Làng nghề Tranh ở Đông Hồ hay còn gọi là làng Tranh Đông Hồ
Tranh Đông Hồ với tên đầy đủ là Tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ là một dòng tranh dân gian Việt Nam, với xuất xứ từ làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tranh được in trên giấy Điệp với đường nét và màu sắc đơn giản mà đặc biệt. Hình ảnh tranh Đông Hồ với dòng Sông Đuống đã khá quen thuộc và gần gũi với người dân Việt Nam hình ảnh của nó đã được đi vào trong văn thơ và vào trong chương trình học phổ thông hiện nay.
Ngày xưa, Tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho người dân nhân dịp lễ, Tết. Người dân mua tranh về dán trên tường, đến năm mới lại lột ra dán tranh mới. Tranh ở đây được tiêu thụ rất nhiều, người dân trong làng hầu như ai cũng làm tranh. Ngày nay, công nghệ phát triển nên tranh Đông Hồ không còn được tiêu thụ nhiều như trước. Người dân cũng không còn thói quen mua tranh dán tường vào mỗi dịp tết đến xuân về. Số nghệ nhân còn theo nghề cũng còn lại rất ít. Tuy nhiên, với nỗ lực bảo tồn giá trị văn hóa dân gian truyền thống, làng nghề tranh Đông Hồ được quy hoạch lại như một địa điểm du lịch, kiểu dáng cũng được tân trang cho phù hợp với tình hình thị trường, tranh được in thành nhiều kiểu khác nhau và được đóng khung,... vì vậy thu hút khá đông khách trong và ngoài nước đến mua tranh về làm kỷ niệm hoặc tặng nhau. Hoặc một số nhà hàng, khách sạn cũng đặt những khổ tranh lớn để trang trí phòng khách, nhà ăn,...
Với phong cảnh đẹp, Nằm cạnh dòng sông Đuống, gần các di tích lịch sử như: Kinh lăng Dương Vương, chùa Phật tích. Sự kết hợp giữa du lịch và làng nghề truyền thống ở làng tranh Đông hồ đang được tận dụng, phát huy và đạt hiệu quả cao. Làng tranh cũng dần dần được hồi sinh sau thời gian dài có nguy cơ bị, mai một lãng quên.
Địa chỉ: Xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh