Top 10 Món ăn nổi tiếng nhất tại Việt Nam

Thảo Nhiên 608 1 Báo lỗi

Ẩm thực Việt Nam luôn gìn giữ và phát huy những nét tinh túy, độc đáo của dân tộc. Cũng chính bởi hương vị thơm ngon, chứa nhiều giá trị dinh dưỡng, ẩm thực ... xem thêm...

  1. Bánh mì làm bằng bột mì thông thường (và có thể có bột gạo) và là loại thức ăn đường phố phổ biến ở cả ba miền Việt Nam. Loại bánh mì này xuất phát từ bánh mì baguette do người Pháp đem vào Miền Nam Việt Nam từ những thế kỷ trước đây. Bánh mì ban đầu đơn thuần pate, với bơ, sau này lan ra Miền Trung và Sài Gòn. Trong quá trình cải tiến sau đấy, người Sài Gòn đã mang vào chế biến Baguette lại thành bánh mì đặc trưng theo phong vị vùng miền, bánh mì tại Việt nam so với nguyên bản có chiều dài ngắn hơn, chỉ khoảng 30 - 40 cm. Tuỳ hương vị vùng miền đặc trưng khác nhau, mà trên khắp dải đất hình chữ S, ổ bánh mì sẽ chế biến thêm nhân thịt, hay pate đã trở nên quen thuộc đến mức trở thành món ăn bình dân của người dân, được cho là có từ 150 năm trước. Tùy thuộc vào thành phần nhân được kẹp bên trong mà bánh mì kẹp có tên gọi khác nhau.


    Bánh mì không chỉ là món ăn sáng quen thuộc của người dân Việt Nam mà hình ảnh những chiếc xe bán bánh mì dọc con phố đã trở thành một biểu tượng đường phố độc đáo trong mắt người nước ngoài. Bánh mì có nhiều món ăn kèm khác nhau như chả lụa, chà bông, xíu mại,... mỗi loại lại mang đến một hương vị khác, còn khi kết hợp các loại khác nhau lại thì lại mang một hương vị vô cùng độc đáo mới lạ, vậy nên bên trong ổ bánh mì của người Việt Nam ít khi chỉ sử dụng một loại nhân chính như các quốc gia Âu Mỹ. Đây cũng chính là hương vị khiến bao du khách nước ngoài thương nhớ về món ăn đạm bạc này của người Việt Nam.

    Món bánh mì kẹp thịt
    Món bánh mì kẹp thịt
    Món bánh mì pate thịt
    Món bánh mì pate thịt

  2. Top 2

    Phở

    Phở là một món ăn truyền thống của Việt Nam, cũng có thể xem là một trong những món ăn đặc trưng nhất cho ẩm thực Việt Nam. Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng (hay nước lèo theo cách gọi miền Nam) cùng với thịt bò hoặc gà cắt lát mỏng. Ngoài ra còn kèm theo các gia vị như tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt… Những gia vị này được thêm vào tùy theo khẩu vị của từng người dùng. Phở thông thường dùng làm món ăn điểm tâm hoặc ăn tối. Ở các tỉnh phía Nam Việt Nam, phở được bày biện với những thành phần phụ gọi là rau thơm như hành, giá và những lá cây rau mùi, rau húng, trong đó ngò gai là loại lá đặc trưng của phở. Phở thường là phở bò, nhưng cũng có phở gà, phở heo, phở tôm…


    Nước dùng nói chung được làm bằng việc hầm xương bò, thịt dùng cho món phở là thịt bò hoặc gà và gia vị bao gồm quế, hồi, gừng, thảo quả, đinh hương, hạt mùi… “Bánh phở”, theo truyền thống, được làm từ bột gạo, tráng thành tấm mỏng rồi cắt thành sợi. Phở luôn phải ăn nóng mới ngon, tuy nhiên, để có được những bát phở ngon còn tùy thuộc vào kinh nghiệm và bí quyết truyền thống của nghề nấu phở.


    Là món ăn quen thuộc của người Việt Nam. Phở nhanh chóng vươn ra thế giới với cái tên "Pho" được giữ nguyên như là một cách mà người nước ngoài nghĩ đến Việt Nam khi nghe cái tên đó. Thường có 2 vị phở đặc trưng đó là phở Gia Định (đại diện cho miền Nam) và phở Hà Nội (tượng trưng cho miền Bắc). Phở Gia Định thường có vị mặn và ít béo hơn phở Hà Nội. Phở thường ăn cùng các loại rau mùi và hai loại tương đen, đỏ. Vị phở mặn, ngọt, ấm nóng được xem như là một liệu pháp giúp giảm đi căng thẳng cho những người bận rộn, áp lực, nhiều muộn phiền.

    Món phở Hà Nội
    Món phở Hà Nội
    Món phở Gia Định
    Món phở Gia Định
  3. Bún bò là một trong những đặc sản của xứ Huế, mặc dù món bún này phổ biến trên cả ba miền ở Việt Nam và cả người Việt tại hải ngoại. Tại Huế, món này được gọi đơn giản là "bún bò" hoặc gọi cụ thể hơn là "bún bò giò heo". Các địa phương khác gọi là "bún bò Huế", "bún bò gốc Huế" để chỉ xuất xứ của món ăn này. Món ăn có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng và vị sả và ruốc. Đôi khi tô bún còn được thêm vào thịt bò tái, chả cua, và các loại nguyên liệu khác tùy theo sở thích của người nấu.


    Một món ăn đậm đà vị ruốc của người dân xứ Huế nay đã trở thành món ăn đại diện cho cả những tỉnh miền Trung. Khi nhắc đến miền Trung, ta sẽ nghĩ ngay đến món bún bò Huế thơm nồng hương sả. Món ăn được phổ biến rộng rãi tại miền Nam và không bị thay đổi nhiều về mặt khẩu vị. Điều đặc biệt ở món bún này chính là cần phải có ruốc Huế chính gốc tại địa phương thì mới mang lại mùi vị thực sự đậm đà cho món ăn. Tuy phát âm có phần khó nhưng hầu hết khách du lịch đều yêu thích và ghi nhớ tên gọi này mỗi khi nhắc về ẩm thực Việt Nam.

    Món bún bò Huế
    Món bún bò Huế
    Bún bò Huế - Món ăn đặc trưng của Cố Đô
    Bún bò Huế - Món ăn đặc trưng của Cố Đô
  4. Cơm tấm là món đặc sản của miền Nam Việt Nam, nó là một trong những món ăn sáng được ưa chuộng nhất của người miền Nam, nhất là Sài Gòn. Hiện nay loại cơm làm từ hột gạo bể này đã có mặt ở một số nơi thuộc miền Trung, miền Bắc và hải ngoại. Đĩa cơm tấm với sườn nướng, bì, chả, trứng thường được dùng làm đồ ăn sáng, nhưng nay cơm tấm đã có mặt ở một số quán ăn trưa, chiều hoặc tối với nhiều loại thức ăn đi kèm.


    Cơm tấm được nấu từ hạt gạo tấm, tức hạt gạo bị vỡ. Gạo này xưa là loại gạo thứ phẩm, rớt vãi sau khi sàng, thường dùng cho gà ăn hoặc cho người ăn lúc quá túng thiếu. Nay thì cơm tấm đã thành món ăn quen thuộc do đó gạo tấm cũng được nâng giá cao hơn. Ăn cơm tấm phải có nước mắm ngọt, là nước mắm pha với nước lọc và thêm đường. Tùy theo cách chế biến và khẩu vị của người ăn, nước mắm có thể ngọt nhiều hoặc ngọt ít (mặn), có thể thêm chanh. Cơm tấm có thể ăn kèm với nhiều thứ, nhưng nhiều nhất là sườn nướng, chả trứng, trứng ốp la và bì.


    Cơm tấm không chỉ là món ăn ngon, đặc sản của Việt Nam mà còn vươn ra tầm thế giới. Ngày 1 tháng 8 năm 2012, tại Faridabad, Ấn Độ, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã công nhận kỷ lục châu Á về giá trị ẩm thực cho cơm tấm Sài Gòn cùng chín món ăn Việt Nam khác. Đầu năm 2012, CNN xem cơm tấm là một món hè phố bình dân hấp dẫn.

    Cơm tấm là món ăn sáng lâu đời của người Sài Gòn.
    Cơm tấm là món ăn sáng lâu đời của người Sài Gòn.
    Món cơm tấm Sài Gòn
    Món cơm tấm Sài Gòn
  5. Cơm hến là một đặc sản ẩm thực Huế, cơm hến được trình bày dưới hình thức là cơm nguội trộn với hến xào qua dầu và gia vị, nước hến, mắm ruốc, rau bắp cải, tóp mỡ, bánh tráng nướng, mì xào giòn, ớt màu, đậu phộng nguyên hạt, dầu ăn chín, tiêu, bột ngọt và muối. Là một món ăn sáng truyền thống của người miền Trung, cơm Hến không dễ dàng tìm thấy được ngay cả trong chốn Sài Gòn náo nhiệt. Cơm hến là sự kết hợp giữa cơm trắng, hến xào thật cay, ăn kèm với đậu phộng, da heo chiên giòn, và các loại rau mùi như húng quế, húng lủi. Hầu hết những du khách nước ngoài đều bị thu hút bởi hương vị hến xào thơm phức kết hợp với vị béo của da heo giòn rụm. Không chỉ riêng khách du lịch mà rất nhiều người Việt sống tại miền Bắc hoặc Nam đều cố gắng tìm và nếm thử món ăn ấy khi một lần đặt chân đến xứ Huế mộng mơ.


    Hến ngâm nước gạo một thời gian để thải hết bùn đất, rửa sạch, đem luộc cho đến khi hến mở vỏ. Lấy nước luộc sau khi đã để lắng, đổ hến ra sàng để lấy thịt hến. Thịt hến và nước hến là hai vị chính của cơm hến, ngoài ra thì cũng không thể thiếu các loại gia vị đi kèm. Các phần khác gồm có cơm trắng để nguội, khế chua, rau thơm, dọc mùng, bắp chuối thái chỉ, nước mắm, hồ tiêu, hành phi, muối vừng, ớt tượng, tóp mỡ, da heo phơi khô chiên phồng, mắm ruốc sống, đậu phộng rang vàng nguyên hạt, ớt bột tao dầu. Tất cả đều để nguội, duy có nước hến phải được giữ cho nóng sôi. Bát cơm hến được trộn từ tất cả các thành phần trên rồi chan nước hến. Cơm hến thường được ăn với ớt thật cay mới đúng vị, còn đối với bún hến thì có lẽ sẽ ngon hơn nếu ăn khô (tức là không chan nước hến khi ăn).

    Món cơm hến
    Món cơm hến
    Cơm hến - đặc sản xứ Huế
    Cơm hến - đặc sản xứ Huế
  6. Mì Quảng là một món ăn đặc trưng của miền Trung là Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng. Mì Quảng thường được làm từ sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng khoảng 2mm. Sợi mì làm bằng bột mỳ được trộn thêm một số phụ gia cho đạt độ giòn, dai. Kế đến, đem chần mì qua nước sôi. Trong lúc chần, người thợ có quyết thêm dầu lạc để sợi mì không dính, đó là nguồn gốc cho vị béo đặc trưng của sợi mì Quảng. Dưới lớp mì là các loại rau sống, mì Quảng phải ăn kèm với rau sống 9 vị thì mới tạo nên được hương vị nồng nàn như húng quế, xà lách tươi, cải non mới nụ, giá trắng có thể được trụng chín hoặc để sống, ngò rí , rau răm với hành hoa thái nhỏ và thêm hoa chuối cắt mỏng.

    Trên mì là thịt heo, tôm, thịt gà, thịt ếch, thịt cá lóc cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm lạc rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ... Thông thường nước dùng được gọi là nước nhưng đây cũng là một loại nước lèo nhưng rất cô đặc và ít nước. Ăn mì Quảng phải ăn với loại ớt xanh to thì mới ngon đúng vị. Ngoài ra mì còn được dùng kèm với bánh tráng mè, thêm cả đậu phộng rang giòn thơm tạo nên hương vị đặc trưng cho món ăn này.

    Món mì Quảng
    Món mì Quảng
    Món mì Quảng
    Món mì Quảng
  7. Bún chả là món ăn truyền thống của người Hà Nội. Sợi bún được sử dụng thường là bún nhỏ hay còn gọi là bún rối. Chả viên nướng bếp than, đu đủ xanh làm chua, rau sống ăn kèm thường là xà lách, rau ngổ, giá đỗ... Người Hà Nội thường ăn bún chả vào buổi trưa. Đây cũng được xem là món ăn giá giống với "Bún thịt nướng" của miền Nam, tuy nhiên nước mắm được pha thanh và dịu nhẹ hơn. Đây cũng là món ăn mà Tổng thống Mỹ Obama lựa chọn cho chuyến công du của mình tại Việt Nam.


    Bún chả Hà Nội chẳng biết có từ bao giờ, nhưng nó đã trở thành nét ẩm thực đặc trưng của Hà Nội. Không khó khăn gì khi đến Hà Nội, từ mọi ngõ ngách gốc phố, bạn đều ngửi thấy mùi của thịt chả nướng thơm lừng trên bếp than hồng. Một phần đầy đủ của bún chả phải gồm bún, chả thịt nướng, nước chấm và rau ăn kèm. Trong đó, nước chấm là sự quyết định độ chất lượng cho món bún chả. Nước chấm chung quy là sự tổng hợp của các hương vị như chua, cay, mặn, ngọt do những nguyên liệu đi kèm như giấm, mắm, đường, ớt, tỏi tạo thành.

    Bún chả Hà Nội
    có nét khá giống với bún thịt nướng của người miền trung. Nhưng điểm khác biệt chính là ở khâu chế biến cực kì công phu. Tìm mua những nguyên liệu chế biến món bún chả cũng đơn giản, không đâu xa, ở ngay ngoài chợ là bạn cũng có thể mua được những thứ cần tìm. Nhìn chung quy thì bún chả chẳng có gì đặc biệt. Bởi vì không đặc biệt mà khi thưởng thức từng nguyên liệu kết hợp với nhau, bún chả lại tạo nên dấu ấn khó thể phai mờ.

    Đây là món ăn mà Tổng thống Mỹ Obama đã lựa chọn cho chuyến công du của mình tại Việt Nam.
    Đây là món ăn mà Tổng thống Mỹ Obama đã lựa chọn cho chuyến công du của mình tại Việt Nam.
    Món bún chả Hà Nội
    Món bún chả Hà Nội
  8. Bánh ướt là loại bánh được cho là ngộ nghĩ và kỳ lạ nhất tại Việt Nam. Bánh mềm, mỏng và trắng tựa một trang giấy. Bánh ướt được làm từ bột xay mịn, hòa với nước, tráng mỏng trên một mặt phẳng. Người đúc bánh phải thật khéo léo và nhẹ nhàng lấy bánh ra bằng một chiếc đũa, thao tác phải nhanh chóng gọn gàng để bánh không bị rách. Bánh ướt thường ăn kèm với chả chiên, chả quế, nem và chả lụa. Một số cửa hàng còn cho thêm các loại bánh chiên giòn để tạo hương vị mới lạ. Ăn bánh ướt không được quên những loại rau như giá, húng quế... vì như vậy bánh sẽ nhạt nhẽo, mất đi hương vị. Bánh ướt ăn cùng với nước mắm được pha với đường và tỏi, vị thanh nhẹ, ấm nóng.


    Gạo làm bánh ướt thường dùng loại gạo cũ (do sử dụng gạo mới, gạo ngon sẽ có nhiều nhựa nên bánh sẽ dính, khó chế biến), xay mịn, hòa với nước. Đặt nồi hấp, căng vải mỏng trên miệng nồi. Mỗi lần cho một muôi bột nhỏ xoa đều lên bề mặt miếng vải để lá bánh được mỏng, có thể thoa thêm chút mỡ để dễ lấy ra. Sau khi bánh chín, dùng đũa to hoặc thanh tre gạt ra đĩa, lúc này có thể cuộn thêm nhân gồm một ít thịt vai nửa nạc nửa mỡ, tôm, băm cùng mộc nhĩ, nấm hương đã xào chín với các gia vị như mắm, hạt tiêu... Rắc thêm hành khô phi thơm và dùng với nước chấm đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt... Bánh ướt thường được sử dụng phổ biến cho bữa sáng hoặc bữa ăn vặt của mọi người.

    Là loại bánh được cho là ngộ nghĩ và kỳ lạ nhất tại Việt Nam. Bánh mềm, mỏng và trắng tựa một trang giấy.
    Là loại bánh được cho là ngộ nghĩ và kỳ lạ nhất tại Việt Nam. Bánh mềm, mỏng và trắng tựa một trang giấy.
    Món bánh ướt
    Món bánh ướt
  9. Cháo lòng là món ăn có từ những ngày rất xưa ở nông thôn. Thời ấy nội tạng của lợn sau khi lấy thịt không biết chế biến vào món gì nên người nông dân đem luộc, lấy nước hầm nấu cháo. Tuy vậy về sau, cháo lòng được chế biến công phu hơn. Để có được vị thơm ngon, người bán thường đem gạo đi rang với hành phi trước khi nấu cháo, như vậy hạt gạo trong cháo cứng cáp hơn chứ không nở to mềm nhão như các loại cháo thông thường. Cháo lòng là món ăn sáng khá quen thuộc và bình dân của người Việt Nam.


    Cháo lòng là món ăn đã hình thành từ rất lâu đời, góp phần không nhỏ vào việc hình thành nên bản sắc văn hóa ẩm thực Việt Nam. Cháo lòng được nấu theo phương thức nấu cháo thông thường, kết hợp với nước dùng ngọt được ninh từ xương lợn (có thể lấy thêm từ nước luộc lòng lợn) và thứ nguyên liệu khiến tô cháo trở nên đặc biệt chính là các món phủ tạng lợn luộc. Cháo lòng thường được ăn cùng các loại rau thơm như húng quế, mùi tàu, rau ngổ, giá đỗ...

    Cháo lòng là món ăn sáng khá quen thuộc và bình dân của người Việt Nam.
    Cháo lòng là món ăn sáng khá quen thuộc và bình dân của người Việt Nam.
    Món cháo lòng
    Món cháo lòng
  10. Bánh xèo là món ăn đường phố khá phổ biến của người Việt Nam. Người ăn bánh xèo ít khi thưởng thức món ăn này tại các nhà hàng sang trọng mà thường ngồi thành từng nhóm nhỏ bên vỉa hè. Bánh xèo tùy theo đặc điểm mỗi vùng miền mà có hương vị khác nhau. Miền Nam thường dùng bánh là tôm thịt, miền Bắc thì có thêm khoai môn thái sợi và củ đậu thái mỏng. Bánh xèo được ăn kèm với nước mắm chua ngọt, giòn và ngon hơn khi ăn nóng. Người Việt Nam thường chỉ ăn bánh xèo vào buổi tối, trong các dịp gặp mặt bạn bè.


    Tại Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, lạc. Tại miền Nam Việt Nam, bánh có cho thêm trứng và người ta ăn bánh xèo chấm nước mắm chua ngọt. Tại miền Bắc Việt Nam, nhân bánh xèo ngoài các thành phần như các nơi khác còn thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, rau diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non... Ở Cần Thơ có thêm lá chiết, ở Đồng Tháp thêm lá bằng lăng, ở Vĩnh Long có thêm lá xoài non, ở Bạc Liêu có thêm lá cách. Cầu kỳ nhất là ở các vùng miền Trung Việt Nam, ngoài rau sống, còn thêm quả vả chát, khế chua... Bởi vậy, dân sành ăn cứ thấy ngờ ngợ như món này thực sự được bắt nguồn từ Huế.

    Người Việt Nam thường chỉ ăn bánh xèo vào buổi tối, trong các dịp gặp mặt bạn bè.
    Người Việt Nam thường chỉ ăn bánh xèo vào buổi tối, trong các dịp gặp mặt bạn bè.
    Món bánh xèo
    Món bánh xèo



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy