Con đường cao nhất thế giới - Quốc lộ Karakoram
Đường cao tốc Karakoram – Pakistan được xây dựng bởi chính phủ Pakistan và Trung Quốc năm 1959, được hoàn thành và mở cửa cho công chúng vào năm 1979. Nó chạy qua khu vực núi Gilgit-Baltistan và nằm trên độ cao hơn 5.000 m so với mặt nước biển, lái xe có thể sẽ cảm nhận được sự thiếu oxy khi đi trên con đường này. Không chỉ là tuyến đường trải nhựa cao nhất thế giới mà cao tốc Karakoram còn được mệnh danh là “kỳ quan thứ 8” của nhân loại. Cao tốc Karakoram dài 1.290km nối các tỉnh Punjab, Khyber Pakhtunkhwa và Gilgit-Baltistan Pakistan với khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc. Sở dĩ tuyến đường này trở thành một huyền thoại là vì nó nằm ở độ cao 4.600m so với mực nước biển và chạy dọc theo dãy núi Karakoram hùng vĩ, hiểm trở, rất dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai như lũ quét, sạt lở,...
Theo thống kê, 810 công nhân Pakistan và 202 công nhân Trung Quốc đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng cao tốc vì đá lở và ngã xuống vực sâu, chưa kể số chết vì nhiễm bệnh tật, côn trùng, rắt rết. Do địa hình hiểm trở nên phương tiện hiện đại gần như không thể hỗ trợ được, những kỹ sư phải tìm cách tháo rời xe ủi và dùng lừa vận chuyển vào để lắp ráp và bắt đầu san ủi. Một lần, quân đội Pakistan thử dùng trực thăng hạng nặng Mi-17 vận chuyển xe ủi nhưng do khe núi quá hẹp và gió lớn, đã xảy ra tai nạn khiến trực thăng rơi, 9 người đều thiệt mạng. Một trong những cung đường đẹp nhất của tuyến cao tốc mà du khách nhất định phải ngắm nhìn chính là dãy núi Passu The Cathedral Ridge hùng vĩ nổi bật giữa nền trời trong xanh. Cứ mỗi đoạn đường đi qua, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng một tuyệt tác của thiên nhiên và không khỏi thán phục những người đã góp phần tạo nên con đường huyền thoại này và cũng hiểu vì sao nó được ví như "kỳ quan thứ 8 của nhân loại".