Khu dự trữ sinh quyển LangBiang
Diện tích: 275 439 ha
Vị trí: Lâm Đồng
Năm được UNESCO công nhận: 2015
Khu dự trữ sinh quyển LangBiang là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của khu vực Tây Nguyên. Với diện tích 275 439 ha, trong đó vùng lõi, vùng chuyển tiếp và vùng đệm lần lượt là 34.943 ha, 72.232 ha và 168.264 ha nằm trên địa bàn thành phố Đà Lạt, các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Hà và Đam Rông, khu dự trữ sinh quyển LangBiang bao gồm một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, nơi được đánh giá là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam với 1923 loài thực vật, trong đó có những loài đặc biệt quý hiếm như: Thông hai lá dẹt - loài thực vật được thế giới ghi nhận chỉ có ở Bidoup - Núi Bà; Pơ mu; Thông đỏ; Thông 5 lá Ðà Lạt. Riêng, họ Lan có tới 297 loài - được coi là thủ phủ hoa Lan của Việt Nam.
Về động vật, tính riêng khu vực vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà cũng đã có 422 loài, với nhiều loài những loài quý hiếm như: Sói lửa, bò tót, gấu ngựa, báo lửa, vượn đen má vàng, chà vá chân đen…Không chỉ có vậy, vườn quốc gia còn là một trong 221 vùng chim đặc hữu của thế giới. Các nhà khoa học đã ghi nhận, khu vực này có 154 loài động thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 153 loài có tên trong Sách đỏ thế giới. Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã Thế giới đã xác định nơi đây thuộc diện ưu tiên bảo tồn số một trong dãy núi Nam Trường Sơn của Việt Nam. Nơi đây cũng tồn tại cây Pơ mu có độ tuổi lên tới 1300 năm.
Khu dự trữ sinh quyển được đặt tên theo ngọn núi Langbiang, nơi có câu chuyện tình lãng mạn giữa chàng Lang và nàng Biang của người K’Ho - cư dân thiểu số bản địa đã sinh sống ở đây bao đời nay. Nơi đây còn lưu giữ những giá trị toàn cầu về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiện hòa quyện với những nét văn hoá đặc sắc trong không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.