Đền Xuân Bảng
Đền Xuân Bảng thuộc thị trấn Xuân Trường là di tích thờ tướng quân Ngô Miễn, người có công tập hợp nhân dân và các dòng họ về đây khai hoang mở đất. Tướng quân Ngô Miễn sinh ra trong một gia đình hào phú ở thôn Mai, xã Xuân Phưong, huyện Kim Hoa, trấn Kinh Bắc vào năm thứ 2 đời vua Trần Nghệ Tông (1371).
Đền Xuân Bảng còn là di tích thờ hai anh em Đỗ Thận Đoan và Đỗ Nhân Tăng. Cả hai anh em vốn là cháu xa của tướng quân Ngô Miễn và làm quan dưới hai triều vua Lê Hy Tông và Lê Dụ Tông. Đền Xuân Bảng được xây dựng vào đời vua Tự Đức năm thứ 22 (1869) trên một khu đất rộng, cách xa khu vực dân cư. Khuôn viên di tích bao gồm đền chính với quy mô lớn nhất nằm ở giữa, xung quanh là các công trình phụ trợ nhỏ hơn như nhà tuần thước, nhà tịnh cờ, nhà bia, cô nhi viện, nhà văn chỉ... tất cả được bao quanh bởi một hệ thống tường bao và sân vườn được quy hoạch hợp lý thoáng đãng. Ngăn cách giữa các tòa nhà là hệ thống máng nước được gánh đỡ bởi các xà dọc và 8 cột đá cạnh vuông cao 2,2 m; rộng 0,5 m chia làm hai hàng. Trên mỗi cột, xà, đấu bằng đá, các nghệ nhân xưa chạm khắc các đề tài khác nhau như tứ linh, tứ quý, cúc, mai hóa long. Đan xen còn có hình ảnh lũy tre làng, phong cảnh cùng hình tượng con vật mang đậm tính dân gian như vịt, sóc, hươu nai, hoa lá... tất cả đều được chạm chìm sâu, nét chạm tinh tế sống động và sắc nét. Nối tiếp tiền đường là tòa trung đường ba gian xây thấp nhỏ hơn so với tiền đường. Cũng giống như tiền đường, phần chịu lực chính của trung đường hoàn toàn bằng đá bao gồm 6 cây cột và 6 cây xà dọc, hồi xây bít đốc, mái lợp ngói nam. Tuy nhiên kích thước của các cấu kiện bằng đá tại trung đường được rút bớt lại so với tiền đường.
Tòa chính tẩm gồm ba gian được xây chồng lâu hai tầng tám mái cao 10m. Cổ lâu có tạo ba cửa xây cuốn hình bán nguyệt; bờ nóc đắp họa tiết hoa chanh thông phong, đầu đao uốn cong mềm mại tạo sự cân đối nhẹ nhàng, trang nghiêm cho nơi thờ tự chính. Trong chính tẩm có đặt nhang án, bài vị và ngai thờ của vợ chồng tướng quân Ngô Miễn. Ngoài ra còn có bài vị thờ Đỗ Thận Đoan, Đỗ Nhân Tăng, những người đã kế tục công cuộc khẩn hoang của tướng quân xây dựng nên quê hương. Đền Xuân Bảng là biểu tượng cội nguồn, là hình ảnh của tinh thần đoàn kết, tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của người dân Xuân Bảng xưa và nay. Với những giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo ở một vùng quê ven biển, di tích đền Xuân Bảng ngày càng thu hút du khách về dự lễ hội hàng năm cũng như tìm hiểu, nghiên cứu về mảnh đất con người Xuân Bảng, huyện Xuân Trường.