Dang dở
(Tặng T.T.Kh.)
Khi biết lòng anh như đã chết,
Mây thôi hồng, và lá cũng thôi xanh.
Màu hoa tươi cũng héo ở trên cành
Và vũ trụ thảy một màu đen tối.
Anh cố giữ lòng anh không bối rối
Để mơ màng tưởng nhớ phút giây xưa.
Em cùng anh sánh gót dưới bóng dừa,
Một đêm trăng sáng trên đường đá đỏ.
Em nói những gì? Anh còn nhớ rõ,
Nhưng làm sao? Ai hiểu tại làm sao?
Chim muốn bay, cũng giữ chẳng được nào,
Tình đã chết, có mong gì sống lại!
Anh không trách chi em điều ngang trái,
Anh không buồn số kiếp quá mong manh!
Có gì đâu khi bướm muốn xa cành,
Anh cứ tiếc cái gì xưa đã chết.
Nhưng anh biết cái gì xưa đã chết,
Anh càng buồn, càng muốn kết thành thơ;
Mộng đang xanh, mộng hoá bơ phờ,
Đây bài thơ chót kính dâng tặng bạn.
Và thành chúc đời em luôn tươi sáng,
Như mộng kiều đầm ấm tuổi xuân xanh,
Như hương trinh bát ngát ý dịu lành
Hoà nhạc mới triều dâng tơ Hạnh phúc.
Cuộc ly biệt ngờ đâu vừa đúng lúc,
Lòng bâng khuâng, bối rối trước khúc quanh;
Đi không đành, mà ở cũng không đành,
Muôn chim Việt hãy về thành Nam cũ.
Chiều nay lạnh, có nhiều sương rơi quá,
Nhưng lòng anh đã bình thản lại rồi.
Hết đau buồn và cảm thấy sục sôi
Niềm uất hận của một thời lạc lối.
Lấy nghệ thuật làm trò hề múa rối
Đem tài hoa cung phụng sóng mắt huyền.
Để khẩn cầu xin một nụ cười duyên;
Nàng kiều nữ chốn lầu hoa thầm kín.
Trong khi ấy, thanh niên không bịn rịn,
Giã gia đình, trường học để ra đi.
Hoạ xâm lăng đe doạ ở biên thuỳ,
Kèn gọi lính giục lòng trai cứu quốc.
Thôi em nhé! từ đây anh cất bước,
Em yên lòng vui hưởng cuộc đời vui.
Đừng buồn thương, nhớ, tiếc, hoặc ngậm ngùi,
Muôn việc thảy đều do nơi số kiếp.
Nguồn: Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1968