Nguyễn Hữu Cầu (1712–1751)
Nguyễn Hữu Cầu là thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài lớn vào giữa thế kỷ 18. Ông là người xã Lôi Động (nay thuộc xã Tân An), huyện Thanh Hà, Hải Dương, Việt Nam. Nguyễn Hữu Cầu xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, có tài cả văn kiêm võ, lại bơi lội rất giỏi nên được gọi là Quận He. He là tên loài cá ở biển Đông, bởi Hữu Cầu bơi khỏe và hùng dũng nên được gọi như vậy.
Hữu Cầu vì nhà nghèo nên đi làm cướp, sau đi theo Nguyễn Cừ khởi nghĩa, được Nguyễn Cừ yêu quý gả con gái là Nguyễn Thị Quỳnh cho. Chẳng bao lâu ông nổi tiếng là một viên tướng giỏi võ nghệ, dũng cảm gan dạ và nhiều mưu lược. Chẳng những vậy, ông còn nổi tiếng với tài bắn cung bách phát bách trúng. Sau khi Nguyễn Cừ mất, Hữu Cầu nắm toàn bộ binh quyền và hoạt động mạnh mẽ, đánh phá quân Trịnh ở nhiều nơi. Vì ngày thường cướp được thóc gạo của thuyền buôn, đem cho dân nghèo, cho nên Quận He đi đến đâu cũng có người theo, muốn lấy bao nhiêu quân lương cũng có. Nguyễn Hữu Cầu được các sử gia đánh giá là người hào kiệt, nhiều mưu mẹo nhất trong số các thủ lĩnh khởi nghĩa lúc đó. Tương truyền trong các trận đánh, Quận He thường mặc một chiếc áo hở một nửa bên ngực và tay trái, để lộ cơ thể rắn chắc cơ bắp cuồn cuộn, lưng đeo một cây trường cung. Quận He thường xông pha tuyến đầu, giết địch rất dũng mãnh làm gương cho sĩ tốt. Sau này Hữu Cầu thất bại trong tay một người bạn học ngày xưa là Phạm Đình Trọng.
Nguyễn Hữu Cầu và Phạm Đình Trọng một đời đối địch. Những người tin vào tâm linh có thể coi hai người như có nợ từ kiếp trước, chẳng những đối địch từ khi đi học đến khi cầm quân, khi ra mặt trận không chỉ đối gươm mà đối cả chữ. Hai người chí hướng khác hẳn nhau, người ra làm quan, người đi làm giặc. Dẹp được Cầu, Trọng được phong làm Binh Bộ thượng thư. Nhưng cũng chỉ 3 năm sau (1754), Trọng chết lúc mới 40 tuổi. Có Cầu thì có Trọng đối địch, Cầu không còn thì Trọng cũng ra đi, như truyện dân gian "Trạng chết thì chúa băng hà".