Top 10 Tản văn viết về tất niên hay nhất
Tất niên là một trong những phong tục không thể thiếu của mỗi gia đình Việt trước thời khắc đón chào năm mới. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình sum ... xem thêm...họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên, cùng nhìn lại năm cũ đã qua và hướng về một năm mới tốt đẹp hơn. Dưới đây là top các bài tản văn viết về tất niên hay nhất.
-
Khi thời tiết vẫn còn lạnh nhưng gió không còn hun hút chạy dọc theo con phố. Dẫu sương còn giăng giăng trên cành trên lá nhưng không gian đã ấm hơn. Khi không còn từng đợt gió bấc quất vào mặt lạnh rát. Khi cỏ cây như bừng tỉnh sau những ngày mưa lạnh gió cào thì đó là năm hết, tết đến.
Có đi xa mới thấy thấm, mới thấy thèm cái hương vị tất niên. Mùi thơm ngậy của những cái bánh chưng vừa được vớt ra còn bốc khói nghi ngút. Mùi thơm ngọt ngào của các loại mứt mẹ làm. Mùi của nồi nước mùi già thơm rưng rức đến nao lòng chiều cuối năm. Mùi củ hành củ kiệu trong mâm cơm tất niên. Mùi xôi gấc thoảng bay trong giây phút thiêng liêng cúng giao thừa. Những hương vị quen thuộc ấy khi nghĩ tới ai cũng thấy lòng xao xuyến lạ kỳ như luôn nhắc nhở người xa quê mau chóng trở về. “Về quê ăn tết” nghe giản đơn mà sao thiêng liêng đến thế.
Dường như những ngày cuối năm mọi lo toan, mọi gánh nặng áo cơm được trút bỏ. Người ta nói nhiều hơn, cười nhiều hơn để cảm nhận được những khoảnh khắc chứa chan bình yên và yêu thương. Ngày cuối năm luôn có cảm giác như thời gian chòng chành. Vẫn đủ đầy thời khắc như bao ngày khác mà sao như có chút gì đó như níu kéo dùng dằng. Nhìn tờ lịch cuối cùng treo trên tường không nỡ bóc, sợ thời gian trôi mau, sợ cuốn đi bao kỷ niệm của năm cũ. Hình như tết đến mà không về quê ăn tết thì lòng dạ không yên. Tưởng rất riêng mà hóa ra rất chung. Mệt đấy nhưng mắt lại lấp lánh niềm vui. Ngày cuối năm ủ trong lòng bàn tay ấm áp, hít căng lồng ngực mùi vị tinh khôi của nắng buổi sớm, của gió se lạnh chênh chao. Tự nhiên thấy cái gạch nối giữa năm cũ và năm mới không còn khoảng cách.
Ngày cuối năm ai cũng thèm được trở về quê hương. Một nơi mà dù có đi hết cuộc đời vẫn khát khao tìm lại. Mấy lần xe, mấy lần đò, vài lần đi bộ qua cánh đồng mới về đến quê nhưng người ta vẫn về. Vể để được hít hà cái mùi vị của đất sỏi nồng nồng hằn in dấu chân cha, pha lẫn giọt mồ hôi mằn mặn của mẹ. Về để được nhận cái ôm thân thiết của cha sau một năm xa cách. Về để được nhận những lời dặn dó thủ thỉ của mẹ sau 360 ngày biền biệt nơi xứ người. Có muôn vàn lý do để người ta không thể không trở về sum họp gia đình khi năm cùng tháng tận. Về quê ăn tết không còn là khái niệm đi hay ở mà là cuộc hành hương về cội nguồn. Đó không chỉ đơn thuần là tình cảm mà còn là giá trị đạo đức, là văn hóa, là sự sống còn bền vững của một dân tộc.
Những ngày cuối năm này dù đi xa đến đâu, trong nước hay ngoài nước, ai cũng cố gắng trở về sum họp bên gia đình. Để không thấy mình bơ vơ lạc lõng giữa sự tấp nập của dòng đời. Năm nào cũng có tết. Năm nào cũng về quê ăn tết. Thời gian ở quê chỉ được dăm ba ngày bên người thân rồi lại ra đi nhưng vẫn muốn về. Về quê ăn tết là để lòng mình lắng lại trong buổi chiều cuối năm bên những nấm mộ tổ tiên ông bà. Thắp nén nhang thơm, đứng giữa đất trời mà từ sâu thẳm trong tiềm thức mơ hồ như có rất nhiều lời rì rầm vọng lại như gửi gắm niềm tin nối dài nhân nghĩa. Về quê ăn tết là tìm về cảm giác bình yên sau những tháng ngày xuôi ngược. Về quê ăn tết là để được hít thở bầu không khí thân thương không vướng bận vội vàng. Được đón những nụ cười. Được nghe những lời chúc chân thành. Được ngắm những đôi mắt thân quen rạng ngời. Những điều tưởng đã cũ mà bỗng nhiên mới mẻ. Cảm giác như lần đầu đón tết.
Rồi những ngày cuối cùng của năm cũ cũng trôi qua, mọi thất bại, mọi giận hờn đều trôi theo dòng thời gian, bay theo gió về tận cuối trời. Thay vào đó là sự gũi gần xích lại gần nhau như chưa hề xa cách. Những ngày này là thời gian dễ dàng nhất để khởi bùng lên lòng vị tha và bao dung trước khi khép lại năm cũ. Một năm qua có thể vẫn còn điều gì đó chưa trọn vẹn, có những yêu thương vô tình mà bỏ rơi trên quãng đường 365 ngày, có những dự định còn dang dở thì hãy trải lòng mình, sống chậm lại để gói trọn cảm xúc khi một vòng tuần hoàn của thời gian khép lại.
Chỉ còn chục tiếng đồng hồ nữa là bước sang năm mới. Cái lạnh mùa đông đang dần trôi qua. Ánh sáng rạng rỡ bầu trời. Những chiếc lá vàng cuối cùng sẽ rụng rơi. Những chiếc lá xanh non tí xíu chồi ra từ mầm nở bừng hương sắc. Vài con chim én chao cánh giữa khoảng trời bao la dọc ngang những đường cắt. Con sông chảy qua thành phố như xanh hơn. Con phố ngày thường bình dị là thế mà những ngày này cũng như lòng người bồi hồi, xốn xang.
Xin đừng bận tâm nghĩ năm qua ta được gì, mất gì. Mà nên nhìn lại 365 ngày ngắn ngủi ta còn điều gì phải nuối tiếc, phải ân hận. Để chào đón những điều tốt đẹp, gặt hái được nhiều quả ngọt yêu thương của năm mới.
Tôi yêu những ngày cuối năm không biết để đâu cho hết. Rét không ra rét, ấm không ra ấm mà cứ lành lạnh tê tê. Dường như nó làm người ta như khỏe thêm. Ai cũng mong mỏi sang năm mới mọi sự mọi điều phải tốt đẹp hơn năm cũ. Người nông dân mong mưa thuận gió hòa, sản lượng tăng cao, được giá. Người phố thị mong khôn ngoan, giầu có. Mọi buồn phiền của năm cũ xin khép lại. Hãy cứ tin như thế sẽ thấy cuộc đời đẹp hơn, đáng yêu hơn.
Tôi yêu những ngày cuối năm trăm mến ngàn thương. Mọi công việc đón tết đã xong. Đèn nến sáng choang, hương trầm thoang thoảng. Lắng lòng đôi chút để nghe thầm thì của đồng ruộng núi sông, nghe tiếng tách vỏ của cỏ cây hoa lá và nghe cả tiếng gõ cửa của mùa xuân đang về. Tự nhiên thấy lòng ấm áp lạ thường.
Nguyễn Sỹ Đoàn
-
Ngày còn nhỏ, cứ sau ngày ông Táo về trời và khi công việc đồng áng đã vãn là mẹ tôi lại giục các con lo dọn dẹp nhà cửa, lau chùi các bình hoa, bát nhang trên ban thờ để chuẩn bị đón Tết.
Ngày ba mươi Tết nhà tôi cũng như biết bao các hộ dân quê đều rất bận rộn bởi vừa phải lo mua sắm Tết, vừa phải gói bánh chưng, mổ gà, đụng lợn… lại vừa phải chuẩn bị mâm cơm chiều tất niên để đón ông bà, tổ tiên về ăn Tết.
Nhà tôi nghèo lắm, hầu như quanh năm luôn thiếu đói và đứt bữa vào những độ giáp hạt. Vì vậy chỉ có mấy hôm Tết là anh chị em chúng tôi và cả ông bà, bố mẹ mới được ăn no một chút. Bữa cơm tất niên chiều cuối năm thường là bữa đầu tiên trong mấy ngày Tết cả nhà sum vầy đủ đầy và có nhiều thức ăn ngon nên tôi thường hồi hộp mong ngóng.
Người ta thường nói rằng ăn Tết ngon nhất là bữa cơm tất niên bởi đó là ngày Tết đầu tiên nên mọi người vẫn chưa cảm thấy ngán đồ ăn. Mẹ biết anh em chúng tôi háo hức và đang tuổi ăn, tuổi lớn nên bữa cơm tất niên bao giờ bố mẹ cũng làm thật thịnh soạn để các con được thỏa thích, no nê. Khi cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm đầm ấm, bao giờ mẹ tôi cũng nói các con ăn thoải mái đi vì đây là ngày Tết, không phải ngày thường mà phải tiết kiệm.
Có một năm, chị cả tôi đi làm ở Sài Gòn do lỡ tàu xe không về kịp nên bữa cơm tất niên năm ấy cả nhà kém vui. Mẹ và bố tôi buồn thương chị vất vả nên trong bữa cơm không khí trầm lắng hẳn đi. Mấy anh em chúng tôi ăn cũng cảm thấy không ngon vì nhớ chị, cảm thấy thiếu thốn, mặc dù thức ăn đầy mâm. Khi ăn xong, cả nhà đang ngồi uống nước mẹ bùi ngùi nói: "Chị Cả chúng mày vất vả quá, mưu sinh cả năm quần quật vậy mà có mỗi bữa cơm tất niên chiều cuối năm cũng không được đoàn tụ gia đình!”.
Lúc còn nhỏ và chưa có dịp xa gia đình nên chúng tôi chưa thấu hiểu được ý nghĩa và sự quan trọng của ngày sum vầy đoàn tụ trong bữa cơm chiều cuối năm. Bà tôi vẫn thường bảo rằng: “Ngày Tết tha hương buồn lắm, nhớ nhà và người thân lắm, mặc dù có thể tiền bạc và mọi cái không thiếu thốn gì. Quê hương, gia đình là nguồn cội để ta trở về trong các dịp lễ, Tết, đình đám…”. Lớn lên tôi cũng hiểu được câu bà nói và tôi thấy quả là dù có làm ăn, sinh sống ở nơi đâu thì những ngày Tết người ta đều hối hả tìm về với gia đình, với quê hương để chung vui, họp mặt và đón Tết. Tôi chưa bao giờ phải đón một cái Tết thiếu cha thiếu mẹ và cũng chưa bao giờ vắng mặt trong bữa cơm gia đình chiều ba mươi Tết bởi gia đình tôi ở một miền ngoại thành gần gặn, thế nhưng bạn bè tôi cũng đã có quá nhiều người phải chịu cảnh đón Tết không gia đình và những người thân bên cạnh. Có người từng ước “Giá như chiều ba mươi Tết được sum vầy bên mẹ cha, bên người thân cùng mâm cơm tất niên chỉ toàn tương, cà, rau, muối… cũng được!”. Thế nhưng ước ao nhỏ nhoi đó nhiều khi cũng khó có thể thành hiện thực trong cuộc đời mỗi con người vì những yếu tố, hoàn cảnh khác nhau…
Năm cũ sắp qua đi, một năm mới đang tới và mâm cơm chiều tất niên cũng sắp được dọn ra, ở đó mỗi gia đình đều không muốn một thành viên nào phải tha hương vì Tết sum họp đủ đầy mới là một cái Tết trọn niềm vui nhất…
NGUYỄN THỊ LOAN
-
Cái lạnh lạnh cùng với mưa phùn không làm giảm đi không khí Tết đang về. Ngoài đường người ta đi sắm Tết rộn ràng cả góc phố.
Ký ức trong tôi chợt ùa về, tôi nhớ những ngày còn bé, gia đình nghèo lắm nhưng cứ đến độ Tết đến xuân về, bố mẹ đều cố gắng chuẩn bị bữa cơm tất niên thật tươm tất. Bố mẹ thường bảo “Bữa cơm mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết không thể không chu đáo được”. Mẹ tôi là thế, lúc nào cũng tất bật, tỉ mẩn… bởi vậy ngay từ đầu tháng chạp âm lịch mẹ đã lo mua đậu xanh, gạo nếp để gói bánh chưng. Những hạt gạo, hạt đỗ được mẹ lựa chọn rất kỹ càng, có lẽ vì thế mà dù đã đi nhiều, ăn rất nhiều bánh chưng nhưng không ở đâu ngon bằng bánh của mẹ.
Mẹ cứ tích lũy dần như thế, đến chiều ba mươi Tết thì tất cả đã đầy đủ để cả nhà đón tất niên. Khi đó, không khí gia đình ngày cuối năm rộn ràng, ấm áp lạ kỳ, cả nhà cùng sum vầy, cùng nhau vào bếp như không có cái mệt mỏi tất bật của thường ngày.
Những xấp lá dong xanh mướt bên mâm gạo, đỗ, thịt… dưới bàn tay của bố biến thành những chiếc bánh chưng vuông vắn, đều chằn chặn. Tôi và đứa em bu quanh bố để xem gói bánh và để trông chờ những chiếc bánh gù nhỏ xinh. Dù nhiều dù ít, suốt những năm tuổi thơ, Tết của chị em tôi gắn với những chiếc bánh gù, đến tận bây giờ, khi chúng tôi đã lớn, mỗi đứa có gia đình riêng, bố tôi vẫn giữ thói quen gói những chiếc bánh gù cho chị em tôi như những ngày thơ bé.
Khi những chiếc bánh được luộc chín, vớt ra vẫn giữ được màu xanh của lá dong cũng là lúc mẹ và tôi chuẩn bị xong bữa cơm cúng tất niên. Những món ăn đơn giản, đạm bạc nhưng sao nhìn ánh mắt ai cũng ánh lên niềm vui, niềm hân hoan lạ kỳ. Trong ký ức tuổi thơ tôi chẳng bao giờ quên được hình ảnh bố ngày cuối năm chuẩn bị bàn thờ, thắp hương, miệng xì xầm khấn mời các cụ, tổ tiên về ăn Tết với con cháu trong khói nhang trầm thơm nghi ngút. Khi đó tôi chưa đủ lớn để hiểu hết những việc bố làm, nhưng bây giờ mỗi lần nghe mùi nhang trầm lại thấy lòng bâng khuâng đến lạ.
Chiều ba mươi, không khí Tết đã ngập tràn khắp nẻo, những âm thanh rộn rã, tươi vui về khắp nơi, tiếng cười trong trẻo của những đứa con xa nhà nay về quây quần bên gia đình ấm áp, đông vui, những câu chuyện năm cũ được kể cho nhau nghe rôm rả cả một góc xóm… Và đâu đó, mùi bánh chưng đang chín quyện trong gió thơm lừng, tiếng bát đũa, tiếng cười giòn tan bên bữa cơm tất niên.
Chúng tôi lớn lên trong tuổi thơ êm đềm và những bữa cơm tất niên ngày cuối năm đã in sâu trong tâm trí tôi. Rồi chị em tôi đi làm ăn xa, mỗi đứa một nơi, cứ mỗi độ nhìn hoa đào, hoa mai nở, thấy ngoài phố người người ngược xuôi sắm Tết lại thấy lòng nôn nao, khắc khoải một nỗi nhớ nhà da diết. Những lúc như thế lại thèm muốn được sum họp cùng gia đình, bên bữa cơm đoàn viên.
Cả năm đi làm xa quê, những ngày cuối năm chỉ muốn ra xe về ngay với mẹ, về với mái nhà bình yên. Đâu đó trên phố nghe câu hát “Mẹ ơi, sáng nay xuân về, mẹ trông ra ngoài hiên nắng, mẹ mong đứa con xa nhà, rằng mùa xuân anh ấy sẽ về” lại thấy cay cay nơi sống mũi nghĩ về mẹ đang thở dài đếm từng ngày để mong các con về, nghĩ đến cha đang sơn, quét lại nhà để đón năm mới, cứ mỗi lần nghe tiếng xe lại ra ngóng nơi đầu ngõ.
Hôm nay đã là 27 Tết, mai vàng đã nở rộ góc vườn, phố đã rực rỡ đèn hoa, đứa con xa xứ như tôi đang sắp xếp mọi việc để trở về bên gia đình, trở về với bữa cơm đoàn viên ngày cuối năm đầy ấm áp để được nhìn thấy niềm hạnh phúc như chợt vỡ òa của bố mẹ khi nghe thấy tiếng con cháu về ríu rít nơi đầu ngõ. Mùa xuân ấm áp đang về.
NHẬT HẠ
-
Nhà tôi có một mảnh vườn nhỏ ngay trước sân. Năm nào cũng vậy, cứ cuối thu đầu đông, khi tiết trời se se lạnh là mẹ tôi cuốc xới, lên luống trồng đủ các loại rau su hào, bắp cải, cà chua, cải ngọt, rau diếp, hành nhưng chẳng bao giờ quên một luống nhỏ rau mùi. Các loại rau lớn nhanh, phủ kín các sắc xanh cho khu vườn. Chỉ riêng có luống mùi là chậm chạp hơn cả. Những hạt rau mùi lúc đầu ngập ngừng như e thẹn rồi cũng chịu nhú cái mầm xanh bé tí thơm thơm ra khỏi lớp vỏ, xoè từng lá gầy guộc đón ánh nắng hiếm hoi của mùa đông. Mảnh vườn tuy nhỏ nhưng cũng đủ rau ăn cho những ngày đông tháng giá, những nhánh mùi xanh mướt làm thơm ngon cho các món ăn đạm bạc của gia đình. Thỉnh thoảng mẹ lại nhắc các con nhớ để dành một đám rau mùi sát bờ rào không hái, cho nên chúng cao nhỏng lên rất nhanh. Cứ thế, đám mùi dài lêu nghêu dựa vào nhau ngả sát hàng rào, ra bông trắng li ti, tạo quả tròn tròn xinh xắn, thân mùi chuyển dần từ xanh sang màu nâu tía, ấy là mùa đông đã cạn ngày, cái tết nguyên đán đang dần về.
Chiều 30 Tết, sau khi đã dọn dẹp nhà cửa và mâm cúng tất niên cũng tạm xong, mẹ nhổ đám mùi già rửa sạch rồi cho vào nồi nấu nước tắm. Bếp lửa cháy hừng hực, chả mấy chốc nồi nước ùng ục sôi, tỏa mùi thơm cay cay, ngan ngát gọi mời. Vợi nước ra xô, mẹ gọi từng đứa đi tắm. Thằng út vốn lười tắm vì sợ rét là thế mà hôm nay bỗng dưng vui vẻ líu ríu theo mẹ. Cứ thế nồi mùi già được vợi ra rồi thêm nước đủ cho cả nhà tắm tất niên. Đầu tóc, quần áo như được ướp thơm mùi hương nhẹ nhàng, thanh khiết của mùi già như xua bớt cái lạnh của chiều đông và làn gió bấc vi vút thổi. Hương mùi già chiều ấy làm hồng đôi má thiếu nữ, làm ngan ngát đôi tay trẻ thơ và làm ấm nóng làn da người già. Cả nhà thơm...
Ngày ấy cuộc sống còn thiếu thốn và đơn sơ lắm. Lũ con gái vùng quê chúng tôi chỉ quen gội đầu bằng bồ kết với sả chanh bưởi, hương nhu. Hiếm hoi lắm mới có miếng xà bông thơm hương chanh bé xíu, còn những cái tên như Camay chỉ thấy được trong mơ nên nồi nước mùi già chính là món quà thơm tho ấm áp chia tay năm cũ, đón năm mới mà mẹ tôi dành cho gia đình. Chiều 30 tết, bên bếp lửa hồng, cạnh nồi bánh chưng tỏa hương nồng thơm nếu thiếu nồi nước tắm mang tên mùi già thì quả là chưa tròn vẹn. Lớn lên, đi học đi làm, tôi mới biết ngoài tục lệ tắm nước mùi già có từ xa xưa của ông bà với mong muốn xua đi những điều chưa may mắn của năm cũ để đón chào năm mới với những điều tốt đẹp hơn thì mùi già còn là thức quà, bài thuốc dân dã nhưng vô giá mà thiên nhiên ban tặng con người. Nước mùi già là thứ nước rửa mặt rất tốt cho làn da, sát khuẩn chống mẩn ngứa, viêm nhiễm. Mùi già rất giàu các loại vitamin, còn giúp chống suy nhược thần kinh, trầm cảm, giảm stress, phòng ban, sởi.
Cuộc sống ngày càng đủ đầy và hiện đại. Phục vụ cho nhu cầu làm đẹp, làm thơm cho con người, trên các kệ hàng có đủ thứ dầu gội, sữa tắm, sữa dưỡng thể, nước hoa, dầu thơm, kem phấn. Người ta có quyền lựa chọn mọi thứ miễn sao phù hợp với túi tiền và mùi hương ưa thích. Nhưng mỗi dịp tết đến, sau cả một năm vất vả mưu sinh, tôi vẫn giữ cách làm xưa của mẹ là mua nắm mùi già để nấu nước cho cả nhà tắm tất niên và rửa mặt, rửa tay vào sáng đầu tiên của năm mới với hy vọng mùi hương ngọt ngào mà thanh khiết ấy ướp thơm suốt cả những ngày xuân.
Quế Hương
-
23 tháng Chạp, đưa ông Táo về trời, học sinh bắt đầu được nhà trường cho nghỉ Tết hai tuần lễ. Mẹ tôi cho tiền, bảo ngày mai đi hớt tóc để chuẩn bị ăn Tết. Bà ngoại tôi dặn thêm, con nói ông thợ hớt cao lên để qua hết tháng Giêng mới đi hớt lại.
Sở dĩ bà dặn như thế vì bà vẫn thường nói răng với tóc là gốc con người, tóc tai là của cha mẹ cho mình, ngày Rằm, mùng Một và tháng Giêng không nên cắt bỏ đi, bỏ là mang tội!
Những ngày gần Tết, đám bạn trong xóm tôi đứa nào cũng lo đi hớt tóc để khoe cái đầu mới. Có những đứa vừa làm biếng vừa hà tiện, không ra tiệm mà chờ người hớt tóc dạo qua xóm, giá tiền rẻ hơn. Mỗi lần như vậy, cả bọn xúm lại, chờ được đến phiên thì người thợ hớt qua loa cho nhanh, thành ra cái đầu đứa nào cũng ngắn ngủn, lam nham như trái dừa lột vỏ trông rất tức cười.
Cả thị trấn này chỉ có hai tiệm hớt tóc, một của người thương binh cụt một chân ở ngã tư đường gần bến xe thồ, một của ông già ở gần ngõ chợ. Anh thanh niên vui tính, nói chuyện rôm rả, nhưng không hay bằng anh “thợ hớt tóc đường Bà Triệu” trong một truyện ngắn của Ngô Phan Lưu, mà chỉ là những chuyện tào lao cho vừa với trình độ các em nhỏ như tôi. Nhìn anh vừa hớt tóc vừa kẹp nạng chống đi xoay quanh ghế đệm của khách, một cái ống quần dài cột lủng lẳng, thấy bất tiện và không yên lòng. Anh lại có tật hay nhổ nước miếng xuống nền nhà, thiệt khó coi. Tôi chỉ hớt tóc chỗ anh vài lần, những lúc tiệm ông già đóng cửa.
Trái với anh thanh niên, ông già ít lời, chỉ nói những gì cần thiết, còn thì dành để nghe khách ba hoa chích choè, thỉnh thoảng điểm xuyết vài câu bình phẩm với nụ cười hồn hậu. Ông ở vùng biển, người quắc thước, cao ráo, tản cư đến thị trấn này, xin một góc hè mở tiệm làm kế mưu sinh.
Cuối năm tiệm hớt tóc đông khách, mấy người chờ đến lượt đều ở độ tuổi trung niên, tôi ngồi ghé vào đầu chiếc băng ghế, hai tay chống gối nghe hóng chuyện người lớn. Chuyện bông lúa ngoài đồng không ngậm sữa. Chuyện vợ lớn vợ nhỏ ông quận đánh ghen. Chuyện Tết năm nay được mấy ngày hưu chiến. Chuyện vòng vo nào rồi cũng dẫn đến câu hỏi bao giờ thanh bình trở lại, kèm theo những tiếng thở dài.
Khi tôi được ngồi lên cái ghế đệm, ngoài kia buổi chợ cũng gần vãn. Tôi nhìn vào tấm gương soi cũ kỹ đã mờ nước thủy, thấy lướt qua những gánh hàng, những dáng điệu, những khuôn mặt người lo toan vất vả, vẻ nhẫn nại pha lẫn với niềm hạnh phúc khi sắm sửa đón chào năm mới.
Đứa bé vô tư là tôi sung sướng khi được người thợ chăm sóc mái tóc của mình, cũng giống mình chăm sóc cây hoa vạn thọ ở nhà để làm đẹp ngày Tết. Giờ phút này tôi như được thả hồn theo tiếng kéo, tiếng tông-đơ nhịp nhàng của người thợ, mơ màng thấy ngày Tết đang về với những trò chơi cùng bạn bè trong xóm. Những nỗi lo âu, phiền não của người lớn chỉ như cơn gió thoảng qua tai.
Cắt cho ta, hãy cắt cho ta
Sợi bạc, sợi vàng, sợi tiền, sợi gạo
Sợi nhục, sợi lo, sợi đau, sợi chán
Sợi phản trắc đui mù, sợi đam mê cuồng vọng
Sợi chảy xuống má cha
Sợi vắt ngang trán mẹ…
Sau này lớn lên, đọc bài thơ Cắt tóc ăn Tết đó của Nguyên Sa, tôi lại nhớ cái tiệm hớt tóc nghèo ở thị trấn quê nhà mà sau những năm đi xa, tôi trở về không còn thấy dấu tích. Không rõ ông thợ đã hồi cư khi hoà bình lập lại hay đã qua đời vì già yếu.
Ở Sài Gòn gần 50 năm, tôi cũng chỉ quen hớt tóc ở cái tiệm bình dân của một người đồng hương. Dù tiệm anh dời chỗ mấy lần, đứa con anh nay nối nghiệp cha, tôi vẫn là khách hàng trung thành của họ. Nhẩm tính, không nhớ đời mình bao nhiêu lần hớt tóc, thời gian đủ để tĩnh tâm nhìn kỹ mình trong gương và nghĩ lan man những chuyện bao đồng. Mỗi lần hớt tóc vào dịp tất niên cũng là lúc mình “xét duyệt” lại hình ảnh mình, “nghe những tàn phai” để rồi lại tự an ủi rằng “đời sẽ cho lộc và đời sẽ cho hoa”.
Có lúc, nghe bạn bè rủ rê, cuối năm cũng muốn thử hớt tóc máy lạnh cao cấp một lần cho biết; nhưng nghĩ chất của mình vẫn là chất bình dân, tuổi mình bây giờ đâu còn phải là tuổi của đổi thay và khám phá nữa. Nhà thơ Vũ Trọng Quang viết: Mỗi lần hớt tóc là mỗi lần tôi thay người mới… Còn tôi, mỗi lần hớt tóc, tôi chỉ muốn trở về chính tôi. Trở về với đứa bé ngồi trong tiệm hớt tóc bên ngõ chợ một ngày tất niên.
Huỳnh Như Phương
-
Cuối năm âm lịch, từ hôm đưa ông táo về trời đến 30 Tết, dù bận bao nhiêu bạn cũng khó từ chối những bữa tiệc tất niên ở nhà những người thân, bạn bè, thậm chí tất niên ở nhà các thủ trưởng. Cứ dặn lòng: Tránh được chừng nào hay chừng ấy, để giữ cái dạ dày bình yên đón chào năm mới. Nhưng nào có được đâu!
Năm nay, tất niên sớm nhất mà tôi vinh dự được mời là ở nhà một anh bạn kinh doanh địa ốc. Thị trường nhà đất có đóng băng đâu. Mỗi ngày cái công ty nho nhỏ của anh cũng mua bán vài ba cái nền đất qui hoạch đấy chứ. Mỗi cái cũng kiếm vài ba chục triệu. Nhưng từ sau 20 tháng Chạp, ai dại gì bán đất, vì người mua sẽ nghĩ chủ đất đang kẹt tiền nền sẽ ép giá! Mà cũng sẽ ít có ai đi mua nhà mua đất vào lúc năm cùng tháng tận như vậy! Nên anh bạn quyết định... tất niên! Cả khách lẫn chủ độ vài ba chục người. Cúm gà đang lan rộng, bạn tôi quyết định “chơi” toàn thủy sản tươi sống và một con heo sữa quay trên mâm cổ. Ăn ít, nhậu nhiều. Từ trưa đến gần tối, chừng ấy con người đã cưa hết mấy chai ông già chống gậy vàng và độ mươi thùng bia xanh chữa lửa! Rượu vào lời ra. Chủ nhà độc chiếm diễn đàn kể tài kinh doanh đất của mình. Ví dụ, một hộ tái định cư được phân một lô đất hướng Tây hoặc Bắc, không hợp tuổi đến nhờ dịch vụ địa ốc bán. Đất hướng đó khó bán đấy, nhưng anh đã ra tay giúp đỡ, tất nhiên phải giá mềm. Hay ở chỗ, khi có người mua thì lô đất ấy lại là hướng Đông Nam hoặc chính Nam với giá... hơi bị cứng! Anh ta huênh hoang tài năng của mình: Dễ như trở bàn tay! Có những đường dây ở các Ban quản lý dự án. Chỉ cần chung chi chút đỉnh, hướng nào mà không có. Kẻ ăn cơm, người ăn cháo. Lẽ đời là vậy. Tất niên nhà bạn, tôi hiểu ra thêm một ngóc ngách của cuộc mưu sinh!
Từ hai lăm tháng Chạp trở đi, các tiệc tất niên trở thành cao trào. Có hôm vài ba cái. Thực khách cũng phải chạy sô như ca sĩ. Nhưng giỏi lắm cũng chỉ được vài ba nơi là đã hết ngày và bạn cũng đã... hết sức chạy xe về nhà vì đã mềm men rượu. Mười một giờ trưa ở nhà ông tổ trưởng dân phố - chỗ này khó từ chối vì tình hàng xóm. Gắp vài miếng mồi, nói đôi câu chuyện xóm giềng, cụng vài ly “một chăm phần chăm”, thì điện thoại réo. Thằng bạn nối khố từ hồi học tiểu học giục sao trễ vậy. Nhà anh này kinh doanh toàn “phế liệu” như bù loong ốc vít, thép ống, inox lá đắt như tôm tươi. “Tới trễ hả, cứ hello table đi. Chủ và khách đã vào ve thứ tư thì mày hãy nhận giùm bốn ve, nhớ đừng để anh em chờ!”. Bạn lỡ tay đưa đũa gắp chút mồi lót bụng đã bị cản lại: Chuyện ăn cứ từ từ, hôm nay có khách! Vậy là phải nâng ly. Một hai ba, dzô! Vừa làm xong phần chào bàn thì ông già vợ gọi: Sao lâu vậy con! Ngọt quá trời! Lại phải đứng lên cáo từ và nghe những lời mắng nhiếc cuối năm như tát nước vào mặt của thằng bạn “phế liệu”. Nhưng nhạc gia đã lệnh, phải đi thôi...
Ông già vợ là chủ nhà hàng. Nhưng chuyện đó không đáng ngại bằng mấy ông anh vợ, em vợ, chú vợ, cậu vợ... nước da đã tai tái vì rượu. Dzô anh Ba! Dzô cháu rể! Dzô dượng Ba!!! Bạn sẽ nhủ thầm với vợ trong bụng: Thôi rồi em ơi. Sao nhà em đông người quá vậy!
May mắn thay, chiều đó, ông già vợ thương tình đã gọi taxi đưa về!
Nhưng có một buổi tất niên nhớ đời. Hăm sáu Tết, vợ sếp coi được ngày, bảo sếp gọi mấy đứa lính và bạn bè đến... nhậu tất niên. Năm nay Tết không được đến nhà thủ trưởng. Thì đến nhà sếp trước tết vậy! Sếp là giám đốc công ty xây dựng. Lính sếp đi hết công trường này công trường nọ, khởi công, nghiệm thu, lại quả là chuyện thường ngày nên chuyện nhậu đã... trên từng cây số! Bạn sếp là các đối tác bên A, cũng sếp tuốt! Bạn sếp còn có các nhà cung cấp vật liệu, các “chiến hữu" ở ngân hàng, vật giá và...v.v... Mình là lính văn phòng, lại mới. Sau vài ba cữ “giao ban”, sếp ra lệnh cho các đệ tử lần lượt cụng ly với quý khách. “Mới gặp lần đầu hả, cụng với nhau một cái đi!”, “Chú là lính văn phòng hả! Sao không thương anh em ở công trường! Nào hãy tỏ tình thương mến thương, đoàn kết nội bộ một ly!”. Tôi cứ bưng lên để xuống, bị sếp vặn: “Hình như chú có chân trong đội tuyển thể hình của Phạm Văn Mách hả!”. Thế là bị phạt thêm một ly... Ông khách ở ngân hàng uống chừa lại đến nửa ly, cũng bị kê: “Cuối năm làm gì mà ông anh không quyết toán luôn cho rồi!”. Vậy là ông ngân hàng không từ chối được... Bữa tất niên nhà sếp kéo dài đến gần khuya. Các chiến hữu “cho chó ăn chè” chiếm đa số. Người này xỏ lộn giày dép của người kia, hôm sau phải đi tìm đổi lại...
Các vị bạn của tôi đánh cầu lông, tennis cũng tổ chức “cúng sân” và nhậu tất niên vào ngày chơi cuối cùng. Mỗi sân bày một mâm ngũ quả, bình hoa, đĩa xôi và khổ thịt luộc, vì năm nay bị dịch cúm gà. Cúng vái đàng hoàng lắm. “Vái thần sân năm mới cho tụi con đánh độ thắng liên tục, không có đứa nào bị gãy tay, sái cột sống!”... Năm ngoái có anh đùa: “Thần sân có linh thiêng thì phù hộ cho con trị mấy đứa ăn gian, cho nó gãy vợt lên tục!”. Trong năm chỉ một sân đã gãy bốn cây vợt xịn. Thế là ai cũng bảo “thần sân” rất linh ứng. Năm nay xin vái đàng hoàng, thành khẩn! Sau khi cúng sân là tiệc đặt ở một nhà hàng bên cạnh. Trưởng sân tổng kết thành tích trong năm và báo cáo tài chính công khai. Té ra, tiền vợt, banh, cầu, tiền gởi xe, thuê sân chỉ là con số nhỏ so với tiền... nhậu. Cả hội ra “nghị quyết” năm sau phải giảm nhậu vì rất phi thể thao. Ai nấy đều giơ tay tán thành. Nhưng chỉ một tiếng đồng hồ sau, nghị quyết đã bị quên mất. Họ lại thi nhau dzô dzô chúc mừng năm mới và happy new... beer loạn xạ.
Năm nay, trên sân thể thao chúng tôi xuất hiện một nhân vật mới vào cuối năm. Anh không đến chơi thể thao mà chỉ đến thăm bạn bè vì ở nước ngoài mới về quê ăn tết. Cả vợ con cùng về đón Tết ở Việt Nam sau gần hai chục năm xa xứ. Anh mời chúng tôi đến dự tất niên vào đêm 29 tết. Đêm ấy, vợ và mấy đứa con nhỏ sẽ ngồi bên nồi bánh tét, đun củi, thay nước, hít thở múi khói cay đến chảy nước mắt nước mũi như anh đã trải qua hồi niên thiếu. Người lớn chúng tôi sẽ ngồi quanh chiếc bàn cạnh đó, lai rai nói chuyện và tận hưởng những giây phút thiêng liêng của những ngày cuối năm. Tuấn, tên anh bạn Việt Kiều nói: “Ở xa quê không được hưởng Tết vì bù đầu vào công việc. Buổi sáng ngày mùng Một tết, cả nhà quây quần trong phòng khách, chúc nhau vài câu, mở bánh chưng, dưa hành mua ở siêu thị trước đó mấy ngày ra cùng ăn, hồi tưởng lại cái tết ở quê nhà và chảy nước mắt. Rồi quay lại sở làm. Bạn bè người mình ở xa nhau chỉ biết gọi điện thoại chúc mừng chứ đâu được đi thăm nhau như ở nhà. Buồn lắm...”.
Tôi ngồi viết lại chuyện tất niên này với tất cả những màu sắc, hương vị khác nhau của một tục lệ đã ăn sâu vào con người Việt Nam chúng ta. Tất niên là một tập tục hay. Người ta kiểm điểm lại 365 ngày tất bật của cuộc mưu sinh. Người ta gặp lại hàng xóm, bạn bè mừng năm qua sức khỏe, thành đạt và uống với nhau vài ly rượu mừng. Nhưng không phải ai cũng làm được như vậy. Thường vui quá sẽ mất đi ý nghĩa của cuộc vui và ảnh hưởng đến sức khỏe. Viết và nhớ lại những buổi tiệc tất niên mình đã từng tham dự và tự nhủ lòng hãy biết kiêng cữ. Nhưng các bạn ơi, hãy tha thứ cho tôi vì phải dừng câu chuyện ở đây: Lại một nơi vừa gọi điện mời... tất niên nữa! Chỗ này, tôi không thể vắng mặt. Người gọi là một ông bạn vừa được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam: nhà văn Trần Kỳ Trung ở Hội An. Trung vừa tất niên vừa tổ chức mừng thành quả mới và chắc chắn cũng sẽ phải... nhậu lai rai...
Trương Điện Thắng -
Ngày nay, cùng với nhịp sống thị thành hối hả, gấp gáp thì gia đình bé nhỏ của tôi dần mất đi những bữa cơm gia đình ấm cúng.
Vợ chồng đi làm, con đi học ở trường rồi học thêm,… nên dù không muốn cũng đành phải chấp nhận những bữa cơm vội vàng, kẻ trước, người sau. Và có những lúc tôi chợt bồi hồi nhớ những bữa cơm gia đình ấm áp chốn quê xưa.
Ngày ấy, đại gia đình của tôi gồm ba thế hệ: ông bà nội, ba má, anh em tôi và còn cô Út đã ngoài ba mươi mà vẫn chưa chịu lấy chồng. Đông là vậy nhưng mọi người biết kính trên nhường dưới, mỗi người mỗi việc rất nhịp nhàng.
Thông thường tới bữa cơm là các thành viên trong gia đình đều tề tựu đông đủ, đôi lúc chỉ với những món ăn đạm bạc nhưng tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Ba má thường gắp mời ông bà nội những món ngon nhất sau đó là đến tôi- thằng út được cưng nhất nhà.
Bên mâm cơm, mọi người trò chuyện, kể nhau nghe những chuyện vui trong ngày. Ông nội căn dặn: “Lên mâm cơm không được la con, mắng cháu để bữa cơm được ngon miệng”.
Và cứ thế, tôi lớn dần lên bên mâm cơm của đại gia đình. Nhớ có lần đang bữa cơm, ông nội nhìn anh Hai tôi một hồi rồi nói: “Thằng Thuận năm nay hăm hai tuổi, đã lớn bộn rồi, coi chỗ nào được, đàng hoàng thì cưới vợ cho nó…”.
Ông luôn mong thế hệ thứ tư cũng được sinh ra và lớn lên trong gia đình này. Mọi người hướng về anh Hai, anh đỏ mặt, chống chế: “Con … con còn nhỏ xíu hà, nội ơi! Nội lo hối… cô Út kìa!”
Ông chưa kịp trả lời thì bà nội đã giành trước: “Thôi thôi, tụi bây đừng nhắc con Út kỳ khôi này nữa! Con gái lớn tuổi rồi mà hễ nhắc tới chuyện lấy chồng là cứ lắc đầu nguầy nguậy. Người thì nó chê cao, người thì chê thấp, chê mập, chê ốm,… ôi thôi đủ hết. Nhắc tới là nội rầu muốn chết vậy hà!” Nghe nội càm ràm chuyện chồng con, cô Út cười trừ rồi nhìn anh Hai như ngầm bảo: Liệu hồn đó, chờ chút nữa, mầy chết với Út, nghen Thuận!
Cũng có những bữa cơm rất đặc biệt - cơm vào mùa gặt. Lúc ấy, ông bà nội ở nhà, tôi xin cô Út được cùng đội cơm ra đồng. Qua một bờ trâm bầu rồi thêm mấy cái bờ mẫu ngoằn ngoèo nữa thì hai cô cháu đến nơi.
Chúng tôi bày cơm trong căn chòi cất tạm lợp bằng rơm và ngồi ăn trên nền rơm êm ái, nghe thoảng mùi rạ mới. Cơm mùa gặt ngoài đồng được chan bằng nước dừa hòa cùng những giọt mồ hôi nóng hổi nhưng lại thơm ngon đến lạ kỳ.
Chiều ba mươi tết, ông nội mặc áo dài khăn đóng, cung kính làm lễ trước bàn thờ gia tiên, sau đó cả nhà quây quần bên mâm cơm cúng tất niên.
Trước sân, những nụ mai đang chúm chím sắp xòe ra những cánh vàng rực rỡ. Bên mâm cơm đoàn viên, ai cũng rạng rỡ nhưng chắc ông bà tôi là vui hơn hết vì có mặt của những đứa con xa: cô Ba, cô Tư và còn có cả chú Năm tôi nữa.
Anh Hai tôi trong bộ đồ Tây mới may trông chững chạc, ra dáng người lớn hơn. Ông nội đến bên xoa đầu: “Sang năm cưới vợ để ông có cháu ẵm bồng, nghe con!” Anh Hai cười và lại đỏ mặt vì ngượng ngùng.
Giờ thì ông bà nội của tôi đã về cõi vĩnh hằng. Còn tôi, vì cuộc sống, vì những hoàn cảnh mới mà tôi đành đánh mất dần những bữa cơm gia đình ngay trong chính gia đình bé nhỏ của tôi.
Thỉnh thoảng, tôi kể lại những bữa cơm trong đại gia đình gồm ba, bốn thế hệ cùng sinh sống của tôi ngày xưa. Con tôi nghe, ngơ ngác, xa lạ.
Chúng nó là người của thời đại mới chắc có cách nghĩ khác, ví dụ như thích cuộc sống riêng tư khi đủ tuổi trưởng thành như cách sống của những người ở tận trời Tây nào đó. Tôi buồn.
Tối nay, vợ phải làm tăng ca, con gái học thêm lớp ngoại ngữ, con trai đi dự sinh nhật của bạn cùng cơ quan, tôi lại một mình bên mâm cơm tẻ nhạt.
Lòng chợt nhớ vô cùng những bữa cơm gia đình thuở ấu thơ có ông bà nội, có ba má, có anh em tôi và còn có cả cô Út đã ngoài ba mươi tuổi mà vẫn chưa chịu lấy chồng. Ôi! Bữa cơm gia đình sao kỳ diệu và thiêng liêng đến thế!
NGUYỄN LINH
-
Tôi tự thấy mình là kẻ hay hoài vọng những chuyện cũ xưa. Những kỷ niệm đọng mãi trong ký ức tôi thường là những gì mà tôi cho rằng rất đẹp.
Chúng đẹp, bởi có lẽ chúng chẳng bao giờ trở lại một lần nào nữa trong suốt hành trình sống cứ mải mê tiến về phía trước của kiếp người.
Tết này, Tây Nguyên nơi tôi sống, trời bỗng nhiên đổ mưa, cơn mưa nhỏ thôi, nhỏ và khẽ khàng trong tiết trời se sắt lạnh mang đậm kiểu thời tiết giáp Tết xứ Bắc. Tết là thời điểm giữa mùa khô, thường là khoảng mà trời thênh thang nắng và hun hút gió, nắng và gió sẽ hong khô đất đai cây cỏ. Lần đầu tiên sau mấy chục cái Tết, xứ bazan mới thấy một cơn mưa “trái mùa” như vậy.
Từ cửa sổ, tôi ngước nhìn cành hoa đào run rẩy, những cánh hồng mỏng mảnh trong mưa, lòng tự dưng miên man hoài nhớ Tết xưa quá đỗi. Mọi việc đã được sắp đặt tươm tất, chỉ còn cắt một cành đào nhỏ cắm vào chiếc lọ gốm màu da lươn đặt lên góc bàn nữa là coi như Tết đã vào nhà. Suýt soát 30 năm xa quê, lòng tôi luôn nhớ thương một cành hoa đào chiều 30 Tết, nỗi nhớ thương cứ găm chặt vào một khoảng nào đó trong tôi, chẳng bao giờ có thể vơi đi được.
Tuổi thơ của chúng tôi là những cái Tết bên mẹ. Cha tôi là bộ đội đóng quân mãi tận miền Nam, cuộc đời binh nghiệp của ông rong ruổi theo những nhiệm vụ khác nhau. Thời trước, việc đi lại còn rất khó khăn, ông thường để dành vài ba năm dồn lại mới về phép một lần nên thường thì ông không được về vào dịp Tết. Vậy nên trong ký ức của mình, từ khi tôi có thể lưu giữ được mọi chuyện vào trí nhớ, thì cha tôi luôn biền biệt vắng nhà như vậy. Mẹ tôi quanh năm gắn với đồng ruộng vất vả cực nhọc nhưng luôn dành cho chúng tôi những cái Tết ấm áp, như bù đắp lại nỗi thiếu vắng cha.
Háo hức đợi chờ nhất có lẽ là phiên chợ cuối năm, bởi thế nào tôi cũng được đi chợ cùng mẹ. Trong phiên chợ ấy, mẹ trói đôi gà trống choai vừa te te vỡ giọng tập gáy bỏ vào chiếc thúng, đậy điệm cẩn thận rồi mang ra chợ. Đôi gà ấy sẽ đổi về cho chúng tôi bộ quần áo, đôi dép mới và những thức quà tuổi thơ mà ngày thường chỉ có thể ao ước.
Những phiên chợ cuối năm người chen với người, màu sắc hòa vào màu sắc, âm thanh lẫn với âm thanh. Tôi nắm tay mẹ thật chặt, chen trong dòng người bán bán mua mua, tay còn lại giữ thật chặt đôi con tò he sặc sỡ sắc màu để mang về chị em tôi làm quà “chơi sang” mấy ngày Tết. Những con tò he khi xưa nặn bằng bột còn thơm nguyên hương nếp, người ta dùng các loại hoa lá tự nhiên để tạo màu sắc, chúng chỉ xuất hiện duy nhất vào phiên chợ cuối năm, khi giáp Tết. Bởi vậy, nó không chỉ là một thức quà, nó còn là niềm mong ngóng, có lẽ không chỉ riêng của chị em tôi suốt cả một năm dài.
Những ngày cuối Chạp, Tết cận kề rồi nhưng việc đồng áng vẫn ngổn ngang, nhất là những năm tiết trời thuận lợi thì phải lo cày cấy sớm. Chúng tôi tranh thủ dọn dẹp cửa nhà, mỗi người mỗi việc, việc cuối cùng là lau dọn ban thờ, sắp mâm ngũ quả. Mẹ đã ngâm sẵn rượu với chút quế và mấy cánh hoa hồi, ngày cuối năm đem miếng vải sạch thấm thứ rượu ấy lau dọn đồ thờ, hương hồi hương quế phảng phất quyện vào hương trầm thơm thoảng mãi những bước chân phiêu dạt của tôi suốt những năm tháng về sau.
Mâm ngũ quả được lấy từ vườn nhà, gồm có đôi nải chuối xếp quây lấy nhau, ở giữa đặt trái bưởi vàng ươm vừa được cắt xuống, trên cuống còn vài ba chiếc lá tươi xanh. Điểm thêm vài trái hồng xiêm còn ứa nhựa, mấy trái trứng gà vàng xuộm và xen kẽ giữa những thức ấy là những trái cà chua bi chín đỏ trông rất đẹp mắt. Trước ngõ nhà tôi trồng một cây hoa đào, thân cây không lớn lắm nhưng lớp vỏ rêu mốc xù xì, nhiều cành và hoa dày cánh rất đẹp. Nếu hoa mai là tín hiệu của mùa xuân phương Nam thì những đứa con xứ Bắc như tôi sẽ luôn chờ đợi những cánh hoa đào tươi thắm mở ra để xác tín khoảng thời gian đẹp nhất báo hiệu mùa xuân đến.
Chiều 30 Tết, tôi cắt lấy một cành đào nhỏ xíu cắm vào chiếc bình hoa cũng nhỏ đặt lên góc ban thờ, cùng mâm ngũ quả, mẹ để thêm cặp bánh chưng và soạn mâm cơm tất niên mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Những bữa cơm chiều cuối năm trong cái rét vẫn còn se sắt, trong mưa xuân lắc rắc lay phay bám trên những nụ hoa đang hàm tiếu; những bữa cơm chiều cuối năm còn quyện trong mùi lá khô ngun ngún cháy trong vườn nhà hòa vào trầm mặc khói hương thiêng liêng mà ấm cúng luôn là khoảng lặng bám riết lấy ký ức tôi. Những bữa cơm ấy, tôi luôn ước cha tôi sẽ bất ngờ có mặt…
Những sớm mồng một đầu năm, chị em tôi xúng xính áo quần mới còn nguyên nếp gấp và mùi hồ, sang chúc Tết ông bà nội. Tôi hay được theo bà nội đi lễ đền lễ phủ, với tôi khi ấy, thế giới của bà nội ở những nơi linh thiêng ấy chứa đầy bí ẩn. Bà tôi quanh năm chân đất gắn mình với đồng ruộng bùn lầy, thế mà những ngày Tết, bà như hóa thân thành một con người khác, khăn nhiễu áo hồng, bà xoay tít trong những vũ điệu đồng nhập như thực như hư khiến đứa bé con như tôi tròn mắt ngơ ngác đầy hoài nghi. Rồi bà lại dắt tay tôi trở về trên con đê lun phun màu cỏ non, dưới mưa xuân lây rây như rắc bột, trở về với cuộc đời thực lấm láp ruộng bùn.
Bây giờ Tết cũng không còn là những ngày háo hức đợi mong như xưa. Có phải vì tôi đã chẳng còn là một đứa trẻ, hay đó là sự đổi thay chung?! Người ta đang tranh luận nhiều về Tết. Người nói nên bỏ Tết cổ truyền, chỉ nên đón Tết dương lịch một ngày thôi cho đơn giản, vừa đỡ tốn kém lại đỡ mệt; người thì tối giản Tết, dành những ngày nghỉ Tết để du lịch trải nghiệm khám phá những miền đất mới,… Tết xưa – Tết nay, bao nhiêu ý kiến luận bàn, ai cũng tìm những lý do rất hợp lý để bảo vệ ý kiến của mình.
Với riêng tôi, Tết vẫn là khoảng thời gian đặc biệt. Rong ruổi bôn ba mệt nhoài cơm áo, tôi vẫn mong ước những ngày tết, cả gia đình quây quần gói bánh chưng, dọn dẹp xếp đặt trang trí nhà cửa, tất bật mua sắm chuẩn bị mọi thứ cho những ngày Tết. Nhất là chiều cuối năm, được ngồi bên mâm cơm tất niên cùng tất cả mọi thành viên, để cảm nhận sự thiêng liêng của hơi ấm gia đình. Có lẽ phần nhiều bởi những bữa cơm chiều cuối năm của những ngày xưa, mẹ con tôi, đã chẳng ai nói với ai, nhưng trong lòng tất cả đều hướng về một người đã luôn vắng mặt.
Và gần 30 năm xa xứ, lòng tôi chẳng lúc nào nguôi nhớ thương cành hoa đào nhỏ với những nụ hoa hàm tiếu rung lên nhè nhẹ dưới mưa xuân bên ngõ nhà mình. Ngoài kia, mùa xuân đã về gần lắm, ngỡ có thể chạm vào được, như chạm vào cánh hoa đang rung lên màu nhớ. Tôi biết, điều tôi luôn rất nhớ mong chính là cái không khí ấp áp, sum vầy của tình thân gia đình…
ĐÀO AN DUYÊN
-
Những buổi chiều cuối năm, đếm vòng quay thời gian đang chuẩn bị kết thúc một chu kì. Chỉ mong một năm khép lại, những điều tốt đẹp và may mắn hơn sẽ mở ra.
Dù lặng lẽ hay ồn ào, một năm rồi cũng đang chuẩn bị qua đi. 365 ngày đã trôi qua với đủ đầy những dư vị và sắc màu của cuộc sống… vui có, buồn có, thành công có, thất bại có, hi vọng có và tuyệt vọng cũng có…
Người ta đón chờ ngày cuối năm như một nốt lặng trầm ngâm giữa giao thừa năm cũ và năm mới, và cũng là thời điểm dành cho một cái ngoái lại về những ngày vừa qua.
Buổi chiều cuối năm…
Là những chuyến hàng muộn cố sức bán thật nhanh để còn kịp về nhà chuẩn bị sửa soạn…
Là những chuyến xe muộn đưa những đứa con xa quê trở về đoàn viên…
Là cái vội vàng của những người sắm sửa nốt những gì còn thiếu cho một cái Tết quây quần…
Là mâm cơm tất niên sum họp đầy đủ người thân và bè bạn…
Là dịp mọi người cùng ngồi lại với nhau, cùng chuyện trò về những biến cố trong năm vừa qua, để xem mình đã làm được gì hay dang dở điều gì, để xem mình đã có được gì và để mất những gì…
Là lúc tự mỗi người lặng lại, và dành một vài phút ít ỏi sau những vội vã tấp nập của cả năm qua, để nhìn lại mình và nhìn lại cuộc đời… rồi hướng về những điều mới mẻ.
Những buổi chiều cuối năm điềm tĩnh, người ta thường dễ tha thứ cho lỗi lầm của những ngày qua; sẽ gật đầu để quên đi những gì không may mắn, phiền muộn và hướng về một năm mới an lành và hạnh phúc.
Những buổi chiều cuối năm phảng phất buồn, có lẽ đất trời cũng muốn luyến lưu năm cũ thêm một chút. Hay vì lòng người dù háo hức cho một năm mới với những khởi đầu mới, vẫn không quên tiếc nuối 365 ngày đã qua – một phần đời dẫu buồn vui, đắng cay hay ngọt bùi vẫn không thể quay lại?
Những buổi chiều cuối năm, thương những kẻ xa nhà đang ngóng trông về một mâm cơm đoàn viên; thương những kẻ đang ngó về Tết quê ở một khung trời khác; thương những chuyến bán buôn muộn màng chỉ mong có một cái Tết đủ thương những vội vã tất bật quanh năm…
Những buổi chiều cuối năm, đếm vòng quay thời gian đang chuẩn bị kết thúc một chu kì. Chỉ mong một năm khép lại, những điều tốt đẹp và may mắn hơn sẽ mở ra.
Mong an lành và bình yên cho một năm sắp tới…
Mong những lo lắng bớt đi trên nếp nhăn của những người thân, mong ai ai cũng sức khỏe dồi dào bỏ quên đi bệnh tật…
Mong niềm vui nối đuôi ghé thăm tất cả mọi người và bỏ quên bất hạnh, tuyệt vọng ở đằng sau…
Mong nụ cười luôn hiện hữu khắp nơi và bỏ quên nước mắt, đớn đau ở lại…
Mong may mắn luôn đồng hành trên con đường sắp tới…
Mong 365 ngày tiếp theo sẽ sống mà không phải luyến tiếc…
Mong một năm mới sẽ thật đủ theo cách mọi người mong muốn…
Chào tạm biệt năm cũ, chào tạm biệt chiều cuối năm!Lạc Hi
-
Năm cũ sắp qua đi. Một năm mới đang tới và mâm cơm chiều tất niên cũng sắp được dọn ra. Bà tôi vẫn thường bảo: "Ngày Tết tha hương buồn lắm, nhớ nhà và người thân lắm, mặc dù có thể tiền bạc và mọi cái không thiếu thốn gì. Quê hương, gia đình là nguồn cội để ta trở về trong các dịp lễ Tết, đình đám...".
Vâng, Ba mươi Tết, nhà tôi cũng như biết bao các hộ dân quê đều rất bận rộn bởi vừa phải lo mua sắm, vừa phải gói bánh chưng, mổ gà, "đụng" lợn... lại vừa phải chuẩn bị mâm cơm chiều tất niên để đón ông bà tổ tiên về ăn Tết.
Tết đến, khoái nhất vẫn là trẻ con vì được nghỉ học, được ăn ngon, mặc áo quần đẹp, được đi chơi thỏa thích lại còn được người lớn lì xì. Nhà tôi nghèo lắm, hầu như quanh năm luôn thiếu đói và đứt bữa vào những độ giáp hạt vì vậy chỉ có mấy hôm Tết cả nhà mới được ăn no một chút. Bữa cơm tất niên chiều cuối năm thường là bữa đầu tiên trong mấy ngày Tết cả nhà sum vầy đủ đầy và có nhiều thức ăn ngon nên tôi thường hồi hộp mong ngóng. Có khi còn cách cả tuần mới Tết, vậy mà tôi đã hỏi mẹ xem trong bữa cơm ấy nhà mình sẽ làm những món gì, và chị cả năm nay có về kịp không...
Người ta thường nói, ăn Tết ngon nhất là bữa cơm tất niên. Mẹ biết anh em chúng tôi háo hức vì đang tuổi ăn, tuổi lớn nên riêng bữa cơm tất niên bao giờ mẹ cũng bảo bố làm thật thịnh soạn, thật nhiều món để các con được thỏa thích, no nê. Nào gà, nem chả cuốn, nào canh măng nấu bóng, thịt lợn... và cả bao nhiêu thứ rau xào nấu ngon, sau khi cúng ông bà tiên tổ xong được bê từ trên ban thờ xuống. Khi cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm đầm ấm, bao giờ mẹ tôi cũng nói các con ăn thoải mái đi vì đây là ngày Tết, không phải tiết kiệm. Chúng tôi ngồi đánh chén mà không phải giữ ý tứ như ngày thường, hay những khi nhà có khách, bởi lúc đó có khi chỉ mỗi đĩa thịt còn phải dành cho khách nên không dám gắp. Có năm, thấy thằng em tôi cứ xới cơm đánh chén liên hồi mẹ bảo: "Cu Tý gắp các thứ ăn đi chứ ăn cơm nhiều lại không ăn được đâu!".
Mặc dù có quá nhiều thức ăn nhưng nhiều khi tôi để ý bố, mẹ tôi vẫn như có vẻ nhường cho các con. Thấy vậy, tôi lấy đũa gắp thức ăn cho bố mẹ. Mẹ tôi vội khen: "Thằng Hai sau này là có hiếu lắm đây! Thôi con cứ ăn đi, hôm nay nhiều thức ăn mà, mấy đứa không phải lo để dành hay ăn rè đâu nhé. Cả năm nhà mình đói khổ nên bố mẹ cố lo cho các con ăn no, ăn đủ trong mấy ngày Tết...".
Có một năm, chị cả tôi đi làm mãi tận trong nam do lỡ tàu xe không về kịp nên bữa cơm tất niên năm ấy cả nhà kém vui. Mẹ và bố tôi buồn thương chị vất vả nên trong bữa cơm không khí trầm lắng hẳn đi. Mấy anh em chúng tôi ăn cũng cảm thấy không ngon vì nhớ tới chị, cảm thấy thiếu thốn, mặc dù thức ăn đầy mâm đầy bát đĩa. Khi ăn xong, cả nhà đang ngồi uống nước, mẹ bùi ngùi: "Chị cả chúng mày vất vả quá, mưu sinh cả năm quần quật vậy mà có mỗi bữa cơm chiều cuối năm cũng không được đoàn tụ gia đình!". Ngày đó không có điện thoại di động nên chị đang về tới đâu cũng chẳng thể biết được. Và mãi sáng sớm mùng Một Tết chị mới tất tưởi về tới nhà, nước mắt rưng rưng...
Còn trẻ và chưa có dịp xa gia đình nên chúng tôi chưa thấu hiểu được ý nghĩa và sự quan trọng của ngày sum vầy đoàn tụ trong bữa cơm chiều cuối năm. Bà tôi vẫn thường bảo: "Ngày Tết tha hương buồn lắm, nhớ nhà và người thân lắm, mặc dù có thể tiền bạc và mọi cái không thiếu thốn gì. Quê hương, gia đình là nguồn cội để ta trở về trong các dịp lễ Tết, đình đám...". Lớn lên tôi cũng hiểu dần được câu bà nói. Quả là, dù có làm ăn, sinh sống ở nơi đâu thì những ngày Tết thường là người ta vẫn hối hả tìm về với gia đình, với quê hương để chung vui, họp mặt và đón Tết. Bữa cơm tất niên là khoảnh khắc thiêng liêng đối với hết thảy mọi người vì đây là khoảnh khắc, là buổi họp mặt cuối cùng của năm cũ, ôn lại những vất vả, buồn vui để chuẩn bị sang một năm mới tràn đầy hy vọng.
Tôi chưa bao giờ phải đón một cái Tết thiếu cha thiếu mẹ và cũng chưa bao giờ vắng mặt trong bữa cơm gia đình chiều Ba mươi Tết bởi gia đình tôi ở một miền ngoại thành gần gặn, thế nhưng bạn bè tôi cũng đã có quá nhiều người phải chịu cảnh đón Tết không gia đình, người thân bên cạnh. Tâm trạng của họ lúc đó hẳn là rất buồn, nhớ nhà, nhớ mùi thức ăn lan tỏa quyện hòa cùng làn khói bếp mỏng manh nhưng ấm áp bay lên trên những nếp nhà đơn sơ. Có người từng ước "Giá như chiều Ba mươi được sum vầy bên mẹ, cha, bên người thân cùng mâm cơm tất niên chỉ toàn tương, cà, rau, muối... cũng được!". Thế nhưng ước ao nhỏ nhoi đó nhiều khi cũng khó có thể thành hiện thực trong cuộc đời mỗi con người, vì những hoàn cảnh khác nhau...
Năm cũ sắp qua đi. Một năm mới đang tới và mâm cơm chiều tất niên cũng sắp được dọn ra. Ở đó, mỗi gia đình đều không muốn một thành viên nào phải tha hương, vì Tết sum họp đủ đầy mới là một cái Tết trọn niềm vui nhất.
NGUYỄN LONG