Lợi nhuận tốt
Để có thể hiểu một cách bình dân là như thế này:
- Nếu bạn bán một sản phẩm cho nhiều người, mỗi người bạn lấy lãi một chút, đó là lợi nhuận tốt
- Nếu bạn bán một sản phẩm cho ít người, mỗi người bạn lấy lãi cao, đó là lợi nhuận xấu
Mặc dù trong cả 2 trường hợp, xét về góc độ kinh doanh, 2 người bán có thể thu về 1 khoản lợi nhuận như nhau, nhưng rõ ràng sự hài lòng của khách hàng là khác nhau. Trong trường hợp lợi nhuận xấu, để bán được hàng giá cao, người bán đã phải lấy một phần lớn doanh thu để trả cho chi phí bán hàng, chi phí marketing và quảng cáo. Thực tế, không khách hàng nào muốn mua 1 sản phẩm giá cao hơn nhiều so với giá trị thực của nó. Khách hàng sẽ không vui nếu biết rằng 30-50% giá của món hàng là để trả cho quá trình món hàng đến được tay họ.
Đến đây chắc các bạn cũng thấy, mô hình lợi nhuận xấu chính là mô hình đã tung hoành trên Facebook nhiều năm vừa qua. Người bán nhập hàng độc lạ (hay còn gọi là hàng trend) với giá rẻ, rồi nhân 5-10 lần lên thành giá bán. Phần lớn chi phí không phải nằm ở giá vốn nhập hàng, mà nằm ở chi phí quảng cáo. Mô hình lợi nhuận xấu không phải xuất phát từ cái tâm của người bán, ở đây chúng ta không hề bàn về đạo đức. Lợi nhuận xấu xuất hiện khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng. Giả sử có cách nào đó, để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận khách hàng, thậm chí là khách hàng tự tìm kiếm doanh nghiệp; đồng thời chi phí bán hàng và Marketing kéo về rất rất thấp, chỉ một vài phần trăm. Liệu cách đó có tồn tại?
Câu trả lời luôn là có, đó chính là mô hình hoạt động của các sàn TMĐT. Với mô hình sàn, doanh nghiệp không cạnh tranh nhau bằng quảng cáo. Doanh nghiệp cạnh tranh bằng giá, chất lượng sản phẩm, khả năng chăm sóc khách hàng. Doanh nghiệp chỉ lãi được chục nghìn trên 1 đơn hàng, nhưng mỗi ngày có thể bán được hàng nghìn đơn. Toàn bộ chi phí bán hàng/giao vận được tối ưu nhờ quy mô lớn. Khách hàng mua trên sàn sẽ được lợi vì mức giá vô cùng sát với giá trị thật của sản phẩm. Đó là lợi nhuận tốt.