Đảo Nam Du
Nam Du là quần đảo xa nhất của huyện Kiên Hải (Kiên Giang) cách thành phố Rạch Giá 83km đường biển, phía Đông Nam của Phú Quốc và nằm trong quần thể Vịnh Thái Lan. Nam Du là nơi còn rất hoang sơ, với 21 hòn đảo lớn nhỏ, được tạo hóa xếp đặt khéo léo với đảo lớn nhất là đảo Nam Du có đỉnh cao khoảng hơn 300m. Từng khối thể lớn nhỏ, cao thấp của các hòn trong quần đảo nằm đan xen nhau, tạo thành một thế trận vững chắc giữa đại dương trông rất đẹp. Toàn bộ quần đảo nằm dưới sự quản lí của xã An Sơn và xã Nam Du. Hiện đây đang là một trong những điểm đến yêu thích của các bạn trẻ mê du lịch.
Đứng trên đài Kiểm báo ở đỉnh Hòn Lớn với độ cao hơn 300m xem từng chiếc hòn với vị trí và tên của nó mà bản thoại dân gian thường gọi như Hòn Mấu đâm thấu Đô Nai, Đô Nai quay sang Bờ Đập, Bờ Đập tấp lại Hòn Lò, Hòn Lò mò đến Hòn Ngang, Hòn Ngang tạt sang Hòn Đụng, Hòn Đụng cụng vào Hòn Dầu, Hòn Dầu nằm chầu Bỏ Áo, Bỏ Áo tháo ngược Hòn Ông, Hòn Ông dông đến Hòn Dâm, Hòn Dâm đâm thẳng Hòn Tre, Hòn Tre te đến Hòn Mốc, Hòn Mốc xốc lại Hòn Nhàn, Hòn Nhàn tràn thẳng Hòn Hàn, Hòn Hàn quàng cổ ba Hòn Nồm, Hòn Nồm chồm đại lên Hòn Khô, Hòn Khô vô bãi Chệt, Bãi Chệt lết lên Hòn Lớn…”
Ở Nam Du, hòn Củ Tron là rộng nhất với 9km2, hòn nhỏ nhất là Hòn Lò (200m2) dân cư sống tập trung ở Củ Tron, Hòn Mấu và Hòn Bờ Đập. Mỗi tên hòn, bãi, dốc nơi đây đều có giai thoại của nó. Về nguồn gốc của Bãi Chệt, theo dân gian truyền lại vào thế kỷ 16 trên đường ra Phú Quốc buôn bán, giữa đoàn tàu Hà Lan và người Trung Quốc đã xảy ra một trận ác chiến, mấy hôm sau có hàng trăm xác người Trung Quốc tấp vào bãi này, từ đó người dân gọi là Bãi Chệt. Đến thế kỷ 18 có vị Chúa bị truy đuổi đến đây phải ăn củ nầng để sống, về sau đảo này mang tên Củ Tron, đến thế kỷ 20 có một đạo sĩ ở Hòn Nấu luyện được phép đằng vân tên Năm Đài, khi ông biểu diễn bay từ đỉnh núi rơi xuống triền dốc, nay có địa danh “Dốc Năm Đài”.