Bánh ướt
Bánh ướt là loại bánh được cho là ngộ nghĩ và kỳ lạ nhất tại Việt Nam. Bánh mềm, mỏng và trắng tựa một trang giấy. Bánh ướt được làm từ bột xay mịn, hòa với nước, tráng mỏng trên một mặt phẳng. Người đúc bánh phải thật khéo léo và nhẹ nhàng lấy bánh ra bằng một chiếc đũa, thao tác phải nhanh chóng gọn gàng để bánh không bị rách. Bánh ướt thường ăn kèm với chả chiên, chả quế, nem và chả lụa. Một số cửa hàng còn cho thêm các loại bánh chiên giòn để tạo hương vị mới lạ. Ăn bánh ướt không được quên những loại rau như giá, húng quế... vì như vậy bánh sẽ nhạt nhẽo, mất đi hương vị. Bánh ướt ăn cùng với nước mắm được pha với đường và tỏi, vị thanh nhẹ, ấm nóng.
Gạo làm bánh ướt thường dùng loại gạo cũ (do sử dụng gạo mới, gạo ngon sẽ có nhiều nhựa nên bánh sẽ dính, khó chế biến), xay mịn, hòa với nước. Đặt nồi hấp, căng vải mỏng trên miệng nồi. Mỗi lần cho một muôi bột nhỏ xoa đều lên bề mặt miếng vải để lá bánh được mỏng, có thể thoa thêm chút mỡ để dễ lấy ra. Sau khi bánh chín, dùng đũa to hoặc thanh tre gạt ra đĩa, lúc này có thể cuộn thêm nhân gồm một ít thịt vai nửa nạc nửa mỡ, tôm, băm cùng mộc nhĩ, nấm hương đã xào chín với các gia vị như mắm, hạt tiêu... Rắc thêm hành khô phi thơm và dùng với nước chấm đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt... Bánh ướt thường được sử dụng phổ biến cho bữa sáng hoặc bữa ăn vặt của mọi người.