Top 10 Món ăn Việt Nam nổi tiếng khắp Thế giới

Anh Trang 991 0 Báo lỗi

Trong văn hóa Việt Nam, ăn uống là cả một nghệ thuật, nó không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản của con người mà còn có mối quan hệ mật thiết đến lối sống, ... xem thêm...

  1. Top 1

    Bánh mì

    Bánh mì là một loại thức ăn đường phố của Việt Nam bao gồm vỏ là một ổ bánh mì nướng có da giòn, ruột mềm, bên trong là phần nhân. Tuỳ hương vị vùng miền hoặc sở thích cá nhân mà người ta sẽ tạo thành những kiểu nhân khác nhau (thường là nhân chả lụa, thịt, cá, thực phẩm chay hoặc mứt trái cây... kèm theo một số nguyên liệu phụ khác như patê, bơ, rau, ớt, đồ chua... Loại bánh mì này có nguồn gốc giống với bánh mì baguette do người Pháp đem vào Miền Nam Việt Nam từ những thế kỷ trước đây, có người cho rằng món này đã có tại Việt Nam từ 150 năm trước. Sau này, bánh mì đã có phạm vị ảnh hưởng đã lan ra khắp Miền Trung và cả Miền Nam, đặc biệt là rất thịnh hành ở Sài Gòn. Trong quá trình cải tiến, người Sài Gòn đã chế biến baguette lại thành kiểu bánh mì nhỏ và ngắn hơn chỉ còn khoảng 30 - 40 cm, và ruột thì rỗng hơn để có thể đưa phần nhân vào đó. Tùy thuộc vào thành phần nhân được kẹp bên trong mà bánh mì kẹp có tên gọi khác nhau.


    Để tạo ra những ổ bánh mì có kích thước (lớn, nhỏ, dài, ngắn) và cấu trúc (đặc, rỗng, mềm, cứng) khác nhau, người thợ làm bánh phải thay đổi công thức và cách làm. Ngày xưa, khi bánh mì chỉ được lên men tự nhiên, người ta sẽ thay đổi tỷ lệ chất tạo men và thời gian ủ bột. Bây giờ ngoài bước này còn có sự hỗ trợ của nhiều loại chất nhũ hoá/phụ gia khác nhau nhằm giảm thời gian ủ và tạo ra ổ bánh mì như mong muốn. Do khẩu vị vùng miền khác nhau, trên thị trường cũng có các loại phụ gia tương ứng cho mỗi miền. Ví dụ, phụ gia bánh mì miền Bắc sẽ có thêm tác dụng giúp vỏ bánh dày và giòn hơn. Bánh mì được xem là một loại thức ăn nhanh và bình dân dành cho buổi sáng, hoặc bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Vì có giá thành phù hợp nên được giới học sinh, sinh viên và người lao động rất ưa chuộng.

    Bánh mì kẹp
    Bánh mì kẹp
    Bánh mì
    Bánh mì

  2. Top 2

    Phở

    Phở là một món ăn truyền thống của Việt Nam, có nguồn gốc từ Hà Nội và Nam Định, và được xem là một trong những món ăn tiêu biểu cho nền ẩm thực Việt Nam. Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng (hay nước lèo theo cách gọi miền Nam) cùng với thịt bò hoặc thịt gà cắt lát mỏng. Ngoài ra còn kèm theo các gia vị như tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt,... Những gia vị này được thêm vào tùy theo khẩu vị của người dùng. Phở thông thường được dùng để làm món điểm tâm buổi sáng hoặc lót dạ buổi đêm; nhưng ở các thành phố lớn, món ăn này có thể được thưởng thức cả ngày. Tại các tỉnh phía Nam Việt Nam và một số vùng miền khác, phở được bày kèm với đĩa rau thơm như hành, giá và những lá cây rau mùi, rau húng, trong đó ngò gai là loại lá đặc trưng của phở; tuy nhiên tại Hà Nội thông thường sẽ không có đĩa rau sống này. Phở thường là phở bò hay phở gà, nhưng đôi khi cũng có những biến thể khác như phở sốt vang, phở trộn, phở xào...


    Nước dùng cho nồi phở thường là nước dùng trong được ninh từ xương bò (hoặc xương lợn), kèm theo nhiều loại gia vị bao gồm quế, hồi, gừng nướng, thảo quả, sá sùng, đinh hương, hạt mùi, hành khô nướng,... Thịt dùng cho món phở là thịt bò (với đủ loại thịt bắp, nạm, gầu được làm tái hay chín hẳn) hoặc thịt gà (gà ta già luộc, xé thịt cho thịt ngọt đậm đà). "Bánh phở" theo truyền thống được làm từ bột gạo, tráng thành tấm mỏng rồi cắt thành sợi. Phở luôn được thưởng thức khi còn nóng hổi. Theo đó, để có một bát phở ngon và đậm vị, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào kĩ năng của người nấu, trong đó quan trọng nhất đó chính là nồi nước dùng. Với nhiều người Việt Nam, phở có ý nghĩa nhiều hơn một món ăn thuần túy vì nó là một nét văn hóa ẩm thực-xã hội-kinh tế đặc trưng của chốn thị thành Việt Nam thời hiện đại, điển hình ở những nơi dân cư đông đúc, đa dạng như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn). Hiện nay phở đã theo chân cộng đồng Việt kiều di cư đến nhiều nước trên thế giới.

    Phở bò
    Phở bò
    Phở đặc sản Hà Nội
    Phở đặc sản Hà Nội
  3. Top 3

    Bánh cuốn

    Bánh cuốn còn gọi là bánh mướt hay bánh ướt là tên gọi một loại thực phẩm làm từ bột gạo hấp tráng mỏng, cuộn tròn, bên trong độn nhân rau hoặc thịt. Gạo làm bánh cuốn thường dùng loại gạo cũ (do sử dụng gạo mới, gạo ngon sẽ có nhiều nhựa nên bánh sẽ dính, khó chế biến), xay mịn, hòa với nước. Đặt nồi hấp, căng vải mỏng trên miệng nồi. Mỗi lần cho một muôi bột nhỏ. xoa đều lên bề mặt miếng vải để lá bánh cuốn được mỏng, có thể thoa thêm chút mỡ để dễ lấy ra. Sau khi bánh chín, dùng đũa to hoặc thanh tre gạt ra đĩa, lúc này có thể cuộn thêm nhân gồm một ít thịt vai nửa nạc nửa mỡ, tôm, băm cùng mộc nhĩ, nấm hương đã xào chín với các gia vị như mắm, hạt tiêu... Rắc thêm hành khô phi thơm và dùng với nước chấm đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt. Trong số những loại bánh cuốn Việt Nam, nổi tiếng nhất là bánh cuốn Thanh Trì, Hà Nội.


    Bánh cuốn Thanh Trì là món ăn nổi tiếng của người Hà Nội, là đặc sản của Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội. Bánh được làm từ gạo gié cánh, tám thơm, tráng mỏng như tờ giấy. Bánh cuốn Thanh Trì không có nhân, thường được xếp thành từng lớp trong lòng một chiếc thúng, trên phủ tờ lá sen hay lá chuối, lá dong. Người bán bánh thường đội thúng bánh trên đầu, di dạo bán trên phố phường Hà Nội. Khi gặp người mua, người bán hàng sẽ hạ thúng xuống, lần giở từng lớp bánh cuốn mỏng, tách từng lớp bánh sao lá bánh cuốn khỏi bị rách. Trên mặt lá bánh cuốn điểm những cọng hành lá màu vàng, nâu đã được phi qua trên chảo. Mỗi lớp bánh cuốn đó sẽ được sắp xếp gọn lại trên đĩa, lần lượt từng miếng bánh một được đặt cạnh nhau. Sau đó, với một nhát kéo, tất cả các lá bánh cuốn được cắt đôi. Công việc tiếp theo là nhấc một nửa đầu bánh cuốn mới cắt đó, đặt lên trên nửa kia để người thưởng thức có thể nhìn thấy rõ từng lớp bánh cuốn tráng mỏng như giấy. Bánh được ăn với thứ nước chấm đặc trưng cho từng người bán bánh riêng, có thể ăn kèm chả quế, giò lụa hoặc đậu rán và rau mùi.

    Bánh cuốn thơm ngon
    Bánh cuốn thơm ngon
    Bánh cuốn Thanh Trì
    Bánh cuốn Thanh Trì
  4. Top 4

    Bún chả

    Bún chả đặc biệt dân dã và bình dị ngay từ khâu chế biến tới cách thưởng thức. Việc ngồi trên những bộ bàn ghế nhựa ngoài vỉa hè, xì xụp đĩa bún trắng tinh, mềm mịn bên tô mắm nóng ấm đỏ vàng dường như đã trở nên quá ư thường nhật với người Việt. Già, trẻ, trai, gái, dù là anh giám đốc sơ mi quần Âu lịch lãm đến chị lao công mồ hôi ướt áo, tất cả đều tự thưởng cho mình một suất bún chả đầy đặn ngon lành sau hàng giờ làm việc và học tập vất vả. Bún chả bao gồm 3 phần chính là nước chấm, chả nướng và tất nhiên, bún. Một suất bún chả có ngon hay không được quyết định phần lớn bởi nước chấm. Nước chấm bún chả được pha đầy đủ chua, cay, mặn, ngọt với mắm, giấm, đường, tỏi, ớt cùng lượng phù hợp tùy vào người pha chế, trong bát nước chấm luôn có thêm nộm gồm đu đủ xanh, cà rốt hay nhiều nơi có cả giá đỗ.


    Chả nướng có 2 loại là chả miếng và chả viên, thường thì chả miếng sẽ được làm từ thịt ba chỉ để thịt có độ mềm và ngọt nhất định, chả viên được nặn thành khối tròn bằng khoảng ¼ lòng bàn tay, tẩm ướp và nướng dưới bếp than củi đỏ hồng. Bún trong bún chả hiện nay thường là bún rối, tuy nhiên theo truyền thống thì bún con mới được sử dụng nhiều hơn cả. Không có quá nhiều điều cần lưu ý trong cách ăn bởi bún chả trọng sự đơn giản và tiện lợi. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt trong cách thưởng thức bún chả đó là người Việt, mà cụ thể là người Hà Nội, thường ăn món ăn này vào buổi trưa. Đặc điểm chọn thời gian thưởng thức này được coi là một trong những nét độc đáo trong “nghệ thuật ẩm thức” của đất kinh kỳ đã hình thành từ xa xưa. Dĩ nhiên, vẫn có những quán ăn ngon ở Hà Nội, nhà hàng bún chả mở hàng cả vào buổi tối, tuy vậy thì việc ăn Bún Chả vào bữa tối có lẽ vẫn là điều có phần… lạ lùng với nhiều người.

    Bún chả
    Bún chả
    Bún chả
    Bún chả
  5. Top 5

    Nem rán (Chả ram)

    Nem rán hay chả giò, chả ram hay chả đa nem là tên một món ăn nổi tiếng của người Việt, chúng cũng được gọi tắt là nem theo cách gọi phổ biến ở miền Bắc. Ở miền Trung, món ăn này thường gọi là ram (riêng ở Thanh Hóa gọi là chả), còn ở miền Nam, nó được gọi là chả giò. Loại nem gói theo kiểu miền Nam được người Bắc gọi là nem Sài Gòn, có xuất xứ từ Trung Quốc trong những món dimsum và được chế biến từ những nguyên liệu dễ kiếm, cách thực hiện đơn giản. Nem rán truyền thống thường có nguyên liệu chính là thịt lợn, tôm hay cua băm nhỏ, củ sắn vắt ráo nước, nấm mèo, miến, trứng gà và một số gia vị thông dụng của ẩm thực Việt như hành lá, tiêu, nước mắm, được cuốn bằng bánh tráng và chiên ngập dầu. Chả giò thường được ăn kèm với nước mắm pha, đồ chua và rau xà lách, các loại rau thơm như húng quế, húng cây, diếp cá,...


    Ngoài nem nhân thịt lợn, cua, hải sản... miền Bắc còn có thêm món nem ốc. Nguyên liệu gồm ốc, thịt nạc dăm, lá lốt, lá ngải cứu, hành hoa băm nhỏ, trứng gà. Ở miền Nam còn rất nhiều loại nem khác như: chả giò rươi, chả giò trái cây, chả giò chay, chả giò hải sản, chả giò gói bằng hoành thánh, chả giò rế, chả ram. Riêng với nem hải sản thì các nguyên liệu tôm cá với rau củ đều được thái hạt lựu, xào sơ rồi trộn sốt mayonnaise, sau khi cuốn gói nem phải nhúng nem với hỗn hợp bột mỳ pha với nước và áo qua bột chiên xù, sau đó đem chiên chín vàng. Để tránh cho chả giò bị ngấy dầu, người ta thường xếp những cuốn chả giò vào nồi chiên chân không và quết lên chút dầu ăn và bật công tắc nồi để nó tự chế biến. Nem vẫn thơm giòn như chiên ngập dầu, rất có lợi cho sức khoẻ. Đối với người Hà Nội còn có phở cuốn tôm chiên - một biến thể của nem rán truyền thống sử dụng lá bánh phở mềm cuộn cùng rau, tôm và nấm đem nhúng bột chiên giòn.

    Nem rán
    Nem rán
    Món nem rán
    Món nem rán
  6. Top 6

    Gỏi cuốn

    Gỏi cuốn hay còn được gọi là nem cuốn là một món ăn khá phổ biến ở Việt Nam. Gỏi cuốn có xuất xứ từ Miền nam Việt Nam với tên gọi là gỏi cuốn - bằng các nguyên liệu gồm rau xà lách, giá, rau thơm, húng quế, tía tô, tôm khô, rau thơm, thịt luộc, tôm tươi,... tất cả được cuộn trong vỏ bánh tráng. Gia vị dùng kèm là tương hột trộn với lạc rang giã nhỏ phi bằng dầu ăn với hành khô... tất cả thái nhỏ và cuộn trong vỏ làm từ bột mì. Gia vị dùng kèm là tương ớt trộn với lạc rang giã nhỏ phi bằng dầu ăn với hành khô. Món ăn này phổ biển ở Việt Nam chủ yếu dùng bánh tráng được cuốn với nhiều thành phần khác nhau tùy từng vùng miền, thường dùng để khai vị hay ăn kèm cùng đồ uống như một món nhậu, được làm từ bánh tráng cuộn với các loại rau thơm, bún, và một số loại thịt như: Thịt bò, heo, vịt, tôm, cá, cua,...

    Các món ăn lấy bánh tráng để cuốn nhìn chung là một dạng chế biến món ăn thịnh hành khắp ba miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam. Hầu như không có một công thức cố định cho các món dùng bánh tráng cuốn, bởi tùy địa phương, vùng miền, nguyên liệu dùng để cuốn có nhiều khác biệt. Các nguyên liệu làm gỏi cuốn gồm thịt, đồ hải sản là nguyên liệu chính quyết định hình thức và chất lượng của món nem cuốn, thịt có thể bao gồm thịt bò, thịt heo ba chỉ, tai heo, thịt vịt, tôm, cá các loại, cua, giò lụa, chả, trứng. Bánh tráng thường dùng loại bánh tráng riêng để ăn trực tiếp, thường mỏng và hơi mềm để không cần ủ mềm trước khi chế biến, phân biệt với loại bánh tráng cứng hơn thường dùng để cuốn nem rán. Bánh tráng để làm gỏi cuốn Nam bộ mỏng hơn nhiều so với bánh tráng để cuốn các món miền Trung. Rau thơm, rau sống các loại. Củ quả như dưa leo, dứa, củ sắn, nấm, chuối xanh, khế chua,...

    Gỏi cuốn
    Gỏi cuốn
    Gỏi cuốn
    Gỏi cuốn
  7. Top 7

    Bún bò Huế

    Bún bò là một trong những đặc sản của xứ Huế, mặc dù món bún này phổ biến trên cả ba miền ở Việt Nam và cả người Việt tại hải ngoại. Tại Huế, món này được gọi đơn giản là bún bò hoặc gọi cụ thể hơn là bún bò giò heo. Các địa phương khác gọi là bún bò Huế, bún bò gốc Huế để chỉ xuất xứ của món ăn này. Món ăn có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng và vị sả và ruốc. Đôi khi tô bún còn được thêm vào thịt bò tái, chả cua, và các loại nguyên liệu khác tùy theo sở thích của người nấu.


    Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng của nồi bún bò Huế. Sau khi xương bò được hầm chín tới, người ta thường thêm vào một ít chả heo hay chả cua được quết nhuyễn. Thịt bò có thể được cắt mỏng, nhúng vào nước dùng đang sôi trước khi cho vào tô bún (gọi là thịt bò tái). Người ta cũng thường cho thêm một ít ớt bột và gia vị vào tô bún rồi ăn với rau sống gồm giá, rau thơm, xà lách, rau cải con, bắp chuối cắt nhỏ.

    Bún bò Huế
    Bún bò Huế
    Bún bò Huế
    Bún bò Huế
  8. Top 8

    Bánh xèo

    Bánh xèo là một loại bánh phổ biến ở châu Á, phiên bản bánh xèo của Nhật Bản và Triều Tiên có bột bên ngoài, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá đỗ, kim chi, khoai tây, hẹ, (bánh xèo Triều Tiên), tôm, thịt, cải thảo (Nhật Bản) được rán màu vàng,đúc thành hình tròn hoặc gấp lại thành hình bán nguyệt. Tuỳ theo từng địa phương tại Việt Nam mà bánh được thưởng thức với nét đặc trưng riêng. Thường có 2 phương pháp chính: đổ bánh xèo giòn và bánh xèo dai. Ăn bằng hai cách là ăn bốc hoặc ăn bằng đũa. Tại Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, lạc. Tại miền Nam Việt Nam, bánh có cho thêm trứng và người ta ăn bánh xèo chấm nước mắm chua ngọt. Tại miền Bắc Việt Nam, nhân bánh xèo ngoài các thành phần như các nơi khác còn thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi.

    Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, rau diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non... Ở Cần Thơ có thêm lá chiết, ở Đồng Tháp thêm lá bằng lăng, ở Vĩnh Long có thêm lá xoài non, ở Bạc Liêu có thêm lá cách. Cầu kỳ nhất là ở các vùng miền Trung Việt Nam, ngoài rau sống, còn thêm quả vả chát, khế chua.. Bởi vậy, dân sành ăn cứ thấy ngờ ngợ như món này thực sự được bắt nguồn từ Huế. Bánh xèo Phan Thiết khác với bánh xèo ở những nơi khác là bánh nhỏ chỉ bằng cái lòng chén và không cuốn với rau xà lách mà thả vào tô nước mắm chín (nước mắm đã được giã với tỏi và ớt). Trên đường Tuyên Quang có nhiều quán bánh xèo rất ngon nên còn có tên là "phố bánh xèo". Hoa sen tuy ở giữa chốn bình dị nhưng vẫn thể hiện sự thanh khiết, cao quý. Từ ý nghĩa đó, "bánh xèo hoa sen" tại Sài Gòn là một món ăn mới mà nghệ nhân Mười Xiềm đã chăm chút sáng tạo. Kết hợp nguyên liệu truyền thống cùng hạt sen, ngó sen, củ sen càng làm cho chiếc bánh xèo đậm đà tình quê.

    Bánh xèo
    Bánh xèo
    Bánh xèo
    Bánh xèo
  9. Top 9

    Chuối nếp nướng

    Chuối nếp nướng là món ăn vặt được nhiều người yêu thích, chuối bọc nếp nướng với vị béo cốt dừa, quyện cùng vị ngọt thơm của chuối chín, vị bùi của đậu phộng. Ngon nhất là chuối nếp nướng Hội An. Ở Hội An, chuối nếp nướng là thức quà dường như để dành cho mùa đông vì chỉ xuất hiện khi gió bấc vừa tràn về. Chính tiết trời lành lạnh lại càng khiến người ta cảm nhận trọn vẹn hơn cái ngon trong từng chiếc bánh chuối. Nguyên liệu làm chuối nếp nướng vỏn vẹn chỉ ba thứ: nếp, chuối và nước cốt dừa. Theo các bậc cao niên, xung quanh phố Hội diện tích đất ruộng, đất vườn còn nhiều là điều kiện lý tưởng để người dân phát triển nghề phụ gắn với cây lúa và các loại cây nông sản như đậu, mè, khoai, chuối, sắn. Rất nhiều món ăn, quà vặt truyền thống nổi tiếng được chế biến từ nguyên liệu vườn nhà như xí mà, bánh đậu xanh, xôi bánh dày,…và đặc biệt không thể thiếu bánh chuối nếp nướng.


    Có thể nói, ở “Hội An trăm vật trăm ngon” nhất thiết phải kể đến yếu tố con người. Đức tính chịu thương, chịu khó, tỉ mỉ cùng với đôi bàn tay khéo léo và trên cả là tấm chân tình của người dân với nghề đã tạo nên món quà tuyệt vời gửi đến du khách gần xa. Bánh chuối nếp nướng là điển hình cho sản phẩm tinh tế của các bà các chị phố Hội, từ khâu chọn chuối cho đến khi bánh chuối đượm nồng hương vị lửa than. Để bánh thật ngon, thật thơm, phải trải qua 3 công đoạn tỉ mỉ, nấu xôi, bó bánh và nướng. Gạo nếp để nấu xôi chọn loại thơm, ngon, dẻo mang đi vo thật sạch, ngâm với nước dừa qua đêm trước khi nấu. Xôi chín, mở nắp nồi còn nghi ngút khói thêm một ít nước dừa rồi nhanh tay dùng đũa đảo đều và đậy nắp thêm chừng năm phút thì có thể tắt bếp. Bánh chuối nếp nướng quả là sự kết hợp một cách hoàn hảo giữa vị ngọt của nếp, chuối, vị bùi béo, nồng ấm của dừa, sự tảo tần, tinh tế của người phố Hội.

    Chuối nếp nướng
    Chuối nếp nướng
    Chuối nếp nướng
    Chuối nếp nướng
  10. Top 10

    Bún riêu cua

    Bún riêu cua là một món ăn truyền thống Việt Nam được biết đến rộng rãi trong nước và quốc tế. Món ăn này gồm bún (bún rối hoặc bún lá) và "riêu cua". Riêu cua là canh chua được nấu từ gạch cua, thịt cua giã và lọc cùng với quả dọc, cà chua, mỡ nước, giấm bỗng, nước mắm, muối, hành hoa. Bún riêu thường thêm chút mắm tôm để tăng thêm vị đậm đà, thường ăn kèm với rau sống. Bún riêu ngày xưa rất đơn giản, chỉ có bát riêu không và một miếng gạch cua, vài miếng cà chua. Còn bây giờ, theo như khách hàng phải có giò, thịt bò, đậu, ốc kèm theo từng bát bún cua. Mì chính thì cho mỗi bát một ít, ai ăn mắm tôm cho mắm tôm, ai ăn gia vị cho gia vị chứ không cho đồng đều được.


    Vừa chan nước từ nồi nước riêu đỏ ngậy có cà chua vào những bát bún, bà Mầm vừa thổ lộ để làm ra những bát bún riêu ngon, người nấu phải thực sự tỉ mỉ trong từng công đoạn. Cua sau khi bóc mai rửa sạch được giã nhuyễn rồi lọc để nấu canh riêu. Gạch cua được khều để riêng rồi chưng với mỡ, hành khô cùng chút gia vị. Đặc biệt nước dùng cho bún riêu cua phải có bỗng rượu để tạo vị chua đặc trưng. Bún ăn kèm thì là bún sợi vừa để khi chan nước dùng ăn dai và không bị nát. Không biết tự bao giờ món bún riêu đã xuất hiện ở miền Bắc khoảng hơn 50 năm. Và cho đến ngày nay bún riêu cua trở thành món ăn truyền thống của Việt Nam được biết đến rộng rãi trong nước và hơn thế là rộng ra cả thế giới. Theo thời gian, qua quá trình Nam tiến và sự giao thoa văn hóa của ẩm thực ở các vùng miền thì món bún riêu cũng có sự thay đổi cả về cách nấu, mùi vị và cả những loại rau ăn kèm.

    Bún riêu cua
    Bún riêu cua
    Bún riêu cua
    Bún riêu cua



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy