Quần thể di tích cố đô Huế
Cố đô Huế đã từng là kinh đô một thời của đất nước ta. Nổi danh với một hệ thống rộng lớn tập hợp của những đền, chùa, thành quách, lăng tẩm nguy nga tráng lệ hòa mình với dòng sông Hương thơ mộng. Nằm ở phía Bắc bờ sông Hương, tổng thể kiến trúc cố đô Huế có diện tích hơn 500 ha và được xây dựng theo 3 vòng ngoài lớn, trong nhỏ lần lượt là: Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm thành. Ba tòa thành này được lồng ghép lại với nhau, bố trí đăng đối theo một trục dọc từ mặt nam ra mặt Bắc. Hệ thống thành quách là sự pha trộn, kết hợp một cách hài hòa và tinh tế của lối kiên trúc đông tây.
Tại phiên họp lần thứ 17 của Uỷ ban Di sản thế giới, Colombia từ ngày 6 đến 11/12/1993, UNESCO đã quyết định công nhận quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hoá của nhân loại. Một sự kiện trọng đại trong lịch sử văn hoá Việt Nam, tài sản đầu tiên của Việt Nam được ghi tên vào danh mục Di sản thế giới, khẳng định giá trị mang tính toàn cầu của quần thể di tích Cố đô Huế.
Quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí số 4, đã hội đủ các yếu tố:
- Tiêu biểu cho những thành tựu nghệ thuật độc đáo, những kiệt tác do bàn tay con người tạo dựng.
- Có giá trị to lớn về mặt kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật kiến trúc trong một kế hoạch phát triển đô thị hay một chương trình làm đẹp cảnh quan tại một khu vực văn hoá của thế giới;
- Một quần thể kiến trúc tiêu biểu của một thời kỳ lịch sử quan trọng.
- Kết hợp chặt chẽ với các sự kiện trọng đại, những tư tưởng hay tín ngưỡng có ảnh hưởng lớn, hay với các danh nhân lịch sử.