Bún chả
Bún chả đặc biệt dân dã và bình dị ngay từ khâu chế biến tới cách thưởng thức. Việc ngồi trên những bộ bàn ghế nhựa ngoài vỉa hè, xì xụp đĩa bún trắng tinh, mềm mịn bên tô mắm nóng ấm đỏ vàng dường như đã trở nên quá ư thường nhật với người Việt. Già, trẻ, trai, gái, dù là anh giám đốc sơ mi quần Âu lịch lãm đến chị lao công mồ hôi ướt áo, tất cả đều tự thưởng cho mình một suất bún chả đầy đặn ngon lành sau hàng giờ làm việc và học tập vất vả. Bún chả bao gồm 3 phần chính là nước chấm, chả nướng và tất nhiên, bún. Một suất bún chả có ngon hay không được quyết định phần lớn bởi nước chấm. Nước chấm bún chả được pha đầy đủ chua, cay, mặn, ngọt với mắm, giấm, đường, tỏi, ớt cùng lượng phù hợp tùy vào người pha chế, trong bát nước chấm luôn có thêm nộm gồm đu đủ xanh, cà rốt hay nhiều nơi có cả giá đỗ.
Chả nướng có 2 loại là chả miếng và chả viên, thường thì chả miếng sẽ được làm từ thịt ba chỉ để thịt có độ mềm và ngọt nhất định, chả viên được nặn thành khối tròn bằng khoảng ¼ lòng bàn tay, tẩm ướp và nướng dưới bếp than củi đỏ hồng. Bún trong bún chả hiện nay thường là bún rối, tuy nhiên theo truyền thống thì bún con mới được sử dụng nhiều hơn cả. Không có quá nhiều điều cần lưu ý trong cách ăn bởi bún chả trọng sự đơn giản và tiện lợi. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt trong cách thưởng thức bún chả đó là người Việt, mà cụ thể là người Hà Nội, thường ăn món ăn này vào buổi trưa. Đặc điểm chọn thời gian thưởng thức này được coi là một trong những nét độc đáo trong “nghệ thuật ẩm thức” của đất kinh kỳ đã hình thành từ xa xưa. Dĩ nhiên, vẫn có những quán ăn ngon ở Hà Nội, nhà hàng bún chả mở hàng cả vào buổi tối, tuy vậy thì việc ăn Bún Chả vào bữa tối có lẽ vẫn là điều có phần… lạ lùng với nhiều người.