngắm hàng bằng lăng tím cả dãy phố Lê Lợi mỗi chiều thu; thích nhất vẫn là ngắm cầu Tràng Tiền "Sáu vài mười hai nhịp" với dòng người xuôi ngược xôn xao.


    Tôi thích tính khí thất thường của trời Huế, sáng nắng trưa mưa chiều về ngập trọ là chuyện như cơm bữa. Mưa xối xả làm trắng cả lối về rồi bỗng nắng vàng rọi khe cửa dãy nhà chữ Y của ĐHS.


    Tôi thích phố Huế lúc về đêm, bờ Nam ồn ào náo nhiệt, càng về khuya càng rộn tiếng cười đùa; nhưng thích hơn vẫn là bờ Bắc hiền hòa, 21h đèn nhà vụt tắt, phố trở nên tĩnh lặng trong trời thu se lạnh. Huế kì lắm, cũng thì một phố, mà đôi bờ Hương Giang quá vãng một chiều thu; bên cổ kính biên niên vang bóng, bên hiện đại xô bồ náo nhiệt. Thế nên tôi thích, mà đúng hơn là nó yêu vùng đất trái tính trở trời này.


    Tôi nhớ Huế, nhớ mùa thu Huế, nhớ thời mà mình tóc dài, mập, đen nhẻm và lúc nào cũng lạch cạch trên chiếc xe đạp cũ mua vội bữa mới ra. Thời mà cứ hễ làm việc gì cũng có Tình yêu lớn, có trọ, có bạn bè...động viên khích lệ, có nhóm đồng đội kề vai sát cánh. Thời tôi ăn ngủ ở Giảng đường I, chạy chương trình tới 12h đêm về ăn tô hủ tiếu 10k, 3h sáng ghé xuống chợ Đầu Mối mua hoa, cọc cạch xe đạp đèo nhau lên Hương Long dạy tình nguyện, gặm bánh mỳ Trường Tiền ngắm SaiGon (Morin) về đêm, lên cầu Dã Viên hú hét đợi tàu uống trà sữa Bento, qua Mai Thúc Loan kêu dĩa chân gà bóp mép bò gân kiệu uống sting, đạp xe đạp quanh bồng binh ngã 6 dầm mưa hát điên dại, mùa mưa bão dọn lụt rồi qua trọ đồng đội ăn chung ngủ chung chơi chung mười mấy người.


    Tôi thèm những tối đầu thu, cả xóm trọ kéo nhau lọc cọc đạp qua vài tuyến phố, chúng tíu tít đủ chuyện trên đời; rồi hít hà mớ vị riêng của Huế mà sau này mấy bận đi quanh Đà Nẵng nó không thể nào tìm lại được.


    Đặc biệt, tôi nhớ cả thu Huế có cả âm thanh của dòng sông bắt đầu chuyển mình đón gió. Càng già ngày, thu càng khiến dòng sông vàng hơn vì mớ nước từ thượng nguồn đổ về, lừ lừ chín đỏ rồi bỗng sạm đi như báo hiệu sắp nổi trận lôi đình.


    Thế đó, thu Huế cứ đến rồi đi. Bốn mùa gắn bó làm tôi quen với vị riêng của Huế. Giờ rời xa cũng đã ba bận thu về, nhưng cứ hễ cơn mưa giông đầu mùa thả mình vào đất là tôi lại nhớ như in ngày đầu đón nhận gió thu nơi đất khách. Thế mới thấm câu nói của thi sĩ Chế Lan Viên: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn"...


    - Ái Nhi -

    Thu về tôi nhớ Huế xưa
    Thu về tôi nhớ Huế xưa
    Thu về tôi nhớ Huế xưa
    Thu về tôi nhớ Huế xưa



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy