Khu di tích Mỹ Sơn
Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chămpa. Mỗi vị vua, sau khi lên ngôi, đều đến Mỹ Sơn làm lễ thánh tẩy, dâng cúng lễ vật và xây dựng đền thờ. Mỹ Sơn là điểm duy nhất của nghệ thuật Chăm có quá trình phát triển liên tục từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13. Vào đầu thế kỷ thứ 7, vua Sambhuvarman đã xây dựng ngôi đền bằng những vật liệu rất bền vững, còn tồn tại đến ngày nay. Các triều vua sau đó đều tu sửa các đền tháp cũ và xây dựng đền tháp mới để dâng lên các vị thần của họ. Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva – Ðấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadrésvara, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ 4 kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần – vua và tổ tiên hoàng tộc.
Trong số 225 di tích Chăm được phát hiện tại Việt Nam, riêng Mỹ Sơn có khoảng 70 đền tháp, 32 bi ký tồn tại ở dạng này hay dạng khác. Những đền tháp ở đây tuy không còn cái nào nguyên vẹn nhưng vẫn là những cứ liệu tốt nhất để tìm hiểu quá trình phát triển của nghệ thuật Chăm. Nghệ thuật điêu khắc Chăm tiếp nhận sâu sắc ảnh hưởng của Ấn Độ, nhưng trong quá trình phát triển tính bản địa ngày càng đậm nét và tính dân tộc ngày càng khẳng định, tạo nên vẻ độc đáo, sức hẫp dẫn kỳ lạ. Điêu khắc Chăm cũng có những hình ảnh thầy tu, vũ nữ khắc kỷ và khoái lạc nhưng nổi bật lên là đặc điểm về sức sống mãnh liệt của con người với nội tâm lúc bay bổng sảng khoái, lúc trầm tĩnh ưu tư, lúc trăn trở day dứt…
Tháng 12/1999, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Di sản thế giới được tổ chức ở Marrakesh (Maroc), Khu đền tháp Mỹ Sơn đã được UNESCO chọn là một trong các Di sản Văn hóa thế giới theo tiêu chuẩn 2 như là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hoá và theo tiêu chuẩn 3 như là bằng chứng duy nhất của một nền văn minh châu Á đã biến mất.