Cánh đồng mùa hạ

Người xa quê biền biệt, ai chẳng một đôi lần ngồi thơ thẩn một mình da diết nhớ thương quê. Có thể hong nỗi nhớ trong lòng về những con đường quê quanh co, hun hút với biết bao kỉ niệm buồn vui ngày hai buổi đến trường.


Đó có thể là nỗi nhớ thương xóm nghèo bãi vắng với những đêm thao thức nghêu ngao câu hát dân ca dưới ánh trăng quê. Đó cũng có thể chỉ là một thoảng hương thơm tỏa ra từ những chùm hoa dẻ hay củ khoai, bắp ngô trộm nướng năm nào… Nhưng dường như có một kí ức mà bất cứ ai từng sinh ra nơi làng quê Việt khi đi xa đều nhớ – ký ức về cánh đồng quê bốn mùa mưa nắng, đặc biệt là cánh đồng mùa hạ với ba tháng tạm “xếp bút nghiên” của các cô cậu học trò…


Dường như cũng phải hơn mười năm rồi tôi mới sải bước ra thăm trọn vẹn cánh đồng. Vì sao lại phải lâu như vậy? Khi học xong cấp ba, tôi đi lính. Ra quân, lại vào Nam học hành. Ra trường về quê, hàng ngày lên cơ quan vẫn phóng xe qua cánh đồng nhưng dường như chưa bao giờ tôi để mắt đến mảng ký ức thân thương ấy.


Thế rồi dịch bệnh len lỏi vào đời sống, về một khía cạnh nào đó, nó giúp chúng ta có thêm thời gian sống chậm lại để cảm nhận rõ hơn những gì xinh đẹp đang diễn ra quanh mình… Tôi dạo bộ xuyên qua cánh đồng trên con đường nhỏ ngày xưa. Những làng Bượm, làng Rí, làng Vắng, làng Á… giờ đổi thay nhiều quá!


Bất chợt nhớ đến ngày nhỏ, khi lũ ve bắt đầu ngân lên những giai điệu buồn, khi những cánh hoa phượng vĩ mỏng manh rụng xuống sân trường, chúng tôi lại xốn xang mơ màng đến những cánh diều no gió bay lượn trên cánh đồng bất tận vào mỗi buổi chiều. Những buổi chiều với tiếng cười trong suốt, vang vọng có khi bị pha loãng bởi tiếng gió chiều mát lành. Những đứa trẻ “đầu trần chân đất” chạy ngược chiều gió cho đến khi ngước lên bầu trời chỉ còn thấy một cây nấm nhỏ vi vu nữa mới thôi.


Rồi những lần chăn bò mải chơi, để bò thỏa thích no nê với những vồng khoai, những hàng ngô tươi tốt của bác láng giềng. Cuối cùng, về nhà là những trận đòn roi nhớ mãi. Đồng mùa hạ những con kênh bắt đầu cạn nước. Thế là ngăn dòng tát cạn mò giam bắt ốc. Thế là mỗi bận chăn bò về, chúng tôi lại còn mang theo về nhà đứa giỏ giam, kẻ giỏ cá. Mò giam bắt cá đã trở thành một thành ngữ gần gũi với những đứa trẻ quê như chúng tôi không biết tự khi nào.


Giờ đây, cánh đồng mùa hạ, mùa dịch giã vắng biệt bóng người. Cánh đồng cũng không còn xanh tốt như xưa. Có lẽ chính cánh đồng cũng ngác ngơ không hiểu vì đâu nên nỗi. Nhớ ngày trước, người ra đồng đông đúc hơn. Dù là mùa hạ nắng cháy, nhưng những người nông dân dường như không cho đất ngơi nghỉ bao giờ. Hết trồng lạc, trồng khoai đến gieo vừng, cấy lúa.


Cánh đồng bốn mùa xanh tươi. Những chỗ ruộng cao, ngày hạ, bà con tranh thủ đốt đồng cho sạch để sau đó vãi vừng. Mùi khói đồng cuộn theo gió bay vào tận trong thôn. Những chỗ ruộng sâu, bà con vẫn tranh thủ trạ lúa cho kịp vụ hè thu. Đến nay, mùa vụ, cây trồng cũng đã thay đổi. Cánh đồng mùa hạ hôm nay, bà con quê tôi chủ yếu trồng dưa. Những quả dưa căng tròn lăn lóc là thành quả của bao giọt mồ hôi, của bao công sức thức khuya dậy sớm vun trồng.


Bọn trẻ giờ đây cũng chẳng mấy đứa nào háo hức ra đồng như chúng tôi ngày xưa. Internet và áp lực học hành thi cử đang lấy đi giá trị tự do, hồn nhiên của chúng. Nào ở đâu xa, nghỉ hè, hai đứa nhỏ nhà tôi cũng chỉ quanh quẩn với bài vở và những tiếng cười trên … tikTok, zalo, facebook. Không gian mạng đã đánh cắp chúng ra khỏi những cánh đồng mát lành hay chính chúng ta – những người lớn cũng không đủ thời gian để dẫn những đứa con từ cõi hư ảo đến với thiên nhiên thú vị quanh mình?


Chắc chắn rằng, nhiều bậc làm cha làm mẹ cũng đã quên đi cách chơi với con, nói chuyện với con và thay vào đó là để mặc con với những chiếc điện thoại thông minh. Nhưng may mắn vẫn còn có những ông bố, bà mẹ tuyệt vời khi luôn đồng hành với con … trên những cánh đồng bất tận.


Một đồng nghiệp thi thoảng vẫn chụp những bức ảnh cùng con ra đồng thỏa thích nô đùa gửi cho tôi. Đồng nghiêp bảo, đó là những phút giây thư giãn tuyệt vời nhất giữa thiên nhiên rộng lớn mà mấy bố con có được. Cứ sau mỗi buổi chiều bạn bầu với cánh đồng như thế, bạn chia sẻ thêm rằng, lúc trở về nhà tinh thần các con vui vẻ hơn, chúng ăn ngon lành hơn trong mỗi bữa tối. Bỗng dưng mong muốn, mùa hè giãn cách này sẽ có nhiều đứa trẻ “bay ra” cánh đồng hơn. Chúng sẽ yêu thiên nhiên cây cỏ quanh mình hơn. Chúng sẽ có cơ hội xa rời thế giới ảo để đến với cuộc sống thực. Chúng sẽ biết trân quý từng phút giây của cuộc sống hơn.


Cánh đồng quê bây giờ có nhiều thay đổi nhưng có một điều không thể đổi thay, là khi hoàng hôn buông xuống gió đồng mát rười rượi … thứ gió đồng mát thấu vào lòng cả người đi xa. Hoàng hôn xuống, dù là bạn đang bách bộ trên cánh đồng hay đang làm một việc gì đó với những người nông dân thì vẫn không thấy cảm giác nóng bức.


Những đợt gió cứ thể thi nhau thổi rì rào không bao giờ ngớt. Và đi trong không gian đầy gió mát ấy, bạn còn ngửi thấy cả một thứ mùi đặc biệt nữa – mùi của thân thuộc và bình yên. Và, tôi cũng tin chắc rằng, những người xa quê khi chỉ cảm nhận qua đôi dòng miêu tả đó đều sẽ có cảm giác muốn trở về, trở về để “úp mặt” vào cánh đồng quê mà rưng rưng nhớ thương.


Nhớ thương ông bà mình một đời gắn bó với đồng quê giờ đã khuất núi. Nhớ thương lưng còng, tóc bạc của cha mẹ mình đã tần tảo bán mặt cho đất bán lưng cho trời nuôi mình lớn khôn. Nhớ thương cô bé, cậu nhóc đầu tiên khiến cho tim mình biết lỗi nhịp thao thức… giờ đã biền biệt … nơi đâu. Cánh đồng mãi mãi như thế – không gian, thời gian vỗ về của những thương yêu mà những kẻ xa quê vô tình đánh mất ...


Tôi nhớ diết da cánh đồng mùa hạ trong một lần người bạn ấy thất thanh cất tiếng gọi cha giữa đêm trăng bàng bạc nỗi buồn. Đó là cái đêm, chúng tôi vừa tập xong tiết mục văn nghệ cho hội trại sắp tới. Chả là, mấy đứa con trai bọn tôi đã tụ tập bàn bạc, lên kế hoạch để “tấn công” bông hoa đẹp nhất của thôn từ đêm hôm trước. Buổi văn nghệ vừa kết thúc, chúng tôi chạy những hơn một cây số đến nấp sẵn trước cổng nhà bông hoa thôn nữ. Và rồi, chờ đợi cho đến khi người bạn gái ấy thấp thoáng xuất hiện gần cổng, chúng tôi đồng loạt xông ra với đủ thứ ngụy trang khiến cô bạn hốt hoảng gọi cha thất thanh và chạy ngược ra con đường nhỏ – con đường dẫn ra cánh đồng bàng bạc ánh trăng.


Bấy giờ, từ trong nhà người cha đã chạy ra, mấy đứa trẻ vắt chân lên cổ chạy bặt tăm, riêng tôi ngác ngơ đứng lại dìu bạn nên bị tóm bắt và phải ăn đòn đầy tủi hổ. Những buổi văn nghệ sau, tôi đều tìm cách tránh mặt bạn ấy. Rồi cả những buổi hoang hôn ra đồng thả diều, tôi cũng tìm cách để không giáp mặt. Nhưng thực ra trong thâm tâm lại muốn một lần gặp bạn để nói lời xin lỗi.


Cho đến mãi mùa hạ cuối cùng, vào cái đêm liên hoan chia tay bè bạn để lên đường nhập ngũ, tôi mới có thể gặp bạn …Một đêm mùa hạ ánh trăng bàng bạc phủ xuống cánh đồng, người con gái ấy đã hát lời hạ thương tiễn chàng trai ấy lên đường. Giờ sau bao năm trở lại, cánh đồng đã đổi khác nhưng giọng hát của người con gái năm xưa vẫn vang vọng da diết đâu đây.


Chàng trai chợt nhẩm thầm lời hát nhớ thương năm nào “Hạ ơi! Anh xa em mấy mùa phượng rồi/ Mà lòng ngỡ như mình vừa xa cách ngày hôm qua/ Lối xưa có còn những tà áo trắng tung bay/ Cho anh ngây ngất ngày ngày/ Bên người tình yêu nhỏ bé…”.


Giờ đây, cánh đồng mùa hạ có thể xác xơ, khô cằn bởi cái nắng gay nắng gắt nhưng khi hoàng hôn buông xuống hay bình minh ló rạng thì gió đồng vẫn mát rười rượi … thứ gió đồng mát thấu vào tâm can sẽ làm thổn thức lòng người trở về và cả những người đang còn tha phương. Cánh đồng mùa hạ sẽ bắt đầu thì thầm kể chuyện … Câu chuyện của những ngày xa xăm…


Nguyễn Đình Ánh

Cánh đồng mùa hạ
Cánh đồng mùa hạ
Cánh đồng mùa hạ
Cánh đồng mùa hạ

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy