Louis Braille
Phát minh ra bảng hệ thống chữ nổi khi chỉ mới 15 tuổi, Braille được vinh danh là “Người đem ánh sáng cho thế giới bóng tối”. Phát minh của ông được ví như một cuộc cách mạng làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của những người khiếm thị trên thế giới.
Khi còn nhỏ, Braille mắc phải một tai nạn khiến mắt bị mù. Sau khi tới Paris học tại trường cho người khiếm thị, cậu bé nhận ra rằng tại đây có một hệ thống sách gồm những từ được dập nổi cho phép học sinh dùng tay để "đọc".
Braille quyết định sẽ dùng các chấm nổi để tạo ra một hệ thống chữ nổi cho người mù vẫn được sử dụng khắp nơi trên thế giới đến nay. Và phát mình đó là vào năm ông 15 tuổi.
Năm 1828, Braille làm trợ giảng rồi sau đó được bổ nhiệm làm giáo viên thực thụ của trường mà ông theo học. Ông dạy nhiều môn như: Văn phạm, Lịch sử, Địa lý, Đại số, Hình học, Nhạc…
Năm 1829, ông đã xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình mà ngày nay vẫn còn được dùng làm sách chính thức trong các trường, có tựa đề “Phương pháp viết chữ, nhạc, và các bài hát đơn giản bằng dấu chấm, để người mù sử dụng và được thiết kế cho họ, của Louis Braille, giáo viên tại Học viện Hoàng gia dành cho Thanh thiếu niên mù”.
Năm 1830, ông bắt đầu có những triệu chứng của bệnh lao phổi. Đến năm 1840, ông chỉ còn dạy nhạc. Louis Braille qua đời vào ngày 06/01/1852, khi mới 43 tuổi.
Năm 1895, phát minh của ông đã được thế giới thừa nhận là một phương tiện không thể thay thế trong lĩnh vực giáo dục người khiếm thị. Chữ Braille được du nhập vào nước ta và được Việt hóa từ năm 1898.