Đặc trưng về ngoại hình
Họ Sóc nói chung là các động vật nhỏ, dao động về kích thước từ nhỏ như sóc lùn châu Phi dài khoảng 12–14 cm, và cân nặng chỉ 15–18 g, đến lớn như sóc lớn Ấn Độ với chiều dài đầu với cơ thể 25–50 cm, đuôi dài tương đương hoặc dài hơn một chút, và cân nặng 1,5–2 kg (mặc dù hiếm khi lên đến 3 kg). Họ Sóc nói chung có thân hình mảnh dẻ với đuôi rậm rạp và mắt to. Bộ lông của chúng nói chung mềm và mượt, mặc dù ở một vài loài có thể là dày hơn. Màu lông của chúng biến động khá mạnh giữa các loài và thậm chí là ngay trong phạm vi loài.
Các chân sau nói chung dài hơn các chân trước, mỗi chân có 4 hay 5 ngón. Chân trước có ngón cái, mặc dù nó kém phát triển. Các chân cũng có gan bàn chân mềm ở mặt dưới.
Họ Sóc sinh sống trong gần như mọi môi trường sống, từ rừng mưa nhiệt đới tới sa mạc bán khô cằn, chỉ không có tại khu vực cận địa cực và các sa mạc khô nhất. Chúng chủ yếu là động vật ăn thực vật, với thức ăn là hạt và quả, nhưng nhiều loài ăn cả côn trùng và thậm chí là các loài có xương sống nhỏ. Trên thực tế, một số loài nhiệt đới gần như chỉ ăn côn trùng. Bộ răng của các loài sóc tuân theo kiểu răng điển hình của động vật gặm nhấm, với các răng cửa lớn có tác dụng gặm nhấm và chúng phát triển ra trong suốt cả cuộc đời, còn các răng hàm có tác dụng nhai thì nằm cách các răng cửa một khoảng trống lớn.
Các loài sóc nói chung có thị lực tốt, và điều này đặc biệt quan trọng cho các loài sống trên cây. Nhiều loài cũng có hệ thống cảm quan, với các ria mép hay các lông trên các chân.
Họ Sóc sinh sản 1 đến 2 lần mỗi năm, với số lượng con non sinh ra không đồng nhất sau 3-6 tuần, phụ thuộc vào từng loài. Các con non sinh ra trần trụi, không răng, mù và yếu ớt. Ở phần lớn các loài, chỉ có con mẹ chăm sóc con non. Chúng được cho bú tới khoảng 6-10 tuần tuổi và thuần thục sinh lý vào cuối năm đầu tiên cuộc đời của chúng. Các loài sinh sống trên mặt đất nói chung có tính cộng đồng, thường sinh sống thành bầy, nhưng các loài sống trên cây thì phần lớn là đơn độc.