Top 10 Bài thơ hay nhất của nhà thơ Thâm Tâm

Phương Kem 563 0 Báo lỗi

Thâm Tâm tên thật là Nguyễn Tuấn Trình (1917–1950) là một nhà thơ và nhà viết kịch Việt Nam. Bài thơ Tống biệt hành của ông được coi là một trong những bài ... xem thêm...

  1. Đưa người, ta không đưa qua sông,

    Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

    Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,

    Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

    Đưa người ta chỉ đưa người ấy

    Một giã gia đình, một dửng dưng...


    - Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,

    Chí nhớn chưa về bàn tay không,

    Thì không bao giờ nói trở lại!

    Ba năm mẹ già cũng đừng mong!


    *

    Ta biết người buồn chiều hôm trước:

    Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,

    Một chị, hai chị cũng như sen

    Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.


    Ta biết người buồn sáng hôm nay:

    Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,

    Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc

    Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...


    Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!

    Mẹ thà coi như chiếc lá bay,

    Chị thà coi như là hạt bụi,

    Em thà coi như hơi rượu say.


    Bài thơ này được đăng trên báo Tiểu thuyết thứ bảy năm 1940, sau đó được tuyển chọn vào sách Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân. Bản trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (1968) còn in thêm một khổ thơ nữa ở cuối như sau:

    Mây thu đầu núi, gió lên trăng,

    Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm.

    Ly khách ven trời nghe muốn khóc,

    Tiếng Đời xô động, tiếng hờn câm.


    Theo Bùi Viết Tân đăng trên Tạp chí Văn nghệ kháng chiến (5-1951), “Cuối năm 1949, trong một chuyến đi dài ngày từ Liên Khu 3 lên Việt Bắc, tôi có dịp đồng hành với thi sĩ Thâm Tâm (Nguyễn Tuấn Trình) [...] nhân vật gây nguồn cảm hứng để anh sáng tác bài thơ nổi tiếng Tống biệt hành là một người tên Phạm Quang Hoà, trước 1945 thoát ly gia đình ra đi lên chiến khu làm cách mạng. Tôi đã hỏi anh Thâm Tâm, nhân vật Phạm Quang Hoà ở đâu, còn sống không? Anh Thâm Tâm cho biết Phạm Quang Hoà ra đi, trở về và đang tiếp tục cuộc sống của một người trai thời loạn.”Bài thơ này đã được nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng phổ nhạc thành bài hát cùng tên.


    Bài thơ này từng được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được lược bỏ trong SGK Ngữ văn 11 từ 2007.


    Nguồn:

    1. Thơ Thâm Tâm, NXB Văn học, Hà Nội, 1988

    2. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1968

    3. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004

    4. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Văn học, 2007

    Gọi điện
    Tống biệt hành
    Tống biệt hành
    Tống biệt hành

  2. Gửi T.T.KH. - Tác giả bài thơ “Hai sắc hoa tigôn”


    Người ta trả lại cánh hoa tàn,

    Thôi thế duyên tình cũng dở dang!

    Màu máu tigôn đà biến sắc,

    Tim người yêu cũ phủ màu tang!


    K... hỡi! người yêu của tôi ơi!

    Nào ngờ em giết chết một đời!

    Dưới mồ đau khổ anh ghi nhớ

    Hình ảnh em hoài, mãi thế thôi.


    Quên làm sao được thuở ban đầu

    Một cánh tigôn dạ khắc sâu!

    Một cánh hoa xưa màu hy vọng!

    Nay còn dư ảnh trái tim đau.


    Anh biết làm sao được hỡi trời!

    Dứt tình bao nỡ, nhớ không thôi!

    Thôi em hãy giữ cành hoa úa,

    Kỷ niệm ngàn năm một cuộc đời!


    Bài thơ này đã được nhạc sĩ Việt Dzũng phổ nhạc thành bài hát cùng tên.


    Nguồn:

    1. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1968

    2. Thơ Thâm Tâm, NXB Văn học, 1988

    Màu máu tigôn
    Màu máu tigôn
    Màu máu tigôn
    Màu máu tigôn
  3. (Tặng T.T.Kh.)


    Khi biết lòng anh như đã chết,

    Mây thôi hồng, và lá cũng thôi xanh.

    Màu hoa tươi cũng héo ở trên cành

    Và vũ trụ thảy một màu đen tối.


    Anh cố giữ lòng anh không bối rối

    Để mơ màng tưởng nhớ phút giây xưa.

    Em cùng anh sánh gót dưới bóng dừa,

    Một đêm trăng sáng trên đường đá đỏ.


    Em nói những gì? Anh còn nhớ rõ,

    Nhưng làm sao? Ai hiểu tại làm sao?

    Chim muốn bay, cũng giữ chẳng được nào,

    Tình đã chết, có mong gì sống lại!


    Anh không trách chi em điều ngang trái,

    Anh không buồn số kiếp quá mong manh!

    Có gì đâu khi bướm muốn xa cành,

    Anh cứ tiếc cái gì xưa đã chết.


    Nhưng anh biết cái gì xưa đã chết,

    Anh càng buồn, càng muốn kết thành thơ;

    Mộng đang xanh, mộng hoá bơ phờ,

    Đây bài thơ chót kính dâng tặng bạn.


    Và thành chúc đời em luôn tươi sáng,

    Như mộng kiều đầm ấm tuổi xuân xanh,

    Như hương trinh bát ngát ý dịu lành

    Hoà nhạc mới triều dâng tơ Hạnh phúc.


    Cuộc ly biệt ngờ đâu vừa đúng lúc,

    Lòng bâng khuâng, bối rối trước khúc quanh;

    Đi không đành, mà ở cũng không đành,

    Muôn chim Việt hãy về thành Nam cũ.


    Chiều nay lạnh, có nhiều sương rơi quá,

    Nhưng lòng anh đã bình thản lại rồi.

    Hết đau buồn và cảm thấy sục sôi

    Niềm uất hận của một thời lạc lối.


    Lấy nghệ thuật làm trò hề múa rối

    Đem tài hoa cung phụng sóng mắt huyền.

    Để khẩn cầu xin một nụ cười duyên;

    Nàng kiều nữ chốn lầu hoa thầm kín.


    Trong khi ấy, thanh niên không bịn rịn,

    Giã gia đình, trường học để ra đi.

    Hoạ xâm lăng đe doạ ở biên thuỳ,

    Kèn gọi lính giục lòng trai cứu quốc.


    Thôi em nhé! từ đây anh cất bước,

    Em yên lòng vui hưởng cuộc đời vui.

    Đừng buồn thương, nhớ, tiếc, hoặc ngậm ngùi,

    Muôn việc thảy đều do nơi số kiếp.


    Nguồn: Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1968

    Dang dở
    Dang dở
    Dang dở
    Dang dở
  4. Thăng Long đất lớn chí tung hoành,

    Bàng bạc gương hồ ánh mắt xanh.

    Một lứa chung tình từ tứ chiếng,

    Hội nhau vầy một tiệc quần anh.

    Mày gươm nét mác chữ nhân già,

    Hàm bạnh hình đồi, lưng cỗi đa.

    Tay yếu đang cùng tay mạnh dắt,

    Chưa ngất men trời hả rượu cha.

    Rau đất cá sông gào chẳng đủ,

    Nổi bùng giữa tiệc trận phong ba.

    Rằng: “Đương gió bụi mờ tơi tả,

    Thiên hạ phải dùng thơ chúng ta!”


    Thơ ngâm giở giọng, thời chưa thuận.

    Tan tiệc quần anh, người nuốt giận,

    Chim nhạn, chim hồng rét mướt bay,

    Vuốt cọp, chân voi còn lận đận.

    Thằng thí cho nhàm sức võ sinh,

    Thằng bó văn chương đôi gối hận

    Thằng thư trói buộc, thằng giã quê.

    Thằng phấn son nhơ... chửa một về!

    Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch.

    Ta ghét hoài câu “nhất khứ hề”.


    Ngoài phố mưa bay: xuân bốc rượu,

    Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê.

    - Ới ơi bạn tác ngoài trôi giạt,

    Chẳng đọc thơ ta tất cũng về.


    Bài thơ đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, số 2, tháng 7-1944.

    Nguồn:

    1. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1968

    2. Thơ Thâm Tâm, NXB Văn học, 1988

    Vọng nhân hành
    Vọng nhân hành
    Vọng nhân hành
    Vọng nhân hành
  5. Đây cảnh cũ, đâu người xưa

    Tình cũ năm qua để hững hờ

    Hoa dẫu mỉm cười nhưng có ý

    Phảng buồn mặt phấn nét tương tư

    Giận thời gian, tiếc ngây thơ

    Lòng xuân tình cảm bây giờ gửi ai?

    Trinh xuân mộng cũ đi rồi

    Cảnh sinh xa vắng ngậm ngùi ly tao

    Gặp Trinh trong bóng xuân đào

    Đang khi quãng gió dạt dào chim ca

    Má hồng, hồng đượm hương hoa

    Rung rinh đọng giọt phấn nhoà sương rơi

    Hoa xuân thắm, nụ xuân tươi

    Quyện hoa hơn hớn, lòng ơi mộng lòng

    Trinh tay nâng giấc cánh hồng

    Với vần thơ hái mơ mòng tôi yêu...

    Cảm nhau từ đấy xuân chiều

    Cành thơ, lá gió dập dìu ngân nga

    Tìm Trinh trong nắng tôi ra

    Lời oanh ríu rít vuốt hoa Trinh cười

    Nhưng đây nắng liễu buồn ơi!

    Ba xuân nẩy nét chia phôi chim ngừng....


    1941

    Đây là bài thơ đầu tiên của Thâm Tâm đăng trên báo.

    Đây cảnh cũ, đâu người xưa
    Đây cảnh cũ, đâu người xưa
    Đây cảnh cũ, đâu người xưa
    Đây cảnh cũ, đâu người xưa
  6. Đôi lứa phương tâm một mảnh tình,

    Như trăng, vàng mở vẹn gương trinh.

    Chén sen ráo miệng, thề pha luỵ;

    Quạt trúc trao tay, ước lỗi hình.


    Gió trái luống gào duyên cựu mộng,

    Dây oan chưa dứt chí kim sinh!

    Say ngùi ta đốt tương tư thảo,

    Bóng khói qua mây, lại nhớ mình...


    Trích trong truyện Lá quạt hoa quỳ (đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, số 416, ngày 6-6-1942).

    Nguồn:

    1. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1968

    2. Thâm Tâm, Thơ với tuổi thơ, NXB Kim Đồng, 2001

    Một mảnh tình
    Một mảnh tình
    Một mảnh tình
    Một mảnh tình
  7. Đêm nay ta gối đầu lên súng

    Trằn trọc nằm nghe máu nóng căng đầy

    Nằm nghe mấy xã dân cày

    Xôn xao trỗi dậy, mẹ gầy ghì con

    Tiếng mưa lách rách sân trơn

    Nghe từng giây phút đang dồn sức ta

    Lửa âm ỉ bùng ra tê tái

    Trong mắt người con gái đắng cay

    Đời tươi như bát nước đầy

    Vỡ tan một tiếng dưới giầy xâm lăng!

    Cắn chặt hàm răng

    Bậm môi, nghiến lợi, già căng mặt già

    Vài mươi ông lão giữ nhà

    Thùng lùng, dao bảy, đinh ba gối đầu

    Đêm nay thức giấc thương đau

    Vụt nghe “khốc dạ” mấy câu rợn người

    Cái gì đấy, xóm làng ơi!

    Đội quân biệt động xa xôi mới về...


    Tờ ruộng đất, đang kín bưng

    Lầm lỳ chết chóc, bỗng bừng sục sôi

    Cái gì đấy, xóm làng ơi!

    Cái lòng giết giặc đã tôi thép già!

    Từ trong rên xiết, toài ra

    Có những đàn bà sâu sắc niềm đau

    Có những ông cụ bạc đầu

    Cặp mắt đỏ ngầu nhục cũ vong nô

    Tuổi thơ mấy trẻ u ơ

    Gốc cây chuối cháy lại nhô lên mầm

    Đó là nhân dân!

    Nước da quánh đậm mấy lần đất quê

    Bản thân quằn quại, ê chề

    Bùn gai dấu mặt, chông tre rào làng

    Mọc lên tua tủa hiên ngang

    Mũi nhọn vững vàng hàng xã dân quân


    Súng ơi! nặng cân giận dữ

    Xung trận diệt thù mấy cữ nóng ran

    Cùng ta vượt hết cơ hàn

    Cùng ta đau cái đau toàn dân đau.


    1946

    Nguồn: Thơ Thâm Tâm, NXB Văn học, 1988

    Căm thù
    Căm thù
    Căm thù
    Căm thù
  8. Tiệc này đêm cuối mai chia ly

    Anh cố lưu tôi có ích gì

    Đời người say tỉnh được bao dịp

    Xin cạn chén rượu để tôi đi

    Đau tình không xót bằng đau nghĩa

    Tay gầy cũng ném chén vô tri

    Mắt xanh cùng gửi ngoài mưa gió.

    Lòng không cùng sống với cầm thi

    Rượu xuân càng đượm say mùi cũ

    Cố nhân càng biết càng phân kỳ

    Gió lên! Gió lên! Cùng rũ rất

    Con chim còn đỗ lại làm chi

    Đất trời rộng quá tôi không chịu

    Cắm chặt sông đây một cánh bè

    Rót rượu ra anh tôi muốn uống

    Cực kỳ trong sạch cực say mê

    Sáng mai qua bến Ninh Cơ lạnh

    Sẽ thấy se lòng trận gió tê

    Giọng đàn lưu luyến làm chi nữa

    Tôi quyết đi rồi, tôi phải đi.


    1944

    Nguồn:

    1. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1968

    2. Thơ Thâm Tâm, NXB Văn học, 1988

    Lưu biệt
    Lưu biệt
    Lưu biệt
    Lưu biệt
  9. Thôi chào tất cả non Hương!
    Thôi chào, ôi, tiếng tầm thường mà đau!
    Một phen tri kỷ cùng nhau,
    Khói sương trời đã nhuốm màu thời gian.
    Rượu khuây, giấc tỉnh canh tàn,
    Sóng sông như dội vô vàn nhớ thương…
    Thôi chào tất cả non Hương!
    Thôi chào, ôi, tiếng tầm thường mà đau!
    Chia tay, còn vẩn bóng sầu,
    Mắt xanh ai giữ được màu thời gian?
    Sóng sông róc rách khuya tàn,
    Lạnh nghe thổn thức hơi đàn biệt ly…
    Ngàn xuân đẹp lắm làm chi,
    Quan san ngơ ngẩn đường về cho ai!


    Bài thơ đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, số 416, ngày 6-6-1942.


    Nguồn:
    1. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1968
    2. Thơ Thâm Tâm, NXB Văn học, 1988

    Chào Hương Sơn
    Chào Hương Sơn
    Chào Hương Sơn
    Chào Hương Sơn
  10. Non tím, vì tan hết nắng tà;

    Đường buồn, bởi phố vắng người qua.

    Lòng ai bầm tím, ai buồn tối,

    Cũng tại rừng đời lạc lối ra.


    Hoa gạo hôm nay rụng với chiều,

    Để cành khô xác nứt như kêu.

    Từng cây một rách nào ai vá,

    Ai vá lành cây đã rách nhiều?


    Tôi ngỡ nàng đi lượm cánh hoa,

    Biếu nàng với cả một bài ca.

    Nhưng hồn thi sĩ, hồn tư tưởng,

    Nhuộm máu trong tôi đỏ chói loà!


    Ngó giọt hoa kia ngã xuống đường;

    Chao ơi! Tôi sợ ở nhà thương.

    Bao nhiêu miệng thổ bao nhiêu huyết,

    Khi những lòng đau ngã xuống giường.


    Bài thơ đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, số 305, ngày 20-4-1940.

    Nguồn:

    1. Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1968

    2. Thơ Thâm Tâm, NXB Văn học, 1988

    Hoa gạo
    Hoa gạo
    Hoa gạo
    Hoa gạo



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy