Top 8 Lễ hội truyền thống nổi tiếng nhất ở Đông Anh, Hà Nội

Thai Ha Nguyen 7543 1 Báo lỗi

Huyện Đông Anh là một huyện ngoại thành của thành phố Hà Nội. Nơi đây không chỉ nổi tiếng bởi những khu di tích lịch sử nổi tiếng như Đền Cổ Loa hay những nét ... xem thêm...

  1. Cổ Loa là khu di tích lịch sử vô cùng nổi tiếng, thuộc huyện Ðông Anh, ngoại thành Hà Nội. Đây được coi là một vùng thành trì lớn, là một dấu tích vật chất về kiến trúc quân sự và thành cổ cách đây khoảng hơn 2 thiên niên kỷ. Tuy nơi đây là minh chứng cho một câu chuyện buồn về sự mất cảnh giác để nước rơi vào tay giặc, song trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, thành Cổ Loa vẫn luôn là niềm tự hào của người Việt Nam về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

    Hàng năm cứ đến ngày Mồng 6 tháng Giêng, nhân dân Cổ Loa và khách du lịch trên khắp mọi miền Tổ quốc lại trở về đây để dâng hương tưởng niệm vua An Dương Vương, tổ chức trọng thể lễ hội đền Cổ Loa với các cuộc thi và trò chơi dân gian.

    Ngay từ sáng sớm Mùng 6, các chức sắc của tám làng đến nhà ông tiên chỉ của làng Văn Thượng - ngôi làng có đặc quyền soạn thảo văn tế, để rước văn tế. Nơi đây có một cái giá văn dán sẵn bài tế. Tiên chỉ và các chức sắc với áo mũ nghiêm chỉnh đến trước giá văn làm lễ. Đám rước văn gồm có phường bát âm đi đầu, đến các chức sắc và 8 ông tiên chỉ của 8 làng cùng các dân đinh khiêng giá văn tế, kiệu long đình, cờ lọng đi ra đền An Dương Vương tức đền Thượng. Sân đền được bài trí cờ quạt vô cùng rực rỡ cho cuộc tế thần. Ngoài cửa đền, có ngựa hồng, ngựa bạch (bằng gỗ) đứng chầu, còn hai bên đường đi vào đền là các giá gỗ cắm cờ quạt và lộ bộ bát bửu (các đồ thờ cúng làm theo kiểu dáng tám loại vũ khí). Kiệu của tám xã được xếp theo đúng thứ tự quy định. Trước đền đặt một hương án lớn, phía trên để hộp kính đựng đôi hia vàng và các đồ thờ. Trước hương án lớn là một hương án nhỏ hơn trên bày những khí giới của vua Thục như cung, kiếm, tên, nỏ. Tiếp đó trải một hàng chiếu cạp điều để làm chỗ tế thần. Khi đám rước tới, long đình được đặt trước hai hương án, cuộc tế thần được tiến hành trong nền nhạc của phường bát âm. Tiên chỉ làng Văn Thượng là chủ tế. Sau cuộc tế, đến lượt dân làng vào làm lễ. Cuộc lễ kéo dài đến gần trưa hôm ấy mới xong.

    Sau đó chuyển sang cuộc rước thần. Ði đầu là cờ quạt rồi đến long đình cùng các lộ bộ bát bửu. Tiếp theo là phường bát âm và các quan viên đội mũ tế áo thụng, đai hia, tay bưng các vũ khí của nhà vua. Liền sau đó là chức sắc và trai đinh xóm Chùa thuộc làng Cổ Loa khiêng long đình trên có bài vị của nhà vua. Rồi đến chức sắc và dân của các làng khác, mỗi làng rước kiệu của mình, với cờ quạt, phường bát âm riêng. Toàn bộ đám rước rất dài, lại đi rất chậm, đàn sáo tưng bừng, nhộn nhịp.

    Đó là phần lễ, còn phần hội thì kéo dài tới ngày rằm tháng Giêng với nhiều trò vui. Tối ở đình làng có đốt pháo hoa, hát ca trù, hát tuồng. Ban ngày, các cụ ông chơi bài, đánh cờ. Các cụ bà đi lễ đình lễ chùa. Thanh thiếu niên nam nữ có trò chơi: đánh đu, đấu vật, kéo co, leo dây, bắn cung nỏ, cờ người, thổi cơm thi, chọi gà, đánh đáo mẹt... Trong những ngày hội Cổ Loa, nhân dân quanh vùng cùng khách thập phương đến xem thật đông, coi đây là dịp vui xuân có ý nghĩa.

    Thờ: An Dương Vương
    Địa điểm: Xã Cổ Loa
    Thời gian: Từ 4 đến 15 tháng Giêng
    Ngày hội chính: Mùng 6 tháng Giêng

    Hội Cổ Loa
    Khai mạc lễ hội Cổ Loa
    Khai mạc lễ hội Cổ Loa

  2. Đường Yên là một làng cổ của xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, thuộc ngoại thành Hà Nội. Xưa kia làng có tên là Kim Hoa, gọi Nôm là Kim Con, nằm gần với Cổ Loa. Vào ngày Mùng 2 tháng 2 Âm lịch hàng năm, người dân thôn Đường Yên, xã Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội thường tổ chức Lễ hội “kén rể” truyền thống của làng. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ và suy tôn nữ danh tướng Lê Hoa.

    Tương truyền bà ả Lã Lê Hoa, quê gốc ở Phả Lại đã theo Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước. Sau khi thu phục được 65 thành của giặc, Hai Bà Trưng lên làm vua đã phong cho bà Lã Lê Hoa làm tướng mưu thần và điều bà về làm tri phủ huyện Đông Ngàn, bản doanh đóng tại làng Đường Yên. Và ở nơi đây, bà đã mở hội "kén rể", từ đó hội trở thành nét đẹp văn hóa hàng năm của người làng Đường Yên, Xuân Nộn.

    Hội “Kén rể” Đường Yên
    được chuẩn bị rất công phu, khâu chọn người tham gia rất cẩn thận, người đóng mẹ của Thánh tức “Mẫu Bà” phải là người đẹp, song toàn, gia đình gương mẫu… Hai “chàng rể” (chia làm hai phe Bắc và Hậu) và người đóng Đức Thánh Bà (bà Lê Hoa) phải là trai gái thanh lịch chưa có gia đình riêng cùng các vật dụng khác để phục vụ hội. Sáng ngày 2 tháng 2 Âm Lịch, dân làng Đường Yên thức dậy từ sớm, náo nức ra đình dự hội. Sân đình tuy rộng song vẫn nhiều khi không đủ chỗ cho người dự hội. Khi màn vinh quy bái tổ mở đầu, một đoàn người rước kiệu bà Lê Hoa đi từ cổng làng vào sân đình, hai bên có các bô lão trong làng đón “Đức Thánh Bà” xuống kiệu “Đức Thánh Bà” chắp tay trước ngực.

    Lúc này dân làng múa tích “Cởi vú mo”. Người ta truyền rằng khi theo Hai Bà Trưng đánh giặc, Thánh Bà phải dùng mo cau để làm áo giáp giả trai nay không còn giặc dữ phải bỏ mo cau để trở thành con gái đi lấy chồng. Sau đó diễn giải sáu thiên thần nhỏ tuổi và sáu “nàng tiên” ăn mặc đẹp, đeo mặt nạ vào sân. Khi có trống lệnh, các “nàng tiên” cởi mo ở ngực ra, và màn múa diễn ra trong ba lần. Đây được coi là một màn múa mang đặc tính dân gian kết hợp với âm nhạc làm sống động không khí của lễ hội, nó gợi cho người ta hồi tưởng lại về quá khứ và thêm yêu mảnh đất mà tổ tiên ông cha chúng ta đã dày công vun đắp. Màn múa kết thúc, Mẫu Bà có bài vè, lúc này hai chàng rể trong trang phục truyền thống áo the khăn xếp chỉnh tề đi một vòng trước ban giám khảo và dân làng, chắp tay hướng về nơi Mẫu Bà. Sau khi hai chàng rể đã giới thiệu xong về bản thân mình thì hai bên thi tài ứng xử.

    Kể từ ngày xa xưa ông cha ta đã luôn lấy việc nông phu làm trọng, cho nên khi mở hội này đã cho thi cày, thi cấy, kiếm cá vá chài, câu ếch bắt trạch là thú chơi dân gian, đồng thời đây cũng là dạy con cháu ngàn đời siêng năng lao động. Hội thi canh nông của lễ "kén rể" bao gồm các phần như thi cày, thi câu ếch, thi chọc chó, thi bắt trạch trong chum. Hai chàng rể chuẩn bị thi lần lượt từng môn, Ban giám khảo sẽ chấm cho điểm bằng thẻ. Kết thúc mỗi cuộc thi, Ban giám khảo tuyên bố ai giành phần thắng sau đó cộng thêm điểm thẻ chọn người chiến thắng.
    Sau khi đã tìm ra người chiến thắng, dân làng tổ chức múa hát mừng cho đôi trai tài gái sắc đã nên duyên, lễ hội kết thúc để lại vấn vương trong lòng người dự hội bởi cái chất dân gian trữ tình mộc mạc, bởi những khuôn mặt rạng rỡ của những người làm nên chất thơ đậm hồn dân tộc đó.

    Có thể nói rằng Lễ hội Đường Yên là dịp để dân làng và du khách các nơi có dịp ôn lại truyền thống lịch sử, giúp cho các thế hệ nhất là thế hệ trẻ có một tình yêu quê hương đất nước trong sáng. Lễ hội nhắc nhở thế hệ trẻ phải năng rèn luyện sức khỏe, yêu lao động, yêu quê hương xứ sở. Lễ hội cũng khơi một nguồn dòng chảy ngàn đời sức sống của nền văn hóa Việt: luôn giữ gìn bản sắc văn hóa Việt và lưu giữ nét đẹp văn hóa ấy đến muôn đời.

    Thờ: Lê Hoa - tướng của Hai Bà Trưng
    Địa điểm: Thôn Đường Yên, xã Xuân Nộn, Đông Anh
    Thời gian: Mồng 2 tháng 2 Âm Lịch

    Lễ hội "Kén rể" thôn Đường Yên 2016
    Hình ảnh đôi trai tài gái sắc trong lễ hội
    Hình ảnh đôi trai tài gái sắc trong lễ hội "Kén rể"
  3. Vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm, đền Sái (Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội) đều tổ chức lễ rước Vua giả (hay còn gọi là rước vua sống) để tưởng nhớ thần Huyền Thiên Trấn Vũ đã giúp An Dương Vương trừ yêu, xây thành Cổ Loa.

    Theo Lịch sử kể lại, Đền Sái có từ thời nhà Thục An Dương Vương tức là khoảng 2.200 năm trước. Ngôi đền có mối quan hệ mật thiết với thành Cổ Loa và đền Quán Thánh. Vào thời điểm bấy giờ, Thục Vương đang cho đắp thành rộng nghìn trượng hình con ốc nên gọi là Loa Thành để chống trả quân xâm lược Triệu Đà. Tuy nhiên, thành này cứ xây gần xong lại đổ, vua lấy làm lo ngại nên mới cho quân lập đàn khấn trời đất và thần kỳ sông núi. Vua hỏi về nguyên do thành bị đổ, khi đó Rùa vàng hiện lên và nói rõ: Ấy là do tinh khí núi sông vùng này, nấp ở Thất Diệu Sơn có con gà trống trắng sống nghìn năm đã thành tinh đến quấy phá. Thục Vương được thần Kim Quy (Rùa vàng) dẫn lên núi Thất Diệu Sơn trừ diệt gà trắng (Bạch Kê Tinh) nhờ đó mà nửa tháng sau đã xây đắp xong thành.

    Và người đã trừ yêu diệt quái giúp cho An Dương Vương đó chính là Huyền Thiên Trấn Vũ. Theo truyền thuyết, Huyền Thiên Trấn Vũ là thần coi giữ phương Bắc, từng đầu thai làm con vua nước Tinh Lạc (Trung Quốc), lớn lên bỏ ngôi hoàng tử đến tu luyện trong hang ở Vũ Dương liền trong 42 năm, đã giúp người phương Bắc diệt trừ nhiều quỷ dữ, giúp dân đời Chu chiến thắng thần dịch hạch gây bệnh chết người hàng loạt, được Thượng đế phong là Đại Từ, Đại Bi, cuối cùng được phong là Huyền Thiên Trấn Vũ.

    Trong lễ hội rước vua giả Đền Sái, tất cả mọi tình tiết, mọi động tác đều nhằm diễn lại đúng theo tích xưa khi vua về đền bái yết. Vì nét riêng biệt ấy mà lễ hội rước vua giả ở đền Sái là một lễ hội độc đáo, đặc sắc, hiếm có ở nước Việt ta. Những người được dân chúng cử làm vua, ngồi trên ngai vàng trong lễ hội phải mở tiệc chiêu đãi dân làng đến ăn uống. Những năm trước dân làng nơi đây luôn mở hội ăn uống 3 ngày linh đình, nhưng gần đây đã rút ngắn, hội chỉ được làm gọn nhẹ trong ngày.

    Địa điểm: thôn Thụy Lôi (Nhội), xã Thụy Lâm
    Thời Gian (Chính hội): 11/1 Âm lịch

    Lễ hội rước vua giả Đền Sái
    Cảnh rước Vua giả Đền Sái
    Cảnh rước Vua giả Đền Sái
  4. Phường múa rối nước làng Đào Thục nằm ở xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Nơi đây được biết đến là nơi gìn giữ vốn văn hóa cổ truyền, môn nghệ thuật dân gian rối nước suốt gần 300 năm nay. Theo văn bia ghi, tiểu sử ông tổ truyền nghề múa rối nước cho làng Đào Thục chính là ông Nguyễn Đăng Vinh, tự Phúc Thiêm, làm đến chức nội giám ở thời vua Lê Ý Tông (năm 1735-1740). Trong thời gian làm quan "nội giám" trong triều, ông đã tự mình tiếp thu được nghệ thuật rối nước của các phường rối biểu diễn để phục vụ triều đình. Và ngay khi trở về làng, ông đã thành lập một phường và trực tiếp dạy cho những người trong làng nghệ thuật biểu diễn múa rối nước. Từ đó, hàng năm vào ngày 24-2 Âm lịch (ngày mất của ông), dân làng làm lễ dâng hương tưởng nhớ công đức của ông tổ nghề.

    Nghệ thuật biểu diễn rối nước Đào Thục
    khác mọi nơi ở chỗ chỉ sử dụng loại rối máy sào dây, con rối lắc đều và vung vẩy được cả hai tay, dễ dàng sang phải, sang trái, đặc biệt con rối đi vào buồng trò bằng cách quay ngược trở lại. Với hơn 20 tích trò, đó là những vở rối cổ có nguồn gốc từ chính công việc đồng áng của cư dân nông nghiệp nước Việt như cày bừa, cấy lúa, chăn trâu, câu cá...;hay đó là các trò chơi dân gian như đánh đu, múa hát được mùa... hay là diễn lại những điển tích, truyền thuyết cổ của dân tộc như Thạch Sanh đánh Trăn Tinh...

    Đến với rối nước Đào Thục, người xem không chỉ cảm thấy vui vẻ, thư giãn mà còn có dịp được thưởng thức những giai điệu dân ca vô cùng mượt mà, tha thiết của những câu hát giao duyên thắm đượm hồn quê này. Để đáp lại những tình cảm vô cùng chân tình mà khán giả dành cho, phường rối nước Đào thục luôn không ngừng nỗ lực, sáng tạo ra những tiết mục mới lạ, độc đáo làm cho nó trở nên thú vị , đặc sắc và hấp dẫn hơn, để có thể đáp ứng nhu cầu của người xem.

    Tết này hãy thử về Đông Anh xem múa rối dân gian Đào Thục trong khung cảnh yên bình của làng quê ven đô, để cùng giao lưu với các nghệ nhân, thăm đình chùa và mua sắm đồ lưu niệm... để có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp của rối nước nói riêng và các loại hình văn hóa dân gian truyền thống nói chung của dân tộc Việt.

    Địa điểm:
    thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm
    Thời Gian (Chính hội): 13/11 âm lịch - 24/2 âm lịch

    Lễ hội làng Đào Thục
    Nét đẹp rối nước Đào Thục
    Nét đẹp rối nước Đào Thục
  5. Thôn Thụy Hà, xã Bắc Hồng thuộc huyện Đông Anh nằm ở ngoại thành Hà Nội, trước đây còn có tên gọi là O Oa, trước kia thuộc tổng Đông Đô, huyện Kim Hoa, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc. Phía Bắc vùng đất này có con sông Cà Lồ uốn lượn quanh làng. Phía Tây Thụy Hà có dải đất cao, mang hình dáng tựa rồng ôm lấy làng. Đây đó còn có một số gò đống mang tên rất cổ: gò Trống, gò Chiêng, gò Con Qui, gò Vườn Sách, gò Nghiên Bút.


    Lễ hội xuân làng Thụy Hà bao gồm nhiều phần, nhưng chủ yếu được chia ra làm hai phần chính đó là phần Lễ và phần Hội. Trong phần Lễ có lễ rước kiệu mang nhiều dấu ấn đặc sắc, độc đáo, mang nét riêng biệt so với các địa phương khác. Phần Hội có đa dạng các hình thức vui chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, đi cầu trên ao hay các môn mới được tổ chức như bóng đá, bóng chuyền...


    Có thể nói rằng hội làng Thụy Hà vừa là khoảng thời gian người dân thỏa sức đắm mình vào nét đẹp văn hóa của quê hương, dân tộc, vừa là dịp con cháu tưởng nhớ đến công ơn khai ấp, lập làng, đánh giặc cứu dân của tổ tiên. Không chỉ vậy, đây còn là dịp để cộng đồng dân làng Thụy Hà giáo dục về truyền thống quý báu của làng, cũng như tăng thêm tính gắn kết cộng đồng, làng xóm.


    Hội được diễn ra từ ngày 8 đến ngày 13 tháng Giêng (ngày 8 rước ra, 13 rước vào). Sáng mồng 8 có lễ rước kiệu Thánh và các đồ binh khí từ đình ra ngoài đình làng. Ngay sau lễ tế là lễ múa gươm, diễn lại sự tích dân làng cùng quân sĩ của thần Cao Sơn đánh thắng giặc tại chính mảnh đất này. Tiếp đó lại rước kiệu Thánh về đình làm lễ rồi về các nhà thờ họ làm lễ tổ, xong tất cả tập trung ở cổng làng để rước về đình. Đến ngày 13, đoàn tế của làng tế giã đám, hóa mã xin được rước nồi hương của các dòng họ về nhà thờ.


    Địa điểm: Đình và Chùa Tổ Long Tự, thôn Thụy Hà, Bắc Hồng
    Thời gian: Mồng 8/1 đến 13/1 âm lịch.

    Quang cảnh hội làng Thụy Hà
    Lễ rước đám Rậm của hội làng Thụy Hà
    Lễ rước đám Rậm của hội làng Thụy Hà
  6. Hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến xuân sang, người dân Đông Anh lại nô nức chờ đợi hội làng “Anh cả Quậy” tưng bừng diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15 tháng Giêng (Âm lịch) tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.

    Cứ đến ngày mùng 6 tháng Giêng, lễ hội Cổ Loa cùng làng Quậy đều tiến cử một đoàn gồm 12 bô lão ra làm lễ vua. Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, dân làng Cổ Loa phải đợi các cụ làng Quậy đến mới được bắt đầu lễ. Các cụ làng Quậy luôn luôn được tiếp đón ân cần như tình anh em ruột thịt và ngồi chiếu trên vì đã có công nhường đất cho vua xây thành. Sau đó, Hội làng Quậy mới chính thức diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15 tháng Giêng. Lễ hội này thờ ba vị thần: Thủy Hải, Đăng Giang, Khổng Chúng. Ba vị thần này đều là những trai làng theo Hai Bà Trưng đánh đuổi quân xâm lược và hai vị thánh Tam Giang, Đông Hải - những bậc tiền nhân có công với nước.

    Về phần Lễ của Hội làng Quậy thì Lệ làng quy định: Những bậc lão làng từ 60 tuổi trở lên được tham gia phần đón tiếp và tế lễ; những người tuổi 50 phụ trách bồi tế và rước lễ; tuổi 49 phải phục vụ tiếp nước mời trầu các cụ; tuổi 46 chuẩn bị vật phẩm và bố trí mức giải thưởng cho các trò chơi trong lễ hội.

    Về phần Hội, tương truyền ngày xưa các cụ còn tổ chức hội suốt 18 ngày đêm, liên tục từ 12 đến 30 tháng Giêng. Tuy nhiên hiện nay phần Hội đã được rút ngắn lại chỉ diễn ra trong bốn ngày nhằm phục vụ sản xuất dân sinh. Vì thế, đến ngày Hội, người người luôn háo hức, nô nức mong chờ cùng nhau, đua nhau đi trẩy hội.

    Thờ: Thủy Hải, Đăng Giang, Khổng Chúng, Tam Giang và Đông Hải.
    Địa điểm: Thôn Châu Phong; Giao Tác và Đại Vỹ
    Thời gian: 12/1-15/1 âm lịch

    Các nghi thức của Hội làng Quậy
    Hội làng Quậy
    Hội làng Quậy
  7. Xuân Nộn là một làng cổ có lịch sử tạo dựng và phát triển từ rất lâu đời. Làng có tên là làng “Bê”, sau đổi thành Xuân Nộn. Trải qua bao biến cố lịch sử, diện mạo Xuân Nộn ngày một đổi mới song dấu ấn vàng son của quá khứ vẫn in đậm trong tâm khản của người dân Xuân Nộn và các di tích lịch sử văn hóa của làng.


    Ngôi đình làng là nơi diễn ra lễ hội, ngôi đình tọa lạc trên một khu đất rộng, các nếp nhà được qui hoạch tập trung quanh một sân gạch rộng lớn. Là một trong những ngôi đình có niên đại ra đời sớm của nước ta và tồn tại qua mấy trăm năm biến động thăng trầm của lịch sử. Sự trường tồn, sức sống mạnh mẽ của ngôi đình đã khẳng định vai trò lịch sử của nó trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Hội làng Xuân Nộn được diễn ra từ chiều ngày 10/10 dân làng mở cửa đình, buổi chiều các quan viên tế mục dục và tấy uế đồ Thánh. Buổi tối 10/10 tổ chức diễn tuồng, trò. Song điều đáng chú ý là màn tuồng thờ Thánh, đó là việc các nghệ nhân diễn lại tích Thánh được đánh trận và thắng trận trở về vinh qui. Kèn, trống nổi lên một giáo đầu hát thờ thánh với các làn điệu nam bình, nam thương, hát tẩu... Tiếng hát thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên, sau 4-5 làn điệu cả đội tuồng mới ra sân khấu diễn tích, trò. Xuân Nộn là quê hương của các làn điệu tuồng cổ. Nó là nhịp cầu nối giữa văn hóa vật chất và tinh thần của nhân dân.Ngày 11/10 là ngày chính hội diễn ra các hoạt động chính đó là lễ rước kiệu vua Bà, tế Thánh và múa kéo rắn. Đây là dịp ôn lại truyền thống lịch sử, cố kết cộng đồng và giáo dục thể chất, tinh thần thượng võ cho nhân dân địa phương.


    Sáng sớm ngày 11/10 dân làng tổ chức rước vua Bà Ả Lã từ Đền Thiện về đình để dự hội. Điều đặc biệt ở đây là kiệu rước bằng võng điều, người rước là toàn bộ các “nữ quan” được tuyển chọn từ các cô gái trong làng. Màu sắc của cờ, tán, lọng, quần áo khuôn mặt nữ tươi của các cô gái hòa quện trong thiên nhiên tươi đẹp. Người đánh thanh la đi đầu đám rước gọi là “Bà Mèng”. Trên võng kiệu có tượng thánh Mẫu, phủ kín bằng khăn đều thêu Kim tuyến phía trên có quạt, lọng che. Đến đình, các nữ quan rước tượng vào hậu cung để bên cạnh ngai Thánh. Sau khi yên vị “vua Bà” đội tế 1 bài gọi là “tế nghênh vua Bà”. Trước đây lễ hội tổ chức 5 ngày thì ngày 15/10 sau khi rước vua Bà về đền tổ chức kéo rắn và chiều tế giã đám. Ngày nay do điều kiện kinh tế và xã hội lễ hội chỉ tổ chức vào 2 ngày do đó việc tổ chức kéo rắn vào trưa ngày 11/10, buổi tối biểu diễn văn nghệ. Trò kéo rắn được dân làng tổ chức để tưỏng nhớ đến vị thần linh đã giúp thánh Vũ Định phá vòng vây của giặc. Theo truyền thuyết khi Vũ Định bị giặc bao vây ông lập đàn cầu trời khấn phật phù hộ, bỗng nhiên dưới sông xuất hiện một linh thần đầu người mình rắn nguyện xin giúp ông đánh giặc. Quân giặc bạt vía kinh hồn tháo chạy, quân ta toàn thắng.


    Từ đó người dân trang Xuân Nội hàng năm tổ chức kéo rắn để tỏ lòng biết ơn thần nhân. Việc tổ chức kéo rắn phải chuẩn bị rất công phu nhất là khâu chọn người vào đội kéo rắn. Số lượng người là 34 vì xưa kia có 34 trai làng Bè theo Thánh đi đánh giặc. Phải là trai tráng khỏe mạnh, có đạo đức, gia đình nề nếp, độ tuổi thanh niên. “Ông Rắn” bằng người kết lại, xưa kia đóng khố, cởi trần nay mặc quần áo hội chít khăn đỏ, thắt lưng vàng. “Ông đầu rắn” đầu đội khăn đỏ kết lại làm mào, đuôi là người thắt khăn đỏ để dài xuống đất. Công việc chuẩn bị đã xong xuôi. Trống lệnh nổi lên, ông trùm đám đội khăn đỏ vào trong đình cầm trịch trống thúc hiệu. Quân rắn vào đình dâng lễ Thánh, thắp hương sau đó theo tiếng trống hiệu nhảy lên hô lớn để lạy Thánh, 3 lần như vậy. Sau khi lạy Thánh người làm đầu rắn cầm cây bông múa tế thánh bằng những động tác tuồng uyển chuyển nhưng dứt khoát mạnh mẽ thể hiện sức mạnh của thần linh. Khi múa tế Thánh kết thúc thì cũng là lúc múa kéo rắn bắt đầu lần lwotj các khúc rắn được kết với nhau bằng cách: người sau nắm chặt vào thắt lưng người trước, cứ như vậy cho đến người làm đuôi rắn. Ông trùm đám dẫn đường, rắn luồn qua các cột trụ trong đình vòng vào hậu cung rồi lại luồn qua tất cả các cột đình. Trống khẩu dẫn đường đến đâu thì rắn theo tới đó, rắn vòng 3 vòng quanh đình rồi vào sân đình trình diễn hoa văn theo lối hoa đồng tiền trông thật đẹp mắt, hấp dẫn. Trình diễn múa kéo rắn trong sự cổ vũ reo hò của nhân dân cùng tiếng trống kèn tấu lên, tạo một không khí rộn rã xốn xang lòng người dự hội. Màn trình diễn “hoa đồng tiền” đã xong đến lúc “rắn” về biển, đoàn rắn ra ao trước cửa đình để “biến mất”.


    Người tham gia kéo rắn nhảy xuống ao lặn hoặc bơi sang bờ bên kia. Hội kéo rắn được coi là thành công khi sự liên kết của các khúc rắn không bị đứt, bị lỗi, mặc dù phải biểu diễn trong khoảng 30 phút. Hội kéo rắn là một trò chơi dân gian thể thao nhằm nâng cao thể lực, nhớ ơn thần linh, biết ơn các anh hùng thời tiền sử đã có công dựng nước và giữ nước.Buối tối 11/10 dân làng tổ chức văn nghệ hát tuồng, hát ca trù và ngày nay biểu diễn nghệ thuật quần chúng. Xưa kia các cụ tổ chức đốt cây bông rất công phu và có ý nghĩa. Cây bông làm bằng các ống nứa trong đó đựng câu đối, thơ, các con giống bằng giấy. Khi đốt cây bông từ trong các ống nứa bay ra các con giống, câu đối, thơ, ai “cướp” được vật gì coi như là được “lộc thánh”. Đây là một loại hình trò chơi dân gian quí cần được khôi phục và bảo tồn. Nó là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quí của huyện Đông Anh và Hà Nội.


    Đình Xuân Nộn và lễ hội “rước vua Bà”, “đốt cây bông”, “múa rắn”, “tuồng tế Thánh” có giá trị đặc biệt trong đời sống văn hóa xã hội. Đến với lễ hội Xuân Nộn ai nấy đều hồ hởi phấn khởi bởi ở đó tình cảm của con người Xuân Nộn thật chân thành cởi mở, một không gian hội đậm đà vùng văn hóa Kinh Bắc.


    Thờ: Ả Lã Tuê Tịnh phu nhân, Vũ Định Đại Vương và Thiên Lôi Tôn Thần, Trương Hống, Trương Hát
    Địa điểm:
    Thôn Xuân Nộn, xã Xuân Nộn
    Thời gian:
    10 - 15/10 âm lịch
    Chính hội:
    11/10 âm lịch
    Đặc điểm:
    Rước kiệu vua bà, Múa rắn

      Hội làng Xuân Nộn
      Hội làng Xuân Nộn
      Hội làng Xuân Nộn
      Hội làng Xuân Nộn
    • Làng Xuân Trạch có tên gọi khác là Canh trầm vốn là ngôi làng cổ có từ lâu đời. Lịch sử ghi lại trong “Xạ thần bi ký” và “Vương phả cổ lục”, các bản sắc phong từ thời Vua Lê Cảnh Hưng 44 đến Vua Nguyễn ghi nhận công trạng của Thần Hoàng làng Xạ thần quốc Cao Minh sơn và Thánh Mẫu của ngài, điều đó được thể hiện trong 11 đạo sắc được các triều Vua phong ca ngợi công Đức của bà.


      Trong lễ hội có diễn ra lễ rước nước cầu mong cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, dân làng có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đây cũng là lễ hội có giá trị lịch sử sâu sắc bởi nó chứa đựng những minh chứng về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, đồng thời là môi trường bảo tồn, giáo dục và lưu truyền văn hoá truyền thống, là biểu tượng của sự đoàn kết cộng đồng và biểu dương sức mạnh tập thể của nhân dân, đồng thời nhắc nhở con cháu về truyền thống uống nước nhớ nguồn, ghi khắc công ơn những người có công với dân, với làng, với nước.

      Thờ:
      Cao Minh Sơn Xạ Thần Quốc
      Địa điểm:
      Thôn Xuân Trạch, xã Xuân Canh
      Thời gian:
      Chính hội 10/03 âm lịch (8-13/3 âm lịch).
      Đặc điểm:
      Rước nước
      Hội làng Xuân Trạch
      Hội làng Xuân Trạch
      Hội làng Xuân Trạch
      Hội làng Xuân Trạch




    Công Ty cổ Phần Toplist
    Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
    Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
    Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
    Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy