Về Huế ăn hàng
Mảnh đất kinh đô với những tinh hoa nghệ thuật đa sắc màu đã mang lại cho Huế một dáng dấp vừa cổ kính lại vừa luôn mới mẻ trong lòng những du khách đã từng ghé chân đến nơi đây. Đặc biệt nghệ thuật ẩm thực được chắt chiu từ những đôi bàn tay khéo léo và đảm đang của người phụ nữ Huế thì khó ai có thể cưỡng lòng mình khi nghe câu mời chào ngọt lịm: “Về Huế ăn hàng đi anh”! (Người Huế không nói ăn quà mà ăn hàng).
Đã sẵn sàng chưa nào, bây giờ bạn hãy cùng tôi dạo một vòng những con đường để điểm danh xem xứ Huế có những hàng quà gì đặc sắc nhé:
Đầu tiên, hãy cùng điểm tâm với những món ăn đặc sắc và dân dã đã được cụ Ưng Bình – một thi nhân xứ Huế ca ngợi qua những câu lý Giao duyên thi vị: “Bánh khoái Đông Ba bún bò Gia Hội, cơm Hến bên Cồn quen lối tìm nhau…”. Những nồi bún bò nước trong thanh đậm đà ngọt vị thịt, thơm mùi sả và của những viên chả cua, chả quết nổi sóng sánh trên mặt chiếc nồi có hình dáng trên to dưới om nhỏ lại, dĩa rau sống với các loại rau thơm sẽ làm bạn nhớ mãi. Hoặc nếu thưởng thức món cơm hến thì bạn sẽ thấy một tô cơm hến giá chỉ bằng một nửa tô bún bò thôi, nhưng với tất cả trên mười ba thứ gia vị để hình thành và gói gọn trong một tô cơm hến thì có lẽ bạn đã hiểu tại sao nhà thơ Võ Quê đã có cảm xúc để viết nên mấy câu thơ đến nay nhiều người Huế vẫn hay nhắc đến mỗi khi nói về món ăn này: “Đã mê ớt đỏ cay nồng/ Tìm trong vị Huế một dòng Hương xanh/ Ruốc thơm cơm nguội rau lành/ Mời em một chén chân thành món quê.”
Điểm tâm đã xong, giờ hãy cùng tôi lân la sang chợ Đông Ba và nếu đã chọn xong cho mình cũng như ngắm nghía no mắt những mặt hàng phong phú, đôi chân có lẽ cũng đã khá mỏi rồi vậy tại sao mình không dừng lại để ăn một ly chè nhie. Chè ở đây chắc chắn bạn sẽ hoa cả mắt vì quá nhiều món mà bao tử thì có giới hạn. Tôi sẽ điểm danh sơ qua những món chè đặc trưng ở đây nhé: đậu ngự, hạt sen, đậu đỏ, đậu ván, bột lọc bọc thịt quay, í mà có lẽ bạn phải lưu ý món chè bột lọc bọc thịt quay này đó nhé vì hình như món chè này riêng xứ Huế mới làm đúng điệu và hương vị đặc biệt của nó sẽ làm bạn có một ấn tượng không thể nào quên. Ngoài ra bạn đừng bỏ qua ly thạch xoa mát mẻ cùng nụ cười duyên ơi là duyên của chị bán chè nhé. Chả thế mà đã từng có câu thơ nổi tiếng trong dân gian hay sao: “Thạch xoa một vốn bốn lời, anh về bỏ vợ lấy người thạch xoa!” Nói vui thôi mà, chứ người Huế nặng tình lắm. Cái tình cái nghĩa ăn đời ở kiếp với nhau đôi khi chỉ bắt đầu từ những chiếc bánh bèo, bánh ướt tôm chấy thanh cảnh. Tình yêu bắt đầu từ đôi bàn tay uyển chuyển nhồi bột bắt bánh, từ những đảm đang dịu dàng.
Giờ có lẽ đã bớt mỏi mệt rồi, lát nữa chúng ta sẽ ghé cơm Âm Phủ ăn cơm trưa hoặc nếu muốn bạn có thể theo hai câu thơ này mà lên “Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi”. Dáng huyền trong một giai thoại của vua Thành Thái ngày ấy chắc chắn bạn sẽ dễ dàng bắt gặp đâu đó trong những mái tóc, nụ cười, tà áo dài thướt tha e ấp của những nàng con gái xứ thơ nhưng tôi tin chắc rằng bạn sẽ tấm tắc khen ngon và muốn ăn thêm nữa đó là bánh ướt thịt nướng Kim Long. Tôi thích nhất quán Huyền Anh với thịt nướng mùi thơm nương theo làn gió sông Hương khuyến dụ cái bao tử mỗi chiều nhớ bữa lỡ. Từ chén nước mắm ớt tỏi thanh thanh cũng được chắt chiu từ những bí quyết gia truyền đã hình thành nên thương hiệu món bánh cuốn thịt nướng Huyền Anh.
Và đã nhắc đến bữa lỡ thì có lẽ lời giới thiệu của tôi sẽ dông dài thêm nếu liệt kê ra những món ăn thích hợp trong thời điểm ấy nhưng tôi cũng xin lược trích ra những món ăn điển hình để bạn có thể tham khảo, này nhé: bánh bèo nậm lọc Cung An Định, bún mắm nêm đường Bà Triệu, bánh canh Hàn Thuyên, bún xào nghệ đường nào cũng có. Hoặc bạn có thể rủ nhau rồng rắn kéo lên Trường An ăn ốc hoặc về vùng Vĩ Dạ để ăn chén bánh canh Nam Phổ ấm lòng, để thương câu thơ nửa như hờn dỗi, nửa nhắc nhở kín đáo và tinh tế của nàng thơ xứ Huế trong câu “Sao anh không về chơi thôn Vỹ, nhìn nắng hàng cau nắng mới lên!” của Hàn Mặc Tử. Để nghe cái tình chi da diết trong ly cà phê trời chiều nắng nhạt, hẹn em một đêm trăng thả hồn xuôi theo dòng Hương, cùng em bên nhịp phách tiếng đàn lời ca buông lơi, hư ảo. Sương đêm buông dần và men tình cũng thêm nồng đượm, dìu nhau qua phố khuya chợt thèm một chút ấm lòng cho nhau và bánh mì cầu Trường Tiền dù bình dân nhưng cũng đã làm nên một hình ảnh quà rong cho Huế.
Và có một xứ Huế luôn luôn mới khi ngày nay ngoài những món ăn thuần Huế thì để hoà mình vào nhịp sống văn hoá quà rong Huế ngày nay, những món ăn của các vùng miền khắp nơi trên đất nước cũng như nước ngoài cũng làm cho Huế có một sự chuyển hoá nhiều không kém. Những món ăn như phở, bánh cuốn nem rán Hà Nội, hủ tiếu Nam Vang hay cơm tấm Sài Gòn… cũng đã dần hình thành nên những món ăn quen thuộc của người Huế. Qua đó mới thấy một Huế không bảo thủ, khư giữ quá khứ vàng son mà quên mất hội nhập và phát triển. Huế trong mắt bạn bè năm châu và trong mắt những người yêu Huế thậm chí những người chưa từng đặt chân đến Huế luôn đẹp và thơ như thể tất cả tinh hoa nghệ thuật trong đó nghệ thuật ẩm thực là một nét đặc sắc của Huế từ bao đời đã được định hình từ những món ăn cầu kì trong cung đình như nem công chả phụng đến tô cơm hến bình dân vỉa hè.
Khép lại những chuyến khám phá Huế với đền đài lăng tẩm chùa chiền, vẫn còn nhiều lắm những món ăn hàng mà trong một qua một chừng mực nào đó của bài viết tôi không thể mách với bạn và cũng do một phần là khi viết đến ngang đây bụng tôi có một cảm giác cồn cào thật là khó chịu. Đành nhắn nhủ cùng nhau qua câu kết của làn điệu lý Huê tình :”Mai mốt ra về, chút nữa ra về có lưu luyến chi không?”
TRANG THÙY