Mẹ Văn Thị Thừa
Mẹ Văn Thị Thừa (sinh năm 1915, ở xã Duy An, nay là Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) là một trong số ít mẹ Việt Nam anh hùng được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Năm 1967, mẹ Thừa cùng lúc phải gánh chịu 3 cái tang, chồng (Nguyễn Thừa) và 2 con trai (Nguyễn Thứ, Nguyễn Y) đã ngã xuống trong trận chiến ác liệt tại địa bàn lân cận thuộc H.Quế Sơn. Chỉ 1 năm sau, đến lượt 2 con trai Nguyễn Nuôi và Nguyễn Yên cũng hy sinh. Cuối đời, mẹ chỉ còn một cháu gái phụng dưỡng.
Hồi đó, nhà mẹ Thừa ở sát cánh đồng, gần bờ sông (Phước Mỹ 3, Nam Phước ngày nay), nơi ẩn nấp và di chuyển của nhiều bộ đội trong và sau chiến dịch Mậu Thân (1968). Để cảnh báo có địch càn quét, lùng sục, mẹ Thừa đã nghĩ ra cách dùng hương đốt lên để làm ám hiệu. Những đêm đông quân địch vào làng, bà liền dùng một nắm hương lớn đem đốt rồi cắm vào lư hương này. Bà ngầm quy ước, nếu giặc đi ít thì sẽ thắp ít hương, không thắp hương là lúc an toàn. Nhờ đó, rất nhiều đoàn cán bộ, du kích thoát hiểm, tránh va chạm với quân địch những lúc không cần thiết.