Biết khen ngợi, khích lệ người khác
Các nghiên cứu cho thấy nếu muốn giúp người khác hướng đến mục tiêu của họ, phản hồi tích cực mang lại hiệu quả nhiều nhất cho những người đang học việc. Các chuyên gia chủ yếu quan tâm đến việc đánh giá tốc độ tiến bộ, và phản hồi thẳng thắn giúp thúc đẩy nhu cầu tiến xa hơn và nhanh hơn của họ. Mặt khác, những người mới bắt đầu quan tâm đến việc đánh giá quyết tâm nhất (mình làm được điều này không?) và họ hiểu lời khen chính là dấu hiệu cho thấy mình đang đi đúng hướng và có thể kiên trì thực hiện.
Một lời khen thật sự có thể quyết định tất cả, nó quyết định một người sẽ thành công hay bỏ cuộc. Hãy tạo ra sự khác biệt đó và đưa ra lời động viên khích lệ. Lời khen cũng có thể giúp làm tan biến thái độ lạnh lùng giữa bạn và người đối lập với mình. Như những gì chúng ta sẽ thảo luận, việc khen ngợi đòi hỏi một chút khiêm nhường, và điều đó cũng cho người tiếp nhận biết dù không thích họ ở những điểm khác, ít ra bạn có thể thừa nhận mình ngưỡng mộ một phẩm chất nào đó của họ. Sự mở lòng nho nhỏ đó thường có thể biến mối quan hệ xa cách thành mối quan hệ tốt, thậm chí là trở thành tình bạn thân thiết.
Trong giao tiếp ứng xử, để tạo sự thân thiện, tin tưởng thì việc biết khen ngợi, động viên, khích lệ người khác đúng lúc, đúng chỗ sẽ đem lại hiệu quả bất ngờ. Tổng thống Abraham Lincoln đã từng đúc kết: “Ai cũng muốn được người khác khen mình”. Đó là tâm lý phổ biến của con người. Nhưng khen cũng phải khen đúng, phải thật, phải từ tâm, chân thành, không vụ lợi, không xỏ xiên mới là người trung thực, có nhân cách. Trong cuộc sống, chúng ta nên biết động viên, khích lệ nhau. Khích lệ đúng lúc, đúng người thì chúng ta có thể nhìn thấy những điểm mạnh, sở trường của họ. Sếp biết quan tâm, khích lệ nhân viên thì sẽ tạo động lực làm việc cho họ. Sự thành công hội tụ từ những điều nhỏ nhất là vậy.