Đặng Xuân Phong
Đặng Xuân Phong cũng là một danh tướng thời Tây Sơn. Nói đến bắn cung thời kỳ này thì có lẽ Đặng Xuân Phong là anh tài số một, khả năng bộ xạ, kỵ xạ đều khó có ai vượt qua nổi họ Đặng. Ông người làng Dũng Hòa, Huyện Tuy Viễn (Tây Sơn) võ nghệ cao cường, sức mạnh hơn người có tài cưỡi ngựa bắn cung. Đặng Xuân Phong sử cây Liên Phát Cung, cũng là một trong Tứ Đại Thần Cung. Cánh cung làm bằng thép có độ cứng và đàn hồi cao nên sức bật rất mạnh. Nhờ ở sức mạnh và tài luyện tập, Đặng Xuân Phong có thể bắn một lần 4 mũi tên. Do tính cách ưa nhàn, không thích công danh, nên khi nhà Tây Sơn chiêu mộ anh tài, Xuân Phong không ra hưởng ứng.
Một hôm Bùi Thị Xuân đang đứng ở vườn trầu Kiên Mỹ, chợt thấy một tráng sĩ trẻ tuổi tay cầm côn đồng, vai mang cung sắt, mình cưỡi ngựa ô, từ thôn Thuận Nghĩa chạy lên Phú Lạc. Thái độ hiên ngang, tướng mạo trung hậu. Nữ tướng thầm khen, theo dõi dò xét. Đến chân hòn Trưng Sơn, tráng sĩ giục ngựa lên núi.Đường núi gập ghềnh mà ngựa chạy như trên đất bằng. Ngựa chạy quanh quất một hồi lâu rồi dừng nơi một khoảng đất trống bằng phẳng nằm lưng chừng núi. Chợt một bầy quạ bay ngang qua. Tiếng kêu rộn ràng. Tráng sĩ liền giương cung bắn 2 phát, 2 con qụa trúng tên rơi xuống, rồi lại nhanh tay ra liên tiếp 5 phát nữa 5 con quạ như 5 quả chín rụng xuống. Biết là người có tài, Bùi Thị Xuân sau khi thăm dò gốc tích, đã cùng với Vũ Đình Tú đến tận làng Dũng Hòa kết bạn và mời tham gia đại sự, xây dựng nhà Tây Sơn.
Sau này Đặng Xuân Phong cũng trở thành một mãnh tướng dưới trướng của cả Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc. Sau khi Tây Sơn suy yếu và sụp đổ, có 2 giả thuyết nói về ông. Một cho rằng khi các tướng và đại thần đấu đá tranh giành quyền lực thì Xuân Phong từ quan bỏ đi nơi khác. Một thuyết nữa cho rằng khi giao chiến với quân của Nguyễn Ánh thì ông đã bị trúng đạn tử trận. Cho đến nay vẫn chưa ai chắc chắn được về kết cục của vị tướng được phong là thần tiễn số một của Việt Nam này.