Hội đền Sái (Hội rước vua sống)
Hàng năm, cứ vào ngày 11 tháng Giêng, người dân làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm (Đông Anh, Hà Nội) lại tổ chức Lễ hội Đền Sái với những nghi thức rước vua, rước chúa cũng như chém ma gà thu hút hàng ngàn người dân tham gia. Lễ độc đáo bởi có người thật vào vai vua và chúa trong hóa trang đặc sắc, đặc biệt cách rước kiệu cũng "chẳng giống ai" khi liên tục nghiêng ngả, tới lui biến hóa. Lễ hội Đền Sái để tưởng nhớ vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa năm xưa. Lễ hội diễn ra cả ngày nhưng sôi động nhất là vào buổi chiều với nghi lễ rước vua giả từ đình làng ra Đền Sái và ngược lại. Bên cạnh đó, nghi lễ chém gà bằng kiếm gỗ với chai tiết giả cũng thu hút đông đảo người xem ở sân sau đền Thượng. Tương truyền ma gà trắng núp dưới chân núi Thất Diệu Sơn bị thần Huyền Thiên Trấn Vũ ra tay tiêu diệt nên vua Thục mới xây xong thành Cổ Loa.
Sự tích bắt nguồn từ việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa, được các tiên nữ đêm đêm xuống trần gánh đất đắp hộ nhưng ma gà giả tiếng gà gáy sáng làm các tiên cô bỏ cuộc bay về trời, nên đắp mãi chưa xong thành. Tương truyền lễ hội đã có “ngót nghét” 2.000 năm và để tạc ghi công đức của thần Huyền Thiên Trấn Vũ, nhà vua cho xây dựng đền Sái trên núi Thất Diệu Sơn và hàng năm cứ vào mùa xuân nhà vua lại đích thân xa giá về bái yết tại đền. Về sau, việc đi lại khó khăn, tốn kém tiền bạc của nhân dân nên nhà vua ban chiếu cho làng Thuỵ̣ Lôi thực hành nghi lễ này. Mỗi năm Vua, Chúa và các quan giả đều được chọn mới. Điều kiện để được vào vai Vua, Chúa là phải từ 70 tuổi trở lên, gia đình văn hóa, con cháu đề huề, nội ngoại đầy đủ và vào vai quan phải trên 60 tuổi.