Mâm ngũ quả
Điểm khác biệt quan trọng nhất trong mâm ngũ quả giữa hai miền nằm ở nải chuối và một số loại trái cây được coi là có tên mang ý nghĩa xấu theo quan niệm của người miền Nam.
- Miền Bắc: Mâm ngũ quả của người miền Bắc thường bao gồm: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt hay chuối, ớt, bưởi, quất, lê. Có thể thay thế bằng cam, táo, lê, lê-ki-ma (trái trứng gà),... Nải chuối xanh cong lên ôm lấy trái bưởi thể hiện ý nghĩa đùm bọc. Về cơ bản, có thể nói người miền Bắc không có quy định khắt khe về mâm ngũ quả và hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày được, miễn là nhiều màu sắc.
- Miền Nam: Mâm ngũ quả của người miền Nam thường bao gồm: mãng cầu xiêm, dừa (hay dưa), đu đủ, xoài, sung, với ngụ ý "cầu sung (túc) vừa đủ xài". Đôi khi thêm trái dứa (người Nam gọi là "thơm") và thường sẽ phải có thêm một cặp dưa hấu được bày riêng bên cạnh. Khác với người Bắc là người miền Nam thường kiêng kỵ chưng trái có tên mang ý nghĩa xấu nên mâm trái cây của họ không có chuối (vì tiếng chuối đọc như "chúi nhủi", với ngụ ý thất bại), cam ("cam chịu"), lê ("lê lết"), táo (người Nam gọi là "bom"), lựu ("lựu đạn") và họ cũng kiêng kỵ bày sầu riêng, mặc dù người miền Nam đa số rất thích ăn trái sầu riêng. Ngoài ra, họ cũng không chọn trái có vị đắng, cay.