Lễ Vu Lan thắng hội

Lễ Vu lan thắng hội hay còn được nhiều người biết đến với tên gọi khác là lễ hội chùa ông Bổn được tổ chức hàng năm vào ngày 27 và 28 tháng 7 âm lịch tại khóm 1, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Đây là một nét văn hóa đặc trưng từ hàng trăm năm nay của người người Triều Châu đến Trà Vinh sinh cơ lập nghiệp, lễ cúng cô hồn một lễ hội dân gian tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc Trà Vinh. Ông Bổn, hay còn gọi là Bổn Đầu công tên thật là Trịnh Tu Hòa, vốn là quan thái giám được hoàng đế nhà Minh cử đi sứ nhằm thương thuyết với triều đình các nước Đông Nam Á tạo điều kiện dễ dàng cho người Hoa di cư làm ăn sinh sống. Sau khi ông mất, vua nhà Minh ban sắc phong thần và Hoa kiều các nước Đông Nam Á xem ông là vị phúc thần cai quản về an cư lạc nghiệp. Truyền thuyết là vậy nhưng Ông Bổn mà đồng bào người Hoa Cầu Kè tôn thờ lại là bốn anh em kết nghĩa, tương truyền có công đưa thế hệ Triều Châu đầu tiên di cư đến vùng đất ven sông Hậu này và khi mất đều hiển thánh. Trong đó, Minh Ðức Cung (Chùa Giồng Lớn, xã Hòa Ân) thờ ông Nhứt; Vạn Ứng Phong Cung (Chùa Giữa, xã Hòa Ân) thờ ông Nhì, Vạn Niên Phong Cung (Chùa Chợ, thị trấn Cầu Kè) thờ ông Ba và Niên Phong Cung (Chùa Cây Sanh, xã Tam Ngãi) thờ ông Tư. Ngoài ra, trên địa bàn Cầu Kè còn có hai ngôi chùa thờ Ông Bổn nữa là Vạn Đức Phong Cung (Tam Ngãi) và Thiên Đức Cung (Hòa Ân) cùng một số ngôi chùa cùng loại rải rác các huyện trong tỉnh. Lễ hội Cúng Ông Bổn đều được tiến hành vào mùa Vu lan và do có đến 6 ngôi chùa nên lễ hội Cúng Ông Bổn gần như diễn ra trong cả tháng Bảy âm lịch. Trong đó, Vạn Niên Phong Cung với lợi thế nằm ở trung tâm thị trấn, giao thông thủy bộ thuận tiện, đời sống người dân sung túc nên được chọn là lễ hội chính.


Vào ngày diễn ra lễ hội cũng là thời điểm diễn ra nhiều nghi lễ trang trọng và độc đáo như lễ rước Phật, thần ở các đình, chùa vùng phụ cận về Vạn Niên Phong Cung, Thỉnh kinh - diễn lại câu chuyện thỉnh kinh của thầy trò Đường Tam Tạng, lễ khai kinh, Đăng đàn thí thực, cầu quốc thái dân an... Mục đích của lễ hội là báo hiếu và cầu an, thu hút hàng chục nghìn người tham dự, phản ánh nét hỗn dung tín ngưỡng độc đáo của các dân tộc tại trà Vinh là Kinh, Khmer và Hoa. Ngày 26/7 âm lịch có 5 lễ thức chính là lễ Thuyết khoa nghinh cô hồn, lễ Thỉnh thùng bổn mạng, lễ Tế Tiên hiền – Hậu hiền, lễ Cầu siêu, lễ Giương phan. Trong đó, lễ Thuyết khoa nghinh cô hồn được tiến hành vào lúc rạng sáng là lễ thức chính của mùa Vu lan báo hiếu. Lễ Giương phan được tiến hành vào buổi chiều, với hai cây phan được giương cao giữa khuôn viên Vạn Niên Phong cung, hàm ý các cô hồn chưa siêu thoát tề tựu sẽ được che chở của chư Phật và chư Thần Thánh. Ngày 27/7 âm lịch có 2 lễ thức chính là Lễ Cúng ngọ và Lễ Cầu siêu xà mã. Trong hai lễ thức này, chư tăng ni, hòa thượng lập trai đàn, tiếp tục đọc kinh cầu siêu để các cô hồn đói khát vất vưỡng quanh năm được một ngày no đủ, yên tâm nghe kinh mà sớm siêu thăng về miền tịnh độ. Ngày 28/7 âm lịch diễn ra 4 lễ thức chính là Lễ Bái xám – Hoàn kinh – Xá hạc, lễ Thỉnh tượng ngoại đàn, ễ Phóng đăng – Phóng sinh và Lễ Chiêu u cô hồn – Đăng đàn thí thực.

Tín ngưỡng thờ Ông Bổn
của người Hoa Cầu Kè, Trà Vinh khá tương đồng với tín ngưỡng thờ Thần Thành hoàng bổn cảnh của người Việt. Trong bối cảnh tình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Kinh – Khmer – Hoa Cầu Kè luôn được đặt lên hàng đầu thì tín ngưỡng thờ Ông Bổn và lễ hội Cúng Ông Bổn đã có sự giao lưu, tiếp biến một cách hài hòa nhiều sắc thái tín ngưỡng – tôn giáo khác như Phật giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Neakta… Qua lễ hội này, khối đại đoàn kết toàn dân tộc Cầu Kè càng được củng cố, tăng cường. Tín ngưỡng thờ Ông Bổn và Vu lan thắng hội tại Vạn Niên Phong cung là một địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của vùng đất Cầu Kè trong hơn 100 năm qua. Song song với lễ hội này, trên địa bàn Cầu Kè còn nhiều địa chỉ có tiềm năng để hình thành một chuỗi du lịch sinh thái – văn hóa – tâm linh liên hoàn bao gồm Khu Tưởng niệm Anh hùng Nguyễn Thị Út (Út Tịch), cù lao Tân Qui, nhà cổ và khu mộ cổ Huyện hàm Huỳnh Kỳ… cùng nhiều loại trái cây đặc sản như dừa sáp, măng cụt, chôm chôm, chuối táo quạ… đang chờ du khách khám phá, thưởng thức. Đến với Cầu Kè vào dịp này du khách không chỉ được nhìn thấy và hiểu hơn về một lễ hội độc đáo của cộng đồng tôn giáo Vạn Niên Phong Cung mà còn có cơ hội thưởng thức đặc sản nổi tiếng của Trà Vinh như bún nước lèo, dừa sáp, chuối táo quạ, phá lấu của cải...

Lễ vu lan thắng hội
Lễ vu lan thắng hội
Lễ Vu lan thắng hội
Lễ Vu lan thắng hội

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy