Gói bánh chưng
Phong tục gói bánh chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền từ xa xưa đến tận ngày nay. Do vậy, khi Tết đến Xuân về, người người, nhà nhà lại gói bánh chưng ăn Tết, dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên.
Bánh chưng Việt Nam là món ăn truyền thống không lẫn với bất kì thứ bánh nào trên thế giới. Bên cạnh đó, những nguyên liệu làm nên món ăn này lại là những đồ rất gần gũi như gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, hành, hạt tiêu, lá dong, lạt giang... Bánh chưng khi hoàn thành có hình vuông, tượng trưng cho đất, màu xanh lá dong là cỏ cây, đỗ xanh tượng trưng cho trái ngon, quả ngọt, thịt lợn đại diện cho muông thú và gạo nếp chính là văn minh lúa nước con người. Với mỗi người dân Việt Nam, nó có vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Việt Nam.
Tết về, đứa trẻ lên bốn cũng sẽ háo hức chờ đón bố mẹ, ông bà ngồi chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh trưng. Tù rửa lá dong, đãi đậu hay quây quần cùng nhau một buổi gói bánh chưng. Mỗi người mỗi việc, thi thoảng lại trêu đùa, chọc ghẹo nhau khiến cho không khí xuân càng trở nên vui tươi và ấm áp. Người già, người có kinh nghiệm dậy người trẻ gói bánh sao cho đẹp, cho ngon. Trẻ em quây quần háo hức bên nồi bánh chưng luộc, trò chuyện và cùng đón chào khoảnh khắc giao thừa, ngắm nhìn pháo hoa và cầu mong cho một năm mới an lành.
Gói bánh chưng không chỉ đơn thuần là chuẩn bị một món ăn truyền thống không thể thiếu mà còn là hình ảnh gia đình, người thân sum vầy đón một năm mới sung túc, an lành, hạnh phúc.