Cuộc đại tuyệt chủng Devon
Cuộc đại tuyệt chủng Devon là một trong cuộc đại tuyệt chủng lớn và đáng sợ nhất trong lịch sử sinh học của Trái đất. Cuộc đại tuyệt chủng này đánh dấu sự bắt đầu cho giai đoạn sau cùng của kỷ Devon, được gọi là tầng sinh vật Famennian, ngay trước thời điểm chuyển giao giữa kỷ Devon sang kỷ Cacbon. Cách đây khoảng 375 - 360 triệu năm, đã có tới 19% số họ, 50% số chi, 70% số loài đã tiêu diệt trong sự kiện tuyệt chủng kỷ Devon này. Những bằng chứng khảo cổ chỉ ra rằng cuộc tuyệt chủng liên hoàn này có thể đã kéo dài tới 20 triệu năm.
Vào cuối kỷ Devon, đất liền chủ yếu là thực vật và côn trùng. Trong các đại dương chủ yếu là san hô tạo rạn, các nhóm brachiopoda, trilobita... Sự tuyệt chủng trong thời gian này có vẻ như chỉ gây ảnh hưởng đến các loài sinh vật biển.
Theo giả thiết của nhà cổ sinh học McLaren, một thiên thạch lớn đã va chạm với Trái đất, tạo ra những đợt sóng thần, hủy diệt hệ sinh thái bờ biển, đồng thời còn gây xáo trộn ở các tầng biển sâu. Một nguyên nhân khác được đưa ra là do sự phát triển mạnh mẽ của các loài thực vật đã làm giảm lượng CO2, khiến khí hậu lạnh hơn, nhiều sinh vật bị tiêu diệt do không thể thích nghi.
Đáng ngạc nhiên rằng là các loài động vật xương sống có hàm có vẻ như không bị ảnh hưởng nhiều trong cuộc đại tuyệt chủng Devon này.