Đền Xuân Hy
Đền Xuân Hy hay còn gọi là Đền Hạ nằm ở cuối làng Xuân Hy thuộc Xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường. Đền Xuân Hy được xây dựng để thờ Đại Đức- Ngô Miễn - người đã có công tổ chức khai hoang lấn biển, xây dựng thôn ấp. Ngô Miễn Tên hiệu là Đại Đức, sinh năm Tân hợi đời vua Trần Nghệ Tông (1371), quê ở thôn Mai, xã Xuân Phương, huyện Kim Hoa, xứ Kinh Bắc nay là phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên. Ngay từ nhỏ Ngô Miễn đã là người thông minh, tuấn tú, tính cách khoan hòa. Tuy xuất thân từ một gia đình giàu có và quyền thế nhưng đối với mọi người, ông rất khiêm nhường, hòa nhã. Năm 20 tuổi, ông đỗ Thái học sinh dưới triều vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398) nhưng ông không ra làm quan vì chính sự nhà Trần đang ở vào thời kỳ suy thoái. Ông về quê (Kinh Bắc) mở trường dạy học và dành thời gian đi tới nhiều nơi. Đi tới vùng biển Sơn Nam thuộc phủ Thiên Trường. Ông thấy có nhiều bãi bồi màu mỡ mà chưa có người khai phá nên Ông đã tâu xin với triều đình đưa 10 dòng họ: Ngô, Đỗ, Trần, Hoàng, Nguyễn, Phạm, Vũ, Đinh, Đào, Tạ, từ quê hương Xuân Mai xuống lập Ấp mới tại phủ Thiên Trường. Mười dòng họ dưới sự chỉ đạo của Ngô Miễn đã vật lộn với sóng biển, lau lách, sinh lầy, đắp đê ngăn nước mặn, lấy nước ngọt cho đồng ruộng. Chỉ trong một thời gian ngắn từ 1392 đến 1396 ông đã cùng nhân dân khai khẩn được trên 200 mẫu ruộng lập ra “Tân ấp”- xã Nhật Thi (lấy tên quê gốc); tới năm 1721 xã được đổi thành Nhật Hy.
Đền Xuân Hy được tọa lạc trên một khu đất rộng, nằm ở cuối làng, xung quanh là cánh đồng lúa bao bọc. Trước Đền là một hồ rộng, hình chữ nhật, xung quanh hồ là hàng nhãn cổ thụ xum xuê, trước đền là sân đền rộng để làm nghi lễ. Phần chính của khu đền hiện nay gồm: Bốn gian tiền đường, ba gian trung đường và một gian hậu cung. Trải qua thời gian dân làng tu sủa để bảo tồn nhưng vẫn giữ nét cổ kính và mang nhiều dấu ấn của kiến trúc Nguyễn. Dân làng Thi lấy ngày 21/8 Âm lịch - ngày Ngô Tướng Công di dân lập Ấp là ngày hội làng.
Lễ hội được tổ chức vào 3 ngày 20, 21 và 22 tháng 8 âm lịch. Trong lễ hội có các trò “kéo mót lấy lửa thổi cơm thi, bơi trải nam, nữ quanh làng” các trò chơi rất hấp dẫn thu hút các xã lân cận cùng đến tham gia lễ hội.