Đốt vườn, đốt rơm rạ sau canh tác
Theo số liệu thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, ước tính mỗi năm, trên địa bàn Thành phố phát sinh trên 1 triệu tấn rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, có trên 37% được người dân đốt bỏ ngay tại ruộng. Các chuyên gia cũng cảnh báo, đốt rơm rạ gây nên ô nhiễm bụi mịn. Đây là loại ô nhiễm rất đáng lo ngại. Trong khói đốt rơm, rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2... Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở... Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO (gọi là khí monoxide carbon). Đây là loại khí rất độc có thể gây chết người. Người hít nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, gây dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi...
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, việc đốt nhiều rơm rạ trong cùng một lúc sẽ làm nóng bầu khí quyển, khiến nhiệt độ trở nên nóng hơn, đẩy nhiệt độ lên cao. Ở Hà Nội, tình trạng nhà cao tầng quá nhiều so với các địa phương khác đã dẫn tới hiện tượng này. Vì lý do đó, sự lưu thông khí kém hơn, trong khi đó mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội cao do khí thải độc hại từ động cơ và khu công nghiệp không thoát lên cao mà tập trung dưới mặt đất nên dễ gây ra hiện tượng mù quang hóa.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, đã có những nghiên cứu trên phạm vi thế giới về tác hại của việc đốt rơm rạ đến chất lượng không khí tại khu vực, đồng thời chỉ ra những giải pháp thay thế cho việc đốt rơm rạ. Song, dường như người nông dân vẫn không thể tiếp cận được những kết quả này và vẫn chưa ý thức được khói rơm rạ gây nguy hại đến môi trường, sức khỏe như thế nào.