Cảm lạnh
Do thời tiết lạnh nên mọi người ở trong không gian kín lâu hơn và virus cũng sống lâu hơn ở nhiệt độ thấp làm tăng nguy cơ lây nhiễm cảm lạnh. Tiến sĩ William Schaffne (Đại học Vanderbilt, Mỹ) chia sẻ với Healthline, mùa đông là thời điểm nhiều người dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp hơn. Đầu tiên, do mọi người ở trong không gian kín nhiều hơn và thời gian tiếp xúc trực tiếp lâu hơn. Không gian đông đúc giúp phát tán các giọt bắn chứa virus. Lý do thứ hai liên quan đến độ ẩm. Virus tồn tại trong không khí ẩm lâu hơn vào mùa đông nên có thể lây lan dễ dàng hơn từ người này sang người khác. Do vậy, mọi người có thể bị ốm nếu tiếp xúc với những vi trùng này bất kể thời tiết, nhưng thường nhất là vào mùa đông, đặc biệt là cúm và cảm lạnh.
Mặc dù bệnh cảm lạnh có thể tự khỏi sau vài ngày, tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, nó có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời. Những biến chứng của cảm lạnh bao gồm: Hen suyễn vì cảm lạnh có thể làm kích hoạt các cơn hen suyễn đối với những người bị hen suyễn. Viêm tai giữa (nhiễm trùng tai cấp tính): Virus hoặc vi khuẩn có thể xâm nhập vào không gian phía sau màng nhĩ, dẫn đến các triệu chứng như đau nhức tai, dịch mũi tiết ra có màu xanh hoặc vàng, sốt trở lại. Viêm xoang cấp tính: nếu tình trạng cảm lạnh không được xử lý có thể dẫn đến viêm và nhiễm trùng xoang ở cả trẻ em và người lớn. Nhiễm trùng thứ cấp khác: Viêm họng liên cầu khuẩn, viêm phổi, viêm phế quản.
Biện pháp phòng tránh:
- Rửa tay thường xuyên: Bạn nên làm sạch tay thường xuyên với nước rửa tay để tiêu diệt các loại vi khuẩn hoặc virus bám trên tay.
- Khử trùng đồ đạc: Làm sạch bếp và mặt bàn bằng chất khử trùng, nhất là trong khi gia đình bạn đang có người bị cảm lạnh. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý vệ sinh đồ chơi cho con thường xuyên.
- Dùng khăn giấy: Sử dụng khăn giấy để che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Sau đó, bỏ khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác và rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng.
- Không dùng chung đồ: Không nên dùng chung cốc hoặc các đồ vệ sinh cá nhân với người bị mắc bệnh.
- Hạn chế tối đa tiếp xúc với người bị cảm lạnh: bệnh nhân bị nhiễm virus gây cảm lạnh có thể lây truyền sang cho người khác thông qua tiếp xúc, vì vậy bạn nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với họ để giảm nguy cơ bị lây nhiễm.
- Chăm sóc sức khỏe cho bản thân: Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, thường xuyên tập thể dục, ngủ đủ giấc và kiểm soát sự căng thẳng có thể giúp bạn hạn chế được nguy cơ bị cảm lạnh.