Giáo dục Nhật Bản đề cao đạo đức
Một trong những điểm khác biệt nổi bật nhất giữa các trường tiểu học Nhật Bản và các quốc gia khác là sự nhấn mạnh vào đạo đức và luân lý. Các khóa học về các kỹ năng cơ bản như đọc và viết cũng được bao gồm nhưng ưu tiên nhất vẫn là xây dựng đạo đức con người. Mặt khác, chủ đề về đạo đức có sách giáo khoa riêng và thời gian được chỉ định. Đây không phải là nói cho học sinh biết họ nên làm gì, mà là tạo điều kiện cho một cuộc trò chuyện về những thách thức đạo đức. Học sinh được dạy rằng không có câu trả lời đúng hay sai, giống như trong cuộc sống thực. Bắt đầu từ năm học 2018, môn “dotoku” (giáo dục đạo đức) trở thành một “môn học” chính thức ở tiểu học và trung học cơ sở, thay vì “hoạt động” học đường không chấm điểm như nhiều năm qua.
Giáo dục đạo đức là một phần không thể thiếu trong hệ thống giáo dục của Nhật Bản. Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết mục tiêu của đất nước này là “tu luyện đạo đức của học sinh, bao gồm tư duy đạo đức, óc phán đoán, sự tham gia và thái độ” thông qua tất cả các hoạt động giáo dục trong trường học. Điều này bao gồm sự ngăn nắp, chánh niệm, chăm chỉ, công bằng, hài hòa trong các mối quan hệ và với thiên nhiên. Theo hướng dẫn, ít nhất một giờ học mỗi tuần được dành cho giáo dục đạo đức. Người Nhật muốn trường học dạy một số bài học cuộc sống chứ không chỉ là lý thuyết khô khan trong sách giáo khoa. Học sinh có thể viết bài nghiên cứu về các chủ đề đạo đức khác nhau và thể hiện thái độ của mình trong mỗi bài tập.