Chợ nổi Ngã Bảy – Hậu Giang
Chợ nổi Ngã Bảy còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp đây là một chợ nổi thuộc thị xã Ngã Bảy được hình thành từ năm 1915 và rất nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang. Chợ trên sông này là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Chợ Ngã Bảy có lượng hàng hóa vô cùng đa dạng và rất phong phú, nhất là trái cây, hàng nông sản, ngoài ra còn có chiếu, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng cho đến hàng gia cầm, thủy hải sản, cho tới cả đồ ăn, thức uống cũng không thiếu. Nơi đây không chỉ nơi buôn bán hàng hóa mà còn là địa điểm rất thu hút khách du lịch. Ở đây hầu hết các con sông đều đổ ra Ngã Bảy. Lúc bấy giờ, có hơn 300 chiếc thuyền tụ tập về đây mỗi ngày. Đây có thể được xem là trung tâm đầu mối và là chợ nổi khá sầm uất. Cũng chính ngay chợ Ngã Bảy đã hình thành nghề xóm làm ghe (chèo), làng nghề đóng ghe truyền thống ở đầu "doi" Tân Thới Hoà, doi Chành, doi Cát dài hơn 1 km tồn tại trên nửa thế kỷ với mấy trăm hộ ăn nên làm ra cũng nhờ chợ Ngã Bảy.
Chợ nổi Ngã Bảy ra đời sau 10 năm đào kinh xáng, bảy ngã sông hình thành (Cái Côn, Xẻo Môn, Búng Tàu, Lái Hiếu...). Do sức lan toả, tác động quá lớn, vùng trung tâm lập tức trở thành đầu mối giao thông thuỷ lớn nhất Nam Kỳ song hành với một trung tâm giao thương hàng hoá lớn của cả miền cực Nam, tác động mạnh đến thị trường nông sản miền Tây. "Ngôi sao Phụng Hiệp" - như người Pháp thường gọi - còn được dự kiến lập thành thương cảng cho cả vùng Hậu Giang mênh mông ngày trước. Chợ Ngã Bảy là chợ tổng hợp, có thể mua sỉ, bán lẻ; phong phú đa dạng đủ loại hàng hóa mang đặc trưng sắc màu cuộc sống Nam Bộ. Thời mở cửa, sản phẩm đồng bằng theo dòng nước lớn qua Ngã Bảy, ra tận đất Bắc, vượt biên giới đến với bạn bè năm châu. Du khách tới đây sẽ cảm thấy bạt ngàn màu sắc của trái cây, rau, các đồ dùng sinh hoạt miền sông nước. Đặc biệt là màu đỏ tươi của chôm chôm, màu ruốc chín của măng cụt, vị thơm của sầu riêng. Mỗi thuyền chỉ bán một loại trái cây và loại trái đó sẽ được treo lên một cây sào cao tượng trưng như là để thông báo rằng: "tôi là nhãn", "còn tôi là xoài"...