Bệnh sởi
Trong thời điểm giao mùa, virus sởi có khả năng sinh sôi nhanh và lây nhiễm chéo khi trẻ tiếp xúc với nhau trong môi trường lớp học. Bệnh sởi là một trong những căn bệnh được đánh giá lành tính nếu biết chăm sóc trẻ đúng cách. Các nốt sởi sẽ nhanh chóng biến mất và không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu chủ quan bệnh có thể gây ra biến chứng nặng đối với hệ hô hấp và não bộ.
Bệnh sởi thường hay gặp nhất ở trẻ nhỏ, vì đây là nhóm tuổi có sức đề kháng kém. Khi trẻ bị sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể sẽ giảm nên bé sẽ rất dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy… nguy hiểm hơn có những trường hợp trẻ bị tử vong do sởi vì không được chăm sóc và điều trị kịp thời. Việc phát hiện sớm được bệnh và có phương pháp chăm sóc y tế phù hợp có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ mắc bệnh sởi.
Cách chăm sóc tại nhà đúng cách khi trẻ bị lên sởi:
- Trẻ bị sởi cần được nằm ở khu vực cách ly, hạn chế tiếp xúc với các thành viên trong gia đình đặc biệt ở trẻ nhỏ khác để tránh nguy cơ lây nhiễm.
- Khi trẻ sốt có thể cho trẻ hạ sốt theo chỉ định và liều lượng của bác sĩ, tuyệt đối không áp dụng các biện pháp dân gian khi chưa được sự tư vấn của bác sĩ.
- Nâng cao đề kháng của trẻ bằng cách xây dựng cho trẻ chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Tăng cường cho trẻ các thực phẩm giàu dinh dưỡng, khoáng chất, đặc biệt nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như: cháo, súp…
- Khi chăm sóc cho trẻ bị sởi, cha mẹ cần phải đeo bao tay, khẩu trang và rửa sạch tay trước và sau khi tiếp xúc với trẻ.
- Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm rất cao trong cộng đồng nên việc phòng ngừa bệnh, tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng là vô cùng cần thiết. Do đó, cha mẹ cần giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh trẻ, giữ gìn phòng ốc thông thoáng, sạch sẽ.
- Trẻ bị sởi cũng cần được vệ sinh sạch sẽ, lau chùi cơ thể để đảm bảo vệ sinh, tránh quan niệm không cho trẻ tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh của trẻ thêm trầm trọng hơn.
- Chia thức ăn của trẻ thành nhiều bữa nhỏ để tránh tình trạng biếng ăn, bỏ bữa của trẻ. Hạn chế cho trẻ dùng các loại gia vị gây khó tiêu.
- Trường hợp trẻ bị tiêu chảy thì cha mẹ có thể bổ sung kẽm bằng đường uống cho trẻ. Trẻ lớn hơn có thể bổ sung dưỡng chất qua nguồn nước ép hoa quả, trái cây tươi giàu vitamin A.
- Bên cạnh đó, cha mẹ cần tiêm phòng đầy đủ các mũi vắc xin sởi cho trẻ để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm.