Khám sàng lọc thường xuyên
Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo sàng lọc ung thư đại tràng bắt đầu lúc 45 tuổi cho những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư. Những người khác cũng nên đi khám sàng lọc từ sau 50 tuổi. Tuy việc khám sàng lọc không giúp chữa được bệnh ung thư ruột kết nhưng nó có thể cho phép phát hiện bệnh sớm từ đó việc điều trị sẽ dễ dàng hơn.
Ung thư đại-trực tràng là loại ung thư xuất hiện và phát triển tại đại tràng và trực tràng. Đây bệnh lý ung thư đường tiêu hóa phổ biến, có tỷ lệ mắc cao thứ ba và tỷ lệ tử vong cao thứ tư trong các bệnh ung thư hay gặp trên thế giới. Năm 2016, ở Mỹ ước tính có trên 134.000 ca ung thư đại-trực tràng mới mắc và trên 49.000 ca tử vong do ung thư đại-trực tràng. Tại Việt Nam, theo thống kê của Globocan năm 2012, ung thư đại-trực tràng có tỷ lệ mới mắc đứng hàng thứ năm và tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ tư trong các bệnh ung thư. Ung thư đại-trực tràng có liên quan chặt chẽ với chế độ ăn uống, sinh hoạt và có tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng.
Sàng lọc là quá trình tìm kiếm phát hiện ung thư hoặc tiền ung thư khi người bệnh chưa có triệu chứng lâm sàng của bệnh. Sàng lọc thường xuyên ung thư đại-trực tràng là vũ khí quan trọng nhất trong chẩn đoán sớm và điều trị ung thư đại-trực tràng. Tỷ lệ tử vong do ung thư đại-trực tràng đã giảm trong vài chục năm gần đây và một trong những lý do là sự phát hiện sớm các polyp ở đại-trực tràng khi sàng lọc trước khi chúng phát triển thành ung thư. Một polyp đại-trực tràng cần thời gian 10-15 năm để phát triển thành ung thư. Việc sàng lọc thường xuyên giúp phát hiện và cắt bỏ các polyp trước khi phát triển thành ung thư và do đó có thể dự phòng nhiều trường hợp ung thư đại-trực tràng. Sàng lọc thường xuyên cũng giúp phát hiện sớm ung thư đại-trực tràng khi khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn, di căn và việc điều trị sẽ dễ dàng hơn.
Khi ung thư đại-tràng được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống thêm tương đối sau 5 năm đạt tới 90%. Tuy nhiên, tại Mỹ chỉ có 4 trong 10 ca ung thư đại-trực tràng được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Tỷ lệ sống thêm của bệnh nhân giảm thấp rõ rệt khi ung thư đại-trực tràng đã xâm lấn, di căn. Đáng tiếc là chỉ có trên 50% người Mỹ có nguy cơ bị ung thư đại-trực tràng được sàng lọc. Tại Việt Nam, hiện nay chưa có chương trình sàng lọc ung thư đại-trực tràng cho cộng đồng và đa số bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn bệnh đã tiến triển.
Không thể dự phòng hoàn toàn được ung thư đại-trực tràng nhưng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách sàng lọc và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Một số các khám sàng lọc khác bao gồm nội soi, soi đại tràng sigma, thử nghiệm máu ẩn trong phân và thử nghiệm immunochemical phân. Bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn ra những xét nghiệm sàng lọc phù hợp nhất.