Top 8 Tản văn viết về lòng biết ơn hay nhất

Phương Kem 534 0 Báo lỗi

Lòng biết ơn là phẩm chất cần có và nên có ở mỗi người, nó góp phần hoàn thiện và phát triển nhân cách của chúng ta. Có nhiều cách để thể hiện lòng ... xem thêm...

  1. Biết ơn và lòng biết ơn vốn đã trở thành truyền thống cao quý và tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Ngày nay, lòng biết ơn càng trở nên đẹp hơn chính là bởi chúng ta luôn biết coi trọng, gìn giữ giá trị đích thực ấy.


    Lòng biết ơn là tình cảm, sự trân trọng, ghi nhớ công ơn của mọi người dành cho mình, giúp đỡ mình. Đây là cơ sở khẳng định phẩm chất đạo đức mỗi người, cũng là nền tảng vững chắc cho những tình cảm tốt đẹp khác nảy nở và phát triển. Lòng biết ơn dù biểu hiện ở lời nói, cử chỉ, hành động hay ánh mắt, nụ cười; dù là bằng vật chất hay tinh thần,… chỉ cần xuất phát từ trái tim chân thành thì đều vô cùng đáng quý.


    Đã bao giờ bạn cảm thấy mình may mắn vì được sinh ra trên cõi đời này? May mắn vì có một gia đình, được yêu thương, được quan tâm, chăm sóc bởi bàn tay của cha mẹ? Hãy luôn biết ơn vì điều đó, bởi không phải ai cũng có được diễm phúc giống bạn. Khi chúng ta biết ơn những điều tuyệt vời ấy, đó sẽ là động lực giúp ta sống thiện, sống có ích cho gia đình và xã hội. Khi chúng ta biết trân trọng món quà mà cha mẹ ban tặng, chúng ta sẽ biết trân quý tất cả những điều mình có được. Lòng biết ơn cha mẹ giúp ta gặt hái được thành công trên đường đời; giúp ta nhận ra rằng, sức khỏe, niềm vui, nụ cười của cha mẹ mỗi ngày cũng chính là hạnh phúc của các con.


    Bất kỳ ai trong cuộc đời cũng cần có những mối quan hệ gắn bó, ấm áp, nghĩa tình. Không chỉ là gia đình, người thân mà còn là thầy cô, bạn bè, những người chúng ta đã, đang và sẽ gặp. Thầy cô cho ta tri thức, dạy dỗ ta nên người thông qua những bài học giản dị mà ý nghĩa. Bạn bè là điểm tựa không thể thiếu vì họ luôn cùng ta vượt qua những thăng trầm trong cuộc sống. Những người ta bắt gặp sẽ đem đến cho ta những bài học, trải nghiệm, có thể vui, buồn, khổ đau, hạnh phúc,… nhưng cần thiết để ta hiểu được giá trị của cuộc sống để có thể vững vàng bước đi trên đường đời. Bởi thế, hãy biết ơn những người ta đã gặp, đã đi qua cuộc đời ta, đó cũng là cách để ta tự tạo cho mình cơ hội tạo ơn và biết ơn mỗi ngày.


    Lòng biết ơn không cứ phải là đối với những điều lớn lao, to tát. Lòng biết ơn ta dành cho cả những điều bình thường, giản dị, có khi nhỏ bé nhưng vô cùng quý giá. Hãy biết ơn vì mỗi sáng mai thức dậy, trái tim ta vẫn còn đập những nhịp đập yêu thương. Hãy biết ơn món quà từ thiên nhiên, biết ơn hoa lá, cỏ cây, muông thú,… Hãy biết ơn những điều ta đã làm được, chưa làm được; những khó khăn, nhược điểm, sai lầm, mệt mỏi,… đã qua và sẽ đến, vì phía sau những điều ấy chính là sự mong đợi, là cơ hội học hỏi, là sự trưởng thành, là bài học giá trị, là sự nỗ lực cố gắng giúp ta khẳng định bản lĩnh, vị trí của mình.


    Chúng ta được sống bình yên, có được hạnh phúc, ấm no, có tương lại rạng ngời như ngày hôm nay là nhờ bao công sức lao động, máu xương của thế hệ cha ông đi trước. Bởi thế chúng ta càng cần phải biết “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.


    Thực hành lòng biết ơn, nghĩa là bạn đang tiếp thêm sức mạnh lạc quan cho chính mình. Biết ơn sẽ xua tan những hiềm khích, đau khổ, đố kị, ghen ghét. Biết ơn chính là ngọn nguồn của niềm vui sống. Khi ta sống với lòng biết ơn cuộc đời, ắt hẳn cuộc đời sẽ đền đáp hạnh phúc trở lại với mỗi chúng ta!

    Tác giả: Thu Đình

    Lòng biết ơn
    Lòng biết ơn
    Lòng biết ơn
    Lòng biết ơn

  2. Ngay từ thuở nhỏ ta được dạy nói cảm ơn khi ai đó giúp mình. Lời cám ơn không phải để xã giao mà thật sự biểu lộ lòng biết ơn chân thành của mình đối với người đó. Thế nhưng có lẽ chưa bao giờ ta được dạy nói cảm ơn ta vì nhiều khi ta coi chuyện cảm ơn mình là một điều gì đó lố bịch, kỳ cục, không cần thiết! Trái lại nhiều khi ta còn có khuynh hướng nói xấu mình, bất mãn với mình, thậm chí… nguyền rủa mình. Trên mười năm giữ mục Phòng mạch trên báo Mực Tím, tôi nhận được rất nhiều thư của các em ở tuổi mới lớn kêu ca về hình thể mình, về nhan sắc mình và sỉ vả mình một cách không thương tiếc! Nhiều em viết “muốn tự tử”, “muốn chết đi cho rồi”, “không còn muốn sống nữa”… chỉ vì có vài vết mụn trứng cá hoặc tàn nhang trên gương mặt, một vài vết sẹo ở chân hoặc thấy mình không đẹp trai bằng người mẫu, không có số đo như của các hoa hậu!


    Nhiều người lớn tuổi cũng vậy. Nhìn vào gương mỗi ngày thấy mình già đi với những dấu chân chim ở đuôi mắt, vết hằn ở khóe miệng, nếp nhăn nhúm ở bàn tay… đã không thể chấp nhận được mình, đã âu sầu buồn bã, có người phải vào thẩm mỹ viện căng da mặt, bơm tay để hy vọng giữ mãi vẻ trẻ trung. Có lần trong một lớp học, tôi đề nghị các sinh viên mô tả hình ảnh người già trong gia đình thì họ đều nói đến da mồi tóc bạc, mắt mờ tai lãng, miệng móm răng rụng, chậm chạp lẩm cẩm… Nhưng ai già mà không da mồi tóc bạc? Sống lâu thì phải già chứ sao!


    Xây dựng hình ảnh về chính mình (self image) rất quan trọng, nếu đó là một hình ảnh tích cực nó sẽ giúp cho mình tự tin hơn và từ đó ảnh hưởng đến “môi trường” xung quanh; còn nếu là một hình ảnh tiêu cực thì sẽ rất không hay.


    Có món đồ dùng nào mà xài vĩnh viễn đâu, ngay cả những máy móc tinh xảo được làm bằng những thứ kim loại tốt nhất. Gần đây thấy trên báo quảng cáo một cái tủ lạnh cũ của Thụy Sĩ rằng đã được xài đến 20 năm mà vẫn còn chạy tốt. Như vậy nhiều người trong chúng ta có thể vỗ ngực nói rằng mình đã “xài” đến sáu bảy chục năm mà hãy còn ngon đó chứ! Vậy ta phải biết ơn mình nhiều hơn.


    Hãy thử xem bộ xương. Cơ thể ta có trên hai trăm cái xương lớn nhỏ được ráp nối với nhau để thành một khung xương, hoạt động được là nhờ các khớp, cũng đã xài được hàng mấy chục năm trời mà chẳng phải bơm dầu trét mỡ gì cả. Vậy mà nó vẫn làm việc trơn tru, êm rơ, chỉ khi ta tích tuổi, lớn tuổi rồi nó mới bị đau nhức chút đỉnh thì cũng phải thôi! Nhiều khi chỉ vì từ nhỏ ta đã không biết chăm sóc bộ xương đã làm cho nó bị lệch lạc đi như bị vẹo cột sống ở tuổi học đường, hoặc ăn những thức ăn làm cho các chất hoạt dịch giữa các khớp bị xơ cứng lại. Ngay ở giai đoạn chấm dứt tuổi dậy thì, bộ xương đã hình thành với khối lượng xương cố định, chủ yếu là do di truyền nhưng cũng một phần do dinh dưỡng. Nếu biết quan tâm, thì ngay từ nhỏ đã phải được bồi dưỡng tốt để xương phát triển đầy đủ. Người lớn tuổi dễ bị loãng xương, dễ bị té ngã, đưa đến gãy xương, trật khớp. Nhìn một cành khô và một cành tươi thì biết. Cành tươi khó gãy vì vỏ dày, gỗ dai, nếu gãy cũng thường gãy dập; còn cành khô thì vỏ mỏng, gỗ dòn, khi gãy dễ gãy lọi. Nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi, sau tuổi 65, rất dễ bị té ngã. Nữ dễ bị hơn nam. Ngoài những chuyện gãy xương, trật khớp, rách cơ, dập phần mềm… còn có những biến chứng gần xa khác như viêm phổi, loét da, do phải nằm bất động trong một thời gian lâu dài. Phụ nữ sau tuổi mãn kinh tình trạng loãng xương càng gia tăng do estrogen của buồng trứng đã giảm. Phụ nữ dễ bị té, gãy xương nhiều gấp ba lần so với nam giới. Để giảm bớt nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi, cần quan tâm tới môi trường sống của họ. Chẳng hạn các cầu thang trong nhà sao cho dễ đi, không trơn trợt, bậc thang đều, ánh sáng đầy đủ. Tuổi già mắt kém, cảm giác về độ chênh không còn chính xác, phản xạ chậm, cơ chế điều hòa vận động giảm nên rất dễ té. Một số loại thuốc như thuốc ngủ, thuốc an thần càng làm tăng nguy cơ. Người lớn tuổi vẫn cần phải tích cực vận động – tập dưỡng sinh, đi bộ, chơi thể thao chẳng hạn – để tăng tính linh hoạt của các khớp và giúp cho cơ duy trì sự dẻo dai. Ăn uống cần tăng cường thêm calci, vitamin D. Người ít vận động hoặc phải nằm một chỗ, tình trạng loãng xương càng xảy ra nhanh. Thuốc lá và rượu góp phần tăng tốc. Việc sử dụng estrogen để bù đắp phải được hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ bởi các bác sĩ chuyên khoa. Điều đáng để ý là một người khi lớn tuổi bị té ngã một lần thì về sau thường sợ hãi, ít dám vận động, do vậy mà sự phối hợp giữa thần kinh cơ càng kém, lại càng dễ bị té ngã những lần sau. Sự bảo bọc quá đáng của người thân trong gia đình càng làm cho người già thêm mau suy yếu.


    Rồi thử xem bộ máy tuần hoàn của ta. Nếu biết rằng mỗi ngày trái tim ta đã phải co bóp cả trăm ngàn lần để đẩy một khối lượng máu khoảng 7.000kg không ngừng nghỉ, kể cả lúc ta ngủ, đi vào một hệ thống mạch máu giăng mắc mà chỉ riêng hệ thống vi mạch nếu nối lại đã dài hàng trăm ngàn cây số (hơn gấp đôi chu vi tri đất) để nuôi cơ thể, ta mới thấy sức hoạt động của bộ máy tuần hoàn tuyệt vời đến thế nào! Có cái máy bơm nào làm việc liên tục với khối lượng như vậy hàng bảy tám chục năm trời mà không phải thay pin, không phải chùi rửa gì cả? Vậy mà chẳng những ta không nhớ, không biết ơn nó, nhiều khi ta còn hành hạ nó, đầu độc nó, buộc nó nhảy tưng lên với những chất như rượu, trà, cà phê, thuốc lá… Chất nicotine trong thuốc lá chẳng hạn, chẳng những buộc nó phải làm việc nhanh lên mà còn lại co thắt các mạch máu nuôi dưỡng nó, làm cho nó bị thiếu dưỡng khí. Ta lại còn đầu độc tinh thần nó bằng cách luôn rên rỉ “Một trái tim khô, một trái tim mùa đông” hay hất hủi nó: “ngày rời Paris anh đã để quên con tim”… Thật ra một trái tim bình thường làm việc âm thầm bền bỉ đến nỗi ta tưởng như không có nó. Lúc nó lên tiếng “nhắc nhở” thì đã rắc rối rồi! Cho nên có một trái tim lành mạnh thật hạnh phúc mà nhiều khi ta không biết!


    Còn mạch máu của ta cũng giống như những ống nước vậy. Khi ống nước còn mới thì nó dẻo dai, co giãn dễ dàng, không có chuyện gì xảy ra, còn ống nước đã cũ thì khô cứng lại, độ thun giãn kém đi. Ở người cao tuổi, các mạch máu cũng dễ cứng hơn nên huyết áp dễ bị tăng cao. Huyết áp cao quá có thể gây ra những tai biến. Tăng huyết áp phải được theo dõi chữa trị đến nơi đến chốn. Ngoài ra nếu trong máu có nhiều chất mỡ (thường gọi “máu lộn mỡ”) thì các chất này sẽ đóng cứng trong lòng mạch làm cho đường kính nhỏ lại gây tắc nghẽn mạch. Bệnh tiểu đường càng làm gia tăng tình trạng tắc nghẽn này và do vậy mà các chuyên gia về “Già học” đều khuyên ta bớt ăn đường, bớt uống rượu, bớt ăn muối, bớt ăn mỡ, không hút thuốc ….


    Rồi thử xem buồng phổi của ta. Đó là nơi ta trao đổi không khí để sống. Người ta có thể nhịn đói vài ba tuần, nhịn khát mươi ngày nhưng không thể nhịn thở quá năm phút. Thiếu oxy (dưỡng khí) chừng năm phút thì các tế bào não sẽ bị hủy hoại, không phục hồi được nữa. Có lẽ vì không khí không phải mất tiền mua nên ta thường coi như không hề có nó. Ta vẫn thở mỗi phút giây mà không nhận thấy không khí là cần! Có một buồng phổi hoạt động tốt ta chẳng hề quan tâm, thậm chí chẳng hề biết đến nó, cho đến lúc nó khò khè cò cử thì lúc đó ta mới thật sự hốt hoảng. Một vị thiền sư ghi câu này lên vách: “Việc phải làm hôm nay: thở vào, thở ra, thở vào…”. Có vẻ thật tức cười và có vẻ như đó là chuyện của thiền sư. Còn ta, ta có trăm công ngàn việc để làm có đâu chỉ thở vào thở ra như vậy. Nhưng thử nghĩ xem, nếu ta ghi một câu ngược lại: “Việc phải làm hôm nay: không thở vào, không thở ra, không thở vào…” thì chuyện gì sẽ xảy ra! Cho nên nghĩ cho cùng thở là một điều quan trọng. Nhiều người trong chúng ta coi chuyện thở nhẹ như... lông hồng. Nói chung chúng ta thường không biết thở, không thèm thở, nhất là những lúc làm việc hăng say gần như quên thở hoặc những lúc có những cảm xúc mạnh như lo lắng, giận dữ ta cũng thường quên thở, nín thở. Thở là một phản xạ tự động nhưng ta lại có thể kiểm soát được hơi thở, nhịp thở, khác hẳn với các cơ chế tự động khác như của quả tim, mạch máu, dạ dày, gan ruột… hoạt động hoàn toàn ngoài ý muốn của ta. Cho nên ta có thể luyện thở được. Buồng phổi của ta có khoảng 300 triệu phế nang tức là túi phổi nhỏ, là nơi tiếp xúc trao đổi không khí giữa phổi với hệ thống mao mạch chuyển O2 vào máu và đưa CO2 cùng những khí độc khác ra khỏi cơ thể. Trải rộng các phế nang ra, ta có một diện tích rộng hơn 80m2, lớn như một phòng học. Mỗi khi ta hít phải không khí ô nhiễm, bụi khói, vi khuẩn, thì lớp không khí ô nhiễm đó sẽ tràn ngập lên toàn bộ diện tích của phế nang. Khi còn là một thai nhi trong bụng mẹ thì buồng phổi ta xẹp lép – trong bụng mẹ ta không cần thở bằng phổi – nhưng ngay khi được sinh ra thì tiếng “khóc chào đời” chính là phản xạ để không khí tuôn vào hai lá phổi làm nở bung các phế nang ra giúp ta hình thành hoạt động hô hấp, thiết yếu cho sự sống. Thử tưởng tượng người lính nhảy dù tung mình ra khỏi phi cơ mà cánh dù không bung ra được thì chuyện gì sẽ xảy ra. Khi còn là những lá phôi thì phổi và da có cùng nguồn gốc, do vậy mà sau này khi gặp lạnh tự nhiên ta sinh ra ho hen, đặc biệt người cao tuổi dễ bị viêm phổi do lạnh. Hệ thống hô hấp không chỉ có phổi mà còn có mũi, họng, thanh quản, khí quản cùng các cơ hô hấp mà cơ hoành là cơ trọng yếu nhất. Ở mũi chúng ta chẳng hạn có một hệ thống mao mạch dày đặc để sưởi không khí, làm cho không khí ấm lại trước khi vào phổi. Gặp lạnh, ta sẽ bị ách xì, sổ mũi, nghẹt mũi vì các mao mạch trương nở. Dùng thuốc nhỏ mũi có chất co mạch, teo mạch thì sẽ dễ thở trong chốc lát sau đó còn khó thở hơn và lâu dần sẽ bị lệ thuộc vào thuốc. Ta thường thấy có những người lúc đang đi trên đường hoặc đang hội họp, làm việc, bỗng ngước mặt nhìn trời như tìm vần thơ, thực ra là đang nhỏ vài giọt thuốc vào mũi hoặc hít hít một cái ống thuốc giúp thông mũi. Không phải vô cớ mà người lớn tuổi thường khoác một chiếc khăn quàng cổ khi ra đường vì khi gặp lạnh chiếc khăn quàng sẽ giúp làm ấm mũi.


    Những người cao tuổi còn khỏe mạnh, sáng suốt, làm việc không biết mệt là những người biết thở. Họ có những phương pháp “bí truyền” thường được gọi là dưỡng sinh, khí công. Có khi ta còn đọc được những câu có vẻ huyền bí như “đưa hơi xuống huyệt đan điền…” Thực ra không có gì là bí hiểm cả mà hoàn toàn có cơ sở sinh học. Ta biết cơ hoành là cơ hô hấp chính nằm vắt ngang giữa bụng và ngực, “phụ trách” 80% khối lượng hoạt động hô hấp. Cơ hoành di chuyển lên xuống như một cái piston trong lồng ngực làm cho buồng phổi nở rộng hoặc thu hẹp thể tích. Mỗi khi cơ hoành di chuyển 1 cm thì thể tích lồng ngực sẽ tăng giảm 250 ml không khí. Mà cơ hoành có thể di chuyển từ 1cm đến 7cm, do đó một người biết sử dụng cơ hoành để thở thì có thể làm tăng khối lượng không khí vào ra từ 1 đến 1,5 lít không khí so với người khác. Do vậy khi ta hít sâu thì cơ hoành bị đẩy xuống đến tận dưới rún, nơi được gọi là huyệt đan điền. Như vậy “đưa hơi xuống huyệt đan điền” thực chất là hít sâu đẩy cơ hoành lên xuống mạnh hơn, cơ hoành di chuyển rộng hơn, nhờ đó sự thông khí sẽ tốt hơn. Các nhà chuyên môn tính toán nếu ta thở chậm và sâu bằng cơ hoành thì lượng không khí vào phổi sẽ tăng gấp đôi khi ta thở nhanh mà cạn. Càng lớn tuổi cơ hoành càng làm biếng, nên người lớn tuổi cần luyện thở, tập dưỡng sinh, thì cơ hoành mới sẽ làm việc tốt hơn.


    Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường gặp ở người lớn tuổi, làm cho họ dễ mệt mỏi, hụt hơi, cũng như bệnh giãn phế quản làm cho ho khạc rất nhiều mỗi sáng. Ngày càng có nhiều người bị ung thư phổi do hút thuốc lá. Nhiều người già bị lao là nguồn lây bệnh trong gia đình mà không biết, nên cần phải có sự kiểm tra thường xuyên hai buồng phổi của mình. Người lớn tuổi thường thích đi dạo dưới bóng cây, thích trồng hoa kiểng, thích ở một nơi thông thoáng là bởi vì ở đó có nhiều dưỡng khí hơn. Ban ngày, cây xanh nhả ra dưỡng khí, nên đi dạo dưới bóng cây ta được hít thở không khí trong lành, cảm giác nhẹ nhàng, sảng khoái. Cây xanh là người bạn thiết của mỗi chúng ta. Giữ môi trường trong sạch, không ô nhiễm, tạo nhiều cây xanh bóng mát, gần gũi với thiên nhiên, tập thở đúng phương pháp, tránh thuốc lá… là những cách tốt nhất để biết ơn buồng phổi của ta vậy.


    Lý Lập Ông, thế kỷ XVI, viết trong Nhàn tình ngẫu hứng: “Xét cơ thể con người, tai mắt mũi, tay chân, thân thể hết thảy đều cần thiết… chỉ có hai cái không cần thiết mà trời phú cho ta là cái miệng và cái bao tử, nguồn gốc tất cả những cái lụy của loài người từ xưa tới nay. Có cái miệng với cái bao tử nên sinh kế mới hóa ra phiền phức, sinh kế phiền phức mới sinh ra những mưu mô gian trá, mưu mô gian trá mới phải đặt ra hình pháp…”.


    Lâm Ngữ Đường có lẽ cũng đồng ý như thế nên ông cũng viết: “Chúng ta có một cái bao không đáy gọi là bao tử… Nó ảnh hưởng đến văn minh của nhân loại… Các hội nghị quốc tế căng thẳng đến thế nào, tới giờ cũng dừng lại để ăn….”. Rồi ao ước: “Nếu con người có được cái diều như diều chim, có cái dạ dày của loài nhai lại chắc là không có tình trạng hiếu chiến, tàn ác vì loài ăn cỏ, ăn hạt đều hiền lành, loài ăn thịt đều hiếu sát.” Ông cũng đưa ra một nhận xét thú vị: “Gà trống cũng thường đá nhau nhưng không phải vì thức ăn mà vì gà mái. Con người mà có cái diều như gà thì chỉ còn những cuộc chiến nho nhỏ chứ không phải cần đến chiến tranh lớn để xuất cảng đồ hộp.” (Sống đẹp, bản dịch Nguyễn Hiến Lê). Thật tội nghiệp cho cái “bao không đáy” còn gọi là bao tử hay dạ dày của chúng ta!


    Đó là một bộ phận quan trọng của hệ tiêu hóa, đảm nhận việc “nạp năng lượng”để ta duy trì sự tồn tại và hoạt động suốt cả cuộc đời. Cái bao không đáy đó thực ra nó đã phải làm việc căng thẳng vất vả, co bóp, nhào nặn thức ăn thức uống suốt ngày đêm để cung cấp cho ta những chất dinh dưỡng cần thiết cho cuộc sống. Nó làm việc âm thầm không hề kể công, hoàn toàn ở ngoài ý thức của ta vì khi nó nhào nặn co bóp như vậy ta không hề hay biết.


    Để tiêu hóa được thức ăn, dạ dày phải tiết ra một chất acid mạnh mà nếu không khéo tự bảo vệ mình thì acid này sẽ tiêu hóa ngay chính bản thân nó, làm cho nó lở loét tùm lum mà ta gọi là loét bao tử (loét dạ dày). Thường nếu có lở loét thì dạ dày cũng âm thầm tự băng bó lấy cho mình, đến khi quá lắm thì mới kêu ca, lên tiếng, lúc đó ta có cái gọi là đau bao tử.


    Nói chung ít khi ta thương hại cái dạ dày của mình, đừng nói chuyện biết ơn nó, trái lại ta sẵn sàng nhồi nhét vào đó càng nhiều càng tốt từ thịt cá voi đến rắn mối, thằn lằn, tắc kè, chuột bọ, cào cào, châu chấu, nghêu sò ốc hến… Ta cũng sẵn sàng đổ vào hàng lít rượu đế, whisky, hàng két bia và vô số những chất độc hại khác như... thuốc trừ sâu, giun đầu gai v.v... Để ý một chút, ta thấy hệ tiêu hóa là một cái ống cơ dài từ miệng đến hậu môn, phình ra chỗ này, thắt lại chỗ kia để trở thành thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già… Thức ăn thức uống đi xuyên qua cái ống đó là đã đi bên ngoài cơ thể, mà các bộ phận được phân công cắt xé, nghiền, nhồi trộn, nhào nặn, chuyển hóa, hấp thu... để đưa vào cơ thể sử dụng.


    Cả một bộ máy làm việc quần quật liên tục không mệt mỏi như vậy mới có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể hằng ngày. Ta không thể tưởng tượng rằng mỗi ngày có hơn cả lít nước bọt được tiết ra là nhằm giúp cho miệng không bị khô, hôi và giúp tiêu một phần thức ăn. Ở người lớn tuổi, nước bọt tiết ra ít đi nên dễ bị đắng miệng, khô miệng, ăn không ngon.


    Hệ thống nhung mao ở ruột non ngoằn ngoèo nhiều lớp có tổng diện tích lên đến 250m2, bằng cả cái sân quần vợt, để hấp thu các dưỡng chất nuôi cơ thể trôi qua, với các tế bào hùng hục hoạt động ngày đêm để trao đổi chất, với vô số vi sinh vật li ti sản sinh ra các men tiêu hóa, các vitamin. Gan đổ mật vào ruột, tụy tạng tiết men và insulin mà nếu thiếu nó ta sẽ bị bệnh đái đường. Bất cứ có một trục trặc gì trên cái ống đó đều gây ra những rắc rối đáng tiếc như bị tắc nghẽn đâu đó chẳng hạn. Một người bị bón thường xuyên cũng làm cho cái ống bị nghẹt, dẫn đến hôi miệng, ăn mất ngon, ngủ không yên.


    Lâm Ngữ Đường có một nhận xét khá thú vị: “Đối với tôi, hạnh phúc trước hết là vấn đề tiêu hóa. Ruột ta mà vận động điều hòa thì ta hạnh phúc, không thì ta khổ sở. Sự tình chỉ có vậy thôi!” Mà thật, cứ thấy người nào mặt mày lúc nào cũng cau có, nhăn nhó, khó chịu đăm đăm… thì chắc là đã bị bón hoặc trĩ kinh niên rồi! Người lớn tuổi cũng cần phải được cung cấp năng lượng đầy đủ, cần tránh béo bệu nhưng cũng phải tránh cả suy dinh dưỡng – chủ yếu là do thiếu chất đạm.


    Cũng không nên quá sợ cholesterol vì có loại cholesterol tốt cần cho cơ thể. Nên dùng dầu thực vật. Các vitamin được cung cấp từ thức ăn như rau quả, trứng, đậu, cà rốt, rau muống, gấc… Để giữ khẩu vị được ngon vừa ý, cần thêm những gia vị mà người có tuổi vẫn quen dùng như tỏi, tiêu, ớt. Không nên kiêng cử quá đáng làm cho ăn mất ngon. Đậu nành có lẽ là một thứ thức ăn lý tưởng vừa cung cấp đạm thực vật lại có chất phytoestrogen là một loại kích thích tố nữ rất tốt để làm giảm tốc độ lão hóa.


    Một bữa ăn gia đình đông vui có con cháu sum vầy thì dù là rau muống, kho quẹt, đậu hủ… cũng đem lại nhiều chất bổ dưỡng cả về tinh thần lẫn năng lượng cho người lớn tuổi. “Hãy cho tôi biết anh ăn gì, tôi sẽ cho anh biết anh là ai.” Lâm Ngữ Đường nói loài người có hai hạng, hạng ăn rau và hạng ăn thịt. Hạng ăn rau càng đông thì càng dễ có… hòa bình trên thế giới.


    Rồi cái bọng đái nữa chứ. Phải bí đái một lần mới biết “giá trị”của cái bọng đái, mới biết ơn vô cùng khi có một cái bọng đái hoạt động bình thường, biết lúc nào thì phải chứa đựng, lúc nào thì phải co bóp, lúc nào thì mở cơ vòng và lúc nào phải đóng chặt lại. Thật là tai hại khi ở tuổi cao, cơ vòng bắt đầu hoạt động không tốt nữa, lúc cần đóng chặt thì nó lại mở ra, đặc biệt ở phụ nữ có tuổi.


    Ở đàn ông, tuyến tiền liệt có thể phình to thành bướu chặn nghẹt đường lưu thông của nước tiểu, lúc cần tiểu lại tiểu không ra. Lại phải mổ, phải nong. Một kích thích quá mạnh như cười to, ho tràng dài hoặc vận động nhiều quá, cũng dễ bị đái són. Thuốc an thần, thuốc lợi tiểu sẽ làm cho đái són xảy ra thường xuyên hơn. Nói chung nếu tìm được nguyên nhân thì chữa trị không khó, đừng lúc nào cũng cho là tâm thần rồi bỏ mặc. Nên tập đi tiểu có giờ giấc, đừng đợi quá căng. Các loại tả lót thấm hút có thể dùng rất tiện cho người già khi đi lại tàu xe.


    Cũng cần chú ý sắp xếp chỗ đi đại tiểu tiện sao cho thuận lợi, dễ đi, có đủ ánh sáng. Người mình thường coi chỗ tiểu tiện (toilet) như là một chỗ dơ bẩn xấu xí nên thường đặt ra phía sau nhà, xa nhà, trong khi đó thực ra toilet là một nhu cầu quan trọng của con người nên ở những khách sạn lớn, người ta bố trí toilet ngay trước phòng khách, sạch sẽ và thơm tho.


    Mắt là giác quan quan trọng nhất của con người. Chăm sóc mắt là biện pháp nâng cao chất lượng cuộc sống. Có một quyển sách mà tác giả là một người mù, viết với lời tựa là “Nếu tôi được một ngày sáng mắt!” Những người bình thường có đôi mắt sáng nhiều khi không biết quý. Thử sống một ngày bịt kín hai mắt lại thì mới đánh giá được chất lượng cuộc sống nhờ đôi mắt.


    Già thì mắt phải yếu đi, cảm giác về độ đậm cũng kém, thích nghi với bóng tối chậm và nhìn cố định không nét. Thủy tinh thể điều tiết kém nên không nhìn gần được, điều này ảnh hưởng chất lượng cuộc sống rất rõ, vì làm gì cũng phải đeo kiếng. Những nguyên nhân gây mù thường gặp là mắt hột, quáng gà, đục thủy tinh thể (cườm khô), và cườm nước (glaucoma). Theo Tổ chức Sức khỏe thế giới (WHO), người mù vì cườm khô đã chiếm hơn 40% số người già bị mù. Chín phần mười các trường hợp cườm khô là do tuổi già, cơ thể suy yếu; số còn lại là do các bệnh tiểu đường, chấn thương, suy dinh dưỡng…


    Khi thấy mắt bị mờ dần, có đốm đen bay bay rồi cố định lại một chỗ, không đau nhức, không đỏ, tưởng là kính không đúng độ mà đo kính nào cũng không vừa thì phải nghĩ đến cườm khô. Hiện vẫn chưa có thuốc nào chữa được cườm khô, chỉ có cách là phải mổ để thay thủy tinh thể đục bằng một thủy tinh thể nhân tạo hoặc đeo kính để điều tiết. Hiện nay có những kỹ thuật mới để mổ cườm khô, đặt thủy tinh thể nhân tạo rất tiện lợi. Sau mổ, bệnh nhân có thể sinh hoạt lại bình thường ngay.


    Riêng cườm nước là một bệnh hết sức nguy hiểm vì dẫn đến mù lòa. Nếu được phát hiện sớm thì có thể tránh được mù. Bệnh cườm nước cấp tính gây nhức đầu dữ dội, có khi nhức nửa đầu kèm theo ói mửa, mắt đỏ, căng cứng, con ngươi nở lớn. Trường hợp này phải đến ngay bệnh viện có chuyên khoa mắt. Dạng cườm nước mạn tính tiến triển âm thầm, chỉ thấy hơi đau mắt, xốn mắt, mỏi mắt và mờ dần. Nhiều người tưởng tại mình có tuổi nên mắt kém, không đo nhãn áp để chẩn đoán kịp thời.


    Người lớn tuổi cũng thường nghe kém, lãng tai. Lãng tai một chút cũng hay, khỏi phải nghe những lời nói xấu mình! Cái gì khoái thì nghe không thì thôi. Từ 65 tuổi trở đi có hơn một phần ba số người bị lãng tai. Nghe kém sẽ làm cho việc truyền thông khó khăn hơn, có thể gây nguy hiểm trong giao thông, đi lại. Ngày nay có những dụng cụ trợ thính dễ sử dụng và rẻ. Ở các nước phát triển cứ ba người có tuổi thì một người mang máy điếc, nhờ đó họ có thể giao tiếp tốt hơn và tham gia vào các hoạt động xã hội, giúp họ cảm thấy sảng khoái, không bị coi là tàn phế nữa.


    Ở ta, nhiều người không ưa máy điếc vì nó ồn ào lại làm cho ta nghe rõ những “sự thật đau lòng”. Một vở kịch kể chuyện hai vợ chồng già, ông nói gà bà nói vịt nhưng rất hạnh phúc bên nhau, đến khi các con hiếu thảo gởi về cho mỗi người một cái máy điếc thì bắt đầu cãi vã nhau suốt ngày. Cuối cùng cả hai phải liệng cái máy điếc vào sọt rác!


    “Chúng ta không chăm sóc bản thân mình mà để cho cơ thể làm việc đến hao mòn, vì vậy nó dễ bị hư hỏng sớm. Khi chúng ta còn khỏe mạnh, còn sung sức, thì chúng ta bóc lột ngay chính bản thân mình, bóc lột các bộ phận trong cơ thể, bóc lột những khả năng của mình mà không hề cân nhắc, không hề nghĩ tới hậu quả. Ở lứa tuổi 50 tôi vẫn chưa chú ý lắm đến sức khỏe của mình…” Bác sỹ Misculine 90 tuổi viết như thế. Hiện nay mỗi sáng ông chạy bộ, tập thể dục đều đặn, chơi quần vợt, ăn uống điều độ. Ông nói “Tôi cảm thấy 30 năm trước đây tôi đã già yếu hơn nhiều so với bây giờ”!


    Sưu tầm

    Biết ơn mình
    Biết ơn mình
    Biết ơn mình
    Biết ơn mình
  3. Tháng 7, Ngưu Lang- Chức Nữ ngóng đợi nhau, mòn mỏi cả năm ròng nên nhớ thương chất ngất. Đợi một năm. Đợi một đời. Đợi muôn kiếp. Đợi đến thắt ruột gan mà sinh ra mưa ngâu chăng? Mưa dầm dề. Mưa ảo não. Mưa đan cài vào nhau như những ngón tay muốn nắm lại mãi cho khỏi lỡ nhịp, khỏi chới với. Mưa rả rích, mưa nỉ non, mưa như nhân lên muôn nỗi đợi chờ da diết của cặp tình nhân bị cắt chia dai dẳng, bị hình phạt hà khắc triền miên.


    Tháng 7 - mùa Vu lan báo hiếu, mùa xá tội vong nhân. Biết bao tâm tư cũng khiến lòng người ẩm ương, bứt rứt. Mưa chiều lòng người cho ướt sũng mới thôi. Ai ngăn được dòng nước mắt cảm thương. Ai cắt được ân tình máu mủ. Ai không đau đáu tình mẫu tử mới nhẹ nhõm, mới ngó lơ những yêu thương bao la và sức chịu đựng phi thường của những người mẹ.


    Tôi có hai bà mẹ vĩ đại trong cuộc đời, một người sinh ra tôi và một người sinh ra chồng tôi. Họ ở hai miền quê, hai phương ngữ, hai tính tình, hai vóc dáng, .. vô vàn những cái hai khiến ta tưởng như họ là những đường thẳng song song đang lao vun vút, đang băng băng trên con đường định mệnh. Nhưng không, trên giao lộ cuộc đời thênh thang và nghiệt ngã, tôi thấy họ có nhiều điểm gặp gỡ quá. Nhiều niềm thương mà ngôn từ cũng dường như bất lực.


    Buổi sớm mai, khi ông mặt trời còn ngái ngủ và chưa kịp kéo hết màn sương trắng, chú gà trống cất cao tiếng gáy rồi lén ngáp dài vờ mỏi mệt không gáy nữa thì hai bà mẹ, ở hai căn phòng của hai ngôi nhà khác nhau đều đã thức. Các mẹ dậy làm gì? Vệ sinh cá nhân? Thong thả tập dưỡng sinh? Đâu có nhàn nhã, an yên đến thế! Các mẹ bắt đầu hành trình "thân cò lặn lội". Bắt đầu nhiệm vụ như đã được mặc định sẵn cho cả cuộc đời. Đôi chân của mẹ thoăn thoắt, nhanh nhẹn khi còn trẻ hay đã nặng nề, chậm rãi, từ tốn hơn ở cái tuổi trên dưới " thất thập". Đôi chân đã đi bao nhiêu bước trong cuộc đời? Đôi chân bao ngày chưa ngơi nghỉ? Đôi chân bao mùa mưa nắng. Đôi chân đã được lần nào người chồng nâng niu, nón bóp, xót xa? Cuộc đời cứ dài ra theo quãng đường hai mẹ đã bước nhưng nhọc nhằn cơm áo vẫn nặng trĩu trên vai. Đôi chân của các mẹ chưa dừng lại khi vẫn phải gánh gồng nuôi chồng, thương con.


    Các mẹ có đôi bàn tay mà có lẽ nhiều người đàn bà nhà quê đều có. Thô kệch, chai sần, sạm màu như vết tạc của thời gian dành cho hi sinh của cuộc đời mẹ. Những đôi tay, mỗi lần chạm vào con lại muốn rơi nước mắt. Giá có thể khiến chúng mềm mại hơn, giá có thể khiến chúng không phải cứng cáp đến thế. Nhưng nhìn những đôi tay ấy làm bánh, soạn sửa mâm cơm đạm bạc mà nồng nàn đến tận tim thì không ai nhớ tới vẻ chưa hoàn hảo, chỉ nỗi thèm thuồng, cồn cào của dạ đang nhảy nhót vui mừng nhận ra mùi vị thân thuộc là biết: không gì có thể hoàn hảo hơn bàn tay của mẹ! Những đôi tay mà cả đời chúng con muốn nâng niu, kính trọng.


    Mẹ cũng có những phút suy tư. Đôi mắt mẹ đang nhìn vào mênh mông trời đất mà chúng con không hiểu nổi. Mẹ đang nhớ ông bà, nhớ quê hương? Mẹ có đang day dứt về những đứa con mình đứt ruột sinh ra đã lớn khôn nhưng vẫn chưa được vẹn toàn? Mẹ có đang nhìn về phía bên kia con dốc, nơi sẽ dẫn mẹ đến với những người thân yêu khác, nơi biết đâu sẽ giúp mẹ đặt xuống gánh nặng đang mang? Con không biết chắc câu trả lời. Con chỉ thấy tim mình nhói lên bất lực. Đôi mắt của mẹ bao la mà cũng lạ lẫm quá. Con thấy mình như rơi tõm vào hoang mang. Nhưng lại có tiếng thầm thì tự nhủ: Hãy để cho mẹ khoảnh khắc riêng tư, rồi mẹ sẽ lại trở về là mẹ thường ngày thôi. Bình tĩnh nào!


    Mẹ vui lắm khi thấy con cháu tranh thủ trở về sum vầy. Ngôi nhà chật hơn. Tiếng nói cười vồn vã. Mẹ ôm đứa cháu này vào lòng. Mẹ dặn đứa cháu kia chăm ngoan. Mẹ bảo các con ăn món này món nọ. Khóe cười có những vết nhăn nheo của mẹ như giãn ra, như tươi hơn tuổi thật. Con cháu đếm những sợi tóc bạc trên đầu bà. Lâu ngày không muốn đếm nữa vì màu muối đã át cả màu tiêu. Chỉ dáng vẻ mong manh, mềm mại như nói với lũ trẻ rằng bà của chúng đã từng có mái tóc óng ả và duyên dáng biết bao! Năm tháng đi qua cuộc đời của các mẹ ngày vui có lẽ không nhiều lắm nhưng được hi sinh vì chồng con; gia đình được sum vầy đông đủ như thế này là mọi nhọc nhằn tan biến, là buồn tủi hóa hư không.


    Ngưu Lang - Chức Nữ vì yêu nhau mà bị đọa đày, vì xa cách nhớ nhung mà hóa mưa ngâu. Các mẹ vì món nợ ba sinh mà một đời dầm sương dãi nắng, một đời đợi chờ người bạn đồng hành biết thương cảm, trân trọng bằng những yêu thương thường nhật. Một đời chồng con cứ ngập ngừng, nấn ná mãi vẫn chưa thốt lên lời biết ơn chân thành để xoa dịu những chịu đựng, hi sinh của mẹ. Mẹ có còn sức để đợi chờ hay mẹ luôn cam tâm tình nguyện? Mưa vẫn giăng trắng trước hiên nhà. Ngưu Lang - Chức Nữ đang nôn nóng phút giây gặp gỡ. Hành trình cuộc đời của các mẹ đang ngắn lại. Chúng con xin được kính lạy mẹ giữa nhân gian và ghi khắc hình ảnh mẹ trong trái tim nghìn năm không đổi. Ôi, mẹ của con!


    VŨ HÀ (BUÔN HỒ- ĐẮC LẮC)

    Tháng 7 - Vu Lan, con xin cất lời biết ơn mẹ!
    Tháng 7 - Vu Lan, con xin cất lời biết ơn mẹ!
    Tháng 7 - Vu Lan, con xin cất lời biết ơn mẹ!
    Tháng 7 - Vu Lan, con xin cất lời biết ơn mẹ!
  4. Cảm ơn thời gian, giúp tôi nhìn rõ khuôn mặt mỗi người bên cạnh, ai chân thành thật lòng, ai phỉnh lừa giễu cợt!


    Cảm ơn thời gian, giúp tôi cảm nhận được những điều quan trọng. Cao sang giàu có rồi cũng trở về không, lợi danh quyền thế vốn là giấc mộng ngắn, chỉ có tình nghĩa và sức khỏe mới cần được trân trọng giữ gìn.


    Cảm ơn thời gian, giúp tôi có những trải nghiệm quý giá. Kinh qua nhiều câu chuyện tình đời, xem nhẹ nhiều vết thương thống thiết, để hôm nay có thể dùng trái tim đơn giản thực tập nếp sống biết ơn và tinh thần biết đủ.


    Cảm ơn thời gian, dạy tôi biết nhiều điều trong giao tế. Khi qua lại với người cần thận trọng lời nói, lỡ phát sinh hiểu lầm nên bình tĩnh giải quyết. Đối với người giả dối, dù nhìn thấu cũng không nên nói tận. Gặp phải kẻ toan tính, dù biết rõ cũng không cần rêu rao. Rồi cũng có ngày thời gian đưa tất cả ra ánh sáng, những nhân duyên đã gây tạo chắc chắn sẽ nhận được hồi đáp tương xứng.


    Cảm ơn thời gian, dạy tôi biết nhiều thứ: Không để những người và việc không đáng khiến mình hao tâm tổn trí, lãng phí thời gian và sức lực. Những gì thuộc về bạn, có chạy cũng không thoát. Bằng như đã không phải, dù có giành cả đời cũng không thể có được.


    Cảm ơn thời gian, giúp tôi gặp được nhiều người, học được nhiều thứ, thọ hưởng sự ấm áp và cảm động, để bản thân trưởng thành và tiến bộ.


    Mạng sống ngắn ngủi, đời người vô thường, hãy xem mỗi ngày đều là ngày cuối cùng được sống, để trân quý những việc cần - nên làm, dành thời gian cho những người mình thương – quý nhất.


    (Sư cô Suối Thông biên dịch)

    Cảm ơn thời gian
    Cảm ơn thời gian
    Cảm ơn thời gian
    Cảm ơn thời gian
  5. Cám ơn mùa thu, đã đón tôi bằng ngợp ngời hương sữa, khi tôi về với phố sau một quãng đi dài. Như thể muốn reo lên vỡ òa trong…thinh lặng.


    Một buổi sáng ướt đầm nắng chín. Trên lá cây, những đóa hoa tanh tách tím, trên những bông sữa mà giờ đây, à không, năm nay, lạ lắm, mới nhú xanh. Đâu đó tiếng gà từ một căn chuồng nhỏ mà người phố nào nhớ quê chăng, nuôi chúng trong một góc sân. Nỗi xao động mặt hồ như cộng hưởng cùng mành nắng buông như voan tơ, cùng cả những nhành cây nghiêng với rung rinh tán lá khiến cho cả không gian trước mặt tôi như muốn bay lên, như muốn ngân rung, như muốn cất lời…


    Tôi đã từng muốn tất cả ngừng lại trong phút giây này, trong phút giây mà tôi hít căng lồng ngực mình, giang rộng vòng tay và khao khát ôm chứa. Trong phút giây mà tôi muốn mình hóa đá, vĩnh viễn, đắm chìm. Trong phút giây mà trong tôi cũng đang ngân rung một bản đàn bất tuyệt, về yêu thương và tự do.


    Những sớm mai, trong lành, khi tôi đã - như mùa thu kia - trải qua cái cuồng nhiệt của tuổi trẻ, đủ thời gian chậm rãi để ngắm nhìn những giấc mơ thơ dại, mỉm cười soi mình trong tấm gương và nhận thấy những đau thương, hạnh phúc đã yên ắng nơi khóe mắt, nơi chân tóc, nơi bàn tay hằn những đường gân…


    May mắn quá, tôi chưa già nua để lãng quên những gương mặt quá khứ, chưa già nua để quá chừng tiếc nuối, chưa già nua để không còn muốn xao động cùng mai sớm này. Và chưa già nua để có thể quên đi một lời tạ ơn cuộc đời, đã cho tôi biết tỉnh thức. Mình cần gì nhiều nhặn nữa, ngoài những yên bình, mà điều đó là từ ai mang lại, nếu không phải từ tâm hồn này đang muốn cộng hưởng cùng buổi sáng ướt đầm nắng chín như bữa nay đây?


    Cám ơn mùa thu, đã đón tôi bằng ngợp ngời hương sữa, khi tôi về với phố sau một quãng đi dài. Như thể muốn reo lên vỡ òa trong…thinh lặng.Nhớ câu thơ ngày cũ:
    Nhưng hoa sữa, trời ơi là hoa sữa

    Bung biêng xanh treo những vạt hương buồn…


    Mùa này, những vạt hương chẳng buồn. Chúng náo nức trĩu nặng trên vòm xanh, chúng náo nức trên cả tường rêu phủ, náo nức những góc phố vốn thường ngày tĩnh lặng niềm quên lãng. Chúng náo nức hay chính tôi đang náo nức với những ngày tháng đẹp đẽ đến mức tôi luôn sợ nó qua nhanh như một cái chớp mắt?


    Có những cái đẹp khiến người ta muốn run lên, có những tình yêu khiến người ta muốn không ngừng bày tỏ. Ấy là tôi đang bày tỏ với mùa thu những niềm yêu vô tận của mình… Bày tỏ với hương hoa, với mặt hồ, với bầu trời, với những cánh thiên di, với mặt trời đẹp lộng lẫy trong sự cô độc kiêu hãnh…


    Và sáng nay, tôi lại ngồi bên mặt hồ, nhưng là một mặt hồ biến đổi không ngừng, khi lao xao sóng gợn, khi trong veo soi những gợn mây muốt trắng, khi lại nâu xám u buồn…


    Chỉ có thể là ánh sáng đã biến đổi được mặt hồ này và dưới con mắt của tôi. Tôi đã từng viết về ánh sáng- về nguồn sáng. Về sự biến đổi của vạn vật dưới ánh mặt trời. Con người cũng thế, phải may mắn lắm mới có thể tìm được cho mình một nguồn sáng, may mắn lắm để bước về phía một ai đó mà nói rằng: Người là nguồn sáng đời tôi! Nguồn sáng ấy khiến cho cuộc đời ta lấp lánh, dù ta là thủy tinh hay là kim cương.


    Khi được sinh ra, tôi chỉ có duy nhất một nghĩa vụ LÀ CHÍNH MÌNH. Với bản thân, tôi nghĩ mình có nghĩa vụ phải HẠNH PHÚC. Mà hạnh phúc không bao giờ phụ thuộc vào ai đó khác, nó phải là chính cảm xúc của mình, mặc định bằng mỗi phút giây trọn vẹn mình được sống, đã sống. Và hạnh phúc, không phải thứ vu vơ mà may mắn có thể có được, không phải là thứ có thể cầu xin để ai đó ban phát, cũng không phải con đường hay đích đến. Hạnh phúc, giản đơn mà cũng xa vời lắm, nó là sự lựa chọn.


    Đừng nghĩ hạnh phúc chỉ có niềm vui, nụ cười. Hạnh phúc đôi khi chan chứa trong nước mắt. Được duỗi đôi chân mệt mỏi yếu đuối dưới bầu trời giông bão vừa qua, được thứ tha cho bao tổn thương mà cuộc đời và con người mang lại, được bay đơn độc trên bầu trời lộng lẫy tự do vô hạn. Và quên lãng nỗi buồn hôm qua, quên lãng những sự ra đi không nuối tiếc…


    Tôi đã từng yêu những nỗi buồn như thể nó sinh ra để tôi thấy mình có thể mạnh mẽ, kiên cường đến nhường bao, hay cho tôi thấy mình sụp đổ đến thế nào. Và, tôi luôn muốn mình hãy mỉm…một nụ cười nào đó.


    Một nụ cười nào đó, ấy là tên gọi của một cuốn sách của Segan. Tôi chưa kịp đọc nó, vì đó là món quà sinh nhật đầy thương quý mới được trao tặng hôm nay. Nhưng cái tên sách, đã luôn gợi nỗi mơ hồ về cuộc đời, về hạnh phúc và buồn đau… Nụ cười ấy ở phía nào, của ai vậy?


    Tôi sẽ không nghĩ đến điều đó bây giờ, vì thực sự phút này đây tôi muốn trọn vẹn dành cho niềm vui và những yêu thương mà tôi đang có.


    Xin tạ ơn Đời!


    Cám ơn mùa thu, đã đón tôi bằng ngợp ngời hương sữa, khi tôi về với phố sau một quãng đi dài. Như thể muốn reo lên vỡ òa trong…thinh lặng.


    Tác giả: Phạm Thùy Vinh

    Hạnh phúc mùa thu
    Hạnh phúc mùa thu
    Hạnh phúc mùa thu
    Hạnh phúc mùa thu
  6. Chiều mùa hạ, Hà Nội oi nóng đến lạ thường. Hơi nóng hầm hập bốc lên từ mặt đường. Nắng chói chang gắt gỏng xối xuống vạn vật. Hàng cây ven đường cũng ủ rũ không một ngọn gió lướt qua. Thốt nhiên, khi lướt mạng xã hội, tôi đọc được dòng cảm ơn của một chàng trai trong quân đội gửi tới mẹ của mình nhân dịp được thăng quân hàm. Từng dòng... từng dòng chia sẻ của em như dòng nước mát lành tưới mát tâm hồn trong ngày hè nóng bỏng.


    Dân gian có câu: “Nước mắt chảy xuôi”. Nghĩ cũng đúng. Chúng ta đón nhận tình yêu thương của cha mẹ như một lẽ đương nhiên. Tôi biết rằng, nhiều người luôn ghi nhớ công ơn cha mẹ của mình trong tâm nhưng ít khi thể hiện bằng lời vì cho rằng “sáo rỗng”. Và, chỉ khi vào giây phút sinh tử, lời yêu thương mới bật thốt ra... Hãy gửi yêu thương, lòng biết ơn đến cha mẹ của mình trước khi quá muộn.


    Có những niềm vui bình dị xuất phát từ lòng biết ơn. Một chiều mùa hạ đi trong cơn giông, tôi giật mình khi có cô gái trẻ đi theo gọi: “Chị ơi, chị ơi... Vạt sau áo mưa của chị sắp bị cuốn vào bánh xe rồi. Dừng lại đi!”. Tôi đỗ xe, nhìn ra phía sau và thấy vạt áo mưa bị gió giật tung đang sắp bị cuốn vào bánh sau. Suốt dọc đường về nhà, tôi thầm cảm ơn lời nhắc của cô gái không quen. Lòng rộn vui bởi nhận thấy, trong cuộc sống đầy áp lực mưu sinh, vẫn lấp lánh ánh nhìn nhân ái, biết quan tâm đến người khác như cô gái trẻ.

    Đôi khi, ta phải cảm ơn biến cố trong cuộc đời khiến ta mạnh mẽ hơn, phát triển nội lực bản thân. Vâng, nếu không có biến cố, tôi sẽ mãi sống trong vỏ bọc an toàn mà không biết rằng, mình có những khả năng vượt trội trong một số lĩnh vực khác. Phải chăng, bão dông cuộc đời cho ta thêm trân trọng những ngày bình an. Khi tâm ta có lòng cảm ân, tự khắc mọi nghịch cảnh sẽ dần được hóa giải.

    Cuộc đời luôn có những hồi báo màu nhiệm của lòng biết ơn. Ta giúp đỡ những mảnh đời khó khăn không mong họ báo đáp. Nhưng một lúc nào đó, khi ta rơi vào tình thế khó khăn, ắt sẽ có quý nhân kịp thời giúp đỡ. Khi có điều kiện, tôi đã từng giúp một số bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Và, khi gia đình tôi gặp biến cố, đã có những thầy cô giáo, bạn bè... giúp cho các con của tôi trong việc học hành.

    Sau tất cả, tôi học được rằng: “Biết đủ là vui, tâm biết đủ là hạnh phúc”. Khi ta biết đủ, sẽ nhận ra sự hiện hữu của hạnh phúc trong từng phút giây hiện tại. Ta sẽ vượt qua sự đố kỵ, sân si, ích kỷ. Ta học được cách kìm nén cảm xúc tiêu cực mà cảm nhận cuộc sống bằng ánh nhìn bao dung.

    Tường Vy

    Sự kỳ kiệu của lòng biết ơn
    Sự kỳ kiệu của lòng biết ơn
    Sự kỳ kiệu của lòng biết ơn
    Sự kỳ kiệu của lòng biết ơn
  7. Những ngày tháng Bảy âm lịch, tôi cảm thấy mình còn may mắn hơn nhiều người vì mỗi độ Vu Lan về lại được cài lên ngực một cành hồng đỏ thắm. Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ luôn là tình cảm thiêng liêng quan trọng nhất trong cuộc đời này. Tôi luôn trân trọng và khắc sâu trong tim, bồi hồi xúc động mỗi khi nhớ những tháng ngày được lớn lên nơi quê nghèo, nơi đó có cha có mẹ.


    Khi tôi còn là đứa trẻ lên 5 lên 6, nhà tôi nghèo lắm. Cha mẹ phải làm quần quật cả ngày ngoài đồng chỉ mong sao lo cho con có cái ăn cái mặc và hơn hết phải đeo lấy con chữ. Với cha, từ điệu bộ, dáng đi, cử chỉ…cách dạy con nắn nót từng chữ cái a, b, c... tập đếm số 1, 2, 3… bằng những bài hát tuổi thơ. Mỗi lần làm đồng về, việc đầu tiên là cha bắt đầu kiểm tra bài cũ, chỉ dẫn con từng li từng tí. Nhờ cha mà khi vào lớp 1, tôi trở thành học trò giỏi nhất lớp, dần dần tạo nền vững, sức học của tôi hơn hẳn các bạn trong lớp. Cha vui lắm! Điều làm tôi nhớ sâu đậm nhất là những lần đợi cha ra đồng giăng lưới. Những hôm như thế, tôi ngồi chụm đầu trước cây đèn dầu học bài và cố thức đợi cha. Chỉ cần tiếng động từ đôi dép tổ ong của cha ở ngoài ngõ, tôi chạy ào ra ngay. Khi nhìn thấy từng con cá tươi còn mắc trên lưới, tôi mới yên lòng vô mùng ngủ vì sáng hôm sau đặng có cái mà ăn đi học cho kịp giờ.


    Tôi lại nhớ tuổi thơ yên bình bên mẹ. Dẫu cuộc sống khi xưa có muôn vàn khó khăn vất vả nhưng mẹ luôn cố gắng tất tả ngược xuôi lo cho tôi có cuộc sống tốt hơn. Tiền chẳng có là bao nhưng mẹ nhẹ nhàng an ủi tôi rằng không sao cả. Mẹ đã nuốt nước mắt vào lòng cố giữ cho riêng mình. Nhớ lần mẹ dắt tôi ra chợ huyện, mẹ đứng nhìn khúc vải mà thường mấy chị, mấy cô trong xóm hay may áo bà ba nhưng rồi mẹ vội bước qua và chọn mua cho tôi một đôi giày thật xinh. Tôi lại nhớ cả lần nhận giấy báo trúng tuyển vào một trường đại học ở Sài Gòn. Nước mắt chợt rơi vui mừng ôm lấy con gái của mẹ. Ngày tôi đi Sài Gòn học, mẹ tất bật chuẩn bị mọi thứ, từ hũ mắm, cá khô, mớ dưa điên điển mẹ tự tay làm, những dặn dò ân cần ngày tôi chập chững bước vào đời. Tôi không sao quên được bao kỷ niệm về những năm tháng tuổi thơ bên cha bên mẹ. Đẹp đẽ. Tràn đầy yêu thương.


    Và ai ơi! Tôi vẫn nhớ hoài những câu thơ về cha về mẹ:
    Đi khắp thế gian không ai sánh bằng mẹ
    Gian khổ cuộc đời ai nặng gánh hơn cha.
    Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
    Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
    Tảo tần sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn
    Đưa tấm lưng gầy cha che chở đời con.

    Tác giả: Diệp Linh

    Ơn cha nghĩa mẹ sinh thành
    Ơn cha nghĩa mẹ sinh thành
    Ơn cha nghĩa mẹ sinh thành
    Ơn cha nghĩa mẹ sinh thành
  8. Trên cuộc đời này, người yêu thương và hi sinh cho con nhiều nhất không ai khác hơn chính là Mẹ. Vậy mà chao ôi đã bao lần con muốn ôm chầm lấy Mẹ, muốn nói với Mẹ thật nhiều rằng “con yêu Mẹ” nhưng có bao giờ con nói nên lời. Con biết dù có nói trăm ngàn lần những câu yêu thương ấy cũng chẳng thế nào đủ cho tình yêu thương vô bờ Mẹ dành cho con.


    Thế nên con gái chỉ biết quan tâm, chăm sóc Mẹ và sống thật tốt cho Mẹ yên lòng; còn những lời yêu thương này con xin giữ trong tim mình, con tin rằng Mẹ vẫn nghe thấy dù con không nói thành lời.

    Con thương Mẹ rất nhiều, người Mẹ kính yêu của con. Cảm ơn Mẹ đã cho con được góp mặt mình trong cuộc đời này. Cảm ơn Mẹ đã chịu đựng cuộc sống khó khăn, đói khổ để cưu mang con trong lòng Mẹ. Những giọt lệ Mẹ giấu trong tim để con được chào đời.

    Cảm ơn Mẹ - người Mẹ cam chịu của con. Mẹ đã cố gắng sống tốt bên Cha những ngày không có tương lai. Cảm ơn Mẹ đã bỏ qua cái nghề nghiệp cao quý để sống bên người chồng ghen tuông. Cảm ơn Mẹ đã cố gắng mọi cách để vun đắp gia đình bé nhỏ, đôi tay Mẹ chai sần đi vì những công việc nặng nhọc vậy mà hạt cơm vẫn không trọn vẹn với gia đình.

    Con cảm ơn Mẹ đã dám dứt bỏ cuộc hôn nhân không hạnh phúc để tìm đến ngày mai. Cảm ơn Mẹ đã mạnh mẽ quên đi người chồng không xứng đáng. Suốt đời con chẳng thể quên hình ảnh người phụ nữ gầy guộc, xác xơ bồng đứa con vừa thôi sữa ra đi tìm tương lai. Người Mẹ đơn thân nuôi con thật khổ phải không Mẹ? Vừa làm Mẹ vừa làm cha, con biết đôi vai Mẹ nặng rất nhiều. Mẹ đã cho con biết sống là phải có trách nhiệm với chính cuộc đời mình, không được trách ai như Mẹ chẳng bao giờ than trách những người làm Mẹ khổ. Như chính cách Mẹ dạy con học hành, chẳng bao giờ Mẹ ép con học ngày học đêm để giỏi hơn ai; Mẹ chỉ dạy cho con biết tương lai con phụ thuộc vào những con chữ của ngày hôm nay.

    Cảm ơn Mẹ đã cố gắng trở về với chính mình - một cô giáo yêu nghề. Để rồi hôm nay lòng con xiết bao tự hào về đôi tay Mẹ, đôi tay đã dắt bao bàn tay bé bỏng vào đời bằng con chữ ê-a để rồi biết bao thế hệ học sinh luôn quý thương và kính trọng Mẹ. Mẹ đã truyền cho con biết bao nhiệt huyết vào nghề dạy chữ này. Con học được ở Mẹ cả cách làm một cô giáo tốt, có trách nhiệm và lương tâm với nghề.

    Con yêu Mẹ - người Mẹ nghiêm khắc của con, mẹ đã khó khăn để con không hư hỏng. Cảm ơn Mẹ đã cho con thấy cuộc đời rất nghiêm túc, phải sống cho đúng và chẳng thể đùa vui bỡn cợt với nó. Cảm ơn những lời răn dạy của mẹ đã cho con thấy mọi lí lẽ đúng sai, để rồi con thành người biết lẽ phải. Cảm ơn những đòn roi của mẹ đã cho con thấy cái giá của việc làm sai, để rồi giờ đây con biết nghĩ suy, tránh mắc những lần lầm lỗi. Con yêu Mẹ kể cả những lúc Mẹ hay nóng giận. Những lần Mẹ giận con để con biết con đã sai và con biết sự khó chịu mà con gây ra cho Mẹ. Cũng từ đó con hiểu mình phải làm gì để người khác không buồn giận hay tổn thương.

    Con yêu Mẹ người Mẹ yếu đuối của con. Cảm ơn Mẹ đã chẳng giấu những giọt nước mắt với con để con biết những nỗi đau, nỗi lo, áp lực mà Mẹ phải gánh lên vai. Mẹ cho con thấy cuộc đời này chẳng phải đơn giản như một giấc mơ màu hồng mà nó có cả khó khăn, đau khổ. Mẹ cho con thấy đôi lúc ta phải biết khóc để bớt đau thương, để rồi ta lại sống tiếp. Cảm ơn Mẹ đã cho con được ngồi bên lắng nghe nỗi buồn phiền của Mẹ, được lau những giọt nước mắt ấy.

    Con yêu Mẹ - người Mẹ dịu hiền của con. Cảm ơn Mẹ cho con vòng tay trìu mến khi con mệt hay bệnh tật. Cảm ơn cái áo Mẹ khâu, bữa cơm Mẹ nấu, cái tóc Mẹ chải… cho con sống đến bây giờ, cảm ơn bàn tay không đẹp như con vẫn tả trong những bài tập làm văn lúc bé nhưng đã dắt con qua bao nhiêu đoạn đường của cuộc đời con. Bao mùa lạnh giá lòng Mẹ đã sưởi ấm cho con, bao đêm con gặp ác mộng Mẹ cho con vượt qua nỗi sợ. Bao lần con thất bại, giọng nói yêu thương, động viên, an ủi của Mẹ cho con niềm tin bước tiếp.

    Và còn nhiều, nhiều nữa những điều con yêu Mẹ và biết ơn Mẹ. Mẹ à, con yêu và biết ơn Mẹ - người Mẹ tuyệt vời của con. Suốt đời này con vẫn cần Mẹ yêu thương và che chở dù con có lớn, có khôn thì lòng Mẹ vẫn là nơi ấm áp, dễ chịu nhất. Lúc vui nhất, buồn nhất hay sợ hãi nhất con vẫn nhớ đến Mẹ và cần Mẹ bên cạnh sẻ chia. Con ước mong Mẹ sống mãi bên con để con có chỗ dựa vững chắc trong đời này, để khi vấp ngã con còn Mẹ dắt tay con đứng dậy. Mẹ à, Mẹ không phải là cánh cò lẻ bóng mà Mẹ luôn có con bên cạnh, cuộc đời này Mẹ và con luôn có nhau, chỉ Mẹ con ta thôi đã đủ cho một gia đình hạnh phúc!


    Tố Nga

    Cảm ơn Mẹ!
    Cảm ơn Mẹ!
    Cảm ơn Mẹ!
    Cảm ơn Mẹ!



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy