Lễ thành hôn
Trước kia, danh từ này dành để chỉ buổi tiệc đãi khách chung ở nhà hàng, khách sạn của cả hai gia đình, chỉ việc tác thành cho đôi uyên ương. Thông thường, từ “Thành hôn” được in trên thiệp cưới của cả gia đình cô dâu và chú rể. Nhưng hiện nay, danh từ này được sử dụng phổ biến ở miền Bắc, tại gia đình nhà trai để chỉ việc đón dâu.
Đây là lễ cưới của cô dâu – chú rể sau khi chú rể rước dâu từ nhà gái và quay trở lại nhà mình. Lễ thành hôn được xem là một hình thức xin phép và thông báo với tổ tiên, họ hàng hai bên cũng như các vị quan khách quý rằng gia đình đã có thêm một nàng dâu, một chàng rể mới, dưới sự chứng kiến của tất cả mọi người.
Nghi thức có phần đơn giản hơn lễ vu quy ở nhà gái bao gồm: lên đèn bàn gia tiên, cô dâu chào bố mẹ chồng cũng như họ hàng và mời trà. Đối với lễ thành hôn thông thường bao gồm lễ gia tiên kết hợp cùng lễ tân hôn. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, hoặc đối với những gia đình không mời đông các vị quan khách đến dự, lễ thành hôn và lễ vu quy sẽ được thay thế bằng lễ hợp hôn. Nghĩa là cả hai bên nhà trai và nhà gái tổ chức chung một lễ cưới, lễ hợp hôn này cũng được gói gọn trong nghi thức thành hôn của cô dâu chú rể.