Khu di tích lịch sử Chiến khu Ba Đình
Chiến khu Ba Đình là một di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia ở Việt Nam, nằm trên địa bàn xã Ba Đình, nằm cách huyện lỵ huyện Nga Sơn, Thanh Hóa khoảng 3 km về phía Tây Bắc. Nơi đây là căn cứ chính của cuộc khởi nghĩa Ba Đình chống Pháp cuối thế kỷ XIX, do Đinh Công Tráng, Phạm Bành và Hoàng Bật Đạt lãnh đạo.
Nơi đây nguyên xưa là một vùng trũng ngập nước, bùn lầy của 3 làng: làng Mậu (Mậu Thịnh), làng Thượng (Thượng Thọ), làng Mỹ Khê. Mỗi làng đều có một ngôi đình riêng, từ đình làng này có thể nhìn thấy đình của hai làng kia. Ngoài ra, 3 làng còn có chung một ngôi nghè thờ tự ở làng Mỹ Khê, gọi là Tam Đình.
Tháng 7 năm 1885, sau khi kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi lên chiến khu Tân Sở (Quảng Trị) ban dụ Cần Vương kêu gọi toàn dân kháng chiến chống Pháp. Tại Thanh Hóa, có các nghĩa sĩ như Đinh Công Tráng..., quan lại như Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt... cùng nổi lên chiêu mộ nghĩa quân hưởng ứng. Mặc dù khởi sự độc lập, nhưng các cánh nghĩa quân đã tìm cách bắt liên lạc để cùng hội quan và phối hợp đánh trả quân Pháp. Tháng 3 năm 1886, các lãnh tụ phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa tổ chức cuộc họp tại Đồng Biên (Bồng Trung nay thuộc xã Vĩnh Tâm, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) bàn kế hoạch chống Pháp. Các thủ lĩnh nghĩa quân đã quyết định xây dựng một căn cứ chính ở vùng đồng bằng phía bắc Nga Sơn làm nơi bảo vệ cửa ngõ miền Trung và là bàn đạp tỏa ra đánh Pháp ở đồng bằng. Bên cạnh căn cứ chính, còn có các căn cứ hỗ trợ như căn cứ ở Quảng Hóa của Trần Xuân Soạn, ở Phi Lai của Cao Điển, ở Mã Cao của Hà Văn Mao... cùng liên kết thành hệ thống liên hoàn.