Lễ hội đền Hai Bà Trưng - Mê Linh
Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" sau khi Hai Bà Trưng tạ thế nhân dân ở nhiều nơi đã lập đền thờ để ghi nhớ công đức của Hai Bà. Trong số 103 nơi thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh ở 9 tỉnh, thành phố trong cả nước (riêng huyện Mê Linh có 25 di tích ở 13 xã). Trong đó đền Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh là có ý nghĩa quan trọng nhất bởi ở đây không chỉ là nơi lưu lại dấu thiêng về 2 vị nữ anh hùng thời thơ ấu, lúc bình sinh, mà còn là nơi lưu niệm về quá trình chuẩn bị khởi nghĩa Hai Bà Trưng của dân tộc hồi đầu Công nguyên.
Lễ hội được tổ chức hàng năm là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng nhằm tôn vinh công đức của hai vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Ở Đồng Nhân là lễ rước nước và múa đèn, ở Hát Môn là dâng cúng 100 chiếc bánh trôi, tượng trưng cho Mẹ Âu Cơ sinh ra trăm con Lạc Hồng; còn ở Hạ Lôi, Mê Linh, nơi Hai Bà phất cờ khởi nghĩa và đóng đô, nét độc đáo nhất của lễ hội là lễ giao kiệu. Hội được tổ chức từ mồng 6 đến mồng 10 tháng Giêng. Trước đó từ mồng 4 tháng giêng, dân làng đã làm lễ mộc dục, thay bao sái tượng Vua Bà chứ không theo lệ thường ra sông múc nước về tắm tượng Thánh. Sau đó ngày mồng 4 và 5 làng Hạ Lôi tổ chức lễ tế Hai Bà ở đình làng cùng với Thành hoàng làng là 4 vị tướng, 4 anh em ruột Đô, Hồ, Bạch, Hạc đã phù Thánh Tản Viên dựng lại nghiệp đế họ Hùng. Trong tâm thức người Việt, hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi dẫn đầu đoàn quân xung trận, đánh tan quan quân nhà Hán giành độc lập cho dân tộc sau hơn hai thế kỷ bị phong kiến nước ngoài đô hộ là một kỳ tích trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Sử sách đã hết lời ca tụng Hai Bà.
Trong lễ rước hai Vua Bà từ Đền về Đình gồm: 2 cỗ voi, 2 cỗ ngựa, đội thanh nữ mặc áo trắng khênh kiệu, đội nữ binh hộ giá mặc áo nâu, quấn xà cạp, vác gươm, hai đội nữ rước hai kiệu, đội mệnh bái mặc áo tế xanh có triện, đội nhạc công, xinh tiền, đội vác cờ súy, gươm trường, bát bửu, tán, lọng...cùng với người dân địa phương, hàng nghìn du khách trong, ngoài nước đã về đây tụ hội, dâng hương tưởng nhớ công lao chống giặc giữ nước của Hai Bà. Nét độc đáo nhất trong lễ rước kiệu Hai Bà ở Hạ Lôi, khác hẳn Hát Môn và Đồng Nhân, chính là nghi thức giao kiệu: Bắt đầu lễ rước kiệu, từ Đền ra, kiệu Trưng Trắc đi trước. Ra đến đường kéo quân để về đình làng, thì kiệu Trưng Trắc né sang để kiệu Trưng Nhị đi trước. Đến cổng đình, kiệu chị đi trước, kiệu em đi sau. Hai bên nghênh đón hai Vua Bà, với ý nghĩa tượng trưng Vua từ kinh đô Mê Linh về thăm làng. Trong đám rước tưng bừng, rộn rã tiếng chiêng, trống của phường bát âm, hai bên nam nữ hát đối, tương truyền bài hát có từ thời Hai Bà Trưng, cổ vũ quân sĩ đánh giặc. Cuộc tế lễ trang trọng diễn ra tại đình làng Hạ Lôi. Sáng mồng 6, vào chính hội, dân làng tiễn Hai Bà về kinh đô lên Đền. Và thứ tự rước kiệu ngược lại so với hôm về đình làng: Kiệu Thành hoàng và tướng Cốt Tung đứng hai bên sân bái Hai Bà về kinh, kiệu chị đi trước kiệu em; sau 2 lần giao kiệu ở cổng đình và đường kéo quân đến cổng Đền thì kiệu em né sang phải để kiệu chị lên trước vào Đền. Trong không khí linh thiêng của lễ hội, vị chủ tế trang trọng đọc lời thề của Hai Bà: “Thiếp là Trưng nữ dấy binh dẹp giặc, che chở dân lành, thu phục lại muôn vật cũ của tổ tông, không phụ ý trời, thỏa nguyện nơi đền miếu của bậc đế vương các đời, không phụ sự trông đợi của tổ phụ nơi chín suối”. Từ mồng 7 đến mồng 10 tháng giêng, là lễ viếng lục bộ nữ tướng, cầu phúc, yến hạ - khao quân, tạ lễ. Nhân dân Mê Linh và khách thập phương về dự lễ hội, hái lộc cầu may. Các trò chơi dân gian (đánh đu, đánh cờ người, cờ tướng, chọi gà, đấu vật) diễn ra náo nhiệt trong tiếng trống rộn rã. Ngày nay, quần thể di tích lịch sử quốc gia Đền Hai Bà Trưng cơ bản đã hoàn thành. Đền thờ Hai Bà Trưng là di tích lịch sử văn hoá linh thiêng không chỉ của người dân Mê Linh mà còn với người dân cả nước. Đây là minh chứng cho tinh thần yêu nước, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Lễ hội là hoạt động tưởng nhớ công ơn Hai Bà, cũng là hoạt động thiết thực nhằm giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.