Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài
Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài là một truyền thuyết Trung Quốc về chuyện tình đẹp nhưng đầy bi kịch của một đôi trai gái, Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài hay còn được viết tắt là Lương Chúc, từ tên gọi của hai người mà truyền thuyết này được biết đến trong tiếng Trung là 梁山伯與祝英台. Truyền thuyết Trung Hoa này thường được so sánh với câu chuyện tình yêu Romeo và Juliet của nước Anh. Sáu thành phố tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã cộng tác từ năm 2004 để chính thức đề nghị UNESCO công nhận truyền thuyết này là Di sản văn hoá phi vật thể thế giới, với dự kiến đệ trình năm 2006 thông qua Bộ văn hóa Trung Quốc.
Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài là thiên tình sử được coi là nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa. Trong truyền thuyết Trung Hoa, chuyện tình Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài xảy ra vào thời Đông Tấn (317 - 420). Thời ấy, Chúc Anh Đài là một thiếu nữ thông minh quê ở Chiết Giang. Vì yêu thích thơ văn nên cô đã cải trang thành con trai để đi học tại trường Nghi Sơn, Hàng Châu. Trên đường đi, cô quen Lương Sơn Bá một thư sinh học cùng trường. Học cùng nhau 3 năm, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài vô cùng thân thiết. Về phần mình, Lương Sơn Bá chẳng hề hay biết người huynh đệ kết nghĩa lại chính là một cô gái. Còn Chúc Anh Đài, thời gian bên nhau khiến cô đem lòng yêu Sơn Bá. Khi rời trường, cô còn hứa sẽ thu xếp để chàng cưới em gái mình (thực chất là ý nói cô). Lương Sơn Bá sau đó tới nhà Chúc Anh Đài đã phát hiện ra giới tính thật sự của người huynh đệ. Hai người từ đó yêu nhau say đắm, nguyện sống chết cùng nhau. Trớ trêu thay, cha mẹ Chúc Anh Đài đã hứa gả cô cho Mã Văn Tài một thiếu gia giàu có. Âu sầu vì duyên tình ngang trái, Lương Sơn Bá lâm bệnh và qua đời khi đang làm quan tri huyện. Câu chuyện kết thúc vào ngày cưới của Chúc Anh Đài khi đoàn rước dâu đi ngang qua mộ Lương Sơn Bá. Khi ấy, một trận cuồng phong nổi lên, Chúc Anh Đài lúc đó đang cúng tế mộ người tình đã khuất bỗng thấy nắp mộ mở ra. Nàng chẳng hề đắn đo suy nghĩ mà đi thẳng vào và biến mất. Người đời sau kể lại, từ phần mộ của Lương Sơn Bá, một đôi bướm quấn quýt bên nhau bay ra có lẽ cũng chính là hóa thân của đôi tình nhân sẽ mãi ở bên nhau trong kiếp uyên ương hồ điệp.
Ghi chép sớm nhất về truyền thuyết này có vào cuối thời nhà Đường. Trong Tuyên thất chí, tác giả Trương Độc vào khoảng những năm 850–880 có viết: “Anh Đài, con gái nhà họ Chúc ở Thượng Ngu, cải trang thành nam tử, cùng học với Lương Sơn Bá đến từ Cối Kê. Sơn Bá không biết Anh Đài là gái nên xem Anh Đài là bạn thân, hai ngươi cùng ở cùng phòng với nhau. Tự hiệu của Sơn Bá là Xử Nhân. Chúc Anh Đài quay về nhà trước. Hai năm sau, Lương Sơn Bá đến thăm nhà nàng, chỉ khi đó mới biết nàng là gái, vì thế cảm thấy buồn bã như mất đi điều thuộc về mình. Lương Sơn Bá muốn cầu hôn với cha mẹ Chúc Anh Đài, nhưng gia đình nàng đã đồng ý gả nàng cho con trai nhà họ Mã. Sơn Bá nhậm chức huyện lệnh tại huyện Ngân, sau đó chết tại nhiệm sở và được chôn cất tại phía tây thành Mậu. Khi Chúc Anh Đài được hộ tống đến nhà họ Mã bằng đường thủy thì thuyền cứ dừng lại trước mộ, không thể di chuyển được vì gió to và sóng cả. Sau khi biết rằng đó là mộ của Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài lên bờ kêu gào khóc thương, đất bỗng tự mở ra; Chúc Anh Đài vì thế cũng được chôn cất trong mộ. Tạ An, khi đó là thừa tướng nhà Tấn, tấu biểu cho đề lên mộ câu "Nghĩa phụ trủng" .