Top 10 Tản văn viết về hoa cải hay nhất

Phương Kem 196 0 Báo lỗi

Trong các loại “hoa đồng cỏ nội" có lẽ hoa cải là loài hoa được yêu thích nhất. Là loài hoa thể hiện cho gia đình hạnh phúc, vui vẻ, sum vầy và loài hoa này ... xem thêm...

  1. Tôi nghiệm thấy, từ cổ chí kim, thường những lời ca, những giai thoại lịch sử...nói về cây cải, bao giờ cũng gọi về những buồn thương, những da diết làm cho ta mơ hồ nhớ tiếc chỉ muốn hồn cây nhập vào mình mà tấu lên những vần thơ - dù vần thơ ấy quê kiểng, hiền lành, vụng dại có vị đăng đắng, cay cay, ngọt lành của loài cây thực phẩm vừa no lòng mát dạ vừa lãng mạn, trữ tình đã bao đời làm nên nỗi nhớ, niềm thương...


    Cứ cuối mùa hè, bắt đầu có heo may là chị gái lại rủ tôi gieo hạt cải. Những hạt cải màu nâu sẫm, tròn li ti nhỉnh hơn hạt vừng tí chút, được phơi khô từ hồi cuối xuân, đựng vào một chiếc lọ có nút lá chuối, trên gác bếp được lấy xuống. Chị bảo tôi, lấy chút nước ấm ngâm cho hạt nở ra và hôm sau thì gieo vào luống đất đã chuẩn bị sẵn, tơi xốp, mịn màng như rây bột. Ngày nào tôi cũng ra ngắm cây. Con bé hay tò mò là tôi, mê mẩn gọi những mầm cây bé tí, đội trên đầu những "chiếc mũ" màu nâu li ti ấy là "cải nhi đồng" rồi "cải thiếu niên". Chẳng mấy chốc, hai chiếc lá tai bé tẹo, tròn xoe, xanh lục trong veo, nhường chỗ cho những chiếc lá dài nõn nà như những bàn tay nhỏ xíu vẫy gió.


    Những luống cải xanh ngọt con mắt hồn nhiên uống sương giá, nước mưa, khí trời, cả nước mát từ chiếc ô doa của chị em tôi. Và dường như nó biết nghe cả lời ru em ngái ngủ của mẹ vọng ra từ khung cửa, lời ca da diết nhớ thương ai của chị gái tôi hoà trong tiếng thoi...để rồi, cây cải vụt vươn thành những cô cải, chị cải, bác cải đem lại ấm no, hạnh phúc, vẻ đẹp... và cả niềm đam mê cho con người.


    Không hiểu sao, tôi rất thích những phụ nữ tên Cải. Cô Thúy Cải nghệ sĩ nhân dân của đoàn Quan họ Bắc Ninh xinh giòn duyên dáng càng làm tăng tình cảm của tôi!


    Có lẽ vì thế mà tôi luôn có một mặc định: cây cải thì nhất định phải là... "giới nữ ". Thêm nữa, bởi thân cải mềm mại, xinh tươi, hoa hiền lành mà rực sáng, cuốn hút bao ong bướm si tình và giống như người phụ nữ, ngay từ khi sinh ra đã không tiếc thân mình mà tận hiến cho đời tất cả những gì mình có - kể cả chút vị đắng cay.


    Ấy là khi cây cải mọc mầm được tầm ba, bốn lá, chị tôi nhổ tỉa bớt những cây yếu, cho thoáng vườn để làm món ghém cải non.


    Tầm cải lên chừng dăm bảy lá, là có thể "đánh ra" lấy bẹ chuối buộc thành bó, mang bán cho người ta trồng. Ruộng cải, cánh đồng cải bạt ngàn cũng từ đây mà ra.


    Cải quê tôi khác hẳn mọi nơi, nó là thuần giống cổ xưa. Từ khi gieo hạt đến hết đời cây, tầm bảy, tám tháng. Trồng cùng nhau, các loại rau khác đã sẵn sàng cho thu hoạch mà cải vẫn... thiếu niên. Chị tôi cười bảo: cải là loài cây ban đầu chậm lớn, nó tựa như cô gái dậy thì muộn, nhưng tương lai thì rất xinh đẹp, nết na. Ai muốn có nàng phải biết chăm sóc, gắn bó và chờ đợi. Rồi chị đọc cho tôi nghe câu ca của người xưa:


    "Muốn ăn rau cải cho thanh
    Thài lài rau rệu bảnh thành bờ ao".


    Nhà tôi có một mảnh vườn xinh xinh bên bờ Sông Sứ trồng cải. Xung quanh rào bằng dậu tầm xuân chi chit đơm hoa.


    Chăm cải là thú vui của chị em tôi. Cây cải non rất dễ thương, lá xoè như những cánh hoa xanh, xinh xắn. Chùng tôi thường "tỉa la chân" cho khỏi "hãm cây". Mớ rau la non bấy, mềm mại, mang về nấu canh hay luộc. Những ngày cuối thu, đầu đông, cơn gió heo may khô se, làm cho người ta có cảm giác xót ruột. Đánh lờ được mấy con rô, hay bắt được mớ cua đồng ăn màu lúa mà nấu bát canh rau cải thái nhỏ với mắm tép, thêm vài lá gừng tươi, chẳng cần bột canh hay mì chính...Mới chỉ những kể ra thôi, cũng đủ để đánh thức thần khẩu của bao người có tiếng là sành món ăn dân dã.


    Bây giờ đang là tháng chạp ta, cũng là cữ thu hoạch cải. Không nói ngoa, giống cây cải cực kỳ "đại bác" là niềm kiêu hãnh của người làng tôi. Chúng cao tầm bảy, tám mươi phân, thậm chí hàng mét, bẹ to lớn như bốn ngón tay chụm lại, xoà rộng như cái nơm úp cá, có cây nặng sáu bảy cân.


    Ngồng cải nhu nhú tròn lẳn như cổ tay, đem luộc chấm mắm tép, hay xào tỏi, cắn ngập chân răng. Nuốt vào lòng rồi mà vị ngọt ngon vẫn đọng mãi nơi đầu lưỡi, cuối họng. Thân lá còn lại đem rửa sạch, nén cả cây trong chum lớn, ăn đến tận sát mùa hè sang năm, hoạc thái lát, muối xổi, với hành, vàng ươm, thơm nức nở, ăn giòn tan vào dịp tết cho đỡ ngán thịt đông, cá kho. Khi nhà tát ao, có được con cá chép mà om dưa chua thì thật là... đại tiệc!


    Bằng không, dưa chua vắt thật kỹ, chấm mắm cáy, ăn với cơm gạo mùa, hoặc bắt được mẻ cá vụn mà nấu canh dưa với thì là, hành, thêm vài quả cà chua thóc ăn với rau diếp mùa này cũng đâu kém phần... quan trọng ở đời!


    Chị em tôi vốn là kẻ ưa ngon miệng, ngon mắt, ngon mơ mộng, nên với cây cải, ngoài sự cung cấp thực phẩm ngon nó còn là niềm khắc khoải chờ mong của chúng tôi mỗi độ xuân về: mùa hoa cải.


    Thật ra, hoa cải không đẹp sang trọng kiêu sa như lan, đào, mai, hồng cúc...nhưng nhìn vào ta lại thấy đắm say. Không cần chậu hay bình cầu kỳ, cải đẹp hồn nhiên, duyên dáng, mặn mòi, mộc mạc, hồn quê. Mỗi mảnh vườn cải đều lưu dấu một màu vàng bừng sáng trong nắng ấm. Đó là sắc màu của sự mê mải, như kéo, như níu người ta. Đẹp dịu dàng như thế, mong manh như thế, hiền lành như thế và chờ mong như thế; nào ai chẳng day dứt khi bước chân đi!


    Mỗi buổi ra thăm vườn, nhìn những cô cải xanh non phây phây tháng trước, giờ đây đã trở thành những chị cải với chùm lá màu vàng chanh chững chạc mà lòng xôn xao. Tôi mê mẩn với những ngồng cải thô tháp vươn cao, nhưng nó lại đang nâng đỡ hàng chục nhành, hàng nghìn, hàng vạn cánh hoa vàng tươi, nhỏ nhắn, mỏng tang như cánh bướm, thơm mùi thương nhớ, dập dờn, toả hương hăng hắc, nồng nàn cùng Gió Mùa Đông Bắc.


    Sở dĩ tôi đặt tên mùi của loài hoa này là "mùi thương nhớ" bởi nó có lý do riêng.


    Đấy là một sáng mùa đông, cô gái mười bảy tuổi ấy là chị tôi, tiễn một người đi xa. Họ đứng bên một vạt cải trổ hoa vàng do chính tay họ chăm bón. Con Sông Sứ hiền lành soi bóng. Bên kia là bờ sông, là cánh bãi dâu xanh ngút ngàn.


    - Cải ơi, cải ở lại nhé em, cải đừng sang sông, hãy đợi tôi về...!


    Và chiến tranh đã không cho anh giữ được lời hứa.


    Nhành hoa cải anh mang theo đã mãi mãi cùng anh "về trời" trong nỗi nhớ thương vô hạn đeo đẳng suốt một đời trinh nữ của chị.


    Trong một năm, chị chỉ mong sao cho đến mùa đông, người con gái nơi chị ngày ấy, bấy lâu đã thành chị, thành bà. Những buổi chiều muộn, chị thẫn thờ cùng vạt cải ven sông. Những bông cải đẹp hiu hắt buồn. Chị lẩm rẩm đọc lại câu thơ cũ, nhìn cánh bèo đơn côi trôi về nơi vô định, vạt dâu bến sông nay đã xơ xác khác xưa... Một nhành hoa cải rũ xuống chân chị.

    Năm nào hoa cải cũng khóc...!


    Rồi làng quê thành phố thị, con Sông Sứ được khơi rộng ra để phục vụ tưới tiêu và lấy nước sạch cho nhà máy nước.


    Bãi dâu bên sông cũng biến mất, nhường chỗ cho những nhà tầng cao, tầng thấp kín mít và nhấp nhô...


    Chỉ còn vạt hoa cải bên này sông là tương phản, bẽ bàng, lạc lõng bị người đời bỏ quên, đến hẹn, hoa lại về cùng chị bên bến sông này...


    Và rồi, cách đây vài năm, chị tôi cũng lại mang màu hoa cải về trời. Cũng chẳng có "rau răm" để mà chịu lời cay đắng. Tôi cũng theo chồng làm ăn tận xứ xa. Chỉ còn lại mảnh đất trồng cải, bên sông bỏ hoang cho cỏ dại mọc um tùm!


    Ôi! những cây cải, khi mơn mởn xanh hiền lành, lúc nở hoa vàng dịu dàng, mang vẻ đẹp kín đáo, mộc mạc, thuỷ chung mà không kém phần kiêu hãnh của người con gái quê tôi.


    Bây giờ, giống rau cải cay, cho thức rau ngon và hoa to đẹp ngày xưa của làng tôi, gần như mất giống. Người ta ưa trồng những loại cải, cây nhỏ xíu, gieo thẳng, ngắn ngày, có loại cuộn tròn tựa như rau bắp cải. Cải giống mới, nhập ngoại, năng suất, nhưng ăn ít đậm đà và hoa thưa thớt khẳng khiu. Nhưng bù lại, cải được trồng đại trà, chuyên canh, lấy rau và lấy hạt xuất khẩu chế dầu ăn.


    Không ít lần, tôi mời bạn bè về thăm quê giữa mùa hoa cải. Chúng tôi rủ nhau về xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư Thái Bình - nơi có cánh đồng cải đại ngàn ven sông Hồng.


    Những người ngắm cảnh, những thợ săn ảnh, những cặp nam thanh nữ tú, chán chốn đô hội, đua nhau tìm về.


    Nhìn em gái mắt trong veo, nụ cười rạng rỡ, áo dài thướt tha tạo dáng trên đồng hoa bồng bềnh như nàng tiên, để "chàng phó nháy" của em quay video, chụp hình mà thấy lòng mình như bay bổng cùng tuổi nụ, tuổi hoa căng mọng hạnh phúc của em.


    Gió từ Sông Hồng lồng lộng thổi, mùi hoa nhớ thương đẫm tiếng cười của các cặp trai tài gái sắc, đã làm thức dậy vẻ đẹp đặc trưng của hồn làng ven sông nói riêng khu vực đồng bằng Bắc bộ nói chung.


    Chị bạn tôi người Hà Nội gốc không ngớt trầm trồ:
    - Cảnh đẹp lãng mạn hơn cả trong phim. Chưa bao giờ thấy cảnh thảm vàng hoa rực rỡ như này...


    Tôi mê cây cải đến mức, nhiều khi vẩn vơ, rất hay tọc mạch về những gì liên quan đến nó. Đã có lần, tôi đọc được một giai thoại lịch sử về cây cải, rau răm và lời của một bài ca. Tôi không tin lắm vào câu chuyện buồn của hoàng tử Cải và bà phi tên Răm, trong cuộc trốn chạy quân Tây Sơn ra đảo, thời hậu Nguyễn mà trở thành "nhân vật" chính của bài ca ai oán làm xót lòng của con người bao thế hệ.

    Người xưa thực tế, giản dị mà sâu sắc lắm. Nên tôi lại có chút nghiêng sự ủng hộ về một ý kiến nhận định thế này: cải là loại rau chủ lực trong bữa ăn, được trồng hàng vườn, hàng cánh đồng, trong khi Răm chỉ được coi như một thứ rau gia vị, được trồng nhiều lắm là một đám con con trong vườn, dùng nhiều lắm cũng chỉ dăm ngọn cho vào bắp cải muối, hoặc một đĩa con đôi ba ngọn ăn kèm trứng vịt lộn. Vì thế mà có câu ca dao như thế nói về sự “phân biệt” đối xử. Cải được lên Trời còn Răm suốt đời ở đất...


    Và bạn đọc của tôi!


    Tôi biết, bạn cũng đang có chính kiến của riêng mình...!


    Mùa hoa cải năm nay lại đến, tôi nhớ quê; nhớ chị gái mình; nhớ mảnh vườn xưa xinh đẹp với vô vàn kỷ niệm buồn vui; nhớ câu chuyện buồn gắn liền với mùa hoa định mệnh của một kiếp người; nhớ cánh đồng hoa cải huyền thoại đẹp như tranh ven Sông Hồng; nhớ những bài khảo cứu, tranh luận về những lời ca...mà bất giác rưng rưng nhẩm đọc câu ca:


    Gió đưa cây cải về trời
    Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.

    Phạm Ngọc Tâm Dung

    Gió đưa cây cải về trời
    Gió đưa cây cải về trời
    Gió đưa cây cải về trời
    Gió đưa cây cải về trời

  2. Khi đông tới với cái se se lạnh và nắng vàng hanh hao là thời điểm hoa cải vàng bung nở khoe sắc. Vào thời điểm này, tại một số vùng ngoại thành Hà Nội, những cánh đồng cải đang đồng loạt bung sắc vàng khiến cho cả vùng đẹp rực rỡ, tựa như một tấm thảm màu vàng. Và đây đã trở thành điểm đến của nhiều bạn trẻ chụp ảnh, cùng nhau ngắm nhìn hoa cải và tìm về một tuổi thơ êm đềm…


    Trên cánh đồng hoa cải vàng tươi, thiếu nữ cúi xuống vuốt ve lên chùm hoa cải, giọng khe khẽ hát: Có một mùa hoa cải, nở vàng bên bến sông/Em đang thì con gái, đợi anh chưa lấy chồng/Có một mùa hoa cải, nắng vàng trong mê mải, cầm tay anh bối rối, anh nói lời yêu thương…. Người bạn trai đi đến bên hát tiếp: Anh nói rồi anh đi, chiến tranh không ước hẹn/Sợ làm con bướm trắng, thẫn thờ chiều ven sông/Thế rồi anh xa em bao mùa vàng rực nắng, đợi anh mặc hoa trôi, đợi anh trong khắc khoải, thư đi không trả lời/Buồn thương hoa héo hắt, ai cũng bảo phải quên em đành bước sang ngang, gửi mùa xuân ở lại, gửi con tim cháy mãi cho người mình chờ mong...


    Nghe tiếng hát mùi mẫn của đôi bạn trẻ trên bãi sông bạt ngàn hoa cải, tôi thấy lòng mình xốn xang lạ kỳ. Nhìn cánh đồng hoa cải, tôi chợt nhớ tới ngày xưa ấy, hôm tiễn anh lên đường, vườn hoa cải từ tay mẹ trồng tươi vàng sắc nắng rung rinh. Thế rồi một ngày xa anh, hoa cải buồn hiện về qua ô cửa. Nắng nghiêng rơi cuối con đường nhỏ, có phải anh xô nghiêng một đời em? Em đâu dễ vội quên nụ hôn thẹn thùng lối xưa ngập màu hoa cải, những kỷ niệm ngập tràn trên cánh đồng no gió, theo cánh diều bay mãi vào ước mơ.

    Trước tháng Chạp, mẹ gieo hạt cải trên luống đất dài. Cải lớn dần thì nhổ bớt, dùng lạt tre bó từng bó nhỏ mang ra chợ bán hay luộc qua nước muối cho vào vại để chua ăn dần và còn lại là những thân cải to xốp, vươn cao, lá dày, hạt dày để dành lấy hạt. Lúc ấy, sang xuân là cả một mùa hoa cải ngồng đơm bông kéo theo hàng bướm, từng cánh chuồn đỏ ối chao lượn trong thảm hoa vàng. Mỗi mùa cải ngồng qua đi là từng chùm hạt lắt lay theo gió để mẹ cắt ngọn mang về phơi trên sân nắng đợi khô giũ hạt giữ giống cho mùa sau. Tôi không nhớ mình đã qua bao mùa hoa cải ngồng và cũng không thể đếm xuể bao nhiều gánh nước oằn vai mẹ từ triền sông chang nắng đi dần lên những vạt hoa cải vừa nhú mầm trong nắng xuân về. Đêm xuống. Con thuyền neo lại giữa sông. Ngọn lửa bếp trên mui thuyền hắt một vầng sáng dịu dàng xuống mặt nước.

    Thỉnh thoảng có đêm chợt thức giấc, tôi cảm thấy một cái gì chập chờn, quấn quít ở đâu đây. Không phải tiếng nước sông chảy trong đêm, không phải tiếng reo của ngọn lửa, không phải hương ổi chín từ bãi sông đưa lại, cũng không phải tiếng gọi nhau của bầy chim ri từ những lùm dứa dại ven đê. Một cái gì đấy chợt đến, chợt đi. Đêm lạnh nhưng trời có trăng. Tôi ngồi xuống bên cạnh luống hoa. Đôi tay tôi nâng khẽ những chùm hoa cải ướt sương. Một ngọn gió lướt qua những bông hoa đong đưa chạm vào má tôi. Người tôi run lên. Những bông hoa nhảy múa và trò chuyện với tôi. Tôi khẽ áp đôi môi mình vào hết chùm hoa này đến chùm hoa khác. Dòng sông như dừng chảy, im lặng lắng nghe, rồi bỗng trào lên những ngọn sóng reo vui.

    Đêm nay, xa bãi cát sông Hồng, bỗng thấy nhớ lạ lùng một loài hoa có mùi hăng nồng cùng ngai ngái phù sa của đất trong rơm mục thoảng bay theo gió vào những mùa cải ngồng đơm bông. Mùa của loài hoa quen thuộc chợt nhớ, chợt quên của quá khứ và hôm nay nở vàng tươi triền sông cũ.

    Tác giả: Minh Nguyệt

    Mùa hoa cải trong tôi
    Mùa hoa cải trong tôi
    Mùa hoa cải trong tôi
    Mùa hoa cải trong tôi
  3. “Có một mùa hoa cải, nở vàng trên bến sông.
    Em đang thì con gái, đợi anh chưa lấy chồng.
    Có một mùa hoa cải, nắng vàng trong mê mải,
    Cầm tay em bối rối, anh nói lời yêu thương…” (1)


    Bài thơ và ca khúc hình như đã trở thành một khắc khoải “kinh điển” cho mỗi mùa hoa cải xôn xao về phố Hà Nội qua những hẹn hò xao xuyến tình đầu hay hoài niệm ký ức tình xưa. Mà cũng không biết từ bao giờ mùa hoa cải ven sông Hồng đã trở thành một địa chỉ “check in” không chỉ của giới trẻ Hà thành mà còn của khách phương xa đền Hà Nội…


    Có phải từ một truyện ngắn nổi tiếng “Mùa hoa cải bên sông” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, được viết cách đây gần 30 năm, sau đó đã dựng thành phim truyền hình “Lời nguyền của dòng sông” do Khải Hưng làm đạo điễn, từng đoạt giải vàng Liên hoan phim truyền hình quốc tế tại Bỉ năm 1993, một câu chuyện tình đẹp đến nghẹn lòng bởi sự trắc trở đắng đót… Và từ đó mà mùa hoa cải ven sông Hồng đã như một mùa hẹn hò, mùa tình yêu, mùa của thương nhớ phố Hà Nội đang dịch chuyển về phía mùa xuân.


    Những ngày cuối đông, cảm giác lớp mây thấp vơ vẩn quẩn quanh trên những ngọn tháp các tòa cao ốc, đang cố thả nốt hàng triệu triệu sợi rét buốt bằng từng đợt gió mùa đông bắc, không gian vương màu tro lạnh ảm đạm, vạn vật im lìm ngủ triền miên trong giá băng , phố hư ảo từng mái nhà xám rêu, từng bóng người liêu xiêu ngõ nhỏ…


    Nhưng chỉ cần nhích chút ra vùng bãi giữa ven đê sông Hồng, là như lạc vào vương quốc của hoa cải với màu vàng nắng rực rỡ, mê mải từng vạt dập dờn lượn sóng theo làn gió, đẹp đến xao xuyến tâm can, để khó mà rời ánh mắt, để khó mà dợm bước chân ngoảnh mặt đi, để khó mà cưỡng được ham muốn xà vào khoảng vàng rợn ngợp kia mà hít hà hương thơm hăng hắc cay nồng, mà rạo rực giang tay muốn ôm hết đề tận hưởng cho thỏa khao khát…


    Làm sao có thể quên những vười hoa cải ven sông Hồng, giăng mắc tương tư cả miền thương nhớ phố Hà Nội. Mỗi vườn hoa cải là một cung bậc cảm xúc, vườn Thạch Bàn- Long Biên đắm đuối nồng nàn cháy bỏng; Mấy khu vườn bên Gia Lâm là cả trời yêu như vườn Yên Viên xao xác thầm thì tình tự, vườn Bình Trù quyến rũ thôi miên ong bướm dập dìu, vườn Phù Đổng lãng mạn ngọt ngào say đắm, vườn Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Trâu Quỳ xôn xao tận hiến si mê; Vườn ven sống Đuống nôn nao da diết đằm sâu…


    Trong hun hút loang mải mê gió, ngắm những thảm hoa vàng nắng tít tắp mắt nhìn, có chút bâng khuâng nuối tiếc ngay cả khi chưa tạm biệt để về phố. Đã có ai từng một lần hỏi tại sao những vườn hoa cải tháng Giêng, gắn với bến sông Hồng ven đô Hà Nội lại mang vẻ đẹp lộng lẫy mê hồn đên thế, sắc vàng nắng ấm áp mê hoặc bao nôn nao tình đầu, bao hoang hoải hoài nhớ tìm về.


    Phải chăng, những mải miết mênh mông hoa cải trong gió bấc, bạt ngàn hoa cải trong lất phất mưa phùn, chếnh choáng hoa cải trong sắc nắng trưa mỏng mảnh, rung rinh phiêu ảo hoa cải trong sương chiều bãng lãng…, đã làm cân bằng bao chênh vênh tâm hồn giữa khoảnh khắc giao mùa cuối đông chạm vào xuân?


    Phải chăng, hương hoa hăng nồng mạnh mẽ tỏa ra lấn át cả khoảng không rét buốt tê cóng, cho cảm giác ấm áp quyến rũ lạ kỳ, cho tan chảy những hóa thạch của ký ức?


    Tôi đã ngược nắng phươg Nam, ra Hà Nội đúng vào những ngày đông giá buốt như kim châm, chỉ vì tương tư mùa hoa cải vàng ven bãi giữa sông Hồng và hình như có cả nhớ em Hà Nội phố.


    Vâng! Em rất lạ. Tôi nhớ mùa hoa cải năm trước, em đưa tôi xuống vườn cải Thạch Bàn mạn Long Biên, khi về, em ôm theo một bó hoa cải vàng tươi, từng chùm hoa cánh nhỏ xíu mỏng trong đính trên những cọng xanh nõn mềm mại.., rồi em cắm hoa vào chiếc bình gốm Bát Tràng men xanh ngọc. Một vẻ đẹp thanh nhã của hoa cải mà không dễ gì ai được ngắm, loài hoa mộc mạc chân quê thường chỉ ở ngoài ruộng ngoài vườn rau, nay tỏa sắc trong căn phòng khách lịch lãm của gia đình em ở phố cổ.


    Không biết có phải năm nay cuối đông có chút khắc nghiệt, các loài hoa cảnh mùa xuân gần như đều được “ủ ấm” trong các nhà vườn, nhưng những vườn cải ven sông Hồng thì cứ rực lên kiêu hãnh với màu vàng sáng ấm áp như tỏa nắng, làm tan loãng cả màn sương xám ẩm mở mịt, làm cho ngọn gió bấc cũng như ngập ngừng rẽ ngang khi chạm vào những vạt hoa cải ngút ngát tầm mắt.


    Tôi và em Hà Nội phố có khoảnh khắc lạc vào mê mải giữa vườn hoa cải, tay trong tay, môi chạm môi, bỏ rơi mùa đông ngoài bờ sông Hồng kia đang ù ù gió…


    Và tôi thầm thì câu hát:
    “Có một mùa hoa cải, nắng vàng trong mê mải,
    Cầm tay em bối rối, anh nói lời yêu thương…


    Hoài Hương

    Có mùa hoa cải thương nhớ phố
    Có mùa hoa cải thương nhớ phố
    Có mùa hoa cải thương nhớ phố
    Có mùa hoa cải thương nhớ phố
  4. Khi vừa hết tết, chúng tôi mới lại về quê. Về quê dịp này là đông vui nhất bởi lúc đó làng tôi rộn ràng chuẩn bị cho ngày tế họ tổ tiên. Quê tôi, tế họ còn to hơn cả tết vì đó là ngày mà đông đủ con cháu khắp nơi trở về dâng hương lên tiên tổ, để nhận họ, nhận quê, để tìm về nguồn cội. Những ngày đó, làng ngập trong sắc vàng hoa cải. Không nhiều thì ít, mỗi khoảnh vườn đều lưu dấu một màu vàng chới lên trong nắng ấm cuối xuân rộn ràng.


    Tôi vẫn nhớ ngôi nhà đó, một ngôi nhà nhỏ nằm sát bờ đê và con đường nho nhỏ được tạo ra bởi những lối đi trên cỏ rẽ vào ngõ nhà ông giáo già mùa này là đẹp nhất. Ai cũng bảo nhà ông giáo cũng kì, nhà chỉ mỗi hai ông bà, ăn uống nhiều nhặn gì đâu mà năm nào đến mùa cũng trồng nguyên một vườn cải. Rau ăn không hết trổ ngồng nguyên một vườn rộng.


    Tôi vẫn thường tò mò về điều đó nhưng chưa một lần có dịp để hỏi. Mỗi lần về quê, tôi vẫn hay sang nhà ông giáo, khi thì đưa cho ông đôi cuốn tạp chí văn nghệ, khi đôi ba cuốn thơ hội viên tặng cho ông đọc hằng ngày. Ông giáo là người thích văn thơ nên cứ mỗi lần gặp nhau chúng tôi hàn huyên chuyện văn chương cả ngày không dứt.


    Một lần chúng tôi cùng ngồi uống nước chè xanh và nhâm nhi hạt mứt, chúng tôi luận bàn về hoa cải. Vườn nhà ông giáo rộng. Bà giáo vẫn thường hái rau xuống chợ mỗi ngày. Khi thì mớ mồng tơi, khi bó rau muống, nạm mơ lông dọc bờ rào nhưng tuyệt nhiên bà giáo không bán rau cải. Vườn cải cứ thế xanh tốt mỡ màng. Chúng tôi có bàn về màu sắc của loài hoa giản dị này. Tôi không hiểu sao trong cảm nhận của mình màu hoa cải vàng thế kia lại cho ta một cảm giác tiếc nuối hoang hoải nào đó, phải chăng tại nó nở rộ vào dịp đã vãn xuân rồi nên mới có cảm giác dùng dằng không dứt. Những lúc đó, ông giáo chỉ lặng lẽ cười. Ông bảo ở quê, người đi xa bao lâu mới trở về cứ nhìn thấy hoa cải vàng là có cảm giác gần gũi thân thuộc. Bởi đó là loài hoa của quê nhà. Loài hoa của nỗi mong mỏi nên dẫu có có là cả cánh đồng nó cũng mang trong mình một nỗi buồn mê mải nào đó.


    Có màu sắc của sự mê mải? tôi hỏi. Mới đầu ông giáo cười: trồng cải vừa là để tăng gia lại vừa có hoa để chơi tại. Bà giáo thích hoa cải nên ông chỉ chờ đến mùa để tặng cho bà ấy cả một vườn hoa. Nhưng sau khi đã trở nên thân thiết rồi tôi mới biết đằng sau khu vườn hoa cải đó còn có một câu chuyện buồn thương không nói hết của gia đình ông giáo: khi bà nhận được tin người con duy nhất của mình đã hi sinh ở cuộc chiến tranh biên giới phía bắc trong cuộc Tổng động viên toàn dân lịch sử tháng 2 năm 1979, bà giáo già đã quỵ xuống không dậy được nữa. Đến khi bà tỉnh dậy, nhìn qua ô cửa sổ bà thấy bóng con về trong vườn nở vàng hoa cải vàng rực rỡ. Từ đó, bao nhiêu năm trôi qua, mỗi mùa đông sang ông bà đều trồng cải. Con ngõ dẫn vào nhà của ông bà sang xuân đều bao giờ cũng ngập vàng hoa cải. Đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao sắc vàng hoa cải nó cứ rười rượi buồn. Màu vàng như níu kéo, lại như dùng dằng, lại như chờ đợi mê mải.

    Tôi mang theo nỗi niềm của ông bà giáo về phố. Những bức ảnh hoa cải vàng rực lên trong máy tính của tôi làm tôi bồi hồi. Đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao có màu sắc được gọi tên là màu mê mải và tại sao sắc vàng hoa cải lại rười rượi buồn đến thế. Màu vàng như níu kéo, như chờ mong, như thảng thốt bồi khiến lòng ta day dứt. Suy cho cùng mỗi loài được có mặt trên đời đều mang một thông điệp, một ý nghĩa ý nghĩa sâu sắc đối với những người yêu thương nó. Như hoa cải, giản dị và dân giã thôi nhưng đó lại là loài hoa mà ông bà giáo già yêu thích nhất.


    Lâm Lâm

    Thế là hoa cải vàng bông
    Thế là hoa cải vàng bông
    Thế là hoa cải vàng bông
    Thế là hoa cải vàng bông
  5. Bây giờ đã là mùa hoa cải. Mùa làm cho tôi, gã trai chạm tuổi ba mươi nhớ đến cuồng đến dại. Mùa một thời tôi từng mê mải, nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ bằng những vạt nhớ vàng hươm. Ký ức tràn dòng, đưa tôi về ngày thơ ấu. Có ai về cùng tôi, thăm cánh đồng hoa cải?!


    Đó là cánh đồng đẹp nhất trong ký ức của tôi. Cánh đồng hoa cải chẳng thênh thang, thẳng cánh cò bay như cánh đồng lúa, chẳng bạt ngàn tít tắp như cánh đồng ngô. Đó chỉ là cánh đồng be bé xinh xinh, thoai thoải giữa triền sông bên dòng nước chảy hiền hòa. Chẳng cần canh ngày, canh tháng, trời trở lạnh mẹ lại mang hạt cải ra gieo. Qua những ngày cải mọc mầm, ngoi lên những chồi xanh mướt mắt, qua thêm mấy cơn bấc, cải ngồng lên một màu vàng kỳ diệu.


    Dấu chân tuổi thơ tôi in khắp lối đồng cải, rịn vào cát sông, bên gốc cải đang rung rinh trước gió. Nhớ những sớm mai, sương còn ngái ngủ, tôi theo mẹ đi tưới tắm cho cây. Cải mỉm cười khi ngậm nước sông trong vắt, tôi cười lại khi thấy nó cười chào tôi. Mẹ chiều lòng đứa con út bé bỏng, ra thợ hàn sắm cho tôi một chiếc ô doa bé xíu. Sung sướng đến vô cùng, tôi nghĩ mình là một nông dân thực thụ nhưng đám bạn lại cười vang khi thấy bạn mình “lạc lõng” giữa cánh đồng hoa. Tôi mặc kệ, thấy mình hạnh phúc mỗi ban mai, chịu trách nhiệm với cây cải mình chăm sóc.


    Cánh đồng cải in dấu bao vui buồn, tủi nhọc. Người dân quê chẳng ai ngại ngùng khi sẻ chia. Là câu chuyện đời thường vụn vặt, là trở trăn sau mỗi mùa gặt, lúa mang về liệu có bán được giá không? Tôi thấy trên khuôn mặt họ những sự thật lòng, chẳng dối gian, toan tính bon chen với điều to tát hay nhỏ nhặt. Tất cả hóa yêu thương bên cánh đồng hoa cải.Trong cái nắng hanh hao của mùa, cải vàng rực, tươi mới, sáng bừng lên những gam màu hy vọng. Những ô cải xanh ngăn ngắt, lấp ló muôn vàn chùm nụ li ti kiêu hãnh, mời gọi. Tôi đã để quên trâu của mình khi đứng giữa mùa hoa cải, giấc mơ về cánh đồng cổ tích hiện hữu như thực như mơ. Chẳng thể nào nhấc chân nổi trước vẻ đẹp tinh khôi của loài hoa đồng nội này. Lũ chúng tôi, những đứa trẻ mục đồng, ùa vào giữa cánh đồng ôm lấy những cánh hoa vàng, hít hà hương cải tràn đầy lồng ngực. Bạn nữ cười toe toét tết những ngồng cải làm trò cô dâu chú rể, còn cậu nam ra dáng một nhiếp ảnh nghiệp dư khum tay trước mắt, chỉ đạo đám bạn tạo dáng. Lũ chúng tôi tạo ra muôn hình vạn dạng, tiếng cười vang vọng cả một khoảng không.


    Cánh đồng hoa cải dệt lên những ký ức màu hồng, ngọt ngào và tinh khôi quá đỗi. Như cải quê, chúng tôi lớn lên giản dị, không một lời đòi hỏi, phiền than. Rồi khi xa quê, cải tan trong dòng nhớ vàng rực miên man vô tận. Mệt mỏi, ưu phiền, tôi chỉ muốn về bên cánh đồng hoa cải, rũ âu lo sầu muộn ở trong lòng. Có ai về cùng tôi, thăm cánh đồng hoa cải? Dẫu một chút thôi, để được sống lại cùng ký ức. Trong rét mướt của mưa đông hay nắng hanh hao khô khốc, cải vẫn vàng rực lên một sắc màu ấm áp, sưởi cõi lòng lạnh giá của những con người xa quê.


    Tản văn của MAI HOÀNG

    Ai về cùng tôi, thăm cánh đồng hoa cải
    Ai về cùng tôi, thăm cánh đồng hoa cải
    Ai về cùng tôi, thăm cánh đồng hoa cải
    Ai về cùng tôi, thăm cánh đồng hoa cải
  6. Có một loài hoa mang tên thật bình dị: Hoa cải. Giữa nắng xuân, hoa như cô thôn nữ hồn nhiên khoe sắc, đung đưa trong gió nhẹ. Một chiều lang thang nơi cuối dòng sông Mã, bắt gặp bên vệ sông sắc vàng rực rỡ khiến lòng bỗng bồi hồi, nhớ về ký ức xa xăm...


    Khi từng tia nắng xuân vàng tươi sưởi hơi ấm xuống muôn vật cỏ cây cũng là lúc những mầm cải non tơ hé nở. Không gian như bừng lên sức sống, những luống cải trở mình hân hoan trong nắng mới sau giấc ngủ đông. Lúc bầu trời ấm áp hơn cũng là lúc những bông cải nở hoa vàng ruộm. Gió đưa thoang thoảng mùi hương đặc trưng của một loài hoa quê cứ ngập ngừng trong mỗi bước chân qua, để rồi dù đi xa vẫn còn nhớ mãi cái hương ngan ngát cùng sắc màu li ti ánh trong mỗi chiều hoàng hôn...


    Với tôi, không biết tự bao giờ, hoa cải cứ vấn vương gợi hoài niệm về một thời dĩ vãng, nơi đó có dòng sông quê chảy qua, là nơi tuổi thơ chìm đắm trong những trò chơi con trẻ trốn tìm trên những vườn cải mênh mông ở bãi bồi ven sông. Nó mong manh như cánh bướm vẫn chập chờn bay vào giấc mơ tôi trong những đêm trăng. Đó là nơi lũ trẻ chúng tôi vui đùa chơi trò đám cưới, hồn nhiên gắn những cánh hoa vàng trên mái tóc để rồi rơi rụng theo bước chân ai mỗi chiều, là nơi cô bé hàng xóm có đôi mắt bồ câu trong biếc khóc nhè khi những vòng hoa kết duyên rơi mất, để bây giờ nhớ lại vẫn còn tiếc nuối, bâng khuâng...


    Tôi vẫn thường mơ thấy mình trở về tuổi thơ, lạc vào cánh đồng cải vàng trải dài như vô tận, trở về với triền sông rực rỡ sắc vàng, lòng chợt nao nao... lại được rủ nhau đi tưới nước, bắt sâu trên những luống cải để rồi lúc ra về, hương hoa hay hương của đất trời dệt cả vào áo, vào người và thơm mãi những bước chân. Giữa mênh mông hoa, cảm thấy mình thật bé nhỏ, những vướng bận trần gian bỗng rời xa chỉ còn lại một màu vàng đầy quyến rũ và một mỗi niềm xao xuyến miên man...


    Quê tôi mùa này sắc hoa bắt đầu rực rỡ, đi qua triền sông, lắng nghe trong gió thoảng mùi hương bài hát năm nào “Có một mùa hoa cải nở vàng trên bến sông...”, chợt thấy lòng lắng lại, cô bé năm xưa nay đã lấy chồng, giờ chỉ còn lại mùa hoa cải giêng hai...


    TRẦN ĐỨC TUẤN

    Hoa cải mùa xuân
    Hoa cải mùa xuân
    Hoa cải mùa xuân
    Hoa cải mùa xuân
  7. Tôi sinh ở một miền quê có triền sông giăng mắc nắng xôn xao. Gió quẩy ấm kén vàng bông cải. Vịn câu ca dao tôi tìm về đồng xa của mẹ trong niềm hoài mong da diết và những ký ức đẹp đẽ dọc mùa cải vàng mê mải đồng xa.


    Trong vô vàn giống cải tôi ấn tượng nhất là vẻ đẹp của cải ngồng. Loài cải khoác áo lá xanh rờn, thân bẹ trắng còn hoa thì thả chiều vàng rộm trên bến sông hay những bờ xôi ruộng mật trải ngút mắt tới chân trời. Tôi như bị thôi miên bởi nét đẹp hoang sơ, tinh khôi và quyến rũ của chúng. Ngồng cải mập mạp, búp đơm nụ ngọt ngào và chúm chím như hạt tấm chỉ qua một đêm, những cánh hoa đã bung lụa, nhụy vàng tươi trước gió xuân nồng hương hoa cỏ. Cánh hoa mỏng, mềm mại, chênh chao, làm sắc áo tháng giêng thanh tân, rực rỡ. Bướm vàng, bướm trắng rộn ràng mùa hôn phối, chao lượn trên cánh hoa xuân căng tràn sức trẻ. Phải tinh lắm ta mới nhận ra mùi thơm ngọt thanh của đất phù sa châu thổ hanh hao, vị the nồng hăng hăng của giọt mồ hôi, của hồn quê trong hoang hoải lối về để sà vào đồng cải của mẹ mà hít hà cho thỏa.


    Tháng Giêng đang xoan, hoa cải ngồng đương độ. Hoa thắm cho em, cho ta, cho đời thơm thảo. Hoa mang màu nắng tượng trưng cho sự ấm áp và tràn trề năng lượng, sức sống mạnh mẽ để chống chọi với ngày đông rồi âm thầm đợi giêng đơm hoa, kết trái xênh xang. Hoa cải mang vẻ đẹp thuần khiết, thanh nhã và dung dị của cô gái thôn quê, như mọc lên từ lòng hiếu thuận và yêu thương đong đầy, thắp niềm tin về tình người hồn hậu.


    Bà tôi kể, ngày mẹ sinh tôi bông cải ngời lên sắc vàng của rực rỡ giữa giá lạnh của mùa đông khô khốc. Ngày tôi vào lớp một, mẹ dậy cùng tiếng gà, chở cải ngồng đi bán trên chợ huyện cách nhà 5 cây số để lấy tiền mua quần áo, sách vở cho tôi. Cải ngồng héo giữa chợ trưa - rắt rẻo nỗi buồn nắng mưa đong đầy quang gánh mẹ. Sao rẻ rúm côi cút giữa chợ đời đến vậy… Ngày tôi vào đại học, mẹ bảo: “Con lớn nhanh quá, y như bông cải vào mùa đơm hạt”. Tôi bịn rịn, lưu luyến chia tay mẹ, bông cải vàng run rẩy vẫy vẫy y như lời tạm biệt và khắc khoải đợi mong ngày hạnh ngộ đón tôi về. Dáng mẹ gầy như sợi nắng nhỏ nhoi, hút trong bóng hoàng hôn tắt lịm. Thế đấy! Đứa trẻ như tôi lúc nào cũng háo hức mong mình nhanh lớn để được tự do bay nhảy, để khám phá thế giới rộng lớn và kỳ diệu. Vậy mà khi thành người lớn rồi tôi lại hối tiếc tuổi thơ đẹp đẽ, hối tiếc những mùa vàng nồng ấm yêu thương bên mẹ.


    Ngày tôi biết yêu, mối tình đầu tan vỡ, đất trời như sụp đổ. Tôi, cô gái có đôi mắt hút hồn màu nắng đã khóc ròng như mưa, trái tim quặn thắt. Tôi nhớ mẹ, nhớ rặng phi lao triền đê vi vút, vắt vẻo tiếng sáo diều, nhớ đồng cải vàng an nhiên quay quắt. Tôi vịn vào đôi vai gầy của mẹ mà đứng lên.


    Tôi đã đi qua bốn ba mùa cải vàng mê mải: Mê mải lớn, mê mải học hành, mê mải kiếm tìm hạnh phúc giữa dòng đời mê mải trôi đi. Để rồi khi xa quê đứng giữa đồng cải vàng nơi quê người tuyết trắng lại chạnh lòng, lại chung chiêng nhớ bát canh cải nấu cua ngọt lòng của mẹ, nhớ vị dưa chua giòn ngày Tết rối bời nỗi tha hương gọi tuổi thơ tôi mê mải ùa về.


    Mẹ tôi rặm ruội, lui cui đồng chiều như bông cải liu riu hắt nắng lên thời gian lặng lẽ. Mẹ thắp lên hy vọng về chúng tôi - những đứa con lăn lác đầy nhựa sống của đất đồng lấm láp. Mẹ gói tuổi thơ tôi lêu lổng đầu trần, trôi theo mùa vàng bông cải, trôi theo tảo tần, hy sinh cháy lên từ sự dâng hiến, vị tha và bao dung của mẹ. Đời mẹ như gồng cải thơm thảo, ngọt lòng và cả chua chát, đắng cay.


    Mùa nối mùa bước chân hối hả. Tháng Giêng rộng dài rồi ngày cũng tận. Cải xao xác tàn hoa. Thương phận rau tận hiến hết mình như đời mẹ với bờ bãi quê hương. Mẹ tôi đã về bên kia đồng hoa cải nhẹ nhàng như dòng sông trở về với biển bao la. Năm anh em tôi trưởng thành trên cánh đồng tri thức như ước vọng, mong mỏi của người. Tôi rơi về cánh đồng tháng Giêng mùa vàng bông cải. Luênh loang tiếng mẹ gọi tìm mê mải đồng xa.


    Khương Thị Mến

    Cải vàng mê mải đồng xa
    Cải vàng mê mải đồng xa
    Cải vàng mê mải đồng xa
    Cải vàng mê mải đồng xa
  8. Thời gian có thể vô tình phủ bụi lên kí ức. Làng ven sông quê tôi giờ có nhiều nhà cao tầng nhưng cánh đồng hoa cải thì vẫn thế, vẫn rung rinh, xao động như một biển vàng vào đầu xuân. Mùa hoa cải ven sông đã trở thành miền kí ức hoang hoải trong tim những người con xa quê như tôi.


    Sau những ngày đông dài ủ ê, ảm đạm, hơi thở mùa xuân đã làm bừng sáng cả không gian, đánh thức vạn vật, cây cỏ. Tháng Giêng, đầu xuân cũng là thời điểm để những vạt hoa cải còn lại bung nở khoe hết vẻ đẹp trước khi kết hạt và tàn phai. Dạo bước trên con đê nhỏ dẫn lối vào làng, giữa những bông cỏ may bám đầy chân, tôi như vỡ òa trong niềm ngây ngất khi được chiêm ngưỡng cả cánh đồng hoa cải vàng ruộm, rung rinh trong gió nhẹ.

    Nếu chỉ ngắm riêng một bông cải ta sẽ chẳng mấy ấn tượng nhưng lạc vào giữa biển vàng mênh mông với vô số cánh hoa mỏng manh đang nghiêng ngả làm duyên cùng nắng gió, khó ai có thể kiềm lòng. Những bông cải nhỏ bé khoác tấm áo vàng tươi cộng hưởng cùng nắng xuân khiến cho đất trời như được thay áo mới, được thổi đầy sinh khí. Không có vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy để trưng bày, hoa cải mộc mạc nở dọc nơi bến sông. Mẹ tôi thường nói, hoa cải dân dã nhưng có nét duyên thầm kín đáo giống như người con gái thôn quê. Giữa một bãi đất hoang, hoa cải mạnh mẽ, kiên cường vượt nắng gió, lặng lẽ dâng cho đời sắc hương. Nhẹ nhàng, mong manh là thế nhưng hoa cải vẫn làm mê đắm lòng người, làm xao xuyến bao trái tim. Chẳng thế mà loài hoa ấy đã đi vào thơ ca thật tự nhiên mà tình tứ:

    Có một mùa hoa cải
    Nở vàng trên bến sông
    Em đang thì con gái
    Đợi tôi chưa lấy chồng

    Ngày bé, nhà tôi ở ven sông. Cứ mỗi độ cuối đông, đầu xuân, xung quanh căn nhà nhỏ sáng bừng lên bởi màu vàng của hoa cải. Thật lạ bởi trước Tết, vườn cải chỉ là những ngồng xanh ngát mà mẹ vẫn nhổ, buộc lạt đem ra chợ bán. Vậy mà chỉ nửa tháng sau, cả vùng bãi đã nhuộm màu vàng ruộm. Tôi vẫn nhớ món ăn thường xuyên của chúng tôi vào vụ đông là rau cải mà đặc biệt là ngồng cải. Chiều nào mẹ cũng cắt về cả bó cho hai chị em tước để xào tỏi. Đĩa rau cải rực vàng bên bát cơm trắng dẻo thơm, vị bùi ngọt thanh mát, tiếng cười nói rộn ràng trở thành vùng kỉ niệm đẹp thời thơ trẻ của tôi. Không những thế, hoa cải còn là bài thuốc của người nghèo. Nội tôi thường hái rất nhiều bông cải về phơi khô, hãm nước uống để giải nhiệt. Nội nói hoa cải nấu canh với gừng còn chữa cả viêm họng, ho, cảm,…

    Chiều nay, vẫn trên con đê quen thuộc, tôi dừng lại để tận hưởng mùi hương cải nồng nàn, thứ hương thơm gợi kí ức xa xưa. Ngày ấy, đám trẻ chúng tôi vẫn thường chơi ngoài bãi cải này. Chúng tôi chọn ngắt những bông cải đẹp nhất, dài nhất kết thành vòng hoa đội lên đầu cô dâu và gài lên áo chú rể. Những cô dâu, chú rể ngày xưa đó giờ đã lớn và xa mãi vạt cải ven sông.

    Làng ven sông quê tôi giờ có nhiều nhà cao tầng nhưng cánh đồng hoa cải thì vẫn thế, vẫn rung rinh, xao động như một biển vàng vào đầu xuân. Có đôi lúc, giữa phố thị ồn ào, bên những món ăn cầu kì, tôi vẫn thoảng thấy nhớ thèm vị ngọt bùi của món ngồng cải xào tỏi, vẫn thấy hiện lên một triền sông lộng gió với vạt cải vàng tươi rung rinh, vẫy gọi…

    Tác giả: Nguyễn Thị Huệ /

    Tháng giêng, mùa hoa cải bên sông
    Tháng giêng, mùa hoa cải bên sông
    Tháng giêng, mùa hoa cải bên sông
    Tháng giêng, mùa hoa cải bên sông
  9. Như muôn vàn đóa hoa đồng nội khác, cải không mang vẻ đài các, quý phái kiêu sa, cải bình dị chân chất như chính nơi nó được sinh ra, lớn lên và như chính người đã chăm sóc nó. Cải tan trong dòng nhớ vàng rực miên man vô tận. Bước chân mệt mỏi của người ưu phiền xin hãy một lần về lại cánh đồng cải, sẽ nhẹ lòng quên đi những lo lắng đời thường, lòng trôi theo những miên man diệu vợi, thăng hoa cùng khí quê đất trời…


    Đến vụ hoa cải lại nở, ngun ngút, trải dọc khắp triền sông. Trong cái nắng hanh hao, cải vàng rực, tươi mới, sáng bừng lên những gam màu hy vọng. Một miền ký ức về hoa cải ùa về tim tôi ngan ngát, rất đẹp.


    Cải đẹp nhất khi độ đang thì. Những luống cải xanh ngăn ngắt, lấp ló những chùm nụ hoa vàng lung linh. Chẳng thể nào nhấc chân nổi trước vẻ đẹp tinh khôi của loài hoa đồng nội này. Ký ức tôi về những buổi chăn trâu bên đồng hoa cải, hiện hữu như mơ như thực. Cô bạn nhỏ có chiếc răng khểnh cười toe thích tết những ngồng cải làm trò cô dâu chú rể. Còn anh bạn đồng niên lại mê trò “nhiếp ảnh”, khum tay trước hai mắt mình, luôn miệng “chỉ đạo” đám bạn đứng…tạo dáng. Trong trẻo hồn nhiên làm sao!


    Cánh đồng cải như dệt lên những ký ức tuổi thơ chúng tôi ngọt ngào hơn. Một tuổi thơ nghèo khó, lam lũ cùng những gánh nước của mẹ mỗi sớm mai. Những cây cải rung rinh trong giọt sương mai mát lành, tinh khiết. Cải dịu dàng lớn lên mà chẳng cần phải chăm sóc hay tỉa tót. Có lẽ cải thương những người như mẹ tôi, vất vả một nắng hai sương?


    Như muôn vàn đóa hoa đồng nội khác, cải không mang vẻ đài các, quý phái kiêu sa, cải bình dị chân chất như chính nơi nó được sinh ra, lớn lên và như chính người đã chăm sóc nó. Cải tan trong dòng nhớ vàng rực miên man vô tận. Bước chân mệt mỏi của người ưu phiền xin hãy một lần về lại cánh đồng cải, sẽ nhẹ lòng quên đi những lo lắng đời thường, lòng trôi theo những miên man diệu vợi, thăng hoa cùng khí quê đất trời…


    Và thật ấm lòng, giữa tiết đông giá buốt khi hòa mình vào sắc vàng hoa cải.


    Ngút ngàn trong cải, người ta thấy như đất trời trẻ lại, lòng người và thiên nhiên quyện hòa làm một. Dễ nào quên được hình ảnh những bông cải vàng rực trên mâm cơm nghèo khó? Cái vị cay nồng, dung dị, quê kiểng ăn sâu vào nỗi nhớ khó phai mờ. Cái vị cay nồng đã nuôi những đứa trẻ quê như tôi khôn lớn trưởng thành. Để rồi, sau này, nhấc chân lên phố thị, được thưởng thức muôn vàn thức ăn khác nhau lại nhớ tảo tần dáng bà, dáng mẹ lúi húi chuẩn bị mâm cơm ngập tràn hương nội gió đồng.


    Với những đứa trẻ chân trần, tóc vàng hoe nắng cháy, bãi bồi cải ngồng vàng rực lên không đơn thuần là chỗ lui tới chơi đùa mà đó còn là nguồn sống có thể đem đến niềm hy vọng, bữa cơm no, tấm áo mặc mới tinh tươm. Vài luống rau không đủ cho tụi nhỏ chúng tôi điều gì khác biệt hơn trong ngày Tết, nhưng vẫn thấy lòng bình yên thật nhiều.


    Miền ký ức hoa cải còn đọng lại trong mối tình đầu thơ dại, tinh khôi. Tuổi mười sáu tôi ngập tràn giấc mơ hạnh phúc, nắm tay người đi trên đồng hoa cải, sóng sánh đưa mắt trìu mến, yêu thương. Câu hát ngày xưa hát cho người nghe về chuyện tình duyên đẹp còn dang dở: Có một mùa hoa cải/Nắng vàng trong mê mải/Cầm tay em bối rối/Anh nói lời yêu thương…", giờ không hay nhân vật lại là mình. Trách hoa cải rưng rưng, giọt lệ sầu đau nhói.


    Bây giờ, dọc triền sông vẫn còn bóng dáng hoa cải nhưng thưa thớt, nhòa dần dăm ba bụi. Vẫn màu vàng ánh lên trong sắc lá thắm xanh, màu thiên thanh của tuổi trẻ nhưng lòng tôi thì lại không vui. Tôi tham lam muốn thấy cả triền sông ngập tràn sắc vàng, đi đến đâu cũng chạm được màu vàng dịu dàng ấy! Nhưng rồi lòng hoang hoải nhận ra, quá khứ đã lùi vào dĩ vãng thật xa, thật xa. Bãi bồi người ta khai thác lấy cát, cuộc sống đô thị hóa dần dần len lỏi vào miền quê vốn dĩ rất đỗi bình dị. Lòng nôn nao một nỗi buồn khó tả. Biết tìm đâu bãi hoa vàng tuổi chân trần thơ dại?


    Quyền Văn

    Miền ký ức hoa cải
    Miền ký ức hoa cải
    Miền ký ức hoa cải
    Miền ký ức hoa cải
  10. Chuyến xe ngược lên vùng cao chậm rãi bò qua từng con dốc. Mùa Đông, cây cối xác xơ trơ trụi thân cành. Những chiếc lá rụng xuống gốc như rải tấm thảm vàng vọt khắp sườn đồi, núi. Màu vàng của lá rơi đang phác họa bức tranh trầm mặc. Tạo hóa điểm tô cho mùa Đông những gam màu buồn nhất năm, nhưng con người không chấp nhận điều đó. Nếu màu vàng của lá rụng tượng trưng cho sự chia lìa thì con người đã tạo ra một màu vàng khác thể hiện sự sinh sôi. Đó là màu vàng óng ả, rực rỡ của hoa cải.


    Sau khi đốt những thân xác hoa màu đã thu hoạch, từng vạt nương được khoác lên tấm áo mơn mởn từ mầm cải xanh non. Mùa Đông miền núi, muôn loài say ngủ giữa sương muối... Cảm tưởng như sự sống không tồn tại ở nơi này thì kỳ lạ thay, các giống cải lại đội giá rét lớn lên xanh mướt. Cải sinh sôi tốt nhất vào mùa giá lạnh. Người vùng cao chỉ gieo cải một lần trên đám nương vừa đốt, việc còn lại là chờ thu hoạch. Những mầm cải lớn lên bằng nguồn dinh dưỡng của tro đốt nương, của gió núi, mưa rừng và sương lạnh. Sự sinh trưởng của chúng tự nhiên hơn bất cứ thứ gì khác trên đời.


    Những vạt nương cải xanh mướt tạo ra sức sống mãnh liệt trong mùa Đông, tô thêm sắc màu tươi mới cho bức tranh vốn nhiều ảm đạm. Từng chiều, các chị, các mẹ lại lên nương cải bẻ từng bẹ lá mập mạp, tươi ngon. Cải là thứ rau chính trong bữa ăn của người miền núi. Những bẹ lá xanh non sẽ được chế biến các món xào, luộc, canh. Đang đói mà có bát canh cải nấu gừng nóng hổi ăn với cơm lúa nương thì ngon hết ý. Cái lạnh thấm trong người sẽ bị đẩy ra theo từng giọt mồ hôi li ti thấm đầy trên trán cùng với đó là cảm giác khoan thai, dễ chịu. Những lá già hơn sẽ được phơi gió một hai ngày rồi đem muối dưa. Dưa cải nương ăn có vị giòn tan như ăn cả đất trời. Những món ăn nấu từ dưa cải cũng có hương vị rất đặc trưng. Phần còn lại của cây cải trên nương vẫn cứ lớn lên và trổ ra những bông hoa vàng rực.


    Từ xa xa nhìn lên nương cải, cả ngọn núi, lưng đồi được dát một màu vàng rực rỡ. Từng cơn gió thổi qua khiến hoa cải như con sóng đang chao lượn. Tôi mở cửa kính xe để nhìn rõ hơn sắc hoa vàng óng. Vài vị khách du lịch đứng nép bên nương chụp ảnh cùng hoa cải. Chiếc gùi trên lưng các chị như những bình hoa khổng lồ.


    Chiếc gùi đựng đầy hoa cải sặc sỡ kia đưa tôi về miền ấu thơ xa lắc. Mỗi chiều Đông, mặc cho gió rét luồn qua buốt lạnh, tôi cứ ra đứng bên con dốc đầu bản chờ bà đi nương về. Từ đằng xa, dù màu áo chàm của bà lẫn với màu đá nhưng những sắc vàng đang chuyển động kia thì không lẫn vào đâu được. Tôi chạy lại phía bà đón lấy bó hoa cải. Vài chú ong chăm chỉ vẫn bay theo những cành hoa rung rinh trên tay tôi để hút mật.


    Bà về với Tổ tiên vào một buổi chiều nương cải vàng óng. Cơn cảm lạnh đột ngột khiến tuổi già của bà không đủ sức chống chọi. Mộ của bà được đặt bên nương cải. Mỗi chiều tôi lại hái một bó cải vàng ươm đặt trước mộ. Tôi cứ thế lớn lên cùng những kỷ niệm về mùa hoa cải.


    Con đường ngược dốc đưa tôi đến một vùng đất xa lạ nhưng đầy thân quen. Lạ vì lần đầu tiên tôi lên đây công tác. Quen vì nhìn đâu cũng núi, cũng đồi cùng những nương cải vàng óng ả. Quen hay lạ chỉ khác nhau ở cái tên, còn cảm nhận của con người khi lên miền núi đều giống nhau. Cũng như bông cải trên nương, chúng không quan tâm mình đang ở chỗ nào, cứ có đủ gió, đủ sương, đủ dinh dưỡng là chúng sẽ góp cho đời một màu vàng rực rỡ.


    Tản văn: NGÔ BÁ HÒA

    Mùa hoa cải trên nương
    Mùa hoa cải trên nương
    Mùa hoa cải trên nương
    Mùa hoa cải trên nương



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy